Sống trong đời này, biết thế nào gọi là… “đủ”? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Sống trong đời này, biết thế nào gọi là… “đủ”?

“Thế nào là đủ?” . Đó chỉ là một câu hỏi ngắn nhưng không hề đơn giản để trả lời, cũng như chẳng có sẵn đáp án chung cho tất cả mọi người…

1 Ông bà ta có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để nói về việc “muốn ít, biết đủ”… sẽ đủ. Đủ có sự khác nhau với mỗi người, và trong từng thời điểm cụ thể của mỗi người. Thuở ấu thơ nghèo khó, lớn lên trên mảnh vườn đám ruộng hương hỏa gia đình, một bộ đồ, một manh chiếu (không lành) cùng chiếc mùng rách đôi ba chỗ cũng đủ cho một giấc ngủ yên bình. Lớn lên, đi học rồi thành đạt ở phố, trong vị trí doanh nhân, công nhân viên chức với đồng vô đồng ra dư dả, có khi nhà cao, giường nệm, một tủ đồ hiệu này, hàng xịn kia… chưa chắc đã đủ!

Thế mới có câu “Nhu cầu của con người là vô hạn”, nó vô cùng trong ước “muốn thêm, thêm nữa, thêm mãi”. Nhưng, sức người vốn có hạn. Mỗi người có bản lĩnh và khả năng khác nhau nên thành quả đạt được đương nhiên cũng khác nhau. Đó chính là cái đủ mà mỗi người phải biết để quản trị cuộc sống, công việc của mình.

Trước đây, từng có thời gian dư luận xôn xao chuyện một ca sỹ thuộc hàng diva trong làng nhạc Việt Nam dính nợ. Báo giới được một phen “múa bút” về số nợ, về nguyên nhân vỡ nợ khiến tin này trở nên “hot”, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó, cảm thông có và không thông cảm cũng có. Vì những lùm xùm của người trong giới showbiz, nên người ta thường hay nhìn về giới này bằng sự “ác cảm”. Song, theo những gì người trong cuộc nói, không khó nhìn thấy cách quản trị cuộc sống có phần “ngô nghê” của “khổ chủ”. Tại sao lại đầu tư và nếu đầu tư thì sao lại chọn một lĩnh vực không thuộc chuyên môn và bản thân chưa hiểu hết về nó?

Ca sỹ đầu tư kinh doanh, mua những thứ không nằm trong hiểu biết của mình và giải thích rằng: “Ai biết, nghe nói lãi lắm nên mua”. Nghe tưởng chừng hợp lý nhưng lại khó tin, bởi nó không phù hợp với logic của một người từng trải. Nếu đó là sự thật thì quả là sự thật ngô nghê mà hai chữ thương hay trách đáng để đặt lên bàn cân, nhất là với một người của công chúng, được tiếng già dặn, sâu sắc. Tất nhiên, đó là tiếng nói của người-trong-cuộc, nó có thể đúng và có thể chưa đúng. Nhưng bằng cảm quan, người ta có thể cảm thông cho người rơi vào tình thế hiểm nghèo. Vốn dĩ người phương Đông giàu tình cảm, sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ những người ở bước đường cùng, kể cả những tội phạm biết hối lỗi, chịu khó hoàn lương!Hermit crab looking at larger shell

2 Trở lại chuyện biết đủ, vậy như thế nào là đủ? Chữ đủ ở đây mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau: Chừng đó là đủ với người này, nhưng người kia lại cảm thấy quá ít. Nó giống khi ăn cơm, mình ăn hai chén thấy no trong khi người khác phải gấp đôi như thế. Cái bụng quyết định sự no đủ về vật chất, còn cách nghĩ tham gia vào việc định đoạt cũng như quá trình đi đến quyết định đó.

Hồi nhỏ, khi bệnh, ta vẫn thường được cha mẹ an ủi: “Con nghĩ nó không đau thì nó sẽ không đau, còn con cứ nghĩ nó đau đớn thì nó sẽ đau nhiều hơn thực tế”. Ta nghe và thử, để tự huyễn hoặc mình rằng không đau. Và đương nhiên, nó bớt đau hơn khi ta cứ quằn quại, rên la, co thắt.

Trong y học, có một loại thuốc gọi là “thuốc trơ”. Nó không hề có dược tính, chỉ mang yếu tố trị liệu tâm lý, dành cho những bệnh nhân bị bệnh vì những ám thị bệnh tình trong người mình. Khi khám, bác sỹ đương nhiên không tìm ra bệnh lý trong cơ thể nhưng sẽ nhận diện được ngay bệnh nhân mắc thứ “tâm bệnh” của người luôn nghĩ mình có bệnh. Khi đó, bác sỹ cũng kê đơn cho thuốc, nhưng là “thuốc trơ” để người bệnh uống, yên tâm rồi… tự khỏe lại vì nghĩ mình đã uống thuốc.

 

————

“Mỗi người có bản lĩnh và khả năng khác nhau nên thành quả đạt được đương nhiên cũng khác nhau. Đó chính là cái đủ mà mỗi người cần phải biết để quản trị cuộc sống, công việc của mình”

————

 

3 Trong cuộc sống, đôi khi ta cũng mắc bệnh trên khi cứ mãi hoang tưởng về sự vô địch của mình nên không ngừng bôn ba chinh phục những mục tiêu nằm ngoài tầm với. Lòng tham vốn nông nổi, dễ đưa bản thân tới chỗ “nhìn gà hóa cuốc” rồi tự biến thành con thiêu thân trong cuộc đua tốc độ mà chính mình thường là kẻ chiến bại ê chề. Đầu tư vào những lĩnh vực mình không hiểu biết nhiều hoặc lĩnh vực chỉ nổi lên như hiện tượng tạm thời, kiểu bong bóng trời mưa, là một sự thiển cận.

Trong số đó, phải kể đến chứng khoán hay nhà đất, những lĩnh vực thường gây “chết đứng” nhiều doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp lớn, tiếng tăm, có bề dày và thương hiệu vững vàng. Chết đứng vì những sai biệt trong tính toán, do không hoặc đã lường trước được, nhưng lợi nhuận quá lớn khiến con người liều lĩnh đưa chân bước tới với lý luận: “Có gan làm giàu”.Turtle looking at larger, empty shell

Thông thường, những con bạc, người lao vào đầu tư tài chính, cho vay lãi suất cao trong thời gian ngắn bị “mắc mưu” người ngoài vì chính “bẫy” tham lam, không biết đủ tồn tại nơi bản thân mình. Sau mỗi vụ vỡ nợ, ta lại thấy mẫu số chung: Đó là lòng tham ở những “chủ nợ” ham tiền lời. Họ sẵn sàng vung ra số tiền rất lớn để cho vay mà quên hỏi tại sao lại có “phi vụ” tiền đẻ ra lãi nhiều như thế.  

Con người ở đời ai chẳng có lòng tham và những mong muốn cho riêng mình. Quan trọng là tỉnh táo quản trị những điều mình muốn bằng cách cân nhắc xem bản thân có đủ điều kiện để đạt được mong mỏi đó hay không. Khi nhận một món quà từ người khác, ta cần xem lại đức hạnh của mình có xứng đáng nhận nó không? Nếu luôn biết dừng lại trước những barie (thanh chắn) cảnh báo nguy hiểm ở phía trước, có lẽ ta đã bớt được những hệ lụy, những ân hận muộn màng!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Micromastery – Những “bước đi nhỏ” để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn

5 giai đoạn nhất định ai cũng phải trải qua

 

Comment