Làm thế nào để doanh nhân vươn tới mục tiêu trong tầm ngắm? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm thế nào để doanh nhân vươn tới mục tiêu trong tầm ngắm?

Bạn đã nghe nhiều về việc thiết lập mục tiêu và có lẽ trong các kế hoạch hành động của bạn luôn có một mục tiêu nào đó. Là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ có những mục tiêu riêng cho cá nhân và mục tiêu chung cho tổ chức, nhưng liệu những mục tiêu đó có thể hòa hợp đem đến tính khả thi cao và nhắm đúng trọng tâm nhu cầu mà bạn cũng như tổ chức của bạn đang cần? Với những tương lai đang chờ đón, khi bạn bắt đầu thực thi các chiến lược của một năm mới cũng là lúc bạn cần hiểu rõ đâu là những mục tiêu mà bạn đang kỳ vọng!

Đã là một nhà quản lý hay làm chủ doanh nghiệp, có lẽ không một ai không hiểu tầm quan trọng đặc biệt của việc thiết lập mục tiêu cho các chiến lược. Mục tiêu xuất hiện ở mọi khía cạnh, trong mọi hoạt động từ nhân sự, tài chính, kinh doanh, tiếp thị bán hàng đến những kế hoạch vĩ mô 5 năm hay 10 năm của doanh nghiệp. Có một sự thật được tất cả doanh nhân thừa nhận đó là việc cả tổ chức cùng theo đuổi những mục tiêu chung, trong đó tất cả nhân viên đều hiểu và hành động theo vai trò và khả năng của mình để cùng đi theo một hướng, tuân thủ một chiến lược kinh doanh chung sẽ tạo nên một tổ chức kinh doanh mạnh mẽ nhất mà không có một thế lực nào có thể ngăn cản được.

Đặt mục tiêu là bước đầu tiên để một người làm kinh doanh có được những gì họ muốn từ doanh nghiệp của họ. Các mục tiêu được thiết lập ngay từ đầu giúp mang đến cho người điều hành ý thức cao về mục đích công việc, cũng như giúp họ tập trung thời gian và năng lượng vốn có hạn của con người vào những việc quan trọng. Mục tiêu kinh doanh còn giúp thúc đẩy và tiếp thêm năng lượng cho những người làm chủ để họ có thể tiếp tục tiến tới khi mọi thứ trở nên khó khăn.

Nếu bạn đã có các mục tiêu kinh doanh nhưng lại định hướng sai đường hoặc kinh doanh theo bản năng mà không có mục tiêu nào, bạn chẳng thể có được ý niệm rõ ràng cũng như cảm thấy có ý nghĩa về những gì đã đạt được sau thời gian phấn đấu, và những nỗ lực của bạn cho công việc chỉ đem đến cảm giác lưng chừng và nửa vời mà thôi. Vì vậy, để thiết lập được những mục tiêu vừa đúng tầm hoài bão vừa thiết thực khi dấn thân vào con đường kinh doanh, bạn hãy từng bước cân nhắc 5 đối tượng mục tiêu sau:

Khi bạn xem xét đưa ra các mục tiêu cho hoạt động kinh doanh, dĩ nhiên tâm trí của bạn sẽ nghĩ đến việc thu hút được nhiều khách hàng hơn hoặc nhanh chóng gia tăng được doanh thu và lợi nhuận. Đồng ý rằng đó là những mục tiêu rất quan trọng nhưng chúng chỉ là một phần của bức tranh kinh doanh tổng thể mà thôi. 

Bạn hãy nghĩ lại về lý do thật sự của việc bạn muốn kinh doanh tự do hoặc tại sao bạn khởi nghiệp. Rất có thể vì bạn mong có được sự linh hoạt trong công việc, thoải mái về thời gian để dành cho gia đình; hoặc có thể là vì bạn muốn được tự do sáng tạo hơn hay tận hưởng công việc theo cách riêng của mình. Đây là những mục tiêu mang tính “cá nhân” xuất hiện ngay từ những ngày đầu khi bạn quyết định kinh doanh và hoàn toàn nằm ngoài những mục tiêu mang tính “chuyên nghiệp” hơn về doanh thu hay doanh số. Vẫn biết rằng những mục tiêu về “tiền” sẽ giúp bạn hiện thực hóa được nhiều mục tiêu khác, nhưng đồng tiền hiếm khi là sự kết thúc của chính nó, khi đạt được rồi sẽ khiến bạn càng muốn đạt được nhiều hơn và vô tình quên đi những mục tiêu dù mang tính “cá nhân” nhưng cũng quan trọng không kém vì chính là những mục tiêu ban đầu bạn nghĩ đến.

Vì vậy khi đặt ra mục tiêu, hãy cố gắng suy nghĩ đến cả những yếu tố bên ngoài phạm trù kinh doanh mà bạn cũng rất quan tâm và cân nhắc. Ví dụ như có được số giờ tối đa mỗi tuần mà bạn mong muốn dành cho một sở thích nào đó, số ngày làm việc cụ thể hoặc khoảng thời gian mà bạn muốn nghỉ ngơi, có được thời gian để không bao giờ bỏ lỡ những hoạt động của con tại trường, có thể tham gia yoga và thiền mỗi ngày, hoặc sắp xếp học thêm được một bằng cấp chuyên môn nào đó. Hãy luôn ghi nhớ đâu mới là những mục tiêu thật sự được ưu tiên hàng đầu của bạn và mọi mục tiêu kinh doanh được thiết lập phải có thể đạt được những điều đó nữa.

Khi bạn xác định những mục tiêu mang tính “cá nhân” và “chuyên nghiệp”, hãy xem xét khung thời gian mà bạn cần có để đạt được chúng. Bạn có thể có những hoài bão lớn lao cho một tương lai lâu dài, nhưng nếu không xác định từng thời hạn thực hiện cụ thể thì mục tiêu dài hạn đó của bạn dễ bị trì hoãn và không biết bao giờ mới thành hiện thực. Ngược lại, nếu chỉ có các mục tiêu ngắn hạn mà không những khát vọng vĩ mô có thể bạn đã bỏ lỡ việc hoàn thiện một bức tranh tổng thể đẹp đẽ cho cá nhân bạn và doanh nghiệp của bạn. Dù có thể bạn hay tập thể cộng sự liên tục đạt được tiến bộ vượt bậc ngày qua ngày nhưng cuối cùng lại không có mục tiêu nào có ý nghĩa lớn lao và sức hút mãnh liệt để tất cả cùng theo đuổi.

Cách tiếp cận tốt nhất với việc đặt ra mục tiêu là bạn phải xác định được những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho hoạt động kinh doanh của mình. Đầu tiên, hãy xác lập một tầm nhìn vĩ mô để truyền cảm hứng cho chính bạn và đem đến cho người đầu tàu như bạn một điều có ý nghĩa để làm việc hướng tới. Tiếp đó việc cần làm là hãy chia nhỏ mục tiêu lớn đó thành nhiều mục tiêu cụ thể hơn với thời hạn “khẩn cấp” hơn để bản thân không cảm thấy quá áp lực và có thể tập trung nỗ lực thực hiện lần lượt.

Với người làm kinh doanh, những mục tiêu lớn mang tầm nhìn trọn đời cho cá nhân họ có thể là việc đạt được một mức độ thu nhập nào đó, tạo dựng được cho mình một nguồn thu nhập thụ động, có thể nghỉ hưu sớm và đi du lịch vòng quanh thế giới, đến định cư tại một quốc gia nào khác, hoặc mua được ngôi nhà trong mơ… Hãy chia các mục tiêu dài hạn này theo các cột mốc thời gian thực hiện trong 10 năm, 5 năm, 3 năm và chỉ một năm. Khi đã có các mục tiêu thực hiện ngắn hạn, bạn có thể tiếp tục chia nhỏ thời hạn thực hiện theo hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Thời hạn lý tưởng cho một mục tiêu ngắn hạn là 3 tháng, một khoảng thời gian đủ dài để bạn đạt được những kết quả rõ ràng trong công việc và cũng đủ ngắn để bạn duy trì được sự tập trung của mình.

