“Chấp nhận rủi ro” – Sự mạnh mẽ của nữ doanh nhân (Kỳ 2)

Chấp nhận rủi ro: Chiến lược tự tin để giữ vững uy thế cho nữ doanh nhân (kỳ 2)

Tiếp nối kỳ 1 với những trải nghiệm chưa từng có khi đối diện với rủi ro. Trong kỳ 2 lần này, các nữ doanh nhân cần có những chiến lược nào trong việc chấp nhận và kiểm soát rủi ro trong công việc kinh doanh của mình?

Rủi ro lớn nhất mà bạn từng chấp nhận là gì, bạn có nhớ không? Và cảm giác khi làm điều ấy, bạn không quên chứ. Chẳng hạn như việc bạn phải chuyển đến một quốc gia khác vì sự điều động nhân sự, hay bạn rời khỏi một tổ chức mà bạn đã có một sự nghiệp đáng mơ ước và rồi trở thành một doanh nhân.

Là một người làm chủ, bạn đương nhiên phải chấp nhận những rủi ro có tính toán, từ việc tuyển đúng người, đến việc phát triển các chiến lược giúp doanh nghiệp của bạn đạt được các mục tiêu và hơn thế nữa. Các quyết định cho mỗi tình huống nói trên sẽ dựa trên những thông tin thực tế, đó là những sở cứ để bạn có thể kiểm soát tình hình dù biết rằng lựa chọn không an toàn là một điều phải chọn nếu bạn muốn tiến lên.

Ngay cả những phụ nữ tự tin nhất cũng có điểm nao núng khi gặp rủi ro. Nhưng họ thường biết rõ giới hạn và khả năng của mình đến mức bằng lòng để tiếp tục dù rủi ro có thể xảy ra. Bạn đang tránh những quyết định mà đem đến cho bạn sự sợ hãi về kết quả “có thể” xảy ra, nhưng việc dám thử thách nỗi sợ thất bại để phát huy hết khả năng như thế sẽ chứng minh bạn có những bước phát triển vượt bậc so với người khác. Để thay đổi một điều gì đó, bạn cần đánh cược với nó. Nhưng chấp nhận rủi ro không có nghĩa là bạn phải hành động liều lĩnh, mà hãy dựa trên các thông số đã được nghiên cứu cẩn thận. Bạn cần biết thành công của mình sẽ như thế nào, để trù liệu rằng bản thân có chịu được những đòn thất bại và đổi lấy những thành quả xứng đáng như thế hay không.

Những thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, bao gồm cả những thách thức mà do chính chúng ta chấp nhận, đều là những yếu tố giúp mỗi người phát triển lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Khi đối mặt với rủi ro và học cách chấp nhận rủi ro để biến nó thành một phần của cuộc sống, bạn sẽ có thể học cách bỏ đi nỗi sợ hãi thất bại và tập trung vào những gì có thể học được từ tất cả những trải nghiệm mà rủi ro ấy mang đến, ngay cả đó có là những kết quả tồi tệ nhất.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, những phụ nữ sẵn sàng mạo hiểm để gìn giữ uy thế của mình sẽ cho phép phân biệt họ với các đối thủ bị bỏ lại phía sau. Nếu không có rủi ro, các nữ doanh nhân sẽ không gặp thất bại và do đó sẽ không thể học hỏi từ những sai lầm của chính mình. Tất nhiên khi kinh doanh chẳng ai mong muốn thất bại và chúng ta vẫn có thể học hỏi từ những kinh nghiệm tích cực, tuy nhiên, bài học từ thất bại là một cái “được” sẽ dạy cho mỗi cá nhân những kỹ năng quan trọng ở lại với chúng ta suốt đời.

1. Cân bằng cảm xúc và tính logic: Một thứ tồn tại trong nỗi sợ hãi của chúng ta thì bạn luôn nghĩ rằng nó rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, đó không phải là cách chính xác để đánh giá rủi ro. Bạn lái một chiếc xe hơi và không cảm thấy rủi ro, nhưng khi phát biểu trước đám đông lại cảm thấy có thể xảy ra rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, khả năng bạn bị thương hay tai nạn khi ngồi sau tay lái cao hơn nhiều so với việc bạn đối mặt với sân khấu của chính mình và thuyết phục những khán giả có mặt. Vì vậy, trước khi quyết định không làm điều gì đó vì cảm thấy e sợ, hãy dành vài phút để suy nghĩ về mức độ rủi ro thực tế mà bạn phải đối mặt.

2. Dành sức lực cho từng bước đi nhỏ: Có rất nhiều bước bạn có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro phải đối mặt. Trước khi phát biểu, bạn cần dành nhiều thời gian để luyện tập bài phát biểu, điều này có thể làm tăng cơ hội thành công của bạn. Hoặc trước khi trở thành doanh nhân, bạn phải làm nhiều việc khác để có nguồn vốn khởi nghiệp. Dù bạn vẫn phải biết cách chấp nhận rủi ro, nhưng những bước đi nhỏ mà chắc cho bạn sự tự tin nhiều hơn, nhờ đó những rủi ro không đáng có thể không xảy ra nữa.

3. Hiểu rõ chỉ mạo hiểm cho những điều hữu ích: Nếu việc thực hiện một bài phát biểu trước đám đông chỉ đơn thuần giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp thì mục đích đó chưa đủ. Hãy nghĩ đến những lợi ích to lớn hơn khi những khán giả ấy cũng có thể chính là những đối tác tiềm năng của bạn. Vì vậy, hãy luôn nghiên cứu đối tượng của bạn trong mọi vấn đề, để đảm bảo bạn đã có sự hiểu biết xứng đáng trước khi có bất kỳ hành động nào. Đặc biệt, đừng quên có kế hoạch B, C hay thậm chí đến Z, một doanh nhân giỏi là người có thể xoay trở khi gặp trục trặc mà không cảm thấy tự mãn.

1. Niềm vui có được từ hành trình, không phải đích đến: Nếu khởi nghiệp giống như một chuyến xe đi trên đường đời, thì kiến ​​thức chính là nguồn nhiên liệu cho hành trình đó của bạn. Đừng lo lắng quá nhiều về điểm đến, chỉ cần tận hưởng toàn bộ chuyến đi, tiếp tục đổ xăng đầy bình và ngẩng cao đầu tiến tới.

2. Rủi ro sẽ lùi bước trước sự tinh tường: Chìa khóa để xử lý rủi ro là chấp nhận chúng một cách thông minh, điều này đòi hỏi sự hiểu biết về loại rủi ro bạn đang gặp. Tất nhiên, luôn có những điều không chắc chắn – đó là lý do tại sao nó được gọi là “rủi ro”, nhưng bạn có thể xếp ván bài có lợi cho mình bằng cách cập nhật kiến thức, phản ứng nhanh nhạy và kiên trì.

3. Những điều tốt đẹp cần có thời gian: Mọi thứ vốn không hoàn hảo ngay từ đầu, điều đó đòi hỏi bạn phải nhẫn nại và không bỏ cuộc. Khi đến cuối cuộc đời, đã có rất nhiều người hối hận về những ước mơ mà mình chưa thực hiện và ước có nhiều thời gian hơn hiện thực hóa chúng.

4. Cuộc sống vốn công bằng: Chúng ta thường hạnh phúc khi giỏi một thứ gì đó, và chúng ta thường chỉ giỏi khi đã đầu tư rất nhiều công sức vào nó. Không có gì miễn phí cả.

5. Lạc quan đón nhận kết quả: Thất bại có đáng sợ, nhưng thất bại với phong thái của người sẵn sàng chấp nhận sẽ đáng giá hơn rất nhiều. Dù kết quả có ra sao, lòng tự trọng của bạn vẫn sẽ lớn dần cùng niềm tự hào dám nghĩ dám làm. 

Text: Hong Dang | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment