Các kỹ năng cần thiết cho người lãnh đạo thế hệ mới • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Các kỹ năng cần thiết cho người lãnh đạo thế hệ mới

Buổi hội thảo với sự dẫn dắt của ông Pete Chee, bậc thầy trong Kỹ năng lãnh đạo và Phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ mang đến nhiều điều bổ ích cho các lãnh đạo thế hệ mới.

Lãnh đạo hiện nay không còn là người chỉ tay năm ngón, cầm tay chỉ việc và giám sát chặt chẽ công việc. Thay vào đó, những kỹ năng mà bất cứ người làm lãnh đạo nào cũng nên hiểu rõ đó là mô hình tạo động lực thay đổi bản thân, cách kể một câu chuyện tác động tích cực và chiến thuật khai vấn hiệu quả. Với mục tiêu giúp những khách hàng thân thiết đạt được thành công trong Quản trị nhân sự, vừa qua VietnamWorks đã tổ chức buổi hội thảo với sự dẫn dắt của ông Pete Chee, bậc thầy trong Kỹ năng lãnh đạo và Phát triển nguồn nhân lực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Pete Chee, bậc thầy trong Kỹ năng lãnh đạo và Phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

7 yếu tố tạo động lực để thay đổi thói quen

Diễn thuyết gia Brian Tracy đã từng nói “Thành công là khi 95% những gì bạn nghĩ, cảm nhận, hành động đều là kết quả của thói quen tích cực”. Người có tài lãnh đạo sẽ biết cách thay đổi những thói quen chưa tốt của chính bản thân để tạo ảnh hưởng đến người khác.

Theo ông Pete chia sẻ, để thành công trong việc thay đổi thói quen, cần phải hoạch định hành động cụ thể dành cho mô hình 7P và kích hoạt các động lực trong suy nghĩ để thực hiện hiệu quả. Ông Pete Chee đưa phân tích dựa trên ví dụ của một nhân viên lãnh đạo tên Benedict, mục đích của Benedict là dành thêm 30 phút mỗi ngày để khai vấn cho các thành viên trong nhóm nhằm tạo hiệu suất làm việc cao hơn, mô hình 7P được xác định như sau:

  • Purpose (Mục đích): Benedict đề ra mục tiêu là mỗi ngày dành 30 phút khai vấn cho các thành viên trong nhóm để phát triển tài năng, nhằm tạo ra một đội nhóm có hiệu suất làm việc cao hơn.
  • Passion (Đam mê): Dành 30 phút mỗi ngày để khai vấn cho ít nhất 1 người hiện đang báo cáo trực tiếp cho mình. Để kích hoạt nguồn động lực cho việc này, cần phải nghĩ tới việc khao khát phát triển con người hướng đến hiệu suất cao hơn.
  • Pleasure (Niềm vui): Họp và trò chuyện với nhân viên tại một quán café đẹp trong giờ nghỉ trưa. Động lực tạo ra niềm vui của Benedict là được trò chuyện thú vị với những nhân viên và thưởng thức hương thơm ly café mỗi ngày.
  • Pain (Nỗi đau): Nếu không hoàn thành được điều này, chắc chắn Benedict sẽ bỏ lỡ sự thăng tiến do nhân viên liên tục nghỉ vì thiếu phát triển. Suy nghĩ để kích hoạt động lực thực hiện là nhớ lại những lần bỏ lỡ các nhân tài và sự thăng tiến của bản thân.
  • People (Con người): Benedict chọn Giám đốc nhân sự là người sẽ liên quan đến dự án thay đổi bản thân của mình. Động lực sẽ được kích hoạt bằng việc nghĩ về việc thông báo với Giám đốc nhân sự rằng Benedict đã khai vấn và khám phá có một nhân tài thật sự trong nhóm.
  • Process (Quy trình): Thiết lập lịch làm việc và nhắc nhở hàng ngày, đồng thời cùng đồng nghiệp xem xét lại quá trình thay đổi này. Hành động tạo động lực cho việc này là đặt đồng hồ nhắc nhở 30 phút trước mỗi phiên khai vấn.
  • Persistence (Sự kiên trì, bền vững): Benedict đánh dấu việc kiên trì thực hiện thay đổi này bằng cách sẽ tổ chức ăn mừng với đội nhóm sau mỗi 6 tháng. Động lực cho hành động này chính là việc sẽ được có những giây phút vui chơi, giải trí với đồng nghiệp của mình.

Mô hình khai vấn hiệu quả dành cho người làm lãnh đạo

Ông Pete Chee định nghĩa về khai vấn là quá trình trao quyền nhằm khai mở tiềm năng của con người bằng cách giúp họ tự tìm ra giải pháp thông qua lắng nghe hiệu quả, đặt câu hỏi hay, sử dụng phản hồi, ghi nhận công sức và liên tục hỗ trợ để người được khai vấn tự làm chủ và tự chịu trách nhiệm hiện thực hóa các mục tiêu của mình.

Ngoài ra, có thể ứng dụng khai vấn vào 3 lĩnh vực chính như: Khai vấn chiến lược nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, khai vấn điều hành thông thường giúp người lãnh đạo thay đổi hành vi của mình, khai vấn những vấn đề trong cuộc sống giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như có được hạnh phúc bền vững.

Ông Pete Chee chia sẻ về 6 câu hỏi “quyền lực” để thực hành việc khai vấn chiến lược: Mục tiêu hoặc tầm nhìn quan trọng nhất của bạn hiện nay là gì? Ở đâu chúng ta có thể thực hiện được và thắng được? Làm cách nào để chiến thắng với lĩnh vực mà bạn đã chọn? Làm cách nào để chiến thắng nếu có một sự thay đổi đột ngột? Phải làm gì để chiến thắng dựa trên thế mạnh và giá trị cốt lõi? Những nguồn lực nào và khả năng nào phải được sử dụng để chiến thắng? Những hệ thống, quy trình, thước đo nào để đánh giá hiệu quả? Bằng cách nào đạt được điều mong muốn với 1 đội nhóm có hiệu suất cao?

Đối với người thực hành khai vấn cần ghi nhớ 6 điều sau: Lắng nghe tổng quan và phân tích sâu sát vấn đề; Liên tục hỏi những câu hỏi như “Và bạn còn suy nghĩ thêm được ý tưởng nào nữa không?”; Thể hiện sự đánh giá cao và tinh thấn khích lệ; Chú ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu tích cực; Đơn giản hóa vấn đề và chỉ tập trung vào điểm mấu chốt quan trọng nhất; Sau khi khai vấn phải đảm bảo ra được bước hành động tiếp theo và thể hiện sự cam kết.

Thông tin tham khảo: Các khóa huấn luyện đào tạo về Quản trị nhân sự được Vietnamworks thuộc Navigos Group tổ chức từ năm 2015 dành cho khách hàng thân thiết, nhằm nâng tầm năng lực lãnh đạo cũng như duy trì tốt lực lượng lao động hoạt động hiệu quả. Website chương trình: http://seminar.vietnamworks.com/

Có thể bạn quan tâm:

Kiểm tra độ stress chỉ qua 2 bức hình

Sáng thì vội chấm công, chiều thì vừa làm vừa chơi, tối về chỉ lướt FB, xem TV: Người trẻ ơi, sao nỡ đánh chìm tương lai của mình như vậy

Comment