Ngay cả khi bạn là người bận rộn, không thể ngơi tay, ngơi mắt, chẳng mấy yên tâm khi rời văn phòng quá 3 ngày thì vẫn luôn có những quy tắc đủ để bạn yên tâm tận hưởng kì nghỉ bởi refresh, tái tạo nguồn năng lượng và tìm lại niềm đam mê công việc là điều cần thiết.
Luôn là người có trách nhiệm
Công việc đã vận hành theo một quy trình, mỗi cá nhân là một mắt xích không thể tách rời. Khi bạn nghỉ, đồng nghĩa với việc đồng nghiệp sẽ gánh thêm phần việc của bạn hoặc phần việc đó sẽ “nằm im” và có thể sẽ khiến cả một ekip phải chờ đợi, rối thậm chí hỏng việc. Vì vậy, trước kì nghỉ phép hãy luôn có trách nhiệm với công việc của mình.
Hãy lên kế hoạch công việc trước kì nghỉ một tháng. Lên danh sách công việc trong tháng đó và thời gian bạn đi nghỉ. Tiếp đó, hãy cố gắng giải quyết triệt để những hạng mục công việc ngắn hạn dang dở. Hãy nhớ, bất đắc dĩ lắm mới chuyển giao lại những hạng mục đang làm cho đồng nghiệp bởi bạn là người nắm rõ nhất tính chất, đặc thù phần việc đó. Bạn là chuyên gia trong lĩnh vực bạn đang đảm trách còn đồng nghiệp, họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Hãy làm việc tăng tốc hơn để có một kì nghỉ xả hơi đúng nghĩa.
Trong trường hợp, bạn phải chuyển giao phần việc nào đó cho đồng nghiệp, hãy luôn là người chủ động, chủ động nói chuyện đề nghị họ trợ giúp, chủ động cung cấp cho họ toàn bộ những thông tin liên quan, các đầu mối công việc. Bạn cũng hãy “lọc” thông tin cần thiết trước khi chuyển đến đồng nghiệp. Đừng quên email mọi thông tin cần đồng nghiệp hỗ trợ. Bàn giao càng cẩn thận, càng chi tiết, tỉ mỉ bao nhiêu, đồng nghiệp càng dễ dàng thực hiện công việc khi vắng bạn. Cách bạn bàn giao sẽ quyết định việc đồng nghiệp có thể thay thế bạn giải quyết công việc được hay không. Hãy nhớ, đồng nghiệp đang trợ giúp bạn, chứ không phải việc của họ, đừng để kì nghỉ của mình trở thành nỗi ám ảnh của đồng nghiệp.
Học cách tin tưởng
Không ít người nói rằng, cứ khi nào họ không có mặt ở văn phòng và giao quyền xử lý công việc cho cấp dưới thì công việc lại diễn ra rất trôi chảy. Bởi thế, nếu bạn đang lo lắng khi mình vắng mặt tại văn phòng thì hãy tạm yên tâm nhé. Đây cũng là cơ hội để cấp dưới thử sức. Nên nhớ, tin tưởng và truyền cảm hứng làm việc cho cấp dưới và đồng nghiệp là một trong những phẩm chất của một lãnh đạo tốt.
Hãy phân công công việc cho cấp dưới. Khuyến khích họ bắt tay vào nhiệm vụ mới bằng sự tin tưởng rằng họ sẽ hoàn thành tốt công việc. Tất nhiên, bạn cũng phải lên một kế hoạch cập nhật, trao đổi và báo cáo hàng ngày để có thể kiểm soát được tiến độ và nếu cần, có thể đưa ra những quyết sách từ xa.
>>> Người sếp tốt cần có bản năng bảo vệ
Chủ động thông báo
Đây là một bước mà bạn chớ nên bỏ qua nếu như công việc liên quan đến nhiều người. Bạn là một mắt xích và việc bạn thông báo kế hoạch nghỉ cho các phòng ban liên quan, đối tác, khách hàng sẽ khiến cho những đầu mối liên quan đến bạn không rơi vào thế bị động. Ngoài ra, bạn cũng nên cho họ biết người sẽ tạm thời thay thế bạn giải quyết công việc. Có như vậy, người ở nhà sẽ nắm được tinh thần và bản thân họ cũng sẽ có những phương án thay thế. Việc bạn thông báo kế hoạch nghỉ cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm.
Điện thoại và email
Thời đại smartphone và công nghệ số, đâu cứ phải ngồi văn phòng mới làm được việc. Ngay cả khi đi nghỉ, bạn vẫn hoàn toàn có thể nắm bắt tiến độ công việc dù cách xa nửa vòng trái đất. Do đó, đừng bỏ qua công cụ này bởi nếu không, rất có thể bạn sẽ làm hỏng hoặc chậm tiến độ công việc của đồng nghiệp đang trợ giúp bạn. Vậy chi bằng, trước kì nghỉ, hãy tìm hiểu nơi bạn đến internet, wifi thế nào. Hãy giữ mối liên lạc với đồng nghiệp/đối tác thông qua các ứng dụng trực tuyến, check email thường xuyên và có những phản hồi ngay khi có thể.
————–
Cách bạn bàn giao sẽ quyết định việc đồng nghiệp có thể thay thế bạn giải quyết công việc được hay không. Hãy nhớ, đồng nghiệp đang trợ giúp bạn, chứ không phải việc của họ, đừng để kì nghỉ của mình trở thành nỗi ám ảnh của đồng nghiệp.
————–
Gửi lời cảm ơn
Cảm ơn không chỉ đơn thuần là cách bạn thể hiện lòng biết ơn và đánh giá cao sự trợ giúp của đồng nghiệp. Cảm ơn còn là cách để xây dựng sự gắn bó, đoàn kết trong nhóm làm việc của bạn. Có nhiều cách để bạn cảm ơn sự trợ giúp của đồng nghiệp, những món quà kỉ niệm nơi bạn đi nghỉ chẳng hạn. Nhưng quan trọng nhất, hãy nói cảm ơn đồng nghiệp trực tiếp và cụ thể. Thế giới ngày càng phẳng nhưng một lời nói trực tiếp sẽ đáng giá hơn rất nhiều qua tin nhắn hay email, điện thoại. Hãy là một nhân tố gắn kết với đồng nghiệp bất cứ khi nào có thể.
Có thể bạn quan tâm: