Nếu biết phát huy phong cách điều hành theo hướng tích cực và hạn chế tối đa phương thức quản lý lạc hậu, các nhà quản lý sẽ khích lệ tinh thần làm việc và củng cố được sự gắn kết giữa các nhân viên. Một khi những nhân viên có năng lực hết mình vì công việc, họ sẽ tạo ra năng suất trên cả tuyệt vời, góp phần rất lớn vào quá trình phát triển bền vững của công ty
Là nhà quản lý, bạn có dám khẳng định rằng, mình đang có đội ngũ nhân viên luôn gắn bó và toàn tâm toàn lực với công việc? Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Tư vấn Nhân sự Quốc tế TowersWatson, hầu hết nhân viên tận tâm trong công việc xuất phát từ 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, nhân viên luôn mong muốn được đồng hành cùng công ty trong những mục tiêu và tầm nhìn chiến lược. Thứ 2, nhân viên luôn đặt niềm tin vào năng lực quản lý, khát khao được hoàn thành mục tiêu và sứ mệnh của công ty. Thứ 3, nhân viên luôn trông đợi người quản lý trực tiếp sẽ động viên và giúp đỡ họ hoàn thành xuất sắc trong công việc.
Thông thường, nhân viên hiếm khi rời bỏ công ty, mà đúng hơn là họ muốn chia tay với một số người quản lý nào đó. Yếu tố sống còn của doanh nghiệp chính là sự cam kết gắn bó của tập thể, từ nhân viên đến các cấp quản lý vì sứ mệnh và tầm nhìn chung. Những điều NÊN và KHÔNG NÊN sau sẽ giúp bạn biết cách khích lệ nhân viên để tinh thần đoàn kết có thể trở thành chìa khóa của thành công.
KHÔNG NÊN
- Không nổi giận
“Nổi giận là chuyện quá dễ dàng. Ai cũng có thể nổi giận cả. Tuy nhiên, nổi nóng đúng nơi, đúng lúc, đúng chừng mực là chuyện không phải ai cũng làm được” – Mark Twain. Do đó, là người điều hành doanh nghiệp, bạn nên bỏ ngay tính nóng nảy nhất thời ngay từ bây giờ.
- Không lạnh lùng, thô lỗ, thiếu thân thiện
Trong những thời điểm khó khăn, nhân viên luôn mong muốn nhận được sự ân cần chỉ dẫn và lắng nghe ý kiến tư vấn từ người quản lý. Chính những lúc như thế, nhân viên sẽ đánh giá tài lãnh đạo và tác phong quản lý qua hành động và xử sự của bạn.
- Không mập mờ, thiếu nhất quán trong truyền đạt thông tin
Thông tin truyền đạt cho nhân viên phải đơn giản, có trọng tâm và có thứ tự ưu tiên. Thông tin quá nhiều, hay thay đổi và chồng chéo sẽ khiến nhân viên phân vân, không hiểu ý người quản lý muốn là gì.
- Không lừa dối nhân viên
Khái niệm lừa dối bao gồm cả việc nói ra những điều mà ngay cả chính bạn cũng không tin hoặc những điều không có cơ sở, che giấu hay nói sai sự thật. Thực tế cho thấy, tất cả những ai đã đến tuổi trưởng thành đều có thể nhận thức, phân biệt được đâu là sự thật, đâu là giả dối.
- Không đặt quyền lợi cá nhân lên trên
Bạn nên nhớ, thành công của cá nhân xuất phát từ thành công của cả tập thể. Tất cả nhân viên đều ý thức được rằng, họ chính là một nhân tố góp phần tạo nên thành công đó.
- Không trốn tránh trách nhiệm
Người điều hành doanh nghiệp, dĩ nhiên, phải đề cao trách nhiệm của bản thân và không thể đùn đẩy cho ai khác. Hơn ai hết, chính bạn phải là tấm gương về tinh thần trách nhiệm để nhân viên noi theo.
- Không vội kết luận khi chưa tìm hiểu
Cách đây vài năm, có lần, tôi bàng hoàng chứng kiến đồng nghiệp của mình quát tháo một nhân viên vì anh ta vắng mặt tại buổi họp quan trọng vào sáng hôm đó. Nghẹn lời sau vài phút, anh nhân viên kia đáp: “Em xin lỗi. Lẽ ra, em phải liên lạc với sếp. Nhưng, sự thật là em vừa mới từ bệnh viện về. Mẹ em đã được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.”
NÊN
- Hãy giữ lời hứa
Nếu bạn muốn tất cả nhân viên là những người đáng tin cậy và có trách nhiệm, trước hết bạn phải làm gương. Hãy tôn trọng và thực hiện cho bằng được lời hứa của mình.
- Hãy tranh thủ trả lời điện thoại và email
Là nhà quản lý, bạn cần phải xem nhân viên nhưng chính là những khách hàng của bạn vậy. Nếu muốn nhân viên bán hàng phản hồi nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng, thì bạn cũng phải làm điều tương tự với những yêu cầu của họ. Hãy hồi âm email hay gọi lại ngay cho nhân viên khi họ liên lạc với bạn.
- Hãy công khai ủng hộ nhân viên
Những bất đồng và thất vọng của bạn đối với nhân viên nào đó nên được trao đổi riêng và sau những buổi họp chung. Tuyệt đối đừng khiển trách hay đổ lỗi cho họ về các sai lầm.
- Hãy thừa nhận sai lầm
Là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn nên học cách chấp nhận sai lầm và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những thất bại.
- Hãy ghi nhận công sức của tập thể
Bạn đừng bao giờ đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của việc ghi nhận công lao và sự đóng góp của tập thể nhân viên khi công việc được hoàn thành tốt đẹp.
- Hãy yêu cầu và lắng nghe
“Nhà quản lý của tương lai cần phải biết cách để yêu cầu, hơn là cách để ra lệnh” – Peter Drucker.
- Hãy tươi cười và lạc quan
Hãy vui vẻ và có óc hài hước. Nhưng nếu bạn sử dụng nụ cười đã được “lập trình” thì thà không làm gì còn hay hơn. Đôi khi, bạn cũng nên tự tin vào chính mình và lấy những khoảnh khắc khôi hài của bản thân làm cầu nối giúp bạn gần gũi và khích lệ nhân viên hơn cả.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: