Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp, chẳng ai muốn bị nhận xét là một người thiếu chuyên nghiệp. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi mình rằng bản thân đã đủ “chuyên nghiệp” để không phải nhận lấy những lời đánh giá ấy? Và bí quyết thành công trong công việc lẫn cuộc sống là gì?
Chúng ta đã nghe nhiều về hai từ “văn minh”, nhưng hẳn thuật ngữ “chuyên nghiệp” vẫn còn mơ hồ với khá nhiều người. Tuy nhiên, hiện tại, khi mọi thông tin nhiễu loạn đến mức cảnh báo và dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, hãy thử một lần nghĩ về thuật ngữ này trong cuộc sống, bên cạnh công việc. Vì sao lại đề cập dịch bệnh này, bởi suy cho cùng, nó chính là một “phép thử” từ trong khó khăn và trở ngại để ta nhìn nhận lại mọi thứ trong cuộc đời này với nhiều tình huống xảy ra khác nhau. Và rồi bằng một cách gián tiếp ở thời điểm nhạy cảm này, mỗi người sẽ có thể tự vấn lại rằng bản thân đã thực sự là một cá nhân chuyên nghiệp trong suy nghĩ, hành xử đúng mực và đưa bản thân vào lề lối để có trách nhiệm với chính mình, người thân và xã hội hay chưa?
Đừng cố tình “thiếu chuyên nghiệp” để thỏa mãn cái tôi
Bạn sẽ chẳng biết được ngày mai mình gặp ai và người nào trong số họ sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi sự chuyên nghiệp hay thiếu chuyên nghiệp từ bạn. Nhưng sự thiếu chuyên nghiệp đôi khi không phải đến từ việc trải nghiệm chưa đủ nhiều, mà do sự cố tình trong tiềm thức dù biết điều ta làm không đúng đắn.
Vì sao cuộc sống đôi lúc vẫn xuất hiện lối suy nghĩ và ứng xử tiêu cực này? Mọi người luôn cố đem mọi thứ lên bàn cân và hy vọng tất cả đều cân bằng, nên khó tránh cảm giác không muốn chịu thua hay rơi vào tình thế bất lợi. Nhưng bạn có biết rằng, bí quyết thành công là khi bạn có thể thể hiện sự chuyên nghiệp khi kiên nhẫn để tiếp tục dù phải đối diện với đầy rẫy toan tính. Một trái tim trong sáng thì dù hiện diện ở một vũng bùn, nó cũng sẽ không bị vấy bẩn. Kiên nhẫn không chỉ là cách bạn trở thành kẻ thi đua với thời gian để chờ đợi một thứ gì đó, mà nó còn là việc bạn không ngừng hướng tới chân-thiện-mỹ ngay cả khi bạn chưa nhìn thấy kết quả và mong đợi một hồi đáp đẹp đẽ. Bạn đã có lúc muốn dừng lại, bạn cũng mệt mỏi và lo lắng chứ. Nhưng sau tất cả, nếu bạn vẫn còn kiên nhẫn, đó là khi bạn còn đủ tin tưởng vào những gì mình làm sẽ giúp bạn được phát triển và tạo nên giá trị để lấp đầy vốn sống cho bản thân. Kiến thức là nền tảng, nhưng nó luôn cần “sự hợp tác” của thái độ để điều chỉnh mọi thứ hướng đến cuộc sống bạn mong đợi. Trong mọi bí quyết thành công, chúng ta chấp nhận tiến tới, nhưng đôi khi cũng phải chấp nhận lùi bước. Và một bước lùi này là lúc bạn dừng lại và nghỉ ngơi khi mệt mỏi, òa khóc khi không thể nín nhịn, rồi cuối cùng lại an tĩnh đứng lên và tràn trề hy vọng.
Và hy vọng đó còn phải cộng hưởng khi bạn cảm thấy hài lòng với cuộc sống khi biết cách chuyên nghiệp hóa mọi vấn đề bạn gặp phải. Nếu tính chuyên nghiệp là đặc điểm mà các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm trong các cuộc phỏng vấn, thì tính chuyên nghiệp cũng chính là tinh thần mà mọi người đều muốn nhìn thấy ở một cá nhân mà họ tiếp xúc trong đời sống. Hãy quan tâm đến người khác theo cách bạn mong đợi người khác quan tâm đến bạn. Thật ra, mọi cảm giác để hướng đến sự hạnh phúc và an yên trong tâm trí là do bạn đã thực hành nhiều lần sự bao dung và chấp nhận mọi thứ xảy đến trong cuộc đời. Và chuyên nghiệp cũng sẽ được hình thành dựa trên những trải nghiệm sống bạn có được trong thời gian trưởng thành theo năm tháng. Hãy từ bỏ những suy nghĩ nhỏ nhen, cố chấp, coi thường người khác hay ngạo nghễ cho rằng bản thân đã đủ tốt và hoàn thiện, nhất là khi bạn đang gầy dựng sự nghiệp. Thật sự rất khó để tìm kiếm sự hoàn hảo, nhưng cũng đừng cho rằng khi ai đó khen ngợi thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã là phiên bản tốt nhất của chính mình.
Khám phá vĩ đại nhất là khám phá chính mình
Chúng ta đôi khi nghĩ rằng mình quá nhỏ bé và không thể gánh chịu những nỗi đau, nhưng sự giác ngộ chúng ta có được sau mỗi sự kiện lại một lần nữa cho phép ta nhìn lại mình và có cách hành động phù hợp hơn. Đối diện với một mối quan hệ đổ vỡ, bạn nghĩ gì? Định mệnh đôi khi mang đến cho chúng ta những bất bình, nhưng có lẽ tồi tệ hơn cả những bất bình là ta đã lựa chọn đối diện với sự việc đó một cách tiêu cực. Thật ra, miễn là bạn sẵn sàng đối mặt với cuộc sống một cách nghiêm túc, bất kể những vỡ vụn và tình huống khó xử xảy ra, bạn vẫn có thể dễ dàng tận hưởng cuộc sống và cảm thấy yêu quý bản thân hơn.
Một khi bạn có thể học cách mỉm cười trở lại sau biến cố, tách rời những kỷ niệm tưởng chừng không thể xóa nhòa và sắp xếp lại cuộc sống với những mục tiêu mới, bạn đã thể hiện sự chuyên nghiệp một cách vô cùng trưởng thành. Có lẽ, khái niệm trưởng thành không chỉ phụ thuộc vào việc một người lớn lên và bước ra đời để trải nghiệm, va vấp, mà đó còn là khi bạn biết đứng dậy sau vấp ngã, để rồi nhận ra bản thân lại vượt qua thêm một giới hạn mới.
Tính chuyên nghiệp không chỉ là đặc điểm mà các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm trong các cuộc phỏng vấn, mà cũng chính là tinh thần mà mọi người đều muốn nhìn thấy ở một cá nhân mà họ tiếp xúc trong đời sống.
Cuộc sống đôi khi là kết quả của một chu kỳ, nếu bạn chuyên nghiệp, cuộc sống cũng sẽ “chuyên nghiệp” đối với bạn, bí quyết thành công đôi khi chỉ đơn giản như vậy thôi. Danh tiếng một người gầy dựng được không chỉ dựa trên tài năng, mà chính thái độ chuyên nghiệp của người đó đã trở thành trung tâm trong tính cách để người khác nhìn nhận họ. Mọi người đều sở hữu những tài năng độc đáo, nhưng không phải ai cũng có thể tận dụng tối đa tài năng của mình. Nhưng bằng thái độ sống chuyên nghiệp, bạn có thể duy trì tinh thần tích cực và lạc quan để dễ dàng tìm thấy chìa khóa giải quyết vấn đề, bất kể là nghịch cảnh. Để rồi dù mọi thứ có không như ý, bạn cũng sẽ không cảm thấy quá nặng nề hay đổ lỗi cho bất cứ ai. Bạn khiêm tốn để tập trung tái tạo năng lượng cho bản thân, rồi năng lượng khiêm tốn đó được phản ánh thông qua nội tâm khi bạn không buộc phải cố gắng để trở nên lý tưởng, mà bởi vì không cho phép bản thân bị mắc kẹt với những lối mòn. Bí quyết thành công đến từ những gì được thể hiện một cách chuyên nghiệp dù đó chỉ là một việc nhỏ nhặt hoặc đơn giản.
Chuyên nghiệp còn là khi bạn không sợ thất bại, đủ mạo hiểm để thử những điều mới mẻ và không tự cho mình là trung tâm, dù thực chất có thể hình ảnh của bạn đang là tấm gương cho nhiều người tiến lên. Khi bạn đủ khiêm tốn, hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt mọi người càng có sức thuyết phục. Người chuyên nghiệp chưa bao giờ cố làm “lóa mắt” những người ở địa vị thấp kém hơn họ, họ tôn trọng và cư xử bình đẳng với tất cả mọi người. Đó là sự thanh lịch mà người ta vẫn nói rằng khó có được trong quá trình đeo đuổi sự nghiệp và tìm đến thành công.
Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân
Illustration by Ranganath Krishnamani
Đọc thêm:
Giao tiếp bằng mắt – “Vũ khí” lợi hại giúp kéo gần khoảng cách
Để được là chính mình giữa thế giới phức tạp, đâu là cách đơn giản hóa?