Hoa của đất - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hoa của đất

Tôi không nhớ đã quen họ từ hồi nào, chỉ biết rằng, cuộc đời họ, từ khi tôi hiện diện và họ có mặt trong tôi, lại chính là nguồn cảm khái cho một lẽ sống an nhàn, tự tại và tràn trề trong tôi…

Tác giả: TS. NSƯT BẠCH TUYẾT
hoa cua dat

1Gõ cái tên chị lên Google, công cụ tìm kiếm này sẽ lần ra được khá dày đặc hình ảnh và bài viết về chị, một doanh nhân thành đạt, Lý Kim Chi. Nhưng sự nổi tiếng, một cụm từ trĩu nặng và đầy ưu tư trong con mắt thế gian, lạ thay lại không hề hiện hữu nơi chị và tôi. Những trải nghiệm đi qua một thời kinh tế từ bao cấp, hợp tác xã rồi chuyển mình sang xã hội hóa thị trường, chấp nhận (và thừa nhận) một hình thái kinh tế nhiều thành phần với bao phát sinh mà con người chưa theo đuổi kịp, chị hình như không chỉ xây dựng một phương thức, một nguyên lý kinh doanh bằng quan hệ H – T – H (với tư cách một hình thái kinh tế dựa trên ba mối quan hệ là sở hữu – quản lý – phân phối), mà còn bằng quan hệ H – T – N. Trong đó, chữ N, ký hiệu “con người” được chị nắn nót viết hoa bằng chữ tín, bằng sự mẫn cảm, từng trải mà lại rất tinh tế, rất… đàn bà.

Người ta vẫn hay đóng khung những người phụ nữ thành đạt, nhất là những doanh nhân nữ thường luôn phải đánh đổi sự nghiệp với hạnh phúc gia đình. Lý Kim Chi chả phải đánh đổi điều gì cả. Chị có sự chọn lựa khá rạch ròi và trung thành với sự lựa chọn ấy. Ngày con trai út chập chững ở đất Mỹ, chị bỏ tất, bay sang xứ người, vừa đứng từ xa trông con trai tự sắp xếp, quy hoạch thời gian, lịch học, quan hệ bạn bè; vừa lặng lẽ gặp từng thầy cô giáo để hiểu thêm cách học, phương pháp tư duy, văn hóa học đường – ký túc xá… Con trai đi học, mẹ lận lưng một mớ kiến thức về sự hồi hộp, lo âu lẫn hạnh phúc, tự hào.

Khi con trai đầu tốt nghiệp đại học, chị không lót thảm mở đường mà đặt lên bàn cân cho con sự chọn lựa. Con trai đa tình giống bố nhưng gan lỳ chẳng khác mẹ nên thăm dò, điều nghiên và mở công ty cùng một nhóm bạn học vừa tốt nghiệp có, đã hành nghề có. Khi công ty con vững vàng, mẹ tin cậy trao cho con chiếc chìa khóa bằng một lời mời tư vấn cho một số đề án, dự án kinh doanh.

Vậy mà thỉnh thoảng những tối cuối tuần, doanh nhân mẹ lại như lửa đốt, chong mắt chờ doanh nhân con đi chơi chưa về. Gần mười hai giờ đêm, doanh nhân con ngật ngưỡng nơi bậc cửa mà vẫn nhóp nhép cái miệng như tuổi lên ba: “Thưa mẹ, con mới về…”.

2Đêm mùa Đông ở Washington D.C, Christine C.Hương chở tôi trên chiếc Mercedes đời mới. Ngang qua trạm đổ xăng, chị bước xuống, tự thực hiện mọi thao tác để đổ đầy bình xăng. Trời giá rét. Cái dáng người phụ nữ co ro trong đêm lạnh. Một mình. Leo lắt. Tôi trào dâng một sự thương cảm. Xe về đến nhà, căn phòng khách đẹp đến… lạnh lùng vì chả có ai ghé thăm ai. Căn nhà bếp tiện nghi đến… lạnh lẽo vì chẳng thắp nổi một ngọn lửa. Tôi buột miệng: “Chị không muốn em vùi đời như thế này ở đây nữa, về Việt Nam thôi em!”.

Một lời không chủ ý, vậy mà một ngày đầu năm 2000, người phụ nữ vừa bước qua tuổi năm mươi, lẫy lừng một thời ở ngay Washington D.C, bốn mươi năm xa xứ, nói tiếng Việt bập bõm, rành rẽ tiếng Mỹ, tiếng Pháp và một ít Tây Ban Nha đã… về nhà.

