Xây dựng nền tảng khởi nghiệp bền vững - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Xây dựng nền tảng khởi nghiệp bền vững

Nếu so sánh sự khốc liệt của môi trường khởi nghiệp bằng một hình ảnh cụ thể, hãy tưởng tượng đến một chiến trường với những bại tướng nằm la liệt, và một vài người đứng đậy. Số ít những người đứng vững đại diện cho trường hợp thành công, còn bại tướng là những thất bại không đếm xuể.

Con số lợi nhuận khổng lồ, cùng sự phát triển thần kỳ của một vài startup tiêu biểu thường khiến nhiều người lầm tưởng đây là một mảnh đất đầy triển vọng. Thế nhưng tại thị trường lớn như Mỹ cũng có đến hơn 50% startup rơi vào tình trạng phá sản trong 4 năm đầu tiên. Nếu không có một chiến lược phát triển bền vững và chỉ tập trung vào lợi nhuận trước mắt, thất bại sẽ là hệ quả tất yếu. Sau đây là những nguyên tắc cần nhớ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, từ việc tạo kết nối chặt chẽ với hầu hết khách hàng, củng cố bản lĩnh kinh doanh, xây dựng văn hóa và trách nhiệm doanh nghiệp:

Thuê cộng sự giỏi và trao quyền cho họ

Nếu bạn muốn mọi người cam kết với bạn, bạn phải cam kết với họ. Hãy cho nhân viên cơ hội phát triển, hãy là một nhà lãnh đạo tập trung vào trái tim. Khi bạn từ bỏ quyền kiểm soát độc quyền, sự tin tưởng ở nhân viên sẽ được hình thành và họ sẽ cố gắng làm hết sức mình, cho bạn và khách hàng của bạn. Hãy trao quyền cho nhân viên liên tục cải thiện lĩnh vực họ đang trách nhiệm, mang đến cảm giác sở hữu cá nhân trong công việc, để họ tự khởi động các sáng kiến cải tiến trong phạm vi trách nhiệm, cũng như chia sẻ với nhân viên những kỳ vọng của bạn về tương lai chung.

Đối xử với nhân viên như cách bạn muốn được đối xử

 Đối xử với nhân viên xa cách, đầy quy tắc sẽ làm giảm khả năng họ thoải mái nói chuyện với bạn, dẫn đến việc rất khó cập nhật tức thời những vấn đề cần được giải quyết. Trích dẫn lời của doanh nhân Richard Branson, người sáng lập, chủ tịch và CEO của Virgin Group: “Cách bạn đối xử với nhân viên chính là cách họ sẽ đối xử với khách hàng của bạn.”

Trở thành nhà cung cấp ưu tiên cho thị trường bạn hướng đến

 “Nhà cung cấp ưu tiên” là gì? Đó là nhà cung cấp mà khách hàng sẽ ưu tiên nghĩ đến khi họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ hay sản phẩm giữa vô số những đối thủ cạnh tranh khác. Làm thế nào để trở thành nhà cung cấp ưu tiên cho thị trường mà doanh nghiệp đó phục vụ? Hãy tập trung vào một hoặc nhiều hơn trong sáu tiêu chí sau: chất lượng cao; đi đầu trong công nghệ; cung cấp trải nghiệm khách hàng tuyệt vời; đáng tin cậy; cam kết cải tiến liên tục; luôn thể hiện sự cầu thị trong kinh doanh.

Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng

 Luôn ghi nhớ một nguyên tắc bất biến: Khách hàng là “những người có ảnh hưởng lớn nhất”, đặc biệt trên phương tiện truyền thông xã hội và thông qua truyền miệng. Điều này có nghĩa là họ có quyền lực ảnh hưởng khiến nhiều hoạt động kinh doanh hay truyền thông quảng bá của bạn có hiệu quả hơn, cũng như có thể xây dựng hoặc ngược lại là phá vỡ thương hiệu của bạn trong tương lai. Xây dựng kênh thông tin liên lạc minh bạch, nhanh chóng và chân thực với khách hàng là chìa khóa để định hình mối quan hệ đối tác này. Cần nhớ rằng không chỉ trên các kênh xã hội, mà quan trọng hơn là các kênh giao tiếp trực tiếp.

Đọc thêm: Kỹ năng quan trọng nào sẽ giúp sự nghiệp rộng mở?

Không hỏi khách hàng những gì họ muốn tiếp theo

 Thách thức của mọi startup là tìm ra sự cân bằng giữa việc giải quyết một vấn đề đang hiện hữu, và đem lại cho khách hàng sự thích thú mới. Khách hàng hiện tại không thể hình dung ra một khái niệm mới, một hành vi mới hay một nhu cầu mới. Điều bạn cần là phải kích thích được trí tưởng tượng của họ, giúp họ khám phá ra chính bản thân đang cần điều gì mới hơn.

Luôn luôn chào đón mọi phản hồi như một món quà

 Đối với startup, mọi phản hồi đều là món quà mà khách hàng dành cho bạn, dù tích cực hay tiêu cực. Thay vì bỏ ngoài tai hay tức giận, bạn nên đón nhận những phản hồi đó một cách thận trọng, và suy xét kỹ càng. Càng nhiều phản hồi, càng nhiều cơ hội để doanh nghiệp non trẻ của bạn tự nhìn nhận và hoàn thiện ngày một tốt hơn.

Đừng bao giờ cho rằng thương hiệu của bạn đã ổn định

 Tất cả các mối quan hệ đều ở trạng thái “thiên biến vạn hóa”, vì vậy đừng cho rằng doanh nghiệp bạn xây dựng đã ổn định. Bất cứ lúc nào, thương hiệu của bạn cũng sẽ được nâng cao hoặc bị hạ thấp bởi những thay đổi văn hóa hoặc môi trường bên ngoài. Để tránh tình trạng đó, hãy theo dõi dữ liệu, tập dự trù tình huống và can thiệp kịp thời. Đó là tư duy cởi mở cần thiết cho mọi startup: “Không bao giờ cảm thấy thoải mái khi thành công”. Hãy luôn thách thức chính mình để thực hiện những mục tiêu khác nhau và thoát ra khỏi thói quen hàng ngày. Nếu bạn tập luyện được, điều này sẽ giúp bạn tăng cường sự sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: April

Comment