Cạnh tranh còn cần phải đấu tranh? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Cạnh tranh còn cần phải đấu tranh?

Thế giới phẳng, một định nghĩa được đưa ra bởi nhà báo Thomas L. Friedman đã từng tạo ấn tượng mạnh với thế giới về một thế giới không còn những lằn ranh, hàm ẩn những cơ hội và thách thức mới của cạnh tranh trong kinh doanh.

Tóm lược lịch sử thế kỉ XXI, Friedman cho rằng thế giới hiện đang ở giai đoạn toàn cầu hóa 3.0, với một mô hình xã hội, chính trị, kinh doanh hoàn toàn mới. “Thế giới phẳng” là một ẩn dụ hàm chứa cả cơ hội lẫn lo âu do toàn cầu hóa đưa lại. Lúc này, quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào luật chơi chung, tháo dỡ nhiều rào cản trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Phẳng đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ đã không còn thích hợp. Kỷ nguyên mới cho phép các doanh nghiệp trên khắp thế giới cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, hướng tới việc kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn hơn. Theo đó, thương trường hiện nay đã được định nghĩa khác đi, và cạnh tranh nay đã không còn là đối đầu như chúng ta thường nghĩ.

Để chiến thắng trong thế giới phẳng, chân dung của một CEO mới nên được xây dựng như thế nào? Nếu có một hình mẫu lý tưởng, đó sẽ là một nhà lãnh đạo mang những đặc trưng sau:

Yêu thích đổi mới: Trong thời đại mới, bạn dĩ nhiên cần có bản năng thích tìm tòi cái mới, tư duy, cách làm việc mới, sản phẩm mới, biết cách bỏ qua những suy nghĩ bảo thủ.

Có tầm nhìn: Tư duy định hướng tốt, phù hợp xu hướng biến đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh toàn cầu. Hãy nhớ, suy nghĩ toàn cầu và hành động bản địa. Biết định hướng hành vi để đạt những điều mong muốn trong tương lai xa; biết lý luận để quyết định rồi hành động, với tỉ lệ bao gồm 80% suy nghĩ và 20% hành động.

Có hình ảnh: Đòi hỏi nhà quản lý phải có năng lực, kiến thức để đảm bảo sự chu đáo, chặt chẽ đến từng tiểu tiết. Có 3 điều quan trọng nhất trong hình ảnh nhà lãnh đạo là văn hóa, cam kết về trách nhiệm và nhận được sự đồng thuận của nhân viên.

Có phong cách: Mỗi CEO nên là một hội tụ của phong cách doanh nhân và phong cách lãnh đạo. Phong cách doanh nhân thể hiện ở độ nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, chấp nhận rủi ro, thái độ tích cực, tinh thần lạc quan, say mê làm giàu. Phong cách lãnh đạo thể hiện ở tinh thần chịu trách nhiệm, sẵn sàng trao đổi và đối thoại.

Cạnh tranh trong thế giới mới

  • Quy tắc 1: Trau dồi kỹ năng doanh nghiệp thay vì cảm thấy đang chịu áp lực hay tìm cách quay lưng với sự thay đổi, phát triển sức mạnh cạnh tranh toàn diện ở chuẩn mực, chất lượng và đẳng cấp quốc tế chứ không chỉ đơn giản ở cuộc chiến “tiếp thị”.
  • Quy tắc 2: “Người tí hon hành động như người khổng lồ”. Cách để doanh nghiêp quy mô nhỏ cạnh tranh trong thế giới phẳng chính là học cách làm chuyện lớn. Để làm được điều này, “người tí hon” cần học cách hợp tác và vươn xa hơn, nhanh hơn, rộng hơn và sâu hơn.
  • Quy tắc 3: “Người khổng lồ cần làm việc của người tí hon”. Không chỉ là câu chuyện thay đổi của các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Các công ty lớn phải học cách làm cả những chuyện nhỏ nhất, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm hoàn hảo hơn.
  • Quy tắc 4: “Những công ty tốt nhất là những người cộng tác tốt nhất”. Trong thế giới phẳng, đối đầu là khái niệm đang dần bị thay thế bởi hợp tác. Sự hợp tác này mang đến những giá trị mới như dịch vụ, công nghệ, marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng mà không doanh nghiệp đơn lẻ nào có khả năng tự triển khai.
  • Quy tắc 5: “Những công ty tốt nhất thuê làm bên ngoài để chiến thắng”. Xu hướng Out Sourcing (thuê đội ngũ nhân lực bên ngoài) đang dần được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp. Nguồn nhân lực này mang đến phương pháp làm việc mới mẻ, chi phí rẻ hơn, dẫn đến hiệu quả tăng trưởng lớn, giành nhiều thị phần và thuê được nhiều chuyên gia giỏi, hạn chế tình trạng tiết kiệm tiền bằng cách sa thải nhân công.
  • Quy tắc 6: Bài toán về xây dựng thương hiệu. Để có chiến lược định vị thương hiệu thành công, doanh nghiệp nên xây dựng những bước nghiên cứu bài bản về môi trường cạnh tranh, thị hiếu tiêu dùng. Từ đó phát triển thương hiệu dựa trên các thế mạnh, lợi ích đích thực và đặc trưng nổi bật của sản phẩm – dịch vụ để phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng.

“Mỗi doanh nghiệp cần tạo ra cho mình một giá trị gia tăng độc đáo, chỉ có như thế thì mới có thể tồn tại trong thế giới có nhiều cạnh tranh như hiện nay.”

***

Các Start-up cạnh tranh thế nào trong thế giới phẳng?

  • Tư duy như dân nhập cư với khao khát lớn về thành công.
  • Tư duy như thợ thủ công tạo ra sản phẩm đặc biệt và cung cấp các giá trị thặng dư.
  • Tư duy như những doanh nhân mới thành lập doanh nghiệp, tái suy nghĩ, học tập, thiết kế ra các sản phẩm mới.
  • Tư duy như phục vụ bàn, vừa cung cấp thêm giá trị vừa tiếp tục “động não”.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Có thể bạn quan tâm:

Thành công nhờ vào bản năng cá nhân

Tầm quan trọng của “đa dạng giới” tại doanh nghiệp

Comment