Không có kỷ luật, chắc gì có thành công? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Cuộc sống của những người trẻ tuổi sẽ có nhiều lúc chùng chình, buông thả cảm xúc của bản thân, dẫu bạn hoàn toàn biết rằng cảm giác tiêu cực đó không hề giúp mình trở nên “giàu có” như khát vọng. Rồi một ngày, khi bước chân vào con đường đi đến thành công nhiều chông gai, bạn lại gặp phải nhiều trở ngại xuất phát từ những thói quen dễ dãi của bản thân. Bởi thế, có nhiều doanh nhân đã từng nói, không có kỷ luật, đừng nghĩ đến thành công!

Bạn có thường trực cầm trên tay chiếc điện thoại di động, suốt ngày lướt mạng xã hội từ Facebook đến Zalo rồi Instagram và lập hội cùng bạn bè? Bạn cảm thấy mình không có sở thích, cũng không tìm thấy được điều gì khác để làm ở nhà ngoại trừ sử dụng điện thoại, chơi game hay xem TV? Bạn ăn uống không điều độ và hầu như chỉ tiêu thụ những món ăn vặt hay thức ăn nhanh dù biết rõ không hề có lợi cho sức khỏe? Hoặc bạn cũng có thể định làm một việc gì đó trong 3 phút và rồi bị “dính chặt” với nó luôn? Mỗi ngày trôi đi, những thói quen không có ích cứ chất chồng, bạn nhận ra và ngao ngán nhưng vẫn không có can đảm để thay đổi, đúng không?  

Có lẽ bạn đã nghĩ rằng cuộc sống vốn ngắn ngủi nên cần dành thời gian cho những gì đem đến niềm vui và sống trọn từng khoảnh khắc, để rồi khi thấy bạn bè xung quanh ngày càng thành công hơn, bạn rơi vào cảm giác buồn bã, chán chường bản thân, cảm thấy mình thấp kém? Thế nhưng, bạn vẫn không sẵn sàng để thay đổi. Các chuyên gia tâm lý đã cho rằng, gốc rễ của mọi đau khổ nơi con người là nỗi tức giận về sự bất tài của chính mình, và việc tự khép mình tuân theo một kỷ luật nào đó chính là lối đi đầu tiên đơn giản nhất để tránh được nỗi đau này trong cuộc sống. Nhưng, bạn cần làm thế nào đây?

1Thức dậy sớm

Khái niệm thường được gọi là “tự do” vốn không mang nghĩa “tùy ý”, mà đó là sự chủ động và biết cách tự điều phối. Tự giác kỷ luật có thể bắt đầu ngay từ sáng sớm, vậy nên những người có thể điều chỉnh và quản lý được khung giờ buổi sáng hầu hết sẽ tuân thủ khá tốt các quy tắc của bản thân. Vận động viên bóng rổ người Mỹ Kobe Bryant từng nói rằng: “Bạn có biết thành phố Los Angeles lúc 4 giờ sáng thì như thế nào không? Sau hơn 10 năm dậy sớm và tập chạy, bóng tối trên những con đường của thành phố chẳng có gì thay đổi, nhưng tôi thì đã đổi thay rất nhiều với tinh thần và thể chất trở nên mạnh mẽ vô cùng”. Cũng như vậy, tác giả người Nhật Haruki Murakami từng chia sẻ ông thường thức dậy lúc 4 giờ mỗi sáng để uống cà phê, ăn nhẹ và ngay lập tức bắt đầu làm việc. Hay như tỷ phú Lý Gia Thành, bất kể đi ngủ vào lúc mấy giờ tối hôm trước thì sáng hôm sau ông cũng dậy lúc 5 giờ sáng.

2Tập thể thao

Tập luyện thể thao khiến cho chúng ta tự giác kỷ luật hơn bình thường rất nhiều để có thể sắp xếp các khung giờ và kiểm soát cuộc sống tốt hơn. Theo góc nhìn khoa học, hẳn là bạn đã nghe nhiều về việc hoạt động thể dục thể thao có thể đẩy nhanh quá trình lưu thông máu của cơ thể người và kích thích hệ thần kinh giao cảm, từ đó giúp tăng sự tập trung và chú ý trong công việc cũng như các hoạt động khác. Hầu hết những người có kỷ luật với bản thân tốt đều duy trì thói quen tập thể dục. Bạn chắc hẳn đã nghe rằng Tim Cook, CEO Apple, thường xử lý thư nhận được vào mỗi sáng, ông ghi chép các công việc và bắt đầu tập thể dục. Mark Zuckerberg, CEO Facebook, luôn dành thời gian để chạy bộ mỗi ngày bất kể hôm đó anh ấy có bận rộn như thế nào đi chăng nữa. Warren Buffett dù sắp bước vào độ tuổi 90, vẫn chạy bộ trong vòng 1 giờ trên máy tập mỗi ngày và đến phòng tập thể dục 3 lần/ tuần.

3Đặt mục tiêu

Để rèn kỷ luật cho bản thân trước hết bạn hãy tự đặt ra những mục tiêu nhỏ, những điều bạn muốn làm mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Khi đã xác định được từng mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng đạt được bằng việc hành động với cả con tim và quyết tâm chinh phục. Hãy làm việc thật tập trung và kiên nhẫn để mau chóng có được kết quả cuối cùng. Khi đó, chắc hẳn bạn sẽ được “lâng lâng” trải nghiệm cảm giác tuyệt vời vì đã hoàn thành công việc một cách hài lòng nhất có thể. Khi đã quen dần với tâm thế làm việc theo mục tiêu và cảm giác phấn khởi sau mỗi nhiệm vụ đạt được kết quả tốt, đây cũng là lúc bạn cảm nhận được những thay đổi mang chiều hướng tích cực trong thói quen của mình. Và với tiền đề này, bạn sẽ vững tinh thần đặt ra những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn để thực hiện thành công hơn nữa “cuộc cách mạng” vươn tới thành công.

4Bước ra khỏi vùng an toàn

Việc tự giác tuân theo kỷ luật chính là buộc bản thân bạn phải thoát khỏi vùng cảm giác an toàn, thoải mái ban đầu để tìm đến những đổi mới khác biệt. Chỉ khi áp dụng nguyên tắc này, bạn mới có thể sống theo cách mà bạn mong muốn. Tiến sỹ Scott Parker đã viết trong cuốn “The Road Less Traveled” (tựa Việt: Con đường chẳng mấy ai đi) rằng: “Tự giác kỷ luật là công cụ cơ bản để chúng ta có thể giải quyết những vấn đề cuộc sống. Không có tính tự kỷ luật, chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ điều gì. Khi bản thân tự giác kỷ luật, bạn phải chủ động rời khỏi vùng an toàn và mạnh dạn thử thách bản thân, biết cách kiềm chế cũng như điều tiết chính mình.”

Quả thật vậy, những ngày đầu thay đổi thói quen của bản thân luôn đặt ra cho bạn một thách thức lớn. Đó là sự “ép buộc” bản thân, và vốn không thể nào mang lại cảm giác thoải mái bởi có thể việc bạn làm và việc bản thân muốn không còn đồng nhất. Nhưng đó cũng sẽ là sự “ép buộc” đầy chủ động và lý trí đòi hỏi bạn hy sinh một chút sở thích hay thói quen của bản thân trong hiện tại để có thể đạt được mục tiêu đường dài.

5Tránh xa các cám dỗ

Đây là một nguyên tắc khá quan trọng khi quyết định đưa bản thân bạn vào những quy tắc và lề lối mới. Bạn nên tránh xa thay vì chống lại những cám dỗ quanh mình. Một ví dụ dễ hiểu là trường hợp của những người muốn giảm cân. Thay vì phải “bài trừ” tất cả các loại thức ăn, họ hoàn toàn có thể lựa chọn việc dung nạp vào cơ thể một cách có kiểm soát lượng thức ăn cũng như lượng calo trong chế độ ăn hàng ngày để đạt được mục đích giảm cân. Điều này tương tự như việc bạn vẫn sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử để phục vụ nhu cầu liên lạc, thông tin, giải trí. Nhưng một khi đang làm việc, bạn sẽ cần phải đặt những thiết bị này sang một bên để đảm bảo tập trung vào những công việc đang làm. Nói cách khác, hãy để bên ngoài những yếu tố ngoại cảnh có thể can thiệp, ảnh hưởng đến công việc của bạn và từ đó gia tăng độ tập trung cũng như năng suất làm việc.

______________**______________

“Vốn không có một ép buộc nào mang lại cho bạn cảm giác thoải mái. Nhưng hãy tập ép buộc bản thân theo một cách chủ động và lý trí nếu bạn muốn trở thành một phiên bản tôi mới tốt đẹp hơn.”

______________**______________

 

6Tự khen thưởng  

Có lẽ bạn vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng và hào hứng khi nhận được lời khen vì đã làm tốt một việc gì đó hay khi nhận được phần thưởng từ thầy cô hay ba mẹ sau một năm học đầy nỗ lực? Như niềm hạnh phúc của một đứa trẻ, những phần thưởng này không chỉ khiến bạn vui vẻ mà còn mang đến thêm thật nhiều năng lượng tích cực. Và bạn cần biết rằng, chính điều đó truyền cho bạn một nguồn động lực rất lớn để tiếp tục đặt ra những mục tiêu cần chinh phục ở phía trước.

Vì vậy, khi bạn cảm thấy mình đã nghiêm khắc, kỷ luật hơn với chính bản thân để hoàn thành tốt công việc, đừng quên tự thưởng cho mình một “món quà” nào đó tương thích! Bạn có thể nghe nhạc, xuống phố đi dạo hay uống một tách cafe thư giãn. Và khi hoàn thành những nhiệm vụ lớn hơn, bạn có thể tự thiết đãi bản thân một bữa ăn ngon hay mua cho mình một cây son xinh xắn. Sau đó, hãy bắt tay vào những nhiệm vụ mới, và ắt hẳn, bạn sẽ có được một tâm thế tích cực với nhiều kỳ vọng và động lực để làm việc hơn thế nữa.

7Tự tạo động lực

Bên cạnh những “món quà” bạn tự thưởng để tạo thêm niềm hứng khởi, hãy không ngừng thúc đẩy bản thân, nói chuyện với chính mình về những gì bạn mong muốn, về khoảng cách của bạn ở hiện tại với mục tiêu đang là bao xa. Bằng cách liên tục trả lời những câu hỏi này, bạn chính là đang tự cổ vũ và tạo động lực cho riêng mình.

Tuy nhiên, không phải không có lúc bạn cần đối mặt để giải quyết khó khăn và thậm chí muốn từ bỏ. Và khi ấy, hãy nhắm mắt và thở thật đều, tưởng tượng đến khoảnh khắc thành công của bạn sẽ trông như thế nào. Phải chăng giây phút đó sẽ là khoảng thời gian thật tuyệt vời đối với bạn? Thực tế, tự khích lệ mình bằng những suy nghĩ thực tế, lạc quan và tích cực sẽ mang đến những màu sắc tươi tắn, thú vị hơn trên hành trình đổi mới, gắn bản thân bạn đi cùng hai chữ “kỷ luật”.

***

Có thể nói, tự giác kỷ luật là một quá trình lâu dài và không ít gian khổ. Quá trình ấy đòi hỏi ở bạn sự kiên trì và bền bỉ suốt một thời gian dài. Bạn không thể trở thành một con người mới kỷ luật hơn chỉ sau một đêm thức dậy. Dần dần, khi việc bạn tự giác đưa bản thân vào những nề nếp, kỷ luật riêng bắt đầu trở thành thói quen, những gì bạn cảm nhận được sẽ không còn là mối ràng buộc như ngày đầu. Ngược lại, khi đó bạn sẽ thực sự trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu bạn không còn sẵn lòng để sống mãi một cuộc đời tẻ nhạt như bao lâu nay, thì ngay hôm nay, hãy bắt đầu đổi thay từ việc tự giác kỷ luật. Bởi bản thân kỷ luật bao nhiêu, bạn sẽ thành công bấy nhiêu trên con đường rộng dài phía trước.

Độc giả đang đọc bài viết “Không có kỷ luật, chắc gì có thành công?” tại chuyên mục Thấy & Nghĩ của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Hãy dẫn dắt bản thân trước khi dẫn dắt bất cứ ai!

Tính cách lãnh đạo nào mang tên “truyền cảm hứng”?

Comment