“Không còn “làm bạn” với nạng gỗ, với xe lăn, giờ đây em đã tự do đi lại trên chính đôi chân của mình. Thiệt là vui luôn ạ!”. Bằng chất giọng miền Nam trong trẻo, Nguyễn Ngọc Nhi, cô nữ sinh trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ khi tôi hỏi thăm em qua điện thoại.
Mùa hè năm 2016 là một dấu mốc đặc biệt của Ngọc Nhi khi em được tung tăng trên những nẻo đường xa và tận hưởng kỳ nghỉ đầu tiên trong đời sinh viên. Em ví mình “như một chú chim được sổ lồng tung cánh” trên bầu trời cao rộng. Những chuyến đi có thể là chuyện rất đỗi bình thường đối với những người khác, song với Ngọc Nhi đó từng là mơ ước lớn nhất. Câu chuyện của Ngọc Nhi là câu chuyện của một cô bé đã may mắn tìm lại những bước chân tươi vui của chính mình, để xây đắp một tương lai đầy hứa hẹn.
10 năm đau khớp và giấc mơ giảng đường
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cai Lậy, Tiền Giang, Ngọc Nhi có một tuổi thơ êm đềm cùng gia đình và bè bạn. Vốn khá nhanh nhẹn, sáng dạ, Nhi học giỏi, được bạn bè yêu mến và là niềm tự hào của cha mẹ.
Không ngờ một bi kịch đã âm thầm len lỏi vào cuộc đời Nhi từ khi em lên 5 tuổi. Chị Huỳnh Thị Ngọc Giềng, mẹ của Nhi kể, hồi đó Nhi hay kêu đau thốn, nhức mỏi ở chân phải, ít hôm lại bình thường. Chị cứ nghĩ trẻ con vận động nhiều, bị đau chỗ nọ chỗ kia là lẽ thường tình nên cũng không chú ý lắm. Theo thời gian, khi em lên lớp 10, tần suất những cơn đau của Nhi trở nên thường xuyên hơn, khớp chân phải nhức nhối khiến không ít khi em phải bật khóc. Gia đình chị Giềng đưa Nhi lên TP.HCM khám. Nhi được chụp phim và uống thuốc theo đơn bác sĩ, tuy nhiên, cơn đau của em vẫn không thuyên giảm, đặc biệt là những khi thời tiết thay đổi. Nhìn con đau đớn, lòng người mẹ như có ai xát muối, chị Giềng chạy ngược chạy xuôi đưa con đi nhiều nơi thăm khám. Hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn khiến hàng xóm ai cũng ái ngại: chồng bị bệnh tim lâu năm nên mất sức lao động, cả nhà sống nhờ vào thu nhập ít ỏi của chị từ nghề giúp việc cho người quen ở Sài Gòn.
Bệnh viêm khớp đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Nhi. Em không còn đi đứng thoải mái như trước nữa. Với cái chân cà nhắc đến trường, em thường bị bạn bè trêu chọc là “con què”. Dù cơ thể gầy mòn và xanh xao vì bệnh tật hành hạ, Nhi vẫn say mê với việc học, thường xuyên nằm trong tốp học sinh giỏi của lớp. Em luôn hy vọng phép màu xuất hiện để một ngày kia được bước chân tới giảng đường đại học.
Nhưng giấc mơ học lên cao của em phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã: đầu gối phải sưng to, cứng lại khiến em không thể đi đứng, Nhi đành nghỉ học vì sức khỏe ngày càng yếu đi.
“Bác sĩ Phát và bệnh viện FV đã cho em cuộc đời mới”
Thương cô con gái út tưởng có thể đứt từng khúc ruột, chị Giềng vẫn phải để con ở quê, khăn gói lên Sài Gòn giúp việc, cứ ky cóp được ít tiền lại đưa con đi chữa bệnh. Nỗi niềm của chị khiến người chủ nhà thương cảm. Cô đề xuất chị đưa Nhi đến Bệnh viện FV khám, mọi chi phí khám cô sẽ chi trả.
Người khám cho Ngọc Nhi khi đó là bác sĩ Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình. Qua các xét nghiệm, BS Phát nhận thấy Ngọc Nhi bị chứng viêm mãn tính đầu gối phải. Do tình trạng viêm nhiễm lâu mà không được điều trị dứt điểm, phần sụn khớp của em bị bong vỡ. Nếu tiếp tục kéo dài, chân của em sẽ bị xơ hóa, teo, cứng gối và sẽ tàn tật vĩnh viễn. Nhi cần được thay khớp gối toàn phần mới có thể đi lại được.
Khi nghe bác sĩ cho biết Nhi buộc phải thay khớp gối, chị Giềng nghĩ gia đình không đủ khả năng tài chính vì tiền đâu để có thể thanh toán chi phí cho ca phẫu thuật rất quan trọng cho con gái. Thật may mắn, số phận đã mỉm cười với Nhi. Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ do Bệnh viện FV và báo Thanh Niên đồng sáng lập, khi biết hoàn cảnh của Nhi đã tạo điều kiện cho em được điều trị và phẫu thuật miễn phí tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện FV. Ca phẫu thuật do chính bác sĩ Lê Trọng Phát thực hiện vào ngày 12/4/2012.
Dù lòng tràn ngập hy vọng sẽ sớm tìm lại những bước đi vững chãi, song trước giờ thực hiện ca đại phẫu, Nhi vô cùng lo lắng. Nhờ sự ân cần động viên của đội ngũ y tá và hộ lý, Nhi nhanh chóng trấn tĩnh và vượt qua nỗi sợ cho đến khi ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ kết thúc hoàn hảo.
Sau phẫu thuật, Nhi được các chuyên gia hỗ trợ vật lý trị liệu tại Bệnh viện FV tập các bài tập vật lý trị liệu và tập đi để em có thể nhanh chóng phục hồi chức năng vận động. Một tháng sau phẫu thuật, Ngọc Nhi đã không cần dùng đến nạng và có thể đi được những bước nhẹ. Nhi nhớ lại những bài tập luyện ban đầu rất đau đớn và khó khăn: “Đôi lúc đau quá em cũng chán nản muốn buông xuôi, nhưng ba mẹ luôn động viên khuyên nhủ, hướng em nghĩ đến tương lai, nên em lấy lại được nghị lực”.
Có lại đôi chân lành lặn, Nhi lại được tung tăng cắp sách tới trường. Những năm cấp ba trôi qua nhanh chóng cùng niềm ấp ủ bước chân vào giảng đường đại học. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, Nhi đỗ ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Lên Sài Gòn học tập, thỉnh thoảng, em ghé bệnh viện FV để tái khám. Gặp lại Nhi, những ai từng tham gia ê-kíp mổ đều mừng cho em. Thật khó hình dung cô nữ sinh tươi tắn, khỏe mạnh sải những bước đi đầy tự tin kia lại là bé Ngọc Nhi xanh xao nhỏ bé với đầu gối phải sưng vù, ngồi co mình lại trên chiếc xe lăn ngày nào. Nhi khoe, ngay cả các bạn học cùng trường cũng không hề hay biết Nhi từng phải nghỉ học do viêm khớp. Cuộc sống của Nhi giờ đã khác, em đang trải qua những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ với biết bao hoài bão. Nhi xúc động chia sẻ: “Bác sĩ Phát đã cho em cuộc đời mới, một tương lai mới mà trước đây có mơ em cũng không dám, em rất biết ơn vì điều đó. Em sẽ luôn luôn cố gắng để sống thật tốt nhất, ý nghĩa nhất”.
Khi hỏi về dự định của mình, Nhi nói em sẽ cố gắng học tốt, ra trường đi làm để phụ giúp kinh tế gia đình. Bác sĩ Phát cho em biết, khớp gối nhân tạo có độ bền trung bình 20 năm, nên em cũng sẽ phải có kế hoạch dành dụm tiền cho tương lai. Nhi đã kể như vậy bằng một giọng đầy tự tin và vui vẻ.
“Viêm khớp mãn tính ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng, do nhiều nguyên nhân như: viêm khớp dạng thấp, bệnh chuyển hóa, bệnh miễn dịch, nhiễm trùng… Bệnh thường khởi phát ở trẻ từ 5-16 tuổi với những biểu hiện như đau nhức đầu gối, sau đó khớp sưng to, phù nề. Bên trong khớp tiết ra rất nhiều dịch viêm. Bệnh nhi sẽ đau đớn khi vận động vì bị tăng áp lực trong khớp. Để lâu, khớp sẽ bị hủy hoại và xơ hóa. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa và vật lý trị liệu, có thể giúp giảm nhẹ cơn đau và làm chậm tiến trình viêm. Tuy nhiên, tình trạng của bé Nhi đã ở giai đoạn rất nặng nên chúng tôi phải thay thế sụn khớp bị hư mòn bằng khớp nhân tạo thông qua kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, đường mổ nhỏ nhằm hạn chế nhiễm trùng và phục hồi nhanh” – Bác sĩ Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện FV. |
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: