Bản thân tôi khá bất ngờ khi tự thống kê thấy số lượng sách mình đọc được lên những 50 quyển trong năm ngoái. Tôi chưa bao giờ cảm thấy đầu óc mình lại minh mẫn và sáng tạo khi nhìn về mọi khía cạnh cuộc sống đến vậy. Tôi thấy mình thú vị hơn, nhìn cuộc sống tích cực hơn và chất lượng viết lách thì được cải thiện rõ rệt. Tốc độ đọc của tôi trơn tru như một hiệu ứng chuỗi domino vậy.
Bạn có thường đọc sách hay không? Đây là câu hỏi đầu tiên mà bạn cần trả lời trước khi đọc trải nghiệm của tôi dưới đây.
Từ khi bước vào tuổi trưởng thành, tôi đọc khoảng 5 quyển sách mỗi năm – ấy là lúc may mắn thôi! Tôi thường đọc một hai quyển sách vào kỳ nghỉ và thường xuyên có vài quyển “để dành đọc sau” nằm đâu đó trên bàn trong hàng tháng liền.
Và rồi vào năm ngoái, bản thân tôi cũng khá bất ngờ khi tự thống kê thấy số lượng sách mình đọc được lên những 50 quyển. Tôi đang nhắm đến con số 100 trong năm nay. Tôi chưa bao giờ cảm thấy đầu óc mình lại minh mẫn và sáng tạo khi nhìn về mọi khía cạnh cuộc sống đến vậy. Tôi thấy mình thú vị hơn, nhìn cuộc sống tích cực hơn và chất lượng viết lách thì được cải thiện rõ rệt. Tốc độ đọc của tôi trơn tru như một hiệu ứng chuỗi domino vậy. Thật thất vọng vì tôi đã không làm điều này sớm hơn.
Thế giới mà chúng ta đang sinh sống có vẻ đọc sách một cách hời hợt hơn là đào sâu tìm hiểu. Vậy nên, tôi cần thời gian để nghiên cứu những thay đổi nhất định đã tạo nên cú hích cho thói quen đọc sách của mình. Vấn đề không phải là tốc độ đọc đâu. Tôi vốn đọc sách rất chậm mà!
Dưới đây là vài bí quyết để bạn xây dựng lại thói quen đọc sách, dựa trên những điều mà tôi đã thay đổi:
1Tập trung đọc sách tại nhà
Vào năm 1998, nhà tâm lý học Roy Baumeister cùng các đồng sự đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng có tên “bánh quy socola và củ cải”. Người tham gia nghiên cứu được chia ra làm ba nhóm và không được phép ăn gì trong vòng ba giờ đồng hồ trước thí nghiệm. Nhóm 1 được phát cho bánh quy socola cùng củ cải nhưng chỉ được ăn củ cải. Nhóm 2 nhận được phần ăn tương tự và có thể dùng bất cứ món gì tùy thích. Nhóm 3 không có thức ăn. Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu ba nhóm nêu trên giải trò chơi xếp hình và đo đếm thời gian hoàn thành. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhóm 1, những người đã dành mọi sức mạnh lý trí của mình để cưỡng lại món bánh quy hấp dẫn, đã hoàn thành bộ xếp hình sớm nhất.
Thí nghiệm này thì liên quan gì đến việc đọc sách? Hãy xem chiếc TV tại nhà bạn là một đĩa bánh quy socola thơm phức. Nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn sẽ thu hút, dễ dàng khiến chúng ta từ bỏ việc đọc sách.
Bài thơ “Television” của Roah Dahl là ví dụ điển hình nhất: “So please, oh please, we beg, we pray / go throw your TV set away / and in its place, you can install / a lovely bookshelf on the wall.” (tạm dịch: “Xin làm ơn, ôi làm ơn, ta van xin, ta nguyện cầu / hãy ném chiếc TV đi thật mau / và thay vào đó, bạn có thể đặt lên / phía vách tường kia một kệ sách nhiệm mầu.”).
Năm ngoái, tôi đã cho làm riêng hẳn một phòng đọc sách, với thiết kế chỉ vỏn vẹn tủ sách và một bộ bàn ghế để ngồi đọc sách, tránh xa tất cả những thiết bị công nghệ, truyền hình. Cái cảm giác đầu tư riêng hẳn một không gian thật yên tĩnh cho việc đọc nó khiến cho bạn càng có động lực hơn và cảm hứng nhiều hơn khi nhìn nhận và hiểu sâu sắc về nội dung một cuốn sách nào đó mình đọc.
2Thực hiện cam kết công khai
Trong quyển sách Y khoa Influence: The Psychology of Persuasion (tạm dịch: Tầm ảnh hưởng: Tâm lý thuyết phục), Robert Cialdini đã chia sẻ một nghiên cứu tâm lý học, cho rằng khi đặt cược hết vào đường đua, người ta thường tự tin vào khả năng chiến thắng hơn trước đó. Ông giải thích lý do vì sao sự cam kết lại là một trong những vũ khí lớn nhất của ảnh hưởng xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại không xem bản thân mình là một con ngựa đua? Đặt cược lên việc đọc sách bằng cách mở tài khoản trên trang Goodreads hoặc Reco, kết nối với vài đồng nghiệp hoặc bạn bè và cập nhật hồ sơ cá nhân mỗi khi bạn đọc xong một quyển sách. Hoặc là, bạn có thể lọc ra một danh sách email để chia sẻ bài đánh giá những quyển sách bạn từng đọc. Đây là công việc hằng tháng của tôi, với danh sách email bạn bè thuộc câu lạc bộ sách hàng tháng. Tôi lấy ý tưởng này từ nhà văn nổi tiếng Ryan Holiday, người sở hữu thói quen đọc sách đáng nể.
3Tìm đọc tác phẩm uy tín, có hệ thống.
Hằng năm, ngành công nghiệp xuất bản cho ra mắt những 50.000 quyển sách. Liệu bạn có đủ thời gian để đọc hết 1000 quyển mỗi tuần? Tôi cũng không. Do vậy, chúng ta mới cần tới phần giới thiệu sách của một vài trang web uy tín chứ nhỉ! Nếu bạn cũng giống tôi, không thích tìm tòi tại khu vực “Sách đề cử”, “Top sách hay trong tuần/tháng”,… ở mấy cửa hàng sách online, chẳng có gì hay ho hơn là đọc một quyển sách yêu thích của ai đó. Tìm đọc tác phẩm uy tín, có hệ thống cũng đơn giản như phần email mà tôi đề cập ở trên. Chỉ cần bỏ chút thời gian, bạn chắc chắn sẽ tìm ra danh sách các đầu sách “hợp khẩu vị”.
4Thay đổi tư duy về việc từ bỏ.
Một chút cảm giác khá tồi tề là việc bỏ dở một quyển sách (không đủ hay) đang đọc và rồi không ngừng dằn vặt về nó. Tuy nhiên, bạn có thể vừa từ bỏ vừa cảm thấy thoải mái, tất cả nằm ở việc thay đổi lối tư duy hiện tại. Hãy nghĩ rằng, “Tuyệt quá! Mình từ bỏ tảng gạch cồng kềnh, để làm trống chỗ cho những viên đá quý khác”. “The Tale End” của Tim Urban cổ vũ cho quan niệm này. Bài viết đưa ra thông tin cụ thể về số lượng sách mà bạn có thể đọc được trong đời mình. Một khi đã đạt đến con số giới hạn, bạn sẽ muốn chặt bớt vài cành cây để nhìn thấy ốc đảo tuyệt vời phía sau chúng.
Tôi thường bỏ dở từ ba đến bốn quyển sách, cho đến khi tìm được tác phẩm phù hợp nhất. Tôi thực hiện phương pháp “đọc trước 5 trang”, trước khi đặt mua bất kỳ quyển sách nào ( để kiểm tra văn phong, nhịp độ và ngôn ngữ); đồng thời tránh trường hợp phải bỏ ngang khi đã đọc hết một nửa.
5Tự thanh lọc và đầu tư đúng cách
Từng có thời gian tôi thường mua sách theo các tựa sách hot mà các trang mạng nổi tiếng vẫn hay giới thiệu. Vậy là các đầu sách trên kệ sách của mình tăng lên một cách đột biến, và tôi vội vã đọc… Thế nhưng sau một kỳ nghỉ dài đắm chìm trong sách và sách, tôi bỗng nhận ra chính thói quen đọc vội vã ấy đã khiến tôi mất đi sự kiên nhẫn đọc và đào sâu tìm hiểu. Vậy là tôi hủy bỏ hết thói quen đó để bắt đầu một sự thay đổi mới trong cách chọn lựa sách để đọc. Một tủ sách quý với nguồn tri thức dồi dào vượt thời gian để dành cho những đứa con yêu của mình trong 10 năm, 20 năm sau phải chăng là một sự đầu tư bài bản?!
6Đọc sách theo cách truyền thống.
Có nhiều người bạn hay thắc mắc rằng, vì sao tôi ít khi đọc sách điện tử (ebook) trên thiết bị di động. Cách này có thể giúp tiết kiệm khối thời gian di chuyển sách ra và vào nhà, đúng không nào? Thế nhưng trong cái thời đại mà phim ảnh, chương trình truyền hình hay nhiếp ảnh đều được “số hóa”, “nuôi dưỡng” một kệ sách truyền thống là một điều gì đó không thể thiếu. Nói một cách hoa mỹ hơn, sách là đại diện hữu hình cho những thay đổi mang tính chất cách mạng trong tâm trí khi chúng ta đọc. Và cũng bởi đa số chúng ta chỉ biết chăm chú nhìn vào màn hình máy tính trong cả ngày dài, tự tay nâng niu và lật từng trang sách thơm tho sẽ là trải nghiệm rất sảng khoái!
Tôi đã đọc sách ở đâu, khi chỉ đọc có 5 quyển sách mỗi năm? Thường là vào kỳ nghỉ hay trên chuyến bay dài. “À, ngồi không thì chán lắm,” tôi nghĩ. “Thôi thì đọc sách vậy.” Còn bây giờ, tôi dành mọi thời gian có thể để đọc sách. Vài trang ở đằng này. Vài trang ở góc kia. Tôi luôn mang theo sách bên người. Tôi đọc sách nghiên cứu vào buổi sáng, khi đầu óc còn minh mẫn và chọn tiểu thuyết viễn tưởng cho buổi chiều tối, khi cần được thư giãn. Những trang sách đọc vội khi có thời gian trống cũng khá là thú vị.
Bạn có có thể đọc nhiều hơn bạn nghĩ. Có nhiều phút giây bị bỏ quên trong một ngày và khi cộng hết chúng lại, bạn sẽ có quỹ thời gian đáng kể để đọc sách đấy. Chúc bạn đọc sách vui và tìm thấy nhiều điều hữu ích cho mình.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: