Một tinh thần dũng cảm trong kinh doanh, không có nghĩa là phải mạnh mẽ về thể chất, càng không phải nhắm mắt làm liều một điều gì đó, mà đôi khi đó là việc đương đầu với nỗi sợ hãi, bắt đầu một hướng đi mới để tạo nên sự thay đổi.
Apple đã từng có giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình hoạt động vào thập kỉ 90. Năm 1985, nhà đồng sáng lập Steve Jobs bị sa thải khỏi Apple do mâu thuẫn với hội đồng quản trị. Năm 1993, cựu CEO John Sculley rời bỏ công ty sau tình trạng trượt dài về doanh số cùng hàng loạt quyết định sai lầm. Năm 1996, khi đối diện với quá nhiều áp lực mà không biết phải làm gì, CEO lúc bấy giờ Gil Amelio quyết định mua lại NeXT, công ty của Steve Jobs, vô tình kéo ông quay lại đội hình Apple. Không lâu sau đó, Jobs đã “hất cẳng” Amelio trong cuộc họp ban điều hành. Sự kiện này được đánh giá là một nước cờ thú vị, vực dậy Apple trở thành một trong những gã khổng lồ ở thung lũng Silicon. Bên cạnh đó là những cuộc cách mạng cho các sản phẩm iPod, iPhone, và iPad từ thay đổi trong việc điều hành và quản lý của Steve Jobs. “Việc bị chính công ty do mình sáng lập sa thải đã tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Trở ngại của thành công được thay thế bằng ánh sáng khi bạn nhìn thấy một con đường mới. Tôi được tự do để thỏa sức sáng tạo trong suốt cuộc đời mình”.
Có thể thấy, chính những mối nguy hiểm đã khiến chúng ta cải thiện lối sống hiện tại, biến hóa những mối nguy thành cơ hội để chạm tới thành công. Thử thách chính là thước đo sự cố gắng và lòng dũng cảm. Trong kinh doanh, dũng cảm là điều cần có để chống lại sự khôn ngoan thông thường, đi ngược với đám đông và thử nghiệm những cách nhìn mới. Đừng chờ đợi để cảm thấy can đảm. Chỉ khi đối mặt với sự sợ hãi, bạn mới xác nhận được sự dũng cảm thật sự của chính mình. Đây chính là yếu tố khác biệt giữa doanh nhân và người bình thường.
Tuy nhiên, hãy khôn ngoan trong việc chấp nhận những thách thức. Giữa dũng cảm và liều lĩnh là một ranh giới rất mỏng manh. 4 lời khuyên sau sẽ giúp bạn trui rèn bản lĩnh khi bước chân vào thương trường.
1 Kế hoạch mọi thứ thật cụ thể
Để có thể đưa ra những quyết định tự tin trên thương trường, bạn cần có một kế hoạch kinh doanh cụ thể, hoạch định từng mức tăng trưởng khác nhau. Đồng nghĩa với việc bạn phải tạo ra một nền móng vững chắc và xác định điều gì sẽ là điểm khác biệt để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo nguồn ngân sách dự phòng và lên chi phí dự trù cho kế hoạch kinh doanh của bạn.
2 Khoanh vùng thị trường mục tiêu
Hiểu biết về thị trường mục tiêu luôn là một trong những điều căn bản dành cho doanh nhân. Hãy đảm bảo bạn đã có cho mình một thị trường với những nhóm khách hàng cụ thể, và một sản phẩm hoặc dịch vụ đủ hấp dẫn để thu hút đối tượng khách hàng “mơ ước” của bạn. Một gợi ý khá mới mẻ là hãy tìm kiếm những thị trường đã có vẻ bão hòa, tìm những điểm yếu chưa được khắc phục hoặc khách hàng không được phục vụ tốt để nắm bắt. Nếu phát triển theo ý tưởng này, bạn sẽ cần một đội ngũ có tay nghề để đánh giá thị trường và phát triển một kế hoạch dựa trên những trải nghiệm thực tế của khách hàng.
Must read: Duy trì sự lạc quan trong kinh doanh
3 Sẵn sàng đối mặt sự sợ hãi
Nỗi sợ hãi là một cảm xúc hoàn toàn có thể diễn ra hàng ngày, đặc biệt là khi bạn điều hành công việc kinh doanh. Hãy chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng chấp nhận những rủi ro. Theo quan điểm tích cực, những sai lầm đến càng sớm, chúng ta càng có cơ hội học hỏi được nhiều điều và nhanh chóng khắc phục để sớm đạt được mục tiêu. Việc thường xuyên đối mặt với rủi ro đồng nghĩa với việc dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn toàn cố hữu, chấp nhận thử thách và tự nâng cao giới hạn của chính mình. Với vai trò đầu tàu, khi bạn đã có đủ dũng cảm, nỗi sợ hãi về năng lực chung sẽ trở nên nhỏ bé hơn, giúp doanh nghiệp đạt được những thành tựu lớn hơn trong tương lai.
4 Xây dựng đội ngũ tin cậy
Nếu muốn chạm đến sự bứt phá và đổi mới, hãy tìm kiếm cho mình những nhân viên thường xuyên “không hài lòng với cách mọi thứ đang được thực hiện”. Sự sáng tạo và vượt qua chính mình của họ sẽ giúp bộ máy doanh nghiệp cải tiến, thoát khỏi hiện trạng và có bước đổi mới đáng kể. Bên cạnh đó, hãy đặt những người tài giỏi và đáng tin cậy ở xung quanh bạn. Bạn sẽ dễ dàng có can đảm đưa ra những quyết định lớn bên cạnh những người mà bạn tin tưởng.
“Tất cả những giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta có đủ can đảm theo đuổi nó”, Walter Elias – Nhà sáng lập Walt Disney Productions
***
Can đảm là một yếu tố quan trọng của thành công. Liệu bạn có đủ lòng dũng cảm? Hãy trả lời những câu hỏi sau đây. Số lượng câu trả lời “Có” càng cao, chứng tỏ lòng dũng cảm là một tính cách bẩm sinh của bạn:
- Khi đứng trước một kế hoạch mới, bạn có tự tin rằng sẽ thành công và vượt qua mọi trở ngại?
- Trong hoạt động kinh doanh, bạn có tự tin chống lại đối thủ cạnh tranh, và vươn lên hàng đầu?
- Khi đối mặt với ý kiến của số đông mọi người, bạn có can đảm phản bác và cho rằng ý kiến của mình đúng?
- Khi đầu tư, bạn có chắc chắn rằng dự án đó sẽ phát triển trong vòng 1-2 năm tới, bất kể rủi ro?
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Có thể bạn quan tâm:
Các nhà quản trị tương lai nên học gì từ những bạn bè quốc tế?