QUYỀN NĂNG THA THỨ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

QUYỀN NĂNG THA THỨ

Tha thứ hay không khi người yêu phản bội? Câu hỏi quen thuộc cứ nghĩ là đơn giản nhưng thực tế luôn mới mẻ trong những trường hợp cụ thể bạn gặp phải. Bạn sẽ tự soi chiếu cuộc tình đứng trước nguy cơ rạn nứt của mình bằng lăng kính nào và có bỏ quên quyền năng tha thứ? 

Cái bĩu môi sớm trôi vào dĩ vãng

Trên một chiếc ôtô hoặc taxi khi đến cơ quan hay lúc rời nhiệm sở, bạn có thể từng cười khẩy khi nghe ai đó rền rĩ không ngớt trên radio rằng họ rối trí trước việc người yêu bội phản. Bạn cũng có thể đã bĩu môi chê trách cô gái ấy khờ khạo và ngớ ngẩn khi không tự mình trả lời nổi một câu hỏi. shutterstock_160235102_supersize_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Nêu hay không nên tha thứ cho hành vi phạm lỗi của người yêu? Có lẽ, bạn cũng như các chuyên gia tư vấn tâm lý trên sóng phát thanh, nhanh chóng đưa ra được câu trả lời ngay khi người hỏi chỉ bắt đầu màn chào, tự giới thiệu bản thân và tình cảnh. Nói vậy hơi quá! Nhưng quả thật, là kẻ ngoài cuộc, bạn rất dễ sắm vai một chuyên gia tư vấn tâm lý cho bất kỳ ai đang lạc vào lưới nhện yêu đương.

Thực tế là, chỉ khi chính bạn rơi vào hoàn cảnh buộc trả lời câu hỏi trên, bạn mới cảm thấy vấn đề tưởng chừng nan giải. Cũng chỉ khi đó, bạn chợt nhận ra những lời khuyên nước đôi của các chuyên gia bỗng thật sự ích lợi cho mình.

Trong những buổi tán chuyện cùng cô bạn thân, hay những lần “lên lớp” đàn em chập chững bước chân vào khu vườn tình ái, bạn vẫn thường tự tin rằng ý kiến đưa ra của mình bao giờ cũng sáng suốt như… chuyên gia? Nhưng có là nhân vật chính của câu chuyện, bạn mới chắc rằng cái bĩu môi trên chuyến xe hôm nào đã trôi nhanh vào dĩ vãng.

Nếu chưa đánh mất tư cách tha thứ…

Thật ra, một vấn đề cốt lõi nhưng vô cùng nhạy cảm mà đôi khi chính các chuyên gia cũng ngần ngại đụng chạm với khách hàng của mình: Liệu bạn có còn đủ tư cách để tha thứ cho việc người tình phản bội mình?

Bạn làm sao có đủ tư cách thứ tha lỗi lầm người yêu khi chính bản thân mình từng bội phản và âm thầm giấu diếm hành vi đó. Hoặc giả sử cùng lúc ấy bạn cũng đang say nắng một “bóng tùng” khác và nhen nhóm trong thâm tâm mình một giấc mơ bội phản. Để rồi đối diện sự phản bội của người tình, trên môi bạn thản nhiên bật một nụ cười chua chát, nửa hờn giận, nửa mừng vui.

Nhưng liền đó, bạn nhanh chóng có được đến hai hướng giải quyết. Một là vẫn giận hờn, trách cứ nhưng chấp nhận tha thứ. Hai là đẩy vấn đề lên mức độ nghiêm trọng nhất có thể và bất chấp hậu quả để sớm khiến cho cuộc tình thật sự tan rã, như ước muốn chính bạn.

Sau tất cả, bạn cũng nở thêm được một nụ cười nhưng không khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Bởi vì ngay cả tư cách ghen tuông và tha thứ bạn đã tự mình đánh mất, để vuột khỏi tầm tay. Dẫu biết rằng không thể vơ đũa cả nắm, nhưng liệu bạn có tự tin và chắc chắn bản thân mình trong sạch, còn đủ tư cách tha thứ cho người khác? Còn hay không trong trường hợp này mới thật sự là vấn đề cốt lõi.

Lạm bàn quyền năng tha thứ

Khi bạn trung thực trả lời dứt khoát rằng: Vâng, tôi chắc chắn mình vẫn đủ tư cách trong cuộc tình này. Vậy thì, hãy lắng nghe tiếng nói kết hợp đến từ cả trái tim và lý trí trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cũng như có được sự lựa chọn đúng đắn.shutterstock_166666016_supersize_resize

Ai cũng đủ thông minh để có thể nhận ra sự lừa dối của người khác dành cho mình. Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo thừa nhận sự níu kéo chỉ dẫn đến những khổ đau kéo dài và lạnh lùng kết thúc một mối tình.

For english version, please click here!

Thực tế cho thấy, nếu bạn để sự phản bội của người yêu trở thành cú sốc mạnh đến mức làm lu mờ lý trí, khiến trái tim tổn thương đớn đau tột cùng, bạn không thể đưa ra được quyết định sáng suốt. Bạn thậm chí có thể ngờ vực ngay cả những sự thật chân thành trong quá khứ và xem đó là dối gạt. Giữa cơn rối bời, bạn mường tượng để rồi nghi ngại tột cùng sẽ thêm một lần nữa người yêu tiếp tục bước lên “vết xe đổ”.

Bạn chỉ có thể tha thứ lỗi lầm của người yêu nếu đó thật sự là những giây phút nhất thời vụng dại, và anh ấy muốn được hàn gắn cuộc tình bằng những hành động chân thành cụ thể. Hãy kiểm chứng mức độ tin cậy ở người yêu khi lý trí và cảm xúc bạn đã hoàn toàn bình tâm. Và hãy chắc chắn rằng trái tim bạn vẫn nồng nhiệt yêu thương đón nhận anh ấy mà không bị ám ảnh hay dằn xé bởi những lỗi lầm ngày cũ.

Nếu lòng vẫn vương nặng với người yêu, bất chấp thực tế anh ấy cố tình rời xa, hoặc nguy cơ tiếp tục bội phản bạn, thì đừng hèn nhát đến độ không dám thừa nhận trái tim bạn đang mù quáng, lý trí bạn đang nhu nhược. Hãy chấp nhận hiện thực, chia tay bởi lúc này quyền năng tha thứ của bạn hoàn toàn không phát huy được tác dụng đối với người đã bất cần bạn tha thứ hay không tha thứ.

Ai cũng đủ thông minh để có thể nhận ra sự lừa dối của người khác dành cho mình. Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo thừa nhận sự níu kéo chỉ dẫn đến những khổ đau triền miên và lạnh lùng kết thúc một mối tình, kiểu như thà đau một lần rồi thôi, còn hơn cứ đau hoài. Dẫu sao cũng chúc mừng, nếu bạn vẫn nắm giữ trong tay mình thứ quyền năng tha thứ, bởi gần như đó là sức mạnh tối thượng trong việc định đoạt “sinh mệnh” một cuộc tình.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment