Người ta vẫn thường nói về nhiệm vụ và hoạch địch như những gì phải cố gắng thực hiện, mà quên rằng mục đích kinh doanh chính là lý do trả lời cho câu hỏi tại sao lại bắt đầu.
Khi một người kinh doanh có những mục đích nhân văn, điều đó có thể giúp doanh nghiệp tuyển dụng và giữ chân nhân tài thành công, cũng như giành được khách hàng tiềm năng và có tác động tích cực đến xã hội theo diện rộng. Khi bạn có mục đích rõ ràng, nó sẽ giải phóng sức mạnh và động lực của toàn bộ lực lượng lao động, giúp khai thác và tập trung nỗ lực kết hợp của đội ngũ theo một hướng chung nhất định. Sứ mệnh của Apple là tập trung vào việc trở thành một công ty máy tính hàng đầu, nhưng mục đích của Steve Jobs là tạo ra các sản phẩm công nghệ tiên tiến và được thiết kế đẹp mắt. Rõ ràng, hai mục đích hướng đến vô cùng khác biệt, nhưng ai cũng thấy rằng mục đích của Steve Jobs đã thành công và mang lại cho xã hội thế hệ điện thoại thông minh iPhone đã thay đổi thế giới.
Trong thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo trong kinh doanh, giáo dục và những nhà hoạt động xã hội đã quan tâm hơn đến việc phát triển mục đích. Khi họ bắt đầu có nhận thức và kết nối sâu sắc với mục đích cùng công việc và cuộc sống, họ hiểu việc theo đuổi lợi nhuận trong một doanh nghiệp không phải là đích đến cuối cùng. Họ hành động để mang lại những giá trị ý nghĩa thay vì lợi ích. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cá nhân có nhận thức và liên kết sâu sắc với lý do đằng sau cho công việc của họ, có xu hướng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo hiệu quả, có khả năng hài lòng với sự nghiệp và cuộc sống ngoài công việc. Mục đích vẫn thường được nhắc đến như một chủ ý quan trọng phải có trong mọi doanh nghiệp, nhưng mục đích nên được nhìn nhận như thế nào để có thể mang lại những ý nghĩa cá nhân và giúp kết nối với những điều tốt đẹp hơn?
Tìm kiếm mục đích xứng đáng với tầm nhìn, trí tuệ, thời gian và sức lực như thế nào?
Thế hệ những doanh nhân trẻ ngày nay, hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó, đang đòi hỏi và ý thức về mục đích trong công việc của họ hơn ai hết. Kinh doanh không chỉ là câu chuyện đơn giản về việc bắt đầu một doanh nghiệp. Một doanh nhân phải có mục đích rõ ràng về tương lai và sử dụng nó để tạo nên điều khác biệt và giúp họ tiến gần hơn với thực tế mà họ muốn nhìn thấy.
Khi xác định mục đích trong công việc, một doanh nhân cần hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với họ. Hãy suy nghĩ về không chỉ các ưu tiên hiện tại, mà những gì có khả năng vẫn còn quan trọng đối với bạn trong quãng thời gian nhiều năm sắp tới khi kinh doanh. Nhiều người nghĩ rằng họ không biết cách lên kế hoạch cho cả cuộc đời mình, nhưng đó là điều không thỏa đáng. Triết lý kinh doanh dựa trên việc đối phó với sự không chắc chắn và tiến về phía trước bất chấp sự mơ hồ. Bạn có thể không hiểu rõ mọi chi tiết ngay lúc này, nhưng bạn nên có ý thức tốt về các giá trị và lý tưởng của bạn và những gì làm cho cuộc sống kinh doanh của bạn trở nên đáng giá.
Để xác định mục đích quan trọng cuối cùng, hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ. Hãy trò chuyện với người mà bạn tin tưởng hay ngưỡng mộ, những người đã thành công và hỏi họ coi trọng điều gì nhất trong cuộc sống. Gặp gỡ những người ở độ tuổi lớn hơn như cha mẹ chúng ta và tìm hiểu xem những gì họ trân trọng nhất về cuộc sống mà họ đã trải qua. Khi bạn khám phá những chiến thắng, thất bại và trải nghiệm của họ, biết đâu bạn sẽ tìm thấy viễn cảnh cho chính mình. Hãy đặt ra nhiều câu hỏi, kiểm tra các giả định của bạn bất cứ khi nào bạn đối diện với một vấn đề nào đó. Dần dần, bạn sẽ có thể thu hẹp khoảng cách của mọi thứ và biết được bản thân là ai, bạn tin gì và muốn thể hiện điều gì như là kết quả của những giá trị cơ bản đó.
Các doanh nhân thực thụ biết mục đích và tầm nhìn của cuộc đời họ không chỉ là những giấc mơ cao cả, mà thực chất, đó là những nguồn lực quý giá hàng đầu để trẻ hóa và tạo động lực khi đối mặt với những thách thức muốn đốn ngã họ. Một doanh nghiệp cần tạo ra lợi nhuận để tồn tại, nhưng điều đó chưa phải là mục đích cuối cùng của kinh doanh. Người kinh doanh cần phải có mối liên hệ giữa mục đích của doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội với tất cả các bên liên quan khác.
Một nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi tham gia kinh doanh là phải thực tế. Hãy xem xét nhiều vai trò của bạn trong cuộc sống và xem xét rằng bạn đang hoàn thành tốt và không tốt ở vai trò nào của chính mình. Các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất hiểu được rằng họ không thể làm tốt nhất khi đang ở trong hai hoặc ba công việc cùng lúc. Bằng cách thiết lập các ưu tiên, bạn sẽ cho phép bản thân hoàn thành càng nhiều việc càng tốt thông qua việc giải phóng thời gian và năng lượng tinh thần của bạn khỏi các hoạt động sai lệch.
Mặc dù mục đích dựa trên các số liệu xác thực như mục tiêu tăng trưởng của công ty, lợi nhuận hoặc thị phần có thể hữu ích để tạo trọng tâm kinh doanh, nhưng nó sẽ không truyền cảm hứng cho nhiều người nếu đó không phải là mục đích có thể đóng góp làm cho thế giới tốt đẹp hơn. IKEA và Kingfisher được thúc đẩy bằng cách giúp hàng triệu người trên toàn thế giới cải thiện nhà ở, trong khi mục đích chính của Google là để mọi người được hưởng lợi từ việc tìm kiếm trên internet một cách tự do.
Điều đó chứng tỏ, để có động lực và thành công, người ta phải được thúc đẩy bởi một thứ lớn hơn lợi nhuận. Và yếu tố này còn phải liên quan đến đạo đức kinh doanh. Bạn cần có nguyên tắc, chuẩn mực và ngày một hoàn thiện trong việc kiểm soát và đánh giá hành vi của chính mình và của cả doanh nghiệp. Cùng lúc đó, để mang mục đích vào doanh nghiệp, nó phải có thể đại diện cho một cánh cửa để tạo ra sự phong phú và hạnh phúc trong cuộc sống công việc. Và trong chừng mực nào đó, nó cũng xác định lý do bạn trở thành một doanh nhân và có thể tồn tại lâu dài cùng công ty.
Tập trung vào mục đích không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi công việc phải được cải tiến liên tục. Đó là lý do tại sao mục đích cũng quan trọng để mọi người nhìn nhận nó như một quá trình. Trong các cuộc họp giao ban, hãy luôn nhắc nhở nhân viên về cách mục đích của doanh nghiệp diễn ra và cho họ thấy giá trị công ty nhận được nếu cùng theo đuổi mục đích ấy. Hãy suy nghĩ về nơi bạn cần đến và những gì bạn cần làm ở tuổi 35 để rồi sẽ đạt được mục đích bạn mong đợi cho mình ở tuổi 70. Hãy hỏi bản thân, đâu là những kỹ năng, kiến thức và liên hệ cá nhân nào bạn cần phát triển trong thời điểm hiện tại sẽ phục vụ cho mục đích của bạn sau này?
Mỗi doanh nhân đều sẽ làm tốt hơn nếu tập trung vào mục đích kinh doanh của mình và cải tiến nó. Từ đó, đội ngũ cũng sẽ đều làm việc hướng tới cùng một mục đích đó. Khách hàng của bạn cũng sẽ cảm thấy được biết đến nhiều hơn và gắn bó hơn vì nhận ra cách bạn tạo ra sự khác biệt lớn trong cách bạn phục vụ họ về mọi thứ. Đó chính là chiến thắng không chỉ của riêng bạn mà là của tất cả mọi người.
Để mục đích có hiệu quả, nó cần được “neo” trong văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có bản sắc mạnh mẽ là giải pháp cho vấn đề thường xuyên xảy ra với các hợp đồng không hoàn chỉnh và lợi ích của một nền văn hóa vững chãi chính là cốt lõi để mục đích được chuyển biến suôn sẻ. Về cơ bản, một công ty là một mạng lưới các hợp đồng với tất cả các bên liên quan. Mục đích chính là phương tiện để tạo ra một văn hóa doanh nghiệp toàn vẹn và không thể thiếu đối với bất kỳ thành công kinh doanh nào. Muốn nó có hiệu quả, mục đích phải chân thực và được củng cố xuyên suốt trong toàn bộ mạng lưới liên quan. Bằng cách này, các công ty có thể xây dựng các kết nối, cơ hội và lòng trung thành cho đội ngũ và cuối cùng tạo ra những tình huống kinh doanh tốt nhất. Theo thời gian, những lời nói và hành động cụ thể sẽ mờ dần, nhưng văn hóa sẽ và luôn là phần quan trọng tồn tại mãi mãi và không thể thiếu.
Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã lập luận một cách thuyết phục rằng vai trò quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo là trở thành người quản lý mục đích của tổ chức. Có thể nói, mục đích là lối thoát để điều hướng thế giới phức tạp, đầy biến động mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, nơi các chiến lược luôn luôn thay đổi và một vài quyết định không thể định nghĩa rõ ràng là đúng hoặc sai. Các chuyên gia kinh doanh không ngừng đưa ra lời khẳng định rằng mục đích là chìa khóa cho hiệu suất đặc biệt, trong khi các nhà tâm lý học mô tả nó là con đường dẫn đến hạnh phúc lớn hơn…
- Mục đích phải bắt nguồn từ bản sắc
Mục đích lãnh đạo của bạn phải bắt nguồn từ bản sắc và bản chất của con người bạn. Nó không phải là giáo dục, kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn đã thu thập trong cuộc sống. Mục đích cũng không thể đến từ một chức danh hay những giới hạn trong công việc hoặc tổ chức của bạn. Nó phải là thứ cụ thể và cá nhân hóa, cộng hưởng với bạn một cách độc lập. Mục đích của người lãnh đạo không nhất thiết phải mang tính khao khát hay dựa trên nguyên nhân, vì vậy, tìm ra nó không hề dễ dàng. Để tìm ra mình là ai trong một thế giới ngày càng thông minh, mạnh mẽ và giàu có hơn, cũng như cách lãnh đạo đã trở nên linh hoạt hơn với nhiều phương thức: trao quyền, dẫn dắt từ phía sau, xác thực, phân chia quyền lực,… Hãy ý thức về con người mình, hiểu lý do tại sao bạn đang ở đây và mọi thứ khác sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Bởi, bạn chính là hình mẫu của nhân viên và nếu không có mục đích thể hiện được bản sắc của chính mình, bạn không thể có được một hình ảnh rõ ràng và không thể khiến đồng nghiệp hoặc cộng sự gửi gắm sự tin cậy.
- Tìm thấy mục đích trong hành trình trải nghiệm
Một số người cho rằng mục đích được tác động và tạo ra khi ta đi sâu vào bên trong suy nghĩ của mình và suy đoán các câu trả lời. Nhưng thực chất, có những mục đích ta sẽ tìm thấy khi trải qua một số sự việc trong cuộc sống, dù rằng trải nghiệm đó không thoải mái và gây lo lắng. Các nhà lãnh đạo hiện đại đã chứng thực rằng ngay cả những người hoài nghi nhất cũng sẽ có khả năng khám phá giá trị cá nhân và cải thiện sự chuyên nghiệp của chính mình thông qua những kinh nghiệm. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hãy khai thác hết mức câu chuyện cuộc sống của mình theo các chủ đề chung và chủ đề chính. Đánh giá xem đâu là cốt lõi, sức mạnh, giá trị và niềm đam mê mà bạn có thể theo đuổi suốt đời. Từ đó, những điều ấy sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn và giúp bạn hoạt động hiệu quả trong doanh nghiệp.
- Đặt mục đích vào hành động
Làm rõ mục đích của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo rất quan trọng, nhưng chỉ tuyên bố là chưa đủ. Bạn không chỉ phải nhấn mạnh mục đích, mà còn phải đưa nó vào hành động. Bạn phải hình dung rằng, sự ảnh hưởng mà bạn sẽ có với thế giới kinh doanh của bạn là kết quả của việc sống theo mục đích mà bạn theo đuổi. Hành động của bạn không phải là lời nói của bạn. Tất nhiên, hầu như không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn sống với mục đích của mình 100% thời gian. Nhưng với công việc được lập kế hoạch cẩn thận, chúng ta có thể hướng về mục đích thường xuyên hơn, có ý thức hơn với sự hết lòng và tận tâm. Khi có kế hoạch, bạn sẽ có hành động để phát triển và tạo ra những giá trị nhân văn. Đặc biệt, đừng quên khai thác tất cả các yếu tố để giành chiến thắng trong cuộc đua kinh doanh, tạo ra những bản kế hoạch với tầm nhìn của 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm và viết ra tất cả các yêu cầu công việc mà bạn có thể phải thực hiện trong bước tiếp theo. Cũng đừng quên liệt kê các hoạt động đã làm hoặc kết quả bạn tạo được dựa trên mục đích và tham vọng lãnh đạo để biết đâu là những nhiệm vụ cần ưu tiên.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Text: Hong Dang
Đọc thêm: