“Có thể ở nơi này bạn là-một-ai-đó, nhưng ở nơi khác, bạn không-là-gì-cả. Tôi biết ơn triết lý Lagom bởi nó luôn nhắc nhở tôi tỉnh dậy và rời khỏi hào quang ngày cũ để nỗ lực nhiều hơn”…
Nếu những người Bắc Âu nói chung có lối sống mang tên Hygge – sống cuộc sống bình dị, thanh thản nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc – thì người Thụy Điển nói riêng lại thêm chút gia vị đặc biệt vào lối sống ấy, tạo nên nét đặc trưng: Triết lý sống Lagom của riêng đất nước Thụy Điển.
Trong thế kỷ XX đầy ắp những biến động trong ý thức hệ của xã hội loài người, Thụy Điển thuộc vào những nước tư bản phương Tây đầu tiên chấp nhận những tinh hoa của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Và chính vì thế, Lagom được định nghĩa như là một triết lý, một biểu hiện của tinh thần dân chủ xã hội trong đời sống ở Thụy Điển.
Lagom – Triết lý sống ngàn năm ‘giảm mình đi một chút, nhưng đóng góp cho cả cộng đồng’ của người Thụy Điển
Không có từ Tiếng Anh tương đương, tuy nhiên bạn có thể hiểu ‘Lagom’ giống như ‘Just enough’ (Vừa đủ) hay ‘Not too much, not too little’ (Không nhiều quá cũng không ít quá). Khái niệm này thực ra có từ thời Viking (từ năm 793 – 1066), với gốc gác từ cụm ‘laget om’, có nghĩa là ‘around the team’ (Xung quanh một đội nhóm).
Để hiểu rõ, bạn cần biết rằng vào thời đó, tục lệ người Viking là tất cả mọi người sẽ ngồi quanh chiếc bàn để cùng thưởng thức món rượu.
Mỗi người trước khi chuyền tay chiếc sừng đầy rượu cho người khác thì sẽ đều nhấp một ngụm chỉ vừa phải để làm sao những người sau đó cũng có đủ rượu để thưởng thức. Vậy ngay từ khía cạnh lịch sử, Lagom đã mang ý nghĩa ‘giảm của mình đi một chút, nhưng là tôn trọng người khác và là đóng góp cho cả cộng đồng’.
Mặc đơn giản, đi xe đạp, và không ganh đua, nhưng vẫn sống phong lưu hết mực!
Thụy Điển, hay cả vùng Bắc Âu nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của thế giới. Vì thế, lối sống đơn giản, tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở xứ sở này.
Giờ đây, khi đã sống trong một xã hội thịnh vượng, Lagom, hay sự biết thế nào là đủ, đang làm người Thụy Điển sống ngày một hạnh phúc hơn. Đối với người dân nước này, tinh thần Lagom xuất hiện mọi lúc mọi nơi, trong cả những ý niệm và với các hình thức khác nhau.
Ví dụ, người ta có thể ăn một lượng rất ‘lagom’, ở trong ngôi nhà ‘lagom’, bật lò sưởi ở nhiệt độ ‘lagom’… Khi mua sắm, người Thụy Điển cảm thấy khó khăn nếu phải chọn giữa một thứ mạnh quá và nhẹ quá, vậy nên họ chọn loại ở giữa. Vì thế, loại sữa tươi có độ béo 1,5% mang tên mellanmjolk (“mellan” nghĩa là “in between”) là sản phẩm được chọn nhiều nhất.
Với đồ uống, loại cafe mellanbrygg (lại là “mellan” – “in between”) với độ mạnh vừa phải cũng chiếm vị trí lấn át tại quầy hàng trong các siêu thị. Việc mua sắm đơn giản này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tạo những ảnh hưởng tốt lên sức khỏe người dân Thụy Điển.
Có thể ai đó muốn có sự chú ý, nhưng với người Thụy Điển, họ không muốn thể hiện mình quá nhiều. Vì vậy, họ thích quần áo cũ và những màu trung tính như đen, xám, hoặc be. Đối với phụ nữ, không cần diêm dúa, họ sẽ mặc bộ đồ truyền thống là áo khoác vàng nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính và khăn trùm đầu. Tuy nhiên trông họ vẫn toát ra thần thái tuyệt vời.
Nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì không cần phải tiệc tùng cầu kỳ, những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt thơm tho đến cho em bé sử dụng. Điều này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp lâu đời của con người xứ Thụy Điển.
Người Thụy Điển không cần phải khoe của: Người dân nơi đây không cần những siêu xe (dù thu nhập của họ thừa để mua), mà chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Thậm chí, rất nhiều người trong số họ đạp xe đi làm và cảm thấy hạnh phúc vì mình đang bảo vệ môi trường.
‘Tại sao cứ phải cố ganh đua tiền tài, danh vọng?’ – Suy nghĩ như vậy, những người Thụy Điển, với triết lý Lagom, sống một cuộc sống đơn giản, yêu quý lẫn nhau mà vẫn phong lưu lạ thường.
Lagom với giới trẻ Thụy Điển: Thứ tôi luyện những hoài bão và tham vọng
Đối với giới trẻ Thụy Điển hiện đại, tinh thần Lagom ngàn năm đang phần nào bị lu mờ bởi sự giao thoa văn hóa và phát triển của khoa học công nghệ.
Giờ đây, người ta thấy các học sinh người Thụy Điển không còn nhiều những nét thủ cựu của cha ông mình ngày xưa nữa. Mỗi người dân Thụy Điển giờ có thể sử dụng nhuần nhuyễn vài ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ. Họ sôi nổi và đầy sắc sảo trong giờ học, trong các buổi thảo luận.
Thế nhưng dù có trở nên tham vọng hơn, người ta phải thừa nhận rằng Lagom vẫn là một triết lý ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Thụy Điển. Một người Việt định cư tại Thụy Điển đã từng kể về việc những hoài bão, tham vọng của cô được ‘tôi luyện’ với triết lý Lagom như thế này:
“Tôi sống gần 30 năm ở Việt Nam, được dạy dỗ, kỳ vọng và thúc đẩy để trở nên tham vọng và giàu chí hướng. Những bạn bè Thụy Điển của tôi quý mến người Việt vì hoài bão và sự chăm chỉ.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải thừa nhận rằng điều mà tôi thấm ngấm nhất ở đây là: có thể ở nơi này bạn là-một-ai-đó, nhưng ở nơi khác bạn không-là-gì-cả. Tôi biết ơn triết lý Lagom bởi nó luôn nhắc nhở tôi tỉnh dậy và rời khỏi hào quang ngày cũ để nỗ lực nhiều hơn”
“Don’t think you’re anyone special” (Đừng nghĩ bạn là ai đó đặc biệt) – Người Thụy Điển tâm niệm như thế. ‘Không ngọn cỏ nào được phép mọc cao hơn những ngọn cỏ khác, bởi chúng ắt sẽ bị cắt trước tiên’
Lagom đã tới Việt Nam: H&M, IKEA hay những không gian sống đẹp mà bạn trẻ Việt đang ưa chuộng
Sự thực là triết lý Lagom đang được ‘xuất khẩu’ ra toàn thế giới, với nhiều hình thái khác nhau. Có thể, chính bạn cũng đang tôn sùng những thứ rất ‘Lagom’ đó!
Ví dụ, bạn có yêu thích quần áo của H&M hay đồ nội thất của IKEA không? Đây là 2 trong số nhiều đại diện của Thụy Điển đã xuất sắc khi đem ‘bán’ triết lý Lagom ra toàn thế giới. Cụ thể, đồ dùng của IKEA tiện dụng, đa năng, đẹp và tốt, nhưng không… quá tốt. Các mẫu thời trang của H&M được thay mới liên tục nhưng bằng cách nào đó lại luôn cho người ta cảm giác không bao giờ lỗi mốt.
Các sản phẩm của 2 hãng này không đắt đến mức người ta phải chật vật để có được, nhưng cũng không có nghĩa là chất lượng tồi và giá rẻ mạt. Vậy nên, nếu ai đó đang mặc đồ H&M hay dùng đồ của IKEA thì nghĩa là họ đang ‘Lagom’ một cách vô thức.
Hoặc gần gũi hơn đó chính là cách trang trí những căn phòng, những căn hộ giờ đây cũng đã đẹp lên rất tinh tế theo phong cách Lagom.
Ở Việt Nam, nếu như trước đây những căn nhà ống, những căn phòng với tràng kỷ gỗ, nội thất gỗ là thứ ‘thời thượng’ thì giờ đây, giới trẻ ưa chuộng những không gian sống đơn giản, đa chức năng và quan trọng là phải tràn ngập ánh sáng. Đó chính là phong cách Lagom.
Ví dụ, một căn phòng như trên chắc chắn sẽ là một địa điểm làm việc, nghỉ dưỡng hoặc sống được người trẻ Việt Nam, hay là chính bạn, rất thích thú. Nó đơn giản, ít đồ đạc, giá sách đóng vào tường, ghế xofa có thể vừa làm ghế vừa làm giường và quan trọng là ánh sáng làm cả căn phòng tràn đầy sức sống.
‘Tại sao cứ phải cầu kỳ hóa, trong khi sự đơn giản, tối giản mới là vẻ đẹp tuyệt nhất?’ – Suy nghĩ như vậy có nghĩa là bạn đang dần thấm nhuần triết lý Lagom của người Thụy Điển rồi.
Lý do là bởi triết lý Lagom cho rằng không gian sống càng đơn giản mà đạt ‘hiệu quả sống’ cao thì đó mới là một nơi đáng sống. Dù là ‘ít hơn’, ‘đơn giản hơn’, nhưng thực ra nó lại chính là sự ‘nhiều hơn’ một cách tinh tế.
Theo Trí Thức Trẻ
Có thể bạn quan tâm: