Phép thử của thành công • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Phép thử của thành công

Ai cũng bảo “thất bại là mẹ thành công”, nhưng ta thường thấy người ta tự hào và nâng niu “đứa con” thành công mà ghẻ lạnh, ngán ngại hoặc lảng tránh khi nói về “bà mẹ” thất bại

1.Một học sinh thi trượt đại học, buồn đến mức có thể tự tử. Không muốn gặp ai, không muốn ai biết đến “cú ngã khủng khiếp” đầu đời ấy, cậu khép mình, chán nản và chẳng tiếp xúc với mọi thứ xung quanh.

Một người đàn ông trung niên thành đạt bỗng dưng bị đuổi việc. Thế nhưng, anh vẫn sáng sáng sơ-mi, cà-vạt, cắp cặp đi… ra đường vì không muốn người thân trong nhà hay láng giềng biết mình đang thất nghiệp!

Một phụ nữ ly thân chồng đã lâu, nhưng chị không chịu ly dị, cố bám víu vào cuộc hôn nhân chỉ còn trên danh nghĩa. Đến công sở, chị vẫn tỏ ra là người hạnh phúc, khoe với đồng nghiệp rằng được chồng yêu chiều, tặng này tặng nọ. Những người quen xung quanh không ai được phép biết chị đang sống trong một cuộc hôn nhân đã thất bại đến 99%.Close-up on raised hands holding trophy against blue sky

Một doanh nhân làm ăn thua lỗ, nguy cơ phá sản đến nơi nhưng vẫn cố ăn vận hào nhoáng, chạy xe sang, đi làm từ thiện và lên báo phát biểu đầy lạc quan. Người ấy vẫn tỏ ra là một doanh nhân thành đạt và giàu có cho đến phút cuối cùng.

Cuộc sống có muôn hình vạn trạng những con người đang thất bại nhưng từ chối đối mặt. Dường như, tất cả chúng ta đều muốn giấu giếm thất bại của mình và cố gắng tỏ ra thành công. Ta sợ “mất mặt” gia đình, họ hàng, làng xã, phường phố, cơ quan… Ta sợ mất sĩ diện, mất hình ảnh của chính mình trước đây trong mắt người khác. Một số khác từ chối thất bại vì sợ trách nhiệm, sợ bị “bỏ rơi”, bị khinh rẻ… Họ sợ, người khác nhìn mình bằng sự thất vọng. Đứng trước thất bại, mấy ai dám đương đầu, vui vẻ nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho may rủi, hoàn cảnh hay cho người khác? Mấy ai dám công khai mình đã thất bại? Và sẽ có bao nhiêu người nhận ra hay thật sự cảm ơn những lần thất bại trong đời?

2.Thực tế, không ai muốn ngợi ca những lần thất bại, những người thất bại. Đa số chúng ta cũng không được dạy cách phải ứng xử thế nào với thất bại, với sai lầm của mình. Rộng hơn, chúng ta còn không được “đào tạo bài bản” để ứng xử cho văn minh trước những thất bại của… người khác. Thất bại là thứ ta cần che giấu? Bởi thực tế đáng buồn, xã hội chúng ta đang chạy theo thành tích. Ngoài kia có một cộng đồng đông đảo mong ngóng, chỉ chực xông vào người khác để chê bai, chế nhạo… Các “anh hùng bàn phím” lúc nào cũng sẵn sàng ném ra “cả rổ gạch đá”, chỉ trích nặng nề cả những người mà họ không quen. Áp lực vô hình từ dư luận, họ hàng, gia đình khiến con người ta chùn lại rồi phải gồng lên cho xứng với nhìn nhận của mọi người xung quanh nhưng không phải chính mình.Two Sports Fans in Stadium

Để trưởng thành, mỗi người trong chúng ta đều từng va vấp, đã nhiều lần nếm mùi thất bại và nhìn thấy người khác thất bại. Thế nhưng, hiếm có ông bố bà mẹ nào (bao gồm cả chính chúng ta) quan tâm tới việc giáo dục cho thế hệ sau kỹ năng ứng xử, đương đầu với sự thua cuộc, chỉ cho chúng thấy thất bại thật ra là một mặt của cuộc sống. Trái lại, ta la mắng, trách cứ lũ trẻ nếu chúng không thành công trong một công việc nào đó. Một số trong chúng ta cay cú đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho ai đó. Một số khác gồng lên, ép buộc con phải đạt được điều này, điều kia, hay ít nhất cũng tỏ ra là thế. Nhiều người đã quên, cố tình quên hay đơn giản không nhận thức được rằng mỗi đứa trẻ có tính cách, sở trường và năng lực riêng biệt. Bởi hơn ai hết, chính họ đang sống trong thế giới sợ thất bại, không muốn nghe hay nói về thất bại. Chúng ta lên án sự thất bại, vì nó bao giờ cũng là nguyên nhân của hàng loạt rắc rối tệ hại sau đó, và cũng do mỗi thất bại đặt cho chúng ta nhiều thử thách hơn.

————

“Cuộc sống dùng lửa để thử vàng, dùng gian nan để thử sức lực cùng lòng kiên trì và dùng thất bại để thử… thành công”

————

3.Tôi từng đọc ở đâu đó một câu chuyện rất ý nghĩa. Chuyện kể rằng một anh chàng nọ khi chuẩn bị mở nhà hàng đã gọi điện cho một người bạn để thông báo. Người bạn chúc mừng và cười bảo: “Anh gọi cho tôi là đúng rồi đấy! Tôi có thể chia sẻ bài học thất bại khi kinh doanh nhà hàng cho anh. Bởi vì, tôi từng… đóng cửa mười nhà hàng do làm ăn thua lỗ”. Đằng sau câu chuyện có phần hài hước này là một bài học thật sự về thất bại, về thành công và cả cách người ta ứng xử đầy lạc quan với nhau trong những cảnh huống tưởng chừng như bi hài.

Thất bại đem lại cho chúng ta điều gì, ngoài những khó khăn? Thomas Edison từng nói đại ý rằng: “Tôi không thất bại. Tôi đã tìm ra 10.000 cách để… không làm được bóng đèn điện”. Theo một nghĩa khác, để sản xuất thành công chiếc bóng đèn điện đầu tiên trên toàn thế giới, nhà phát minh đã có tới 10.000 lần thất bại, hay đúng hơn 10.000 bài học để đi đến thành công và ghi dấu ấn vào lịch sử văn minh của nhân loại.

Một trong những trí tuệ vô danh của nhân loại đã khẳng định: “Vận rủi và thất bại cho ta cơ hội để phát triển trí tuệ của mình và đi tiếp”. Thất bại không phải là vực thẳm, cũng không phải là đường cùng, nó chỉ là trạm dừng trong đời để mỗi người trải nghiệm, chiêm nghiệm và thực nghiệm những bài học quý báu nhằm dẫn đến thành công về sau. Thế nên, hãy đừng sợ sệt! Hãy yêu, hãy ca ngợi cả những thất bại của chính mình. Cuộc sống dùng lửa để thử vàng, dùng gian nan để thử sức lực cùng lòng kiên trì và dùng thất bại để thử… thành công.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

5 điều Phụ nữ nhất định phải làm trong đời

6 bí quyết đọc và hiểu thêm nhiều sách

 

Comment