Giữ chân nhân tài, khó hay dễ? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giữ chân nhân tài, khó hay dễ?

Tìm thấy người tài đã khó, giữ chân người tài còn khó hơn rất nhiều lần. Có người tài, ắt có thêm sức mạnh. Nhưng làm thế nào để một tổ chức/doanh nghiệp là chốn dừng chân và trở thành lựa chọn của người tài?

Nhà quản lý luôn hiểu rằng, nhân viên giỏi không chỉ góp phần vào sự thành công của một tổ chức/doanh nghiệp. Mà họ còn tạo nên văn hóa công ty cũng như một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhưng nhân viên giỏi thì luôn được săn đón, họ cũng luôn hiểu giá trị của bản thân và họ cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc. Chảy máu chất xám là vì thế. Giữ chân nhân viên giỏi hẳn nhiên là lựa chọn khôn ngoan cho sự phát triển và vững mạnh của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để giữ chân họ?

Nghe thuat giu chan nhan tai (2)

Nhân viên ở lại nơi họ cảm thấy như ở nhà

Trong cuốn Nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi, tác giả J. Leslie McKeown đã dành hẳn một phần cuốn sách để nói về chiến lược này. J. Leslie McKeown nhấn mạnh rằng, giữ chân nhân viên hiệu quả không phải là thực hiện những điều khiến nhân viên ở lại mà biến nơi làm việc thành môi trường chào đón nhân viên đích thực khiến họ lựa chọn ở lại hơn là ra đi. Hay nói cách khác, là làm thế nào để nhân viên có cảm giác như ở nhà.

Theo J. Leslie McKeown, mỗi người sẽ có một khái niệm “nhà” khác nhau. Nhưng ở vai trò quản lý, rất cần xác định doanh nghiệp mình là loại nhà nào để tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Tác giả cũng đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp là hãy miêu tả chính xác nhất doanh nghiệp của bạn, đặc điểm nào khiến bạn tự hào nhất, cuốn hút nhất, cổ vũ, khuyến khích và làm bạn cảm động nhất. Bởi một khi bạn đã có những từ miêu tả này, cũng có nghĩa là bạn đã phần nào định hình cho một môi trường làm việc lý tưởng. Điều này cũng giúp bạn “lọc” được nhân viên thích hợp từ bước tuyển dụng.

Hãy nhớ, giữ chân nhân viên chứ không phải ép buộc họ. Và nhân viên không quan tâm đến những chiến lược giữ chân họ đâu, cái mà họ quan tâm là môi trường làm việc luôn chào đón, nơi khiến họ có cảm giác như ở nhà.

 

“Hãy giữ chân nhân viên chứ không ép buộc họ. Và nhân viên không quan tâm đến những chiến lược giữ chân họ đâu, cái mà họ quan tâm là môi trường làm việc luôn chào đón, nơi khiến họ có cảm giác như ở nhà.”

 

Văn hóa giữ chân

Để giữ chân nhân viên, sự nhất quán là điều đầu tiên cần phải nói đến. Giữ chân nhân viên phải được bắt đầu từ trước khi nhân viên vào làm việc. Nghĩa là, việc giữ chân nhân viên phải được bắt đầu từ hình ảnh, thông điệp, ấn tượng của doanh nghiệp đó tạo ra trên thị trường. Sau đó, nó phải nhất quán với những gì nhân viên đó được tiếp xúc ban đầu khi tuyển dụng và tiếp đó là khi họ chính thức vào làm việc. Một khi nhân viên nhận thấy sự không nhất quán, việc dịch chuyển lao động là điều khó tránh khỏi. Ấn tượng trong quá trình tuyển dụng và những ngày làm việc đầu tiên cũng là một trong những yếu tố giữ chân nhân viên.

Để giữ chân nhân viên, đặc biệt là nhân tài, nhà quản lý buộc phải sử dụng những công cụ hợp lý. Công cụ ở đây có thể là những chế độ đãi ngộ, kế hoạch tăng lương, tiền thưởng, bảo hiểm, cơ hội tập huấn… Tất nhiên, để ra đòn đúng và trúng, nhà quản lý phải có được những quyết định và lựa chọn chính xác cho một công cụ cụ thể. Ngoài ra, việc quản lý như thế nào, huấn luyện và tạo cơ hội cho nhân viên phát triển ra sao cũng là một trong những điểm cộng để giữ chân nhân viên.

Nghe thuat giu chan nhan tai (1)

Khởi đầu rất quan trọng

Có những nhân viên không ai muốn giữ. Nhưng đồng thời, cũng có những sự ra đi là tổn thất không nhỏ của một doanh nghiệp. Bởi thế, một khi đã xác định những nhân tố quan trọng thì việc tối ưu hóa mối quan hệ là hết sức cần thiết. Ngay từ khi họ bắt đầu vào làm việc, hãy giúp họ có một khởi đầu thoải mái đủ để họ nhận diện được những gì đang diễn ra. Tất nhiên, một nhà quản lý giỏi cũng là người biết cách dẫn dắt người mới hội nhập nhanh với môi trường mới. Đừng tiếc thời gian, hãy cùng các tân binh hòa nhập vào môi trường mới của họ. Đối thoại luôn là cách để nhà quản lý và nhân viên hiểu về nhau hơn. Hãy thẳng thắn và cởi mở trong trao đổi, nó sẽ giúp cả hai nhanh chóng tìm thấy tiếng nói chung.

Những ứng cử viên có năng lực luôn bị thu hút bởi những doanh nghiệp có tầm nhìn vững chắc và mục tiêu rõ ràng. Và mối quan hệ công việc chỉ có thể lâu dài khi nhân viên tìm thấy sự tương đồng giữa hướng đi của bản thân và mục tiêu của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp càng có nhiều nhân tài thì càng dễ thu hút người tài bởi ai cũng muốn tham gia vào đội hình chiến thắng. Và điều quan trọng nhất vẫn xuất phát từ người lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và bản lĩnh luôn là người biết cách truyền cảm hứng cũng như gây ảnh hưởng lên người khác. Đấy cũng là một trong những nhân tố quan trọng để người tài đến và ở lại.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Xem thêm:

5 điều cần nhớ để có quyết định sáng suốt

Comment