Cuối cùng thì các mục tiêu kinh doanh cũng phải đem đến được kết quả. Và, không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong tương lai đó chính là thứ có thể thúc đẩy và khích lệ bạn mạnh dạn dấn thân vào con đường kinh doanh đầy chông gai. Nhưng điều thật sự quan trọng hơn lại là cách thức mà bạn sẽ đi để chạm tới được đích đến nhiều kỳ vọng đó. Cả quá trình thực hiện sẽ là yếu tố quyết định liệu kết quả bạn đạt được có đúng như mong đợi hay không.

Những mục tiêu liên quan đến kết quả cũng thường liên quan trực diện đến những gì mà bạn đang nhắm tới nhưng bạn lại không có quyền kiểm soát hoàn toàn việc bạn có đạt được điều đó hay không. Vì vậy để kết quả có thể khả thi hơn, bạn cần có những kế hoạch hành động cụ thể. Và đó là lúc bạn cần quản lý các mục tiêu hướng đến quá trình thực hiện. Ngược lại với những mục tiêu “kết quả”, những mục tiêu hướng đến quá trình lại có liên quan đến những điều mà bạn có thể kiểm soát việc thực thi chúng. Ví dụ như gửi các bản đề suất ý tưởng với số lượng cụ thể mỗi tuần, theo dõi khách hàng tiềm năng mỗi ngày, lịch trình đăng bài thường xuyên trên các kênh truyền thông, “khóa” lịch làm việc của bạn để dành thời gian cho gia đình, đăng ký một khóa học trực tuyến…

Đây là hai loại mục tiêu có liên quan mật thiết với nhau, và nếu là một doanh nhân có tầm nhìn bạn sẽ muốn kết hợp cả hai loại mục tiêu có tính tương hỗ nhau này. Các mục tiêu hướng đến kết quả thường tương ứng với tầm nhìn dài hạn mà bạn đã đặt ra, trong khi đó các mục tiêu tập trung vào quá trình sẽ hữu ích cho các thời hạn thực hiện ngắn. Ví dụ mục tiêu cả năm của bạn có thể là tăng thêm 50% thu nhập cho cá nhân từ việc kinh doanh, thì mục tiêu trong 3 tháng bạn cần thiết lập có thể là có thêm 5 khách hàng mới và kế hoạch hành động của bạn phải gửi đi ít nhất 5 thư chào hàng mới trong thời gian đó.

Các mục tiêu kinh doanh luôn cần phải cụ thể đủ để bạn theo dõi và biết khi nào đã đạt được những mục tiêu đó. Nếu chỉ đưa ra mục tiêu là “phát triển kinh doanh”, hay đơn thuần là “tìm kiếm thêm khách hàng” hoặc “dành nhiều thời gian cho con cái” thì quá chung chung và mơ hồ.

Bạn cần nhớ rằng các mục tiêu có tính “định lượng” phải đảm bảo đưa ra được các chỉ tiêu thực hiện rõ ràng và cụ thể, có thể đo lường cũng như có thể đạt được. Bạn nên tham khảo mô hình SMART khá phổ biến trong kinh doanh để phân tích và đưa ra các mục tiêu phù hợp. Những ví dụ điển hình về mục tiêu định lượng có thể là đạt doanh số 10 tỷ đồng trong 3 tháng tới, trong tháng tìm kiếm được thêm 3 khách hàng mới, hoặc chỉ dành không quá 30 giờ làm việc trong tuần này…

Trong khi đó, các mục tiêu kinh doanh “định tính” mà bạn không thể đo lường bằng những con số cũng không thể thiếu trong các chiến lược kinh doanh và đóng vai trò quan trọng không kém. Các mục tiêu này đôi khi chỉ đơn giản đáp ứng nhu cầu một người kinh doanh như bạn ví dụ như phải giảm được căng thẳng trong công việc, cải thiện được kỹ năng trình bày trước tập thể hay tìm được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân… Để đo lường các yếu tố định tính này, hãy cố gắng cụ thể hóa nhiều nhất có thể các khái niệm “tốt hơn” hoặc “nhiều hơn” trong một mục tiêu nào đó mà bạn mong đợi. Bạn cũng có thể dùng thang điểm để đánh giá sự tiến bộ của bạn mỗi ngày, rồi thiết lập mục tiêu cho ba tháng tới chẳng hạn.

Hãy đảm bảo rằng bạn luôn có được sự cân bằng giữa hai loại mục tiêu này thì những kế hoạch mới có thể chạm đến thành công mỹ mãn. Đặt ra những mục tiêu định lượng để đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được các kỳ vọng về tài chính, và đặt ra những mục tiêu định tính để bạn có dịp nắm bắt thêm các sắc thái khác của những gì bạn đang cố gắng đạt được.

Một số nhà tư vấn chiến lược thường khuyên các doanh nhân đặt mục tiêu kinh doanh hướng đến kết quả thực hiện bằng cách đưa ra những con số thử thách của năm sau phải gấp hai, thậm chí gấp ba lần năm cũ. Những mục tiêu “tham vọng” kiểu này có thể truyền cảm hứng tột đỉnh và làm cho bạn nỗ lực hăng say làm việc. Nhưng, mặt trái của vấn đề là nó cũng có thể khiến cho bạn nản chí đến mức bỏ cuộc khi đối mặt với một con số mục tiêu bất khả thi.

Đồng ý rằng đã dấn thân vào thương trường, muốn thành công bạn phải chấp nhận thử thách, tự đưa ra những mục tiêu thách thức bản thân, kéo căng hết sức những nỗ lực của bạn để có thể bùng nổ tạo nên “cú hít” để đời. Ngay cả khi bạn chưa thể đạt được, việc tự đẩy bản thân cũng giúp bạn tiệm cận với mục tiêu và tin rằng ngày đạt được thành tựu sẽ không còn xa. Tuy nhiên, trên con đường cố gắng với đến những mục tiêu chất chứa nhiều “tham vọng”, bạn cần cân bằng nó với những mục tiêu và cột mốc mang tính thực tế, dễ thực hiện hơn. Bạn sẽ muốn được nếm thử vài trái ngọt thắng lợi nho nhỏ để có thêm động lực đi tiếp trên hành trình gian nan chinh phục những đỉnh cao chót vót.

Ví dụ bạn có thể đặt mục tiêu đạt được thu nhập cá nhân ở mức một tỷ đồng sau 5 năm đầu tư kinh doanh thì hãy đồng hành với mục tiêu thực tế hơn là kiếm được 200 triệu đồng trong năm nay so với năm ngoái. Hoặc, bạn có thể mơ ước rằng sáng tạo mới của công ty bạn sẽ trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong năm nay, thì mục tiêu thực tế của bạn nên là ra mắt sản phẩm hoàn thiện đầu tiên trong quý I.

Vậy đấy, hãy ước mơ lớn, bằng mọi cách. Nhưng, hãy bắt đầu bằng những mục tiêu nhỏ hơn và vừa tầm, điều đó sẽ giúp xây dựng sự tự tin trong bạn và giúp bạn tiếp bước trong thời gian khởi đầu các chiến lược kinh doanh.

“Trên con đường cố gắng với đến những mục tiêu chất chứa nhiều “tham vọng”, bạn cần cân bằng nó với những mục tiêu và cột mốc mang tính thực tế, dễ thực hiện hơn. Bạn sẽ muốn được nếm thử vài trái ngọt thắng lợi nho nhỏ để có thêm động lực đi tiếp trên hành trình gian nan chinh phục những đỉnh cao chót vót.”

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: J.V

Đọc thêm:

Detox tư duy lãnh đạo

Cách tự thăng tiến khi công ty chưa “đầu tư” đủ cho bạn

Comment