Trong kinh doanh nói riêng hay trong sự nghiệp thăng tiến nói chung, công việc làm lãnh đạo là một hành trình đầy thăng trầm và mạo hiểm nhưng cũng đem đến cho bạn nhiều phấn khích. Là người dẫn dắt một tập thể, bạn sẽ rất dễ bị chi phối cảm xúc bởi nhiều yếu tố từ kết quả công việc đến hoạt động của đội ngũ khiến bạn khó kiềm chế trạng thái của mình.
Hãy nhớ rằng bạn sẽ rất dễ nóng giận, đặc biệt khi bạn đang đảm nhận vai trò là cấp trên của ai đó. Vị trí lãnh đạo thường khiến chúng ta có xu hướng cho phép bản thân la mắng cấp dưới và sử dụng các biện pháp hà khắc với họ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng những điều này hoàn toàn không hề có lợi cho một người lãnh đạo đang trên đường vươn tới thành công?
Điều gì làm nên sự nóng giận khi là lãnh đạo?
Nóng giận sẽ khiến bạn mất kiểm soát. Khi mất kiểm soát, bạn dễ dàng làm hoặc nói những điều mà rồi bạn sẽ hối tiếc. Nóng giận có nhiều nguyên do, nhưng hầu hết những người lãnh đạo thường lâm vào tình cảnh này khi họ cảm thấy bị đe dọa, thất vọng, bị tấn công và xúc phạm.
*Cảm giác bất an
Bạn có cảm thấy những nhân viên cấp dưới là mối đe dọa đối với bạn không? Sự bất an có thể đến từ một trong số các nhân viên đó và cũng có thể là từ những người khác như các nhà đầu tư hoặc khách hàng với những vấn đề tập trung vào giao tiếp hơn là công việc.
Cần nhớ nếu trong lòng bạn có sự bất an, sẽ không có ích gì khi bạn thể hiện điều đó cho nhân viên biết. Nó chỉ khiến cho mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn vì cảm giác đó chủ yếu là vấn đề cảm xúc xuất phát từ cá nhân bạn chứ không phải vấn đề của các nhân viên.
*Cảm giác thất vọng
Đã dấn thân vào con đường kinh doanh là bạn phải sẵn sàng chấp nhận có thể có lúc nào đó bạn rơi vào cảm giác bị “vỡ mộng”. Kinh doanh là một hành trình dài khó đoán, và theo đó bạn sẽ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau mỗi ngày. Những lúc khó khăn ập đến, áp lực càng trở nên dữ dội. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ bạn đang là một người lãnh đạo, bạn cần kiềm chế được nỗi thất vọng của mình thay vì “giải tỏa” nó ra với đội ngũ nhân viên của mình.
*Cảm giác bất lực
Chúng ta không thể kiểm soát được mọi thứ đang diễn ra trên hành tinh này. Ngay cả đối với một người chủ doanh nghiệp, đôi khi bạn cũng sẽ cảm thấy bất lực khi phải xử lý nhiều vấn đề khác nhau trong công việc. Rõ ràng một doanh nghiệp sẽ không thể làm được gì nếu không có sự vận hành của con người, vì vậy thay vì cố sức kiểm soát nhân viên, bạn hãy tạo ảnh hưởng đến họ đúng với vai trò đầu tàu. Đừng nghĩ rằng bạn đang bất lực trong một vấn đề nào đó mà hãy chấp nhận rằng bạn không thể làm tốt hết mọi thứ. Điều tốt nhất mà bạn nên làm là hãy thể hiện thật tốt kỹ năng lãnh đạo bằng cách hỗ trợ nhân viên của mình khắc phục vấn đề.
*Cảm giác bị xâm phạm
Vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là một quy luật trong kinh doanh, nhưng khi điều đó xảy ra nhiều chủ doanh nghiệp thường có cảm giác như họ đang bị “tấn công” hay bị xâm phạm. Tuy nhiên, cạnh tranh lại rất cần thiết góp phần thúc đẩy cho cả doanh nghiệp của bạn phát triển và thành công. Thay vì nóng giận, bạn có thể biến nó thành động lực để phấn đấu nhiều hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Hãy chứng tỏ cho nhân viên thấy rằng không gì có thể hạ gục được bạn, chỉ cần cả tập thể luôn đoàn kết.
___________________*
“Tư duy của người lãnh đạo là không bao giờ có chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực.”
*_____________________________________
Làm chủ cơn nóng giận để dẫn dắt một cách thuyết phục
Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bạn đừng mong có được một nhân viên xuất sắc trong khi luôn muốn “vùi dập” họ bằng những cơn nóng giận thiếu kiểm soát của mình. Bạn không thể thúc đẩy cấp dưới làm việc hiệu quả hơn bằng cách cau có, la mắng làm cho họ căng thẳng và sợ hãi. Lãnh đạo không bao giờ được đồng hành với nóng giận và những người dẫn đầu không nên dùng sự nóng giận để có được những gì mình muốn. Vậy, làm thế nào để phát huy uy thế của người lãnh đạo mà không sử dụng sự nóng giận làm vũ khí?
1 Hãy cứ nóng giận nhưng phải từ từ!
Một số nhà kinh doanh có thể sử dụng sự nóng giận chỉ vì muốn thể hiện quyền lực. Đối với họ chỉ có quyền lực mới khiến nhân viên sợ hãi và tôn trọng. Nhưng thật không may, sự nóng giận đã được nhiều doanh nhân thành công chứng minh rằng nó không hề hiệu quả và cũng không hữu ích bao giờ. La hét hay mắng mỏ ai đó có thể làm dịu đi cơn nóng giận của chính bạn, nhưng sẽ tạo ra môi trường làm việc không lành mạnh và ảnh hưởng đến cách nhìn của người khác dành cho bạn. Hãy mở rộng lòng mình, kiên nhẫn thêm một chút, cơn giận sẽ tự khắc qua đi cho dù nhanh hay chậm. Mặc dù thỉnh thoảng bạn vẫn có quyền căng thẳng một chút nhưng hãy nhớ đừng để nó trở thành cơn thịnh nộ.
___________________*
“Lãnh đạo luôn phải mang theo bên mình sự kiên nhẫn.”
*_____________________________________
2 Đừng là một nhà lãnh đạo tự phụ, thụ động và hung hăng!
Không có người lãnh đạo nào có thể gọi là hoàn hảo trên thế giới này. Các nhà lãnh đạo cũng là con người, và không có con người nào là hoàn hảo. Nhưng một người dẫn đầu mà không nói ra được suy nghĩ của mình là một sự thất bại, không chỉ cho chính họ mà cho cả tập thể đi cùng. Các nhà lãnh đạo thụ động sẽ dẫn dắt kém hiệu quả hơn những nhà lãnh đạo có tinh thần tích cực. Đừng sợ sai, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Đừng giả vờ, hãy thể hiện những gì bạn cảm thấy, nhưng nhớ học cách kiểm soát cơn nóng giận đó.
3 Luôn luôn biết lắng nghe mọi vấn đề!
Dẫn dắt một tập thể đôi khi khiến bạn rơi vào những tình huống ngoài tầm kiểm soát dẫn đến sự thất vọng và nóng giận. Đó là một phần tất yếu của việc điều hành một doanh nghiệp bạn cần phải trải qua. Việc của người lãnh đạo là giải quyết tất cả những rắc rối đó, ổn thỏa mọi mối quan hệ với khách hàng, với nhân viên hoặc với đối tác của mình. Lãnh đạo luôn phải mang theo bên mình sự kiên nhẫn, nhất là khi giải quyết những vấn đề liên quan đến các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Để nóng giận thì rất dễ, điều quan trọng là phải biết lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của đôi bên để tránh xung đột.
___________________*
“Đừng sợ sai, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Đừng giả vờ, hãy thể hiện những gì bạn cảm thấy, nhưng nhớ học cách kiểm soát nó.”
*_____________________________________
4 Ghi nhớ sâu sắc về tầm nhìn và mục tiêu của chính mình!
Bạn phải đặt tầm nhìn và mục tiêu của chính bản thân mình là ưu tiên hàng đầu. Bạn muốn làm gì cho doanh nghiệp, cho mọi người và cho chính mình? Một khi bạn có thể thiết lập mục tiêu và ý định của mình, hãy truyền đạt một cách có hiệu quả cho đội ngũ và những cộng sự để đạt được chúng. Giữ một tâm thế luôn bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn, đừng chọn nóng giận. Luôn suy nghĩ thật kĩ trước khi bạn nói hoặc làm điều gì đó.
5 Không bao giờ suy nghĩ tiêu cực!
Tư duy của người lãnh đạo là không bao giờ có chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Hãy luôn hướng đến những điều thật tốt đẹp. Khi nhìn thấy doanh nghiệp và mọi thứ đi đúng hướng bạn mong đợi, bạn có thể khẳng định mình đã thành công. Vì vậy hãy nói chuyện với nhân viên của bạn theo cách thức tích cực nhất để khuyến khích họ cũng thành công cùng với doanh nghiệp.
***
Sự nóng giận không phải là bạn đường của người lãnh đạo trên hành trình lèo lái doanh nghiệp. Nó cũng không có một vị trí hay vai trò gì trong mọi dấu ấn thành công. Hãy nhớ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo giỏi cũng mắc sai lầm. Điều quan trọng của một người dẫn đầu là luôn lạc quan, truyền cảm hứng tích cực cho nhân viên để cùng nhau đi tiếp, phấn đấu vì mục tiêu chung của tập thể.
Độc giả đang đọc bài viết “Để lãnh đạo thành công, trước tiên cần biết cách kiểm soát cơn nóng giận!” tại chuyên mục Professional của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm: