Học hỏi từ những người đi trước vẫn luôn là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất dành cho các doanh nhân. Từ những điều như phong thái, cách giao tiếp đến những quy tắc “bất di bất dịch” trong kinh doanh, những yếu tố đó chính là thái độ quyết định thành công của thế hệ hiện đại tại những đất nước phát triển trên thế giới.
Không phải ở đâu xa xôi, chính những đất nước láng giềng trong khu vực sẽ mang đến cho bạn nhiều bài học đáng giá trong việc quản trị và kinh doanh.
Ấn Độ
Nhân sự cấp cao người Ấn dường như là “trào lưu” tuyển dụng nhân sự mới của thế giới, thậm chí đã có hẳn một nhóm “Những công ty đa quốc gia có quản lý là người gốc Ấn”. Đặc điểm chung của các CEO gốc Ấn là đều đang ở độ tuổi cuối 40, đầu 50, giai đoạn được xem là đạt “đỉnh” trong sự nghiệp một nhà quản lý; tốt nghiệp Đại học của Anh, Mỹ, Ấn Độ, và làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Phải có một lời giải thích chung cho việc tại sao lại có nhiều nhà quản lý gốc Ấn như vậy, và có lẽ câu trả lời nằm trong chính nền văn hóa quản trị của người Ấn Độ.
Theo nghiên cứu của Đại học St.Gallen (Thụy Sĩ), những nhà quản lý người Ấn luôn có xu hướng quản trị theo hướng xây dựng, đóng góp và có khả năng tạo được mối quan hệ êm đẹp với đồng nghiệp và cấp dưới: “Phong cách lãnh đạo của người Ấn Độ luôn tạo cho nhân viên có cảm giác công ty đang thực sự quan tâm đến mình”, từ đó tạo ra lòng trung thành mạnh mẽ và một mối bền vững giữa nhân viên và công ty. Bên cạnh đó, người Ấn luôn có xu hướng nhìn xa trông rộng, tập trung vào các chiến lược phát triển lâu dài mạnh mẽ, kiên trì học hỏi ở mọi góc độ và được thăng chức từng bước một, gắn bó với công ty trong một thời gian rất lâu dài.
Nhật Bản
Sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản phần lớn đến từ văn hóa kinh doanh của quốc gia này. Chữ tín là đặc điểm nổi bật trong kinh doanh và lối sống hằng ngày. Dù làm bất cứ việc gì họ luôn tuân thủ nguyên tắc, giữ chữ tín và lời hứa của mình. Họ quan niệm rằng muốn đạt được thành công, bạn cần phải biết ơn và thể hiện sự tôn trọng với khách hàng. Doanh nghiệp cần phải đứng trên lập trường của khách hàng, đặt lợi ích của họ lên hàng đầu, và cái mà bạn nhận lại sẽ là sự tin tưởng và tín nhiệm.
Phương châm làm việc của các công ty Nhật Bản là luôn hết mình đối với mọi công việc gì, cũng như đề cao trách nhiệm cá nhân, dựa trên nguyên tắc: “Tất cả suy nghĩ cho khách hàng” và dựa vào những yêu cầu của thị trường để làm trung tâm phát triển. Từ đó, tìm cách mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Dịch vụ cũng là yếu tố luôn được chú trọng khi không chỉ chú ý mang lại sự tiện lợi cho khách hàng mà còn là thái độ ứng xử, thể hiện qua cách xử lý sự không hài lòng của khách hàng một cách khéo léo, thỏa đáng và không hề miễn cưỡng. Họ coi khách hàng là thượng đế thực sự, với thái độ hướng dẫn và hỗ trợ hết mình. Mọi giao dịch của người Nhật đều kết thúc bằng cái cúi đầu lịch sự. Đây là một trong những điều đáng học hỏi của người Nhật.
Singapore
Là một từ có nguồn gốc từ tiếng Phúc Kiến, “Kiasu” với “kia” có nghĩa là sợ và “su” có nghĩa là thua cuộc, nghĩa đen là “sợ thua cuộc”. “Kiasu” đã được thêm vào Từ điển Anh ngữ Oxford, nơi nó được mô tả là “thái độ keo kiệt, ích kỷ”, và là một trong những tính từ tiêu biểu để nói về những cư dân của Đảo quốc sư tử. Không mang ý nghĩa tiêu cực, chính tinh thần này giống như một bản năng, thúc đẩy Singapore trở thành một trong những cường quốc với tuổi đời chỉ 53 năm. Trong cuộc sống hàng ngày, đó có nghĩa là họ thường sẽ không bỏ qua bất kỳ thứ gì thú vị hay một món hời. Nhu cầu tiên phong luôn là một phần trong tâm lý xã hội tiêu biểu của người Singapore.
Một cuộc khảo sát đánh giá Giá trị quốc gia vào năm 2015 cho thấy người Singapore xếp “kiasu” trong top 10 nhận thức hàng đầu của họ về cộng đồng Singapore, cùng với thích cạnh tranh và tự cho mình là trung tâm. Ngược lại, khi được hỏi các giá trị và hành vi mô tả chính bản thân mình, mối quan hệ gia đình, tình bạn, chu đáo và trung thực lại xuất hiện trong top 10, chứng tỏ sự tự nhận thức trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng giữa thành công trong cuộc sống cũng như gìn giữ các giá trị tích cực đầy tính nhân văn của xã hội. Bản năng này, được giải thích một phần là do Singapore không có tài nguyên thiên nhiên, và “kiasu” trở thành chìa khóa thành công của quốc đảo này, là một ý thức sâu sắc rằng chỉ có tham vọng và mong muốn trở thành tốt nhất thì họ (và đất nước của họ) mới có thể phát triển.
Có thể bạn quan tâm:
Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM, Ureerat Ratanaprukse: Hãy nắm bắt lấy cơ hội của chính mình