Ấp ủ, thèm muốn, nhớ cồn cào… Chritine C.Hương mở ngay một gian hàng bán đủ thứ loại bánh như: bánh khọt, bánh xèo, bánh lọt… và cả cơm tấm, bún thịt bò xào, bún riêu… trong khuôn viên của Siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt. Cái tên Ao ta cũng đã nói lên được cái tâm thức quê nhà thao thức bấy lâu trong con người của người phụ nữ này. Lời lãi chẳng bao nhiêu bởi chị nhất quyết chọn thức ăn sạch, tươi để phục vụ. Nhân viên được chị thuê nhà ở cùng để còn kiểm soát giờ ngủ, giờ chơi. Có đứa hồi xin vô làm mới học hết lớp sáu, chị “vận dụng” hết mọi vốn từ ngữ Việt Nam đi tìm lớp học bồi dưỡng, bổ túc văn hóa “cho tụi nhỏ học thêm, để lỡ sau này tụi nó không làm với mình nữa thì cũng có thêm chút chữ nghĩa mà ra đời…”.

Ai cũng bảo chị… khùng, các con chị ban đầu cũng không hiểu mẹ muốn gì. Nhưng chỉ đến khi từng đứa trở về, nhìn mẹ tất bật giữa quán xá, phố phường thì tất cả đều nhận ra. Trước giờ chào mẹ để trở về Mỹ, cậu con trai gật gù bảo: “Con thật sự an tâm rồi, cuộc sống của mẹ là ở ngay chính nơi này”.

Những cuộc điện thoại, chat đều trao đổi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, nhưng duy nhất có hai từ mà Christine C.Hương và các con vẫn xài quen thuộc từ mấy mươi năm nay là “mẹ” và “con”.

3Trên bốn mươi năm tôi quen biết bà, cũng là bấy nhiêu năm bà tồn tại bằng cái nghề bán cơm rượu ở một ngôi chợ nhỏ ở quận 11. Ngộ. Cơm rượu bà mở hàng đúng chín giờ ba mươi phút sáng, bán đúng một tiếng ba mươi phút rồi thong thả trở về nhà. Bà không có chồng, một tay nuôi con cháu. Trong nhà, hễ tới giờ chưng cơm và giữ cơm cho nó kịp lên men, đố đứa con gái nào “đến ngày” mà được ló đầu vô. Một chút ửng hồng bà cũng đổ bỏ nguyên mẻ cơm rượu.

Khách ghiền cơm rượu của bà Mười, ghé đòi mua thêm, bà lẳng lặng nhắn mai quay lại vì hôm nay bà đã bán sạch, có muốn bán thêm cũng không. Làm đủ, kiếm tiền đủ để sống và nhón chút tiền đi từ thiện ở chùa, ở nhà thương…Thế thôi!

________

Vốn không có thói quen tuôn theo… thời thượng, lại càng ít khi xây đắp những giá trị nằm ngoài quỹ đạo, đời mình, nên mỗi giây khắc, một thời điểm của cuộc đời, tôi may mắn có những người bạn, tri âm của chính mình.

________

Lạ kỳ. Ba người phụ nữ ấy xuyên qua đời tôi, thâm trầm, tự tại, hồn nhiên. Ngay cả khi họ dành cho tôi và nghệ thuật cải lương một chút gì đó thì cũng là sự mặc khải, sự kính trọng và… tỉnh táo. Thời khốn khó của cải lương, đôi khi muốn dàn dựng một tiết mục thật tử tế, không dễ chút nào. Lý Kim Chi chẳng phải là nhà tài trợ hay mạnh thường quân, bởi chị không chịu xuất hiện, đã dành một sự hỗ trợ nhất định, đủ để những nghệ sĩ tham gia không phải “ghì sát đất” vì cơm áo gạo tiền qua mỗi suất hát.

Christine C.Hương yêu thích giọng hát của nghệ sĩ Thanh Sang, Minh Vương, Tuấn Thanh, Ngọc Giàu và… tôi. Chị lẳng lặng mua vé, lẳng lặng ngồi xem, nghe mặc dù nhiều khi… chẳng thể hiểu hết tích tuồng. Chị xem bằng ký ức tuổi thơ và tiềm thức cội nguồn.

Bà Mười cơm rượu thì sau này có tuổi ít đến rạp nhưng theo dõi cải lương qua truyền hình. Gương mặt mới nào vừa xuất hiện hay hay dở, bà lại gọi điện hàn huyên, trao đổi cùng tôi.

Một câu hỏi mà tôi nhận được khá nhiều trong các cuộc phỏng vấn là thần tượng của tôi là ai? Vốn không có thói quen tuôn theo… thời thượng, lại càng ít khi xây đắp những giá trị nằm ngoài quỹ đạo, đời mình, nên mỗi giây khắc, một thời điểm của cuộc đời, tôi may mắn có những người bạn, tri âm của chính mình. Họ âm thầm, lặng lẽ nhưng tỏa ngát cái nhân cách làm người, như hoa trong lòng đất, vun trồng và điểm tô cho sự sống, cho tình người…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Có thể bạn quan tâm:

Thanh lịch chỉ là vẻ bề ngoài?

Niềm đam mê

Liệu có cần nguyên tắc?

 

Comment