“BÃO” NHƯỢNG QUYỀN ĂN UỐNG - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“BÃO” NHƯỢNG QUYỀN ĂN UỐNG

Thị trường ăn uống của Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút những tên tuổi đình đám trên thế giới thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Sau Starbucks Coffee, gần đây nhất phải kể đến McDonald’s.

Mối quan hệ cộng sinh

Nhượng quyền thương hiệu (franchise) là một hoạt động kinh doanh phổ biến trên thế giới. Theo đó, bên nhượng quyền (franchisor), chủ sở hữu một thương hiệu nổi tiếng, chẳng hạn gần đây nhất là McDonald’s, sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền (franchisee) kinh doanh theo mô hình của bên nhượng quyền ở một điểm, khu vực cụ thể nào đó trong thời hạn nhất định.

Bên nhận nhượng quyền sẽ phải trả cho bên nhượng quyền phí nhượng quyền, hay một tỉ lệ phần trăm từ doanh thu hoặc lợi nhuận theo thỏa thuận giữa đôi bên. Theo giới phân tích chuyên môn đánh giá, khoản phí nhượng quyền của McDonald’s được xem là cao nhất hiện nay, dự tính lên tới 45.000 USD, chưa kể 20 khoản khác như phí dịch vụ trả cho chủ thương hiệu. Doanh nghiệp nhận nhượng quyền còn phải chịu phí kép, gồm phí trước khi hoạt động và trong lúc kinh doanh. Tổng cộng vốn đầu tư (phí chuyển nhượng, thuê mặt bằng, thiết bị, trang trí nội thất) cho mỗi cửa hàng McDonald’s tại Việt Nam có thể vào khoảng 200.000-2.200.000 USD. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền sẽ được phép kinh doanh một thương hiệu McDonald’s nổi tiếng trên trường quốc tế, với hệ thống nhà hàng phục vụ nhanh hàng đầu thế giới gồm có 34.500 cửa hàng, mỗi ngày phục vụ hơn 69 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia.

Nói cách khác, nhượng quyền kinh doanh được xem là mối “quan hệ cộng sinh” cùng phát triển, giữa một bên là chủ sở hữu một thương hiệu đã nổi tiếng, với một bên là những người muốn sử dụng thương hiệu này để kinh doanh. Có tiền chưa chắc đã có thương hiệu. Bởi vì việc xây dựng thương hiệu là cả một quá trình và cần thời gian dài. Thế nhưng có tiền có thể “mua” được thương hiệu bằng hình thức nhượng quyền thương mại.

Thực tế cho thấy, bên cạnh “người khổng lồ” thức ăn nhanh McDonald’s xuất hiện gần đây nhất, trong vòng năm năm nay, thị trường ăn uống Việt Nam đã chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng chục thương hiệu thức ăn nhanh khác thông qua hình thức nhượng quyền. Trong số đó, có thể kể tên các thương hiệu đã trở nên phổ biến tại hai thành phố lớn của Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM như: KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King, Dunkin’ Donuts, Domino’s Pizza, Carl’s Jr, Subway… Riêng ở lĩnh vực giải khát phải kể đến một tên tuổi nổi tiếng trên thế giới, đó là cà phê Starbucks, đối thủ cạnh tranh đáng gờm của chuỗi cà phê Highlands và Trung Nguyên.

Với dân số 90 triệu người, trong đó có khoảng 65% ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam được xem là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác lĩnh vực ăn uống, hai nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Theo một thống kê năm 2013 của tờ The Economist, trung bình một tuần người Việt bỏ ra 4 USD cho việc ăn uống, con số này tương đương với xấp xỉ 25% chi phí sinh hoạt. Trong đó, 22% dành cho đồ ăn, còn lại là chi phí để mua rượu, bia và thuốc lá. Như vậy, tính trung bình một năm người Việt bỏ ra 208 USD cho việc ăn uống, với dân số 90 triệu người, mỗi năm doanh thu của ngành ăn uống lên tới 18,72 tỉ USD. Một con số khổng lồ mà bất kỳ thương hiệu đồ ăn thức uống nhanh nào cũng muốn được chen chân vào thị trường này.

Không kém phần rủi ro

Kinh doanh vốn dĩ luôn chứa đựng trong đó sự rủi ro mà ngay cả những người nhận nhượng quyền thương hiệu cũng không thể lường trước. Rủi ro lớn nhất có thể nói là mức độ chấp nhận của khách hàng đối với các sản phẩm từ thương hiệu đang kinh doanh. Liệu người Việt Nam có thích ăn hamburger, một món ăn nổi tiếng của McDonald’s, hơn phở, hủ tíu và cơm tấm? Thói quen ăn uống vốn được hình thành từ hàng trăm năm nay liệu có thay đổi bởi sự xuất hiện của một thương hiệu nổi tiếng thế giới hay không? Liệu người Việt Nam có luôn sẵn sàng chấp nhận chi trả 85.000 VND chỉ để uống một cốc cà phê “nhạt như nước ốc” được chế biến từ hạt cà phê Arabica, hay chung thủy cùng một ly cà phê đen truyền thống được phục vụ tận nơi tại các quán cà phê đậm chất Việt Nam? Những câu hỏi đó chỉ có thời gian mới đủ khả năng trả lời.

“Với dân số 90 triệu người, trong đó có khoảng 65% ở độ tuổi dưới 35, Việt nam được xem là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác lĩnh vực ăn uống, hai nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người”

Một rủi ro khác không thể không đề cập đến là phí nhượng quyền thương hiệu rất đắt đỏ, đôi khi lớn hơn giá trị mà thương hiệu mang tới cho hoạt động kinh doanh. Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu một cửa hàng nhượng quyền McDonald’s thu được 2 triệu USD/năm tiền bán hàng, cửa hàng đó phải trả cho công ty mẹ 170.000 USD/năm hoặc 14.166 USD/tháng tiền thuê, tương đương với tỉ lệ là 8,5 %. Chưa kể, công ty McDonald’s còn tính tiếp “phí dịch vụ”, chiếm thêm 4% doanh số bán hàng, tương đương với 80.000 USD/năm. Như vậy, hàng năm mỗi cửa hàng nhượng quyền kiếm được 2 triệu USD doanh thu bán hàng phải trả cho công ty mẹ 250.000 USD.

Nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, những cuộc đổ bộ của các thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới không ngừng dừng chân tại thị trường ăn uống Việt Nam trong vòng năm năm trở lại đây. Vậy thì trong vòng năm năm tới, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến thói quen ăn uống của người tiêu dùng Việt Nam thay đổi như thế nào trước “cơn bão” nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực thức ăn nhanh.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Comment