Phụ nữ ơi, đừng hy sinh! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Phụ nữ ơi, đừng hy sinh!

Đằng sau một góc nhìn vừa nghiêm túc vừa có phần hài hước là sự trân trọng dành cho phái đẹp với một thông điệp: Phụ nữ ơi, thôi đừng hy sinh mù quáng!

1.Tôi phải dùng từ “phái đẹp” để nói về phụ nữ thay “phái yếu” mà lâu nay cánh đàn ông Việt đã “khoác” cho một nửa còn lại của thế giới. Sở dĩ đàn ông ngạo mạn tự nhận mình là “phái mạnh” bởi lẽ xưa nay trong các cuộc chiến chinh, khai khẩn… vai trò của họ thật sự nổi trội. Nhưng có dịp tới Tây Nguyên, tôi thật sự ngưỡng mộ phụ nữ Ê Đê, Jarai… Cũng là phụ nữ mà sao các nàng sơn nữ lại… sướng thế! Cái sướng lớn nhất của họ là tục “bắt chồng”. Tức là, họ có quyền chủ động “bắt” chàng trai nào họ “ưng bụng” về làm “nô lệ”. Chàng trai khi về nhà họ rồi chỉ biết hùng hục làm lụng, răm rắp nghe lời để mong nhận được sự yêu thương. Lúc đứa con ra đời, dù gái hay trai, chúng đều mang họ mẹ. Trong khi cánh mày râu chốn thị thành xa hoa của chúng ta mặt nhăn như khỉ ăn phải ớt nếu bị vợ “chia sẻ việc nhà”, đàn ông Tây Nguyên thật sự lấy làm hạnh phúc khi được vợ… quát mắng và sai bảo. Khi tôi hỏi vì sao lại “khổ” thế, cả trăm chàng đều cười hiền bảo: “Tại vợ nó giỏi hơn mình. Nó biết chọn giống, chọn ngày gieo hạt trên rẫy. Nó biết hái măng, hái nấm trong rừng. Nó biết xúc cá, xúc tôm dưới suối. Nó biết nhóm lửa nướng cơm lam trong nhà sàn. Nó biết cho con bú, cho con ăn… Mình sống nhờ nó, mình phải biết nghe lời nó là đúng thôi!”. Tới đây, tôi đã vỡ ra một lẽ giản dị muôn đời: Kẻ nào có vai trò quan trọng hơn, kẻ đó có quyền lực.Zwin, Knokke, Belgique

2.Ở thành phố, hết giờ làm là chồng có quyền tạt quán bia hơi tưng bừng “chém gió” tới khuya với bạn bè. Khi đã men say túy lúy, chàng ngà ngật trở về, chui vào nhà tắm, ăn uống qua loa rồi nhảy ngay lên giường dán mắt vào tivi xem bóng đá. Vợ có “gợi ý” thì “trốn” bằng câu muôn thuở: “Cơ quan độ này nhiều việc, anh mệt ghê cơ”. Ngày nghỉ, chàng ngủ nướng đến 9, 10 giờ mới uể oải trở dậy ăn sáng rồi nằm khểnh đọc báo hoặc tót ra quán cà phê với bạn bè.

Ở nông thôn, nhiều ông chồng khề khà điếu thuốc ấm chè, mặc quần cộc lê la các đám tổ tôm, bỏ mặc việc đồng áng nắng mưa cho vợ. Thế mà, trong đám tiệc, họ lúc nào cũng tót mâm trên, phán như thánh như tướng, bàn đủ thứ nhân tình thế thái, lại còn hỏi vặn cả vợ: “Tại sao nước mắm không hâm?”. Trong khi đó, người vợ lại cam chịu “hầu” hết chồng đến con. Cơm nước, giặt giũ, chợ búa, ruộng vườn, đưa đón kèm cặp con cái học hành… tất cả đều không thiếu vắng bàn tay phụ nữ. Những công việc có tên và không tên khiến nhiều phụ nữ không còn thời gian để chăm sóc mình. Hệ quả tất nhiên là nhan sắc người phụ nữ phai nhạt đi và sự dịu dàng, thùy mị, đoan trang của phái yếu cũng dần dần “xuống cấp”.

***

“Thật hài hước khi cùng một xứ sở, người phụ nữ tần tảo chăm lo gia đình là chuyện thường ngày, còn đàn ông đồng cảm và thay vợ “tề gia, nội trợ” lại hiếm có, khó tìm”

***

3.Từ thuở yêu nhau tới khi làm vợ rồi làm mẹ, biệt danh chàng đặt cho nàng cũng chuyển “em yêu” thành “hổ cái”. Lãng mạn giảm sút, tình yêu phai màu. Người phụ nữ vừa chăm lo gia đình, vừa phấn đấu ngoài xã hội, lại vừa lo giữ chồng. Bởi rằng, cánh đàn ông vốn có “bản năng thợ săn”, đa phần đều dễ dàng đi lạc khi sổng khỏi tay vợ.

Đã thế, nạn bạo hành phụ nữ ở Việt Nam vẫn xảy ra như cơm bữa. Nhưng “Đau đớn thay phận đàn bà”, dư luận coi việc chồng đánh vợ là hiển nhiên, giống như “bát đũa còn có lúc xô”. Đáng buồn hơn, người phụ nữ cũng coi việc bị chồng đánh là chuyện nên giữ trong im lặng, họ cắn răng chịu đựng vì thể diện, vì sĩ diện. Thế nhưng, sự cam chịu không đảm bảo đem đến hạnh phúc cho người phụ nữ. Thay vì gợi lên sự đồng cảm, sự nhu nhược thường khiến kẻ khác càng được dịp lấn tới. Bản chất của đàn ông Việt là “Được voi đòi tiên”. Vậy thì phụ nữ ơi, hãy quên đi cụm từ “hy sinh tất cả cho chồng con” nếu trong từ “tất cả” có bao gồm chính bản thân mình.dancing

4.Trong thời của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, sức mạnh không được đo bằng độ rắn chắc của cơ bắp trên chiến trường mà bằng độ linh hoạt của trí tuệ. Sự thành công không đến từ lời nói hùng hổ khoa trương mà đến từ những nụ cười tin cậy, dễ thương. Niềm tin không được gây dựng bằng bộ óc lạnh lẽo mà bằng trái tim nhân hậu… Tạo hóa đã ban cho người phụ nữ nhan sắc và những phẩm chất tinh tế, nhạy cảm, độ lượng, bao dung. Thời đại đã cho phụ nữ các điều kiện về học hành. Môi trường hội nhập đã cho phụ nữ cơ hội mở rộng giao lưu. Pháp luật đã ủng hộ phụ nữ về quyền bình đẳng. Đã đến lúc, phụ nữ cần học được cách không hy sinh, đặc biệt là không hy sinh một cách mù quáng.

Lịch sử ngàn năm đô hộ phương Bắc đã chụp một tấm lưới luân lý khổng lồ trói buộc người phụ nữ Việt. Nào là “phu xướng phụ tùy”, “tam tòng tứ đức”… những giáo lý trải qua hàng thế kỷ này đã không còn thích hợp với nhận thức mới nhưng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Đến nay, vẫn còn thói trọng nam khinh nữ, vẫn còn vô vàn ông chồng Việt tự cho mình cái quyền gia trưởng, trịch thượng. Thật hài hước khi cùng một xứ sở, người phụ nữ tần tảo chăm lo gia đình là chuyện thường ngày, còn đàn ông đồng cảm và thay vợ “tề gia, nội trợ” lại hiếm có, khó tìm. Vì thế, nhân danh nữ quyền, phụ nữ hãy đồng thanh tuyên bố: Chúng tôi không chịu “hy sinh” nữa. Vì hạnh phúc thật sự của một gia đình là sự tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau mà không đòi hỏi sự hy sinh từ phía người phụ nữ. Phái đẹp cứ ngẩng cao đầu tiến về phía trước, giành quyền làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội và nhường việc “gia đình bé mọn” cho cánh mày râu. Biết đâu, chúng ta lại chẳng biến câu ca dao “Làm trai rửa bát, quét nhà. Vợ gọi thì dạ, thưa bà, tôi đây” thành hiện thực sinh động của thế kỷ 21!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Là phụ nữ, tôi có quyền…

Cớ sao phải… gồng?!

Comment