Ắt hẳn bạn đã nghe nhiều về cụm từ trao quyền (empowering) khi là một người đứng đầu doanh nghiệp hoặc tổ chức. Thế nhưng, bạn đã thực sự hiểu ý nghĩa của việc này và có cách trao quyền thành công, đúng đắn và đúng lúc cho người cần trao để mở rộng ảnh hưởng của bạn với tư cách là một lãnh đạo?
Chúng ta đang sống trong thời đại số hóa thay đổi từng phút và sự biến chuyển trong phong cách lãnh đạo ở các nhà điều hành doanh nghiệp là điều hiển nhiên. Nếu trước kia các nhà lãnh đạo thường chú trọng kiểm soát và chỉ huy có phần mang tính quy tắc thì hiện nay khái niệm ấy đã không còn kiên cố và được thay thế bởi một cách thức mới đó là trao quyền. Khi trao quyền thành công trong doanh nghiệp, người lãnh đạo đang trao đến nhân viên sự ảnh hưởng của mình, giúp nhân viên nhận ra tiềm năng của chính họ cũng như góp phần phát triển tổ chức. Bằng cách ủy quyền và chia sẻ vị trí cùng quyền lực, những lãnh đạo thực sự luôn biết cách nào là tốt nhất để hỗ trợ nhân viên và giúp họ trở thành cánh tay đắc lực của mình.Nếu là một lãnh đạo có đủ niềm tin vào những người cộng sự và đang có ý định trao quyền cho nhân viên, hãy cân nhắc những cách làm dưới đây để người nhân viên đó phát huy khả năng tốt nhất và thông qua đó củng cố địa vị, thương hiệu của chính bạn:
Hãy thử suy nghĩ về những người bạn đang muốn trao quyền, đâu là điều quan trọng đối với họ và họ đang đồng hành cùng bạn để đạt được điều gì? Hãy phân biệt giữa những gì họ cần và những gì họ muốn, nếu đó là một người muốn có công việc ổn định với mức lương an toàn thì chưa chắc sự trao quyền là những gì họ cần. Nhưng nếu họ luôn mong muốn tiến xa trong công việc bằng cách đưa ra những ý kiến, nhu cầu của bản thân để làm tốt hơn mỗi ngày thì đó chính là một nhân tố có tầm nhìn mà bạn cần nâng đỡ và hướng dẫn. Có thể bạn sẽ không thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ, nhưng việc bạn nhận ra những nhu cầu thiết yếu ấy sẽ cung cấp cho bạn giải pháp tìm ra những gì họ thiếu và tạo động lực giúp họ phát triển nhanh hơn. Những người có khát vọng trong công việc luôn chấp nhận việc khó khăn và rủi ro xuất hiện, và sự bản lĩnh ấy sẽ được trui rèn nếu bạn giúp họ bộc lộ ưu điểm và hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu trong tương lai.
Bên cạnh việc đánh giá những người bạn muốn trao quyền, bạn cũng phải mô hình hóa thái độ, đạo đức làm việc và tính cách của chính bạn để họ nhận thấy và nắm bắt được những gì họ cần cam kết và tuân theo kỷ luật. Con người thường có xu hướng bị ảnh hưởng không ít bởi người cố vấn của mình và những gì bạn thể hiện sẽ giúp nhân viên hiểu được tầm quan trọng của công việc bạn đang làm đối với hiệu quả chung của công ty. Trao quyền thành công cho nhân viên của bạn có nghĩa là làm cho họ hiểu được mục đích cuối cùng của tổ chức và truyền cảm hứng để họ thay đổi và hành động. Trước khi chính thức trao quyền, bạn cũng nên tham khảo những ý kiến về việc đưa ra quyết định từ những nhân viên và khiến họ nhận ra mỗi quyết định hay bước đi của họ đều có ảnh hưởng đến tập thể. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là bạn khiến họ cảm thấy áp lực hay gánh nặng, bạn phải thể hiện được sự tin tưởng mà bạn đang sẵn sàng trao cho họ nếu như bạn đã nhận ra đó là người xứng đáng.
Công nhận sẽ trở nên hiệu quả nhất khi nó được đưa ra trong thời điểm kịp thời và càng sớm càng tốt. Đừng chờ đợi các cuộc họp chính thức mà hãy dần chuyển giao trọng trách cho người được trao quyền từng chút một. Từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, đó là cách thay bạn nói rằng bạn đang công nhận họ và mong muốn được kết nối với họ ở mức độ cao hơn. Hãy tin vào những người bạn muốn trao quyền và giúp họ tin vào chính mình cũng như cho thấy mức độ kỳ vọng của bạn về sự thành công của họ. Thông qua việc chia sẻ khối lượng công việc và đào tạo các kỹ năng về quản lý, bạn đang không chỉ cung cấp cho họ cơ hội tỏa sáng mà còn đang gửi gắm cho họ niềm tin rằng họ có thể làm được ngay cả khi không có mặt bạn. Đừng quên giữ cho các quy tắc và chính sách được tiến hành thông suốt nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng tự do trong cách thực hiện công việc của nhân viên, bởi mỗi người đều có hiệu suất công việc và cách áp dụng khác nhau nên sẽ là không hợp lý nếu bạn bắt họ “copy-cat” bạn hoàn toàn. Khi bạn đảm bảo truyền tải được những điều này và nhân viên của bạn có thể tiếp nhận, hoàn thành tốt, đó cũng là lúc bạn trao quyền thành công trong doanh nghiệp.
- Giải quyết vấn đề nhanh chóng: Không có gì khó chịu hơn khi xử lý các vấn đề kinh doanh mà quyền hạn của người xử lý không cho phép họ làm điều đó. Vì vậy, trao quyền là cách để mọi việc được diễn ra nhanh chóng hơn nhưng vẫn đảm bảo được chấp thuận trong điều kiện người điều hành không có mặt.
- Dịch vụ chất lượng và bền vững: Thay vì tốn thời gian vào việc đợi chờ lãnh đạo cấp cao chấp thuận cho một phương án làm việc nào đó thì các nhân viên sẽ luôn thích hoàn thành công việc với một cộng sự có quyền nhất định nhưng vẫn mang lại kết quả tương tự. Điều đó không chỉ khiến đối tác hay khách hàng cảm thấy tổ chức của bạn là một tổ chức chuyên nghiệp và mang tính bền vững mà còn kèm theo đó sự đánh giá cao về những cán bộ nhân sự mà bạn đã đào tạo.
- Tăng cường hiệu suất và sáng tạo: Các nghiên cứu về quản lý nhân sự đã chỉ ra rằng việc trao quyền cho cấp dưới có tác động tích cực đến hiệu suất làm việc và sự sáng tạo của họ. Những nhân viên này sẽ có một động lực nội tại cao hơn và mong muốn phân tích vấn đề có độ khó và nhanh chóng tìm ra giải pháp mới. Tất nhiên không phải công việc nào cũng đòi hỏi độ sáng tạo cao nhưng bạn cần nhân viên của mình luôn “sáng tạo” trong cách giải quyết và đối phó đối với cả những vấn đề phát sinh hàng ngày.
- Củng cố kỳ vọng của nhân viên: Trở thành một “xương sống” không thể thiếu của doanh nghiệp là điều mọi nhân viên đều ao ước. Và khi sự ảnh hưởng của nhân viên càng sâu rộng, sự kỳ vọng của họ đối với doanh nghiệp đó lại càng cao. Và những kỳ vọng đó sẽ tạo nên sự khác biệt thực sự thậm chí đến mức phi thường cho sự tăng trưởng của công ty khi nhận được sự trao quyền từ người lãnh đạo.
Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Illustrations by Timo Kuilder
Text: Hong Dang
Đọc thêm: