Tăng nhuệ khí cho nhân viên • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Tăng nhuệ khí cho nhân viên

Làm thế nào để giúp nhân viên hào hứng, nhiệt tình hơn với công việc hay nói cách khác tăng nhuệ khí cho nhóm mình quản lý cũng quan trọng không kém việc tăng doanh thu. Khi được lên dây cót tinh thần, không khí làm việc sẽ trôi chảy nhanh và hiệu quả hơn

1Tập trung vào nhân viên thay vì khách hàng

Bạn cứ thúc đẩy nhân viên rằng họ phải chăm sóc khách hàng của mình thật tốt, tuy nhiên có thể bạn chưa nhìn ra để làm được điều đó cần có những nhân viên yêu thích và hào hứng với công việc. Làm thế nào để làm tốt, rất đơn giản ở cấp quản lý bạn hãy làm cho nhân viên của mình cảm thấy hài lòng và hạnh phúc tức là tập trung chăm sóc cho nhân viên chứ không phải chỉ các khách hàng. Một khi nhân viên hài lòng, họ sẽ mang niềm vui ấy truyền sang các khách hàng và dĩ nhiên thái độ phục vụ cũng sẽ tốt hơn. Mỗi công ty đều theo đuổi một phương pháp giúp nhân viên hài lòng khác nhau, nhưng với mức lương thấp, điều kiện làm việc ở mức tối thiểu và một vài quyền lợi không được đảm bảo chính là rào cản mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Vấn đề là, khi khách hàng hài lòng và chọn bạn, bạn sẽ có cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận, uy tín… Vì thế, hãy đi trước một bước bằng cách đầu tư để làm nhân viên hạnh phúc.NDN_TANGNHUEKHI_02

2Khuyến khích nghỉ ngơi

Một số nhà lãnh đạo cho thấy họ mong muốn nhìn thấy nhân viên làm việc liên tục, thậm chí ngay trong giờ ăn trưa để chứng tỏ sự mẫn cán. Tuy nhiên, chính điều này đã gây áp lực lớn cho rất nhiều nhân viên. Vì thực tế, họ không thể nào làm việc liên tục hiệu quả suốt 8 – 10 giờ liền, họ cần sạc lại năng lượng cần thiết và giúp đầu óc không bị trì trệ vì stress. Trong khi đó, cũng có nhiều nhà quản lý khuyến khích nhân viên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi 90 phút làm việc. Kết quả cho thấy, khi được nghỉ ngơi họ có thể tập trung tốt hơn 30% và khả năng suy nghĩ sáng tạo tăng 50%, đồng thời sức khỏe hồi phục tới 46% để đảm bảo công việc so với những người làm việc liên tục.

Mặt khác, khi môi trường làm việc thoải mái, chú trọng vào sức sáng tạo và hiệu quả bằng việc cho họ thư giãn hợp lý sẽ khuyết khích nhân viên gắn bó lâu dài. Đây cũng là cách giúp bạn giảm chi phí thay thế và đào tạo vì dù sao, một nhân viên quen việc và giàu kinh nghiệm xử lý tình huống vẫn tốt hơn hai nhân viên mới không thạo việc dù mức lương thấp hơn người cũ. 

3Thực hành và đào tạo ưu tiên

Nhân viên trở nên thiếu nhiệt tình và ít hài lòng một phần cũng xuất phát từ việc họ có thể làm nhiều việc hơn nhờ sự hỗ trợ từ các thiết bị và công nghệ hiện đại nhưng bạn lại không nhìn thấy điều đó để khuyến khích khi cần thiết. Họ hoàn toàn có thể làm nhiều nhiệm vụ hơn và cảm thấy hứng thú vì được coi trọng thay vì uể oải vì chẳng biết làm gì khi hết việc.

Với những nhân tố có tiềm năng, hãy lập một kế hoạch đào tạo ưu tiên cho họ tập trung vào khả năng mà họ có thể mang lại thành công chắc chắn và sau đó bạn sẽ thấy họ làm được gì. Thông qua đó, những nhân viên khác cũng nhận thấy, nếu họ tập trung và hăng hái hơn, họ cũng có khả năng được ưu ái và hứa hẹn mức lương sẽ được cân nhắc.

Sau quá trình đào tạo, đừng quên trao niềm tin để họ thực hành những gì đã được học, hãy cho họ biết họ hoàn toàn có khả năng thay vì trông chờ sếp đứng ra xử lý giúp. Lúc này, bạn sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn khi cần thiết.NDN_TANGNHUEKHI_01

4Đây là công việc ý nghĩa

Có thể đôi khi bạn quên mất, người lãnh đạo cần truyền lửa và đề cao ý nghĩa mà công ty theo đuổi. Nhân viên sẽ hào hứng và vui vẻ làm việc khi họ biết mình đang tham gia làm một việc đầy ý nghĩa, đồng thời công việc này phù hợp với mục tiêu cá nhân của họ. Cũng có lúc, công việc họ đang làm không hẳn đúng như những gì họ luôn mong đợi, nhưng cấp trên của họ có thể giúp họ suy nghĩ tích cực hơn, chẳng hạn như khi có vị trí hoặc công việc phù hợp hơn sẽ lưu ý thuyên chuyển hoặc cất nhắc họ.

Ngoài ra, bạn cũng nên để nhân viên có quyền chủ động nhiều hơn trong việc lên kế hoạch làm việc cho chính mình, đó là lúc họ ý thức được vai trò, sự đóng góp của bản thân cho mục tiêu chung mà bạn không phải mất thời gian và công sức giải thích tại sao sự đóng góp đó có giá trị đặc biệt.

Giảm sức ép và áp lực

Hầu như rất khó để giảm sức ép cho các nhân viên nhất là khi họ đang phụ trách những dự án quan trọng hoặc những vị trí then chốt vì bạn cũng luôn tạo áp lực cho chính mình. Nhưng, nếu có quá nhiều sức ép, người phụ trách sẽ rất khó hoàn thành nó một cách hoàn hảo, đơn giản vì họ vấp phải sự lo lắng, bất an và luôn bị thúc bách về tiến độ. Chính điều đó đã phân tán họ. Bạn hãy cho họ được quyết định thời hạn, phương thức tiến hành trong mức chấp nhận được và hãy hoàn toàn tin ở họ. Đây cũng là cách bạn kiểm tra, thử thách khả năng của họ. Tuy nhiên, đừng chỉ luôn dựa vào những người mà bạn tin dùng là cánh tay phải của mình, hãy cho những nhân viên tiềm năng khác nhiều hơn các cơ hội phát huy khả năng của họ.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Khi “chính trực” lên tiếng

12 tuyệt chiêu tạo cảm hứng mỗi ngày

Comment