Networking - Chìa khóa thành công "phải-có" của start-up

Bạn sẽ không bao giờ biết những cơ hội bạn khám phá lớn đến đâu nếu bạn không ra ngoài gặp gỡ mọi người và thiết lập mạng lưới quan hệ rộng lớn cho riêng mình.

Trong kinh doanh, đặc biệt khi khởi nghiệp, xây dựng mối quan hệ là điều vô cùng quan trọng vì nó cho phép bạn gặp những người có cùng tham vọng và chí hướng để hợp tác hay phát triển liên doanh. Đó là lý do vì sao networking không chỉ là một hoạt động thú vị mà còn vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân trong suốt chặng đường kinh doanh. Hãy nhớ rằng, cho dù bạn có bao nhiêu tiền bạc, kinh nghiệm hay sự nhiệt tình, có một bài học mà mỗi doanh nhân phải học dù sớm hay muộn đó là: Không ai có thể làm được điều gì đó nếu chỉ có một mình. Những người có tầm nhìn như Jeff Bezos và Elon Musk có thể là người điều hành xuất sắc của thế giới này, nhưng họ không thể hoàn thành ý tưởng của mình nếu không có những người xung quanh. Dưới đây là 3 điều bạn cần nhớ để xây dựng “network” hỗ trợ hiệu quả:

Việc không đáp ứng được nhu cầu thị trường là một vấn đề chung mà nhiều doanh nghiệp startup gặp phải. Một nghiên cứu của CB Insights đã chỉ ra rằng có đến 42% các công ty khởi nghiệp thất bại vì lý do này. Khi phát triển mới một doanh nghiệp hay một hoạt động kinh doanh nào đó, nếu sản phẩm của bạn chưa thật sự đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, bạn sẽ phải đấu tranh gian nan để có khách hàng và tìm kiếm “network” những nhà đầu tư đứng sau hậu thuẫn tài chính cho bạn. Bạn hãy tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất và đưa ra cho các nhà đầu tư kế hoạch giải quyết chi tiết thay vì liệt kê tất cả những vấn đề đang gặp phải.

Điều thuyết phục được họ đồng ý trở thành mạng lưới hỗ trợ tài chính cho bạn chính là việc bạn chứng minh được rằng vấn đề bạn nêu ra thực sự có tồn tại với những số liệu nghiên cứu thị trường đáng tin cậy và bạn đã tìm ra giải pháp cho vấn đề đó một cách cụ thể. Đừng vì khát khao tìm kiếm nguồn tài chính mà cố gắng vạch ra thật nhiều vấn đề cho một giải pháp mà bạn nghĩ rằng những nhà đầu tư sẽ rất quan tâm trong khi bạn không có một bằng chứng nào về điều đó.

Các nhà đầu tư và khách hàng của bạn luôn mong đợi tính xác thực từ các công ty mà họ quyết định hỗ trợ hay quay trở lại mua hàng, và cả hai đều có thể phát hiện ra sự dối trá thậm chí khi họ không có mặt và cách bạn rất xa. Vì vậy, hãy thành thật trong việc theo đuổi sứ mệnh của công ty và bạn sẽ có nhiều khả năng hơn để vươn đến thành công. Bằng chứng ư? Ví dụ như với chiến dịch “Vẻ đẹp đích thực” để trao quyền cho phụ nữ, Dove đã đưa ra những cam kết đích thực và thành quả cho chiến dịch này đã giúp thương hiệu tăng doanh số từ 2,5 tỷ USD lên 4 tỷ USD sau 10 năm. Vì thế, khi bạn cố gắng “bán” ý tưởng hay sản phẩm kinh doanh của mình cho các nhà đầu tư, việc chân thực và rõ ràng trong các thông điệp và nhất quán về điều đó trong tất cả các hoạt động là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp bạn thể hiện niềm đam mê không đổi thay của mình trong quá trình kinh doanh, đồng thời từ đó gây dựng lòng tin, sự yên tâm và tăng cường gắn kết với mạng lưới những người hỗ trợ xung quanh.  

Bên cạnh lòng đam mê, sự khiêm tốn cũng là cách tuyệt vời để thể hiện bản chất thật của bạn. Khi bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi nào đó, hãy tìm cách chống lại sự cám dỗ của việc phải khỏa lấp đi sự không hoàn hảo đó. Hãy thừa nhận rằng có đôi khi bạn không biết mọi thứ, và sự khiêm tốn này có thể giúp bạn tạo dựng niềm tin, cho bạn lý do hoàn hảo để theo đuổi và tìm ra đáp án cho những gì bạn còn thiếu sót. Trong kinh doanh, việc mong muốn trở thành hình mẫu “một người lãnh đạo không mắc sai lầm” đã là một ý nghĩ lỗi thời. Hãy cởi mở về những điểm yếu của bạn để thể hiện sự chân thành, giúp “network” của bạn đồng cảm với bạn hơn, sẵn lòng cùng làm và đồng hành cùng bạn.

Ắt hẳn ai cũng có cho mình những người bạn thân thiết, nhưng nếu đã lâu bạn không nói chuyện với họ, bạn có thể đã bỏ qua một mối quan hệ tốt đẹp với những người hiểu bạn biết đâu cũng có thể sẵn lòng đầu tư vào doanh nghiệp của bạn hoặc đưa tay hỗ trợ bạn trong giai đoạn cam go. Vì vậy, nếu muốn có được những sự hỗ trợ ý nghĩa thực sự, về tài chính hay bất kỳ mặt nào đó, bạn cần tích cực nuôi dưỡng các mối quan hệ. Hãy lên lịch cho các cuộc điện thoại thăm hỏi hàng tuần với những người bạn quen biết, ngay cả với nhân viên hãy mời họ dùng bữa để thể hiện sự quan tâm. Ngoài ra, hãy tìm cho mình những nhà tư vấn chuyên môn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của bạn, tranh thủ hẹn gặp, lắng nghe những gì họ chia sẻ và không bao giờ từ bỏ cơ hội để đáp lại những cử chỉ của họ.

Bên cạnh những mối quan hệ chuyên môn công việc, bạn cũng cần nuôi dưỡng thêm các mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Đây là chìa khoá để tạo ra “network” những người hỗ trợ mà bạn rất cần để tồn tại trước những thách thức của hành trình kinh doanh. Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), các doanh nhân có nhiều khả năng gặp phải vấn đề sức khỏe tinh thần và khả năng trầm cảm cao gấp đôi so với người khác. Vì vậy, có một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ bên ngoài công việc, đôi khi chỉ về tinh thần thôi là điều cực kỳ quan trọng để chống lại những tiêu cực có thể xảy ra và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người làm chủ.

Một mối quan hệ quan trọng nữa bạn cần xem xét hàng đầu đó là các khách hàng. Một ý tưởng kinh doanh ấn tượng, có nhiều triển vọng và khiến bạn cũng như nhiều nhà đầu tư phấn khích vẫn là chưa đủ nếu nó không thể khiến người khác mua hàng. Đây chính là những khách hàng thật sự đầu tiên mà bạn cần trân quý. Bạn phải quan tâm xây dựng được “network” của những khách hàng yêu thích và ủng hộ bạn, chỉ cần họ chịu “đầu tư” túi tiền mua sản phẩm của bạn là công việc kinh doanh của bạn đã có khởi đầu thành công mang nhiều triển vọng.

***

Một số người nghĩ rằng networking là việc trao nhau những tấm danh thiếp và cùng dùng bữa với bạn bè kinh doanh hay đối tác. Nhưng đó chỉ là một phần chứ không phải là toàn bộ câu chuyện. Cốt lõi của networking là việc mở rộng mạng lưới và xây dựng mối quan hệ. Nó giúp mọi người hiểu hơn về bạn, tin tưởng và quyết định có muốn hợp tác với bạn hay không. Những mối quan hệ cá nhân và công việc mà bạn tạo nên trong cuộc sống lẫn trong kinh doanh đều có thể được sử dụng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, thậm chí theo cấp số nhân. Vậy thì, networking giúp gì cho startup?

Ắt hẳn bạn cũng biết việc hấp thụ oxy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, và với kinh doanh, tiền chính là “oxy” để giúp cho doanh nghiệp tiếp tục tồn tại. Nói cách khác, không điều gì khiến một doanh nghiệp cảm thấy “nghẹt thở” hơn khi rơi vào hoàn cảnh thiếu tiền. Đứng thứ hai trong 20 lý do phổ biến hàng đầu khiến một công ty startup thất bại đó chính là sự thiếu hụt tài chính. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư chính là huyết mạch cho nhiều công ty khởi nghiệp. Các nhà đầu tư luôn nhận được rất nhiều yêu cầu hỗ trợ nguồn vốn từ những dự án kinh doanh, và dự án nào cũng hứa hẹn mang lại ROI hấp dẫn.

Nhưng theo bạn, có bao nhiêu doanh nghiệp trong số này làm được? Có khoảng 80% các công ty mới thành lập không đạt được ROI như dự kiến và họ thất bại vì khả năng quản lý tài chính kém. Đây chính là lúc “networking” sẽ làm nhiệm vụ của mình và tạo đòn bẩy đến các nhà đầu tư tiềm năng. Khi bạn có các mối quan hệ tốt, bạn càng dễ thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền cho dự án của bạn.

Trong số 20 lý do hàng đầu khiến các công ty khởi nghiệp thất bại, yếu tố cạnh tranh chễm chệ ở vị trí thứ 4. Vậy một người làm chủ cần làm gì để tận dụng điểm mạnh và tạo động lực cho mình trước làn sóng cạnh tranh ấy? Làm thế nào để đảm bảo rằng bạn sẽ không bị đối thủ cạnh tranh ngáng chân, thậm chí “nghiền nát” trong cuộc đua kinh doanh? Trở nên nổi bật trong thế giới kinh doanh là điều bất cứ người làm chủ nào cũng mong muốn. Ngoài sự chăm chỉ, định hướng mới mẻ và sự cống hiến của bản thân, khác biệt chính là yếu tố quan trọng nhất. Và thứ giúp bạn tìm thấy sự khác biệt để tách bạch hoàn toàn với các đối thủ cạnh tranh không gì khác chính là xây dựng networking.

Bạn có thể học hỏi mọi kinh nghiệm từ những người bạn gặp gỡ, và những kinh nghiệm đó sẽ dạy cho bạn những gì cần tiếp tục làm trong công việc và những gì nên bỏ qua để trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn. Đây là yếu tố sẽ được nhân rộng và cung cấp cho bạn lợi thế hơn các doanh nghiệp khác. Khi “network” của bạn càng mạnh, bạn càng có nhiều cơ hội để tiến xa hơn trong tương lai và tạo ra những trải nghiệm đáng giá.

Trong thế giới kinh doanh, với tư cách là chủ doanh nghiệp, điều bạn cần quan tâm là tập trung khiến cho khách hàng nhận ra và sử dụng sản phẩm của bạn. Có ba cách để phát triển một doanh nghiệp đó là gia tăng số lượng khách hàng, gia tăng giá trị giao dịch trung bình và cuối cùng là gia tăng tần suất mua hàng. Và “networking” chính là cơ hội tuyệt vời để bạn có được những khách hàng tiềm năng phục vụ cho không những một mà cả ba mục đích quan trọng này.

Hãy tích cực tham gia các triển lãm thương mại, sự kiện kinh doanh nơi luôn thu hút những khách hàng sẵn sàng tìm kiếm những doanh nghiệp tiềm năng. Bạn sẽ không biết được bạn sẽ có thể gặp ai và một buổi gặp gỡ có thể đưa bạn đến đâu. Hãy tin rằng, những người bạn gặp gỡ khi xây dựng mạng lưới quan hệ có thể sẽ trở thành người ủng hộ thương hiệu của bạn, góp phần giúp bạn mở rộng nhóm khách hàng một cách dễ dàng hơn. Đây chính là hiệu ứng lan tỏa sẽ giúp bạn tìm ra những khách hàng lý tưởng nhất cũng như giúp bạn xây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng họ và đưa bạn đi trước một bước so với các đối thủ 

Chỉ cần nhìn vào những gã khổng lồ như Facebook, Apple hay Amazon, không ai đề cập về các doanh nghiệp này mà không nghĩ về các nhà lãnh đạo nổi tiếng của họ. Theo nhiều cách, thương hiệu cá nhân của những người này đã khuếch đại sự thành công các doanh nghiệp của họ. Một cuộc khảo sát của Nielsen đã xác định rằng, có hơn 90% người tin tưởng các khuyến nghị từ các cá nhân (ngay cả khi họ không biết về những người này) đối với các thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cá nhân là một chìa khóa thành công và networking chính là con đường bạn nên ưu tiên để làm điều này. Ngay cả khi bạn cảm thấy rằng networking không cần thiết cho thời điểm hiện tại, bạn phải hiểu rằng chính nó là điều cần thiết và không thể thiếu trong thế giới kinh doanh.

Nếu muốn kết nối với những người khác một cách chuyên nghiệp nhằm đẩy mạnh hình ảnh cá nhân, xây dựng niềm tin chính là điều quan trọng đầu tiên. Thay vì tập trung vào lợi ích của chính mình trong một mối quan hệ, hãy tập trung vào những gì bạn có thể mang lại cho người khác. Nuôi dưỡng các mối quan hệ cần có niềm tin và khi một ai đó bắt đầu tin tưởng bạn, ấn tượng tích cực về bạn và những câu chuyện bạn kể sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí họ.

Networking có một mối quan hệ chặt chẽ và là phần không thể thiếu trong hoạt động quan hệ công chúng (PR). Hành động gắn kết với những người khác trong ngành trong các tình huống khác nhau tại các hội thảo, hội nghị, sự kiện xã hội… sẽ giúp bạn có thể tạo ra sự kỳ diệu cho hành trình khởi nghiệp của mình. Nó mang đến cho bạn cơ hội tiếp cận các đối tượng khác nhau mà bạn có thể không được tiếp cận trước đó, giúp bạn hiểu biết về doanh nghiệp của họ và ngành nghề mà bạn đang cư trú, giúp bạn có thể thêm nhiều kiến thức về ngành để điều hướng chiến lược quảng cáo một cách thích hợp.

Có thể nói, nếu muốn doanh nghiệp của mình phát triển và sở hữu chiến lược PR mạnh mẽ, thì đây chính là điều một nhà lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp cần đầu tư thời gian. Đặc biệt, PR thời hiện đại không phải là cách bạn chiến thắng nhanh chóng và chỉ trong một lần. Hãy chú ý thân thiện nhưng vẫn thể hiện được cá tính và sự kiên nhẫn trong giao tiếp cũng như chấp nhận sửa đổi hoặc tinh chỉnh bất kỳ nội dung nào nếu cần.

Khả năng thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu của bạn sẽ có tác động lớn đến thành công của bạn. Vì vậy, khi bạn tạo ra nhiều kết nối hơn, bạn sẽ có một đội nhóm tài năng lớn hơn và chất lượng cao hơn để lựa chọn. Đó chính là cách thức mà hoạt động networking tác động lên việc tuyển dụng và dùng người của bạn. Cách thức này còn áp dụng cho cả việc hình thành quan hệ đối tác và thu hút những cộng tác viên tiềm năng.

 

***

Một yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại trong hoạt động networking chính “câu chuyện” bạn sẽ kể khi giao tiếp. Sẽ đến lúc bạn phải trình bày câu chuyện dự án khởi nghiệp của mình, và câu chuyện đó có thể phân biệt bạn với hàng tá người khác hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của nội dung và cách truyền đạt giàu cảm hứng để thuyết phục người nghe. Sau một bài thuyết trình, có 63% người tham gia ghi nhớ những câu chuyện, trong khi chỉ có khoảng 5% ghi nhớ các số liệu thống kê. (Theo thống kê của tác giả Chip Heath và Dan Heath)

  • Câu chuyện là đường đi nhanh nhất đến trí não.
  • Câu chuyện nêu bật mục đích và khiến đông đảo mọi người hành động.
  • Câu chuyện là cách truyền đạt dễ hiểu qua hình dung về bối cảnh về doanh nghiệp.
  • Câu chuyện là công cụ bán hàng mạnh mẽ nhất. 

 

***

Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore năm 2016, dựa trên khảo sát 1.000 doanh nhân trên 10 thành phố châu Á, đã có 78% các doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết networking rất quan trọng đối với thành công của doanh nhân. Hơn 55% doanh nhân tham gia các nhóm networking về kinh doanh trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook hoặc LinkedIn. Trong đó, các doanh nhân ở TP.HCM là những người tham gia nhiều nhất với tỷ lệ 39% trong hơn 10 nhóm.

68% chuyên gia các cấp đánh giá cao việc kết nối trực tiếp hơn là kết nối trực tuyến. Hơn 95% người nói rằng các cuộc gặp mặt trực tiếp là điều cần thiết cho mối quan hệ kinh doanh lâu dài. 41% các chuyên gia mong muốn họ có nhiều thời gian hơn để xây dựng networking. (Nghiên cứu của Great Business Schools)

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Text: J.V, Hồng Đặng 

Độc giả đang đọc bài viết “Networking – Chìa khóa thành công “phải-có” của start-up” tại chuyên mục Professional của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Xây dựng nền tảng khởi nghiệp bền vững

General Partner, ESP Capital, Lê Hoàng Uyên Vy: Khát vọng không ngừng vươn xa

Comment