Làm thế nào để yêu cầu một chức danh xứng đáng với công việc của mình? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm thế nào để yêu cầu một chức danh xứng đáng với công việc của mình?

Một chức danh không phải là tất cả trong công việc, nhưng chúng cũng đóng một phần quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Khi được cấp trên giao một vai trò mới, bạn nên nghiêm túc nghĩ xem mình xứng đáng với danh hiệu mới nào?

Làm thế nào để nhận biết điều đó có đáng để thương lượng hay không? Và có cần thiết phải xác định rõ ràng về chức danh của mình không? Khi một người được thăng chức hoặc bắt đầu một vị trí mới, hầu hết họ đều có xu hướng tập trung vào việc đàm phán lương. Nhưng chức danh công việc cũng là một phần quan trọng và chúng thường có xu hướng bị bỏ qua.

Ảnh: Angela Roma

Một chức danh mới và cụ thể được xem là một tín hiệu thông báo cho mọi người biết rằng bạn đang ở cấp độ nào trong tổ chức. Một số nghiên cứu cũng cho rằng chức danh cũng có sự tác động lớn đến niềm vui và sự gắn bó trong công việc của bạn. Bởi vì đó không chỉ là một hình thức thể hiện bản thân tại nơi làm việc, mà còn thể hiện tính biểu tượng cho những cống hiến và giá trị bạn mang lại cho công ty. Vì vậy, nếu bạn đang hướng đến một vai trò hay chức danh mới trong công việc, Tạp chí Nữ Doanh Nhân xin gợi ý một số ý tưởng có thể hiện thực hóa dự tính đó của bạn.

1. Phản ánh đúng mong muốn của mình

Trước tiên, bạn phải phản ánh đúng nội tâm của chính mình. Hãy ngồi xuống và trả lời những câu hỏi: Tại sao bạn muốn có một danh hiệu nhất định? Và tại sao bạn nghĩ rằng bạn xứng đáng với danh hiệu đó? Đây là những câu hỏi bạn cần phải suy nghĩ để tìm ra lý do cho yêu cầu đó. Nếu bạn đã gắn bó tại công ty một thời gian dài với một vai trò công việc và trách nhiệm nhiều hơn so với những ngày đầu, nhưng chức danh và mức lương vẫn không có gì thay đổi. Đó cũng là một trong những lý do bạn nên cân nhắc về việc yêu cầu một chức danh mới từ cấp trên.

Trong trường hợp đó, hãy thảo luận với sếp một cách chính đáng và tử tế để tìm ra những hướng đi mới trong công việc. Hoặc nếu bạn có ý định tìm kiếm những cơ hội mới tốt hơn, việc xác định rõ chức danh cũng là cách các nhà tuyển dụng xác định được kỳ vọng và trách nhiệm của bạn trong công việc. Chuyển việc cũng tốt thôi, hãy xem đó là cơ hội để tùy chỉnh vai trò phù hợp hơn với kỹ năng và sở thích của chính mình.

2. Lập chiến lược thương lượng hiệu quả

Một chức danh mới sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn bằng việc tăng thêm sự thu hút và tín nhiệm. Chức danh công việc, đặc biệt là những chức danh được cá nhân hóa sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đồng nghiệp một cách dễ dàng hơn. Và trước khi đàm phán với sếp, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi: Điều gì khiến sếp đồng ý với yêu cầu của bạn? Việc thăng chức của bạn sẽ giải quyết những vấn đề nào của sếp và công ty? Nếu bạn không trả lời được, có thể bạn vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc trò chuyện đó. Nếu bạn đã trả lời thông suốt hết các câu hỏi, bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện với sếp bằng một thái độ mang tính “học hỏi”. Bạn có thể bày tỏ quan điểm một cách xây dựng như: “tôi thấy chức danh hiện tại này khá chung chung, mơ hồ. Chúng ta có thể cân nhắc, thay đổi tên chức danh này để phản ánh rõ ràng vai trò công việc hơn không?

Ảnh: Energepiccom

Nếu bạn đang mong muốn một chức danh mới, hãy trình bày với sếp về những động viên về mặt tinh thần của người lao động khi có được một chức danh xứng đáng, phù hợp với năng lực của họ. Một số người sếp có thể sẽ vẫn giữ nguyên ý kiến bảo thủ của mình và bác bỏ đề xuất của bạn. Nhưng một số người sếp lại xem đó là một vấn đề thú vị để nhân viên được thể hiện bản thân nhiều hơn. Dù bạn làm gì đi chăng nữa, đừng là người đòi hỏi những điều không chính đáng. Hãy cho sếp thấy những giải pháp bạn đang cung cấp và thể hiện rõ ràng những khả năng của bản thân trong việc phát triển công ty.

3. Tự tin nhưng không tự mãn

Nếu sếp đồng ý với chức danh mong muốn của bạn, nhưng lại khiến bạn thất vọng vì nó không đi kèm với các lợi ích mới khác trong công việc. Hãy nhớ rằng đó không phải là một thỏa thuận vĩnh viễn rồi chấm dứt, mà là cuộc thương lượng có sự thay đổi và điều chỉnh trong tương lai. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội, thể hiện bản thân một cách tốt nhất để chứng minh rằng mặc dù bạn đang được đánh giá cao nhưng điều đó vẫn chưa đủ đối với bạn, bạn sẽ còn làm được nhiều điều tốt hơn như vậy. Nhưng nếu bạn không nhận được sự đồng ý từ sếp về chức danh, lương bổng hoặc bất kỳ đặc quyền nào thì sao? Bạn có thể yêu cầu sếp cung cấp thêm những “tiêu chí” yêu cầu cho chức danh đó và đánh giá lại bản thân một lần nữa, để xem mình đã đi đến đâu trong các tiêu chuẩn đó. Một câu hỏi quan trọng trong trường hợp này: Bạn cần gì và đang thiếu gì để thăng tiến một vị trí mới?

Ảnh: Ono Kosuki

Các nguyên tắc cần nhớ trong việc yêu cầu chức danh mới

Nên:

  • Suy nghĩ về tình huống cá nhân của mình và xem xét lý do vì sao bạn muốn có một chức danh mới. Và chức danh đó sẽ giúp bạn làm tốt vai trò công việc của mình như thế nào?
  • Tận dụng mạng xã hội và các tài nguyên trực tuyến khác để khẳng định chức danh, phản ánh kỹ năng, chuyên môn của chính mình.
  • Suy ngẫm về động lực và thách thức của sếp. Trước khi bạn đưa ra yêu cầu, hãy tự hỏi: Tại sao sếp lại đồng ý với yêu cầu của mình?

Không nên:

  • Đừng đi quá đà với một chức danh quá được cá nhân hóa. Hãy thực tế trong yêu cầu và tập trung vào hướng đi của mình hơn là chỉ chăm chăm vào việc có một chức danh.
  • Đừng mơ hồ trong việc thương lượng để có được một chức danh tốt hơn. Tất cả mọi thứ, bao gồm tiền lương, mô tả công việc và lợi ích của bạn nên được thảo luận, phân tích một cách rõ ràng.
  • Đừng chán nản nếu bạn không đạt được những gì mình mong muốn ngay lập tức. Yêu cầu một chức danh mới là một cuộc thương lượng lâu dài, cần được chứng minh bằng thời gian và năng lực.

Một lời khuyên cuối cùng đó là hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn. Lắng nghe những mong muốn của chính mình trong các hướng đi về phát triển sự nghiệp. Đồng thời, hãy lắng nghe những nhận xét, đóng góp từ cấp trên để khắc phục những điểm yếu và dần hoàn thiện bản thân mình hơn. Một chức danh không phải là một yêu cầu một sớm một chiều, đó còn là đại diện cho những nỗ lực và cống hiến của bạn đối với công việc.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment