Đàm Vĩnh Hưng: Lợi nhuận không phải là ưu tiên của tôi! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Đàm Vĩnh Hưng: Lợi nhuận không phải là ưu tiên của tôi!

Nhà văn Lỗ Tấn từng có câu: “Trên con đường đi đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Và không phải ngẫu nhiên công chúng biết đến một ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng không ngừng làm mới bản thân trên thị trường âm nhạc Việt Nam cũng như những dự án kinh doanh nhiều khởi sắc. Phía sau những thành công đó là một khối óc với tầm nhìn chiến lược, tư duy phân tích sát thực tế và một tinh thần lao động miệt mài trên đỉnh vinh quang mang tên: Mr. Đàm.

Dấn thân vào kinh doanh từ bước đệm trong nghệ thuật, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mang đến cho chúng tôi nhiều quan điểm khác biệt bởi anh không hề theo đuổi kinh doanh như một xu thế tất yếu của nghệ sỹ khi đã có chút tiếng tăm mà ngược lại xem đó là sự đầu tư nghiêm túc, có chiến lược. Phải lẽ những nhạy ứng linh hoạt trong nhịp đập rộn rã của nghệ thuật, cùng nguồn năng lượng “vô cực” trong trái tim lẫn khối óc kinh doanh đa chiều ngầm bổ khuyết cho nhau, hun đúc và tôi luyện nên thành công của Đàm Vĩnh Hưng trong mỗi lĩnh vực anh chạm đến. Như cách người ca sỹ dày dặn kinh nghiệm vận dụng tối đa những vệt sáng linh hoạt, rồi xoay vần giữa hai lĩnh vực một cách hài hòa và biến hóa khôn lường. Từ đó, anh từng bước dung bồi thêm cơ đồ trong chuỗi những ngọn lửa thời thế, lan tỏa miền dấu ấn thành công trên thương trường vốn rạch ròi sắc lạnh.

Chào anh, lời đầu tiên xin được chúc mừng anh vì thành công của MV “Hello” với độ hoành tráng, hình ảnh chất lượng và cả mức đầu tư. Ở tuổi U50 nhiều nghệ sĩ đã chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi còn riêng anh vẫn miệt mài trên mảnh vườn nghệ thuật, do đâu lại có sự khác biệt này?

Tôi luôn tâm đắc triết lý tính cách tạo nên số phận và để lý giải sự khác biệt này có thể bắt nguồn đi từ tính cách con người tôi. Một Đàm Vĩnh Hưng chưa bao giờ chấp nhận sự dừng lại hay dễ dàng đón nhận những thứ được sắp đặt sẵn. Mà ngược lại, tôi luôn quan sát để bắt kịp với xu hướng thời đại và nhìn ra được những cách biệt lớn giữa thị trường âm nhạc thế giới và Việt Nam. Điều đó thôi thúc tôi không ngừng làm mới bản thân bằng cách tạo ra cho mình những vinh quang mới. Và từ đó tôi tâm niệm phải tạo dựng được thương hiệu cá nhân một cách vững vàng để không chỉ đổi lại nguồn thu nhập ổn định mà còn khẳng định được sự nghiệp âm nhạc bằng các giải thưởng, đánh giá của giới chuyên môn và cả công chúng.

Liên tục cập nhật xu hướng và tạo dựng hình ảnh mới trong công việc, thế nhưng có khi nào anh cảm thấy lo sợ một dự án nào đó không được như mong đợi? Liệu danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” có tạo nên áp lực nào cho anh?

Trong nghệ thuật, yếu tố không thể đoán trước được chính là sự thay đổi trong xu hướng của khán giả, và điều tốt nhất người nghệ sĩ có thể làm là hãy chuẩn bị kỹ lưỡng và không ngừng rút kinh nghiệm sau mỗi lần chưa đạt kỳ vọng. Công việc nào cũng có những cột mốc thăng trầm và đó là điều hết sức bình thường, những nốt trầm nếu có hãy xem như là bước đệm để chúng ta nâng nỗ lực lên cao hơn cho những lần sau.

Danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” được báo giới hay khán giả ưu ái tặng cho thật sự cũng đem đến cho tôi nhiều áp lực và đôi lúc cũng “gồng mình” để cố gắng gìn giữ. Thẳng thắn mà nói thì danh xưng này có phần nào khống chế con người thật phóng khoáng, tự do của tôi, nhưng tôi cũng hiểu đó chỉ là hư danh và hoàn toàn không phải do chính mình tạo dựng nên. Càng ngày tôi càng thả lỏng mình hơn, cho phép bản thân sống và làm việc theo cách riêng của mình. Bởi cuộc đời hạnh phúc nhất là được quyền lựa chọn, quyết định những thứ thuộc về mình. Điều khó với người nghệ sĩ sống giữa hào quang là có thể kiểm soát được chính mình, sao cho không để bản thân trở nên quen thuộc và phụ thuộc vào những yếu tố hào nhoáng nhưng vẫn khéo léo giữ gìn được hình ảnh tốt đẹp ở thời điểm đỉnh cao khi mà khán giả còn quan tâm quan sát. Theo tôi đó mới chính là áp lực thật sự.

Nhưng những hào quang nghệ thuật có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ khiến không ít người trẻ đang dấn thân. Với kinh nghiệm và sự từng trải của một nghệ sĩ lâu năm, theo anh làm thế nào để họ có thể tìm ra được khả năng thật sự của bản thân và đánh thức sức mạnh của nó?

Tất cả chúng ta đều sở hữu những tiềm năng khác biệt nhau, vì vậy hãy cho phép bản thân được thử nghiệm trong vô số các hoạt động thường nhật. Để rồi từ đó tỉnh táo nhận ra thế mạnh thật sự của mình bên cạnh lời khen, sự kiểm chứng hay công nhận từ những người xung quanh. Dĩ nhiên, khi đã nắm bắt và làm chủ được tiềm năng hãy không ngừng khéo léo làm mới mình bằng những động thái cụ thể ở lĩnh vực đó để từ đây bạn có thể trở thành “điểm sáng” trong cộng đồng. Chỉ khi dấn thân, bắt tay vào và lắng nghe từ nhiều nguồn thì bạn mới chính thức “gõ” đúng cánh cửa nội lực. Việc nắm rõ ưu điểm của bản thân còn giúp bạn điều tiết những sự kết hợp trong công việc và cuộc sống để tạo nên những thành công hoàn hảo cho bạn và cả đội nhóm của mình.

Có thể thấy anh có định hướng và chiến lược cụ thể cho con đường nghệ thuật của chính mình, vậy còn trong các hoạt động kinh doanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trên thương trường theo đuổi phương châm làm việc thế nào?

Còn nhớ cơ duyên đầu tiên đưa tôi đến với kinh doanh là ẩm thực, khi đưa một thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Sau một thời gian phát triển ổn định, nhận thấy bản thân vẫn dành cho nghệ thuật niềm ưu ái hơn nên tôi chuyển giao thương hiệu cho chủ nhân mới. Sau đó, kết hợp với công ty thủy sản của gia đình tôi mở thương hiệu cá sạch Vua Biển vì tự tin có thể đem đến được nguồn hàng chất lượng với giá thành phù hợp cho người tiêu dùng Việt Nam. Hiện tại, công ty của tôi đã sở hữu tới hơn 40 đại lý phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước, có những bước tiến hiệu quả, đem lại nguồn doanh thu ổn định.

Nếu bạn hỏi một Đàm Vĩnh Hưng trong kinh doanh là như thế nào, thì trước hết cũng như trong nghệ thuật tôi luôn là người nghiêm túc. Kinh doanh không phải là hoạt động tôi làm thêm cho vui hay nghề tay trái như mọi người thường nghĩ, tôi cũng không đơn thuần chỉ dùng sự nổi tiếng của cá nhân để đóng góp vào doanh nghiệp như cách nhiều nghệ sĩ vẫn làm, mà tôi có sự đầu tư nghiêm túc bằng trí óc lẫn tài chính với cổ phần góp vốn, đảm nhiệm những vị trí chủ chốt và trực tiếp đưa ra nhiều quyết định. Như Vua Biển, tôi tự hào khi đây là thương hiệu 100% do nguồn vốn của tôi gầy dựng và có rất nhiều quyết sách kinh doanh thành công do tôi đề ra. Tuy vậy, tôi cũng không phải là một doanh nhân kiểu mẫu, thi thoảng trong vài việc nhỏ tôi cũng để cho mình có những quyết định khá nghệ sỹ (cười).

Theo sát việc kinh doanh như vậy, anh nhận định đâu là những khó khăn trên thương trường? Từ góc nhìn của một nghệ sỹ làm kinh doanh, với anh thương trường có đúng là chiến trường không?

Với xuất phát điểm một nghệ sỹ làm kinh doanh, tôi đã hoàn thành khá tốt hạng mục quảng bá thương hiệu (cười). Nhưng kinh doanh thật sự không chỉ nằm ở đó, chỉ khi bước vào “cuộc chơi” mới “ló” hết “cái khó” của ngành. Ví dụ một trong những “cái khó” là kiến thức và sự nhận biết của người tiêu dùng đối với khái niệm “sạch” và hàng thủy sản đông lạnh. Công ty tôi đã phải mất nhiều năm để tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng dần thay đổi thói quen, thậm chí dùng thử để cảm nhận và từ đó công việc kinh doanh có những chuyển biến rõ rệt. Hay như việc phát triển hệ thống phân phối hàng đông lạnh đòi hỏi tuân thủ nhiều tiêu chuẩn tỉ mỉ, việc bày bán sản phẩm trong các siêu thị hoặc xử lý khủng hoảng trong cạnh tranh tôi đều quan tâm phân tích. Đó chỉ là một số trong vô vàn những “rào chắn” trên hành trình kinh doanh. Vì vậy, quả thật, tôi luôn tin rằng thương trường đúng nghĩa là một chiến trường khi mà doanh nhân phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Và nếu không khéo léo để giải quyết, vượt qua từng thử thách thì họ sẽ không tránh khỏi những tổn tại về uy tín lẫn tài chính.

Như vậy theo anh, việc kinh doanh có điểm nào tương đồng với hoạt động nghệ thuật không? Những kinh nghiệm, những vấp váp anh từng trải trong nghệ thuật có bổ trợ cho anh trong công việc kinh doanh?

Dù là hoạt động nghệ thuật hay dấn thân vào công việc kinh doanh, nếu không có những phương thức tối ưu để thu hút công chúng đều sẽ nhận lãnh thất bại như nhau. Do đó, thành công phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch chiến lược, từng bước khuếch trương và giữ vững thành tựu. Nghệ thuật đã trang bị cho tôi nhiều bài học để ứng dụng hiệu quả trong kinh doanh, rằng đôi khi phải quên đi câu chuyện “thu lợi nhuận” để tạo bước đệm đột phá cho sự khác biệt và tiên phong. Và đến giờ phút này, ở vai trò người đứng giữa hai lĩnh vực, tôi đã có sự tương tác ứng dụng phù hợp nhất để dự đoán thị hiếu, nắm bắt tâm lý người sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của mình một cách nhanh chóng và chính xác.

Đã tham gia kinh doanh trong nhiều năm như vậy, chắc chắn anh có nhiều cơ hội gặp gỡ và làm việc với các nữ doanh nhân. Anh nghĩ những điểm mạnh của nữ doanh nhân là gì?

Nếu quỹ thời gian hằng ngày của mỗi người đều giống nhau thì ngoài giây phút dành cho bản thân, chăm lo gia đình, nữ doanh nhân còn phải đối mặt với những căng thẳng áp lực đến từ bài toán cạnh tranh, kiểm soát chất lượng sản phẩm hay duy trì mối quan hệ với đối tác… Nhưng ngược lại sự duyên dáng, khéo léo trong “đặc điểm về giới” giúp họ tiến lên hay thoái lui một cách hợp lý từ đó làm chủ tình huống, dẫn dắt công việc để chạm đến được những thỏa thuận giá trị. Và trên hết, tôi còn học được ở họ cách hóa giải vấn đề một cách quyết đoán. Thông qua đó thể hiện được chính kiến một cách khách quan, mạch lạc và bản lĩnh phụ nữ. Đó cũng là một trong những cách hành xử nhân văn khiến tôi càng thêm yêu quý các nữ doanh nhân – những phụ nữ đặc biệt đáng được tôn vinh và trân trọng.

Cảm ơn anh!

Quick questions:

Ba từ miêu tả về bản thân?

Biết cư xử – Làm việc chuyên nghiệp – Có ý thức cao.

Từng thể hiện đa dạng nhiều dòng nhạc nhưng đâu mới là thể loại anh yêu thích?

Jazz và Reggae bởi sự phóng khoáng và hoang dại.

Điều gì anh quan tâm trước tiên khi ra mắt một dự án mới?

Sự đón nhận của công chúng.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: Jenni Võ, Quỳnh Như – Photo: Thanh Pham

Đọc thêm:

Vũ Ngọc Anh: Cuộc sống là những bài học vô giá

Comment