Lãnh đạo bằng ảnh hưởng • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Lãnh đạo bằng ảnh hưởng

John C. Maxwell, tác giả của rất nhiều cuốn sách quản trị từng nói: “Nghệ thuật lãnh đạo là tạo ảnh hưởng không hơn không kém”. Cũng trong một cuộc thăm dò của ông để tìm ra ba thành tố của người lãnh đạo đã cho thấy, ảnh hưởng của một nhà lãnh đạo quyết định đến 85% trong khi năng lực lãnh đạo thiên bẩm chỉ chiếm 10% và giải quyết khủng hoảng là 5%. Những người có ảnh hưởng ắt có quyền lực. Nhưng ngược lại, không phải tất cả những người có quyền lực đều có ảnh hưởng. Hãy sử dụng khôn khéo quyền lực vô hình này và biến nó thành thứ vũ khí lợi hại để quản trị hiệu quả hơn.

red paper boat leading white ones, leadership concept

1Sức mạnh của ảnh hưởng

Trong một cuộc khảo sát gồm 90 người đều là những người đứng đầu trong một đơn vị, tổ chức để nghiên cứu 5 yếu tố then chốt cho một nhà quản trị, nhà nghiên cứu Warren Bennis đã tìm ra một đặc điểm chung của 90 nhà quản trị này. Đó là, họ khiến người khác cảm thấy có sức mạnh, quyền lực. Họ làm điều tuyệt vời này thế nào? Đơn giản mà cũng phức tạp, họ đã sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ đồng nghiệp và cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. Warren Bennis cũng nhấn mạnh vào hai chữ khó khăn. Bởi, chỉ những khó khăn người ta mới thật sự cần đến một thứ vũ khí đặc biệt nào đó.

Nói vậy để biết được sức mạnh của tầm ảnh hưởng cũng như khả năng tạo ảnh hưởng của nhà quản trị. Một khi đã có ảnh hưởng và biết cách sử dụng nó thì cũng có nghĩa, bạn chẳng cần phải ra lệnh hay ép buộc mà vẫn cứ khiến cấp dưới, nhân viên răm rắp hoàn thành mục tiêu. Sức ảnh hưởng đó còn để lại dấu ấn cả trong cảm giác lẫn suy nghĩ của người thực hiện.

2Biến ảnh hưởng thành quyền lực

Người có ảnh hưởng ắt sẽ có quyền lực. Nhưng ngược lại, nhiều người mang tiếng có quyền lực nhưng lại chẳng thể tạo nổi sự ảnh hưởng đến xung quanh. Người biết sử dụng ảnh hưởng có thể khiến người khác bằng lòng làm việc cùng họ để hoàn thành mục tiêu. Nhưng người có quyền lực thì dường như càng áp đặt, càng ép buộc, lại càng phải đối diện với sự phản kháng của người khác. Bởi thế, một nhà quản trị khôn ngoan luôn biết cách tạo ảnh hưởng và sử dụng ảnh hưởng để điều hành công việc. Làm được điều này cũng có nghĩa, họ đã thực hiện chiến lược biến ảnh hưởng thành quyền lực. Vậy tạo ảnh hưởng và sử dụng ảnh hưởng có khó? Khiến người khác tâm phục khẩu phục thì chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng nó cũng không phải quá khó như người ta vẫn nghĩ.

Lãnh đạo không nhất thiết luôn phải chèo lái cả đoàn người. Hãy tin tưởng giao việc cho những người tin cậy và đảm nhiệm vai trò của người dẫn dắt, khuyến khích và phát triển nhân tài.

Hãy dẫn dắt và truyền cảm hứng

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt từng nói: “Một nhà lãnh đạo tốt là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo xuất sắc là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào chính bản thân họ”. Nhưng làm thế nào để truyền cảm hứng cho người khác trong công việc? Ai đó từng nói, người ta không thể truyền cảm hứng trừ khi họ truyền cảm hứng cho chính bản thân họ. Nghĩa là, trước hết, họ phải chinh phục được cấp dưới bằng sự đam mê, lòng nhiệt thành của chính mình trong công việc. Thứ năng lượng tích cực này có khả năng thiêu cháy những lười nhác, nghi ngại quanh họ đồng thời kéo những con người có cùng đam mê, lòng nhiệt thành gắn kết với nhau. Nhưng để truyền cảm hứng cho người khác, rất cần khả năng thuyết phục. Thuyết phục cho cấp dưới thấy niềm đam mê, tầm nhìn, định hướng của mình là đúng đắn, chứ không phải mạo hiểm để từ đó, thu phục được sự tin tưởng của đồng sự.” shutterstock_71045848_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Lãnh đạo không nhất thiết luôn phải chèo lái cả đoàn người. Hãy tin tưởng giao việc cho những người tin cậy và đảm nhiệm vai trò của người dẫn dắt, khuyến khích và phát triển nhân tài. Tuy nhiên, hãy “lộ diện” và “ra tay” khi cần thiết. Và ngay sau đó, hãy trả “sân khấu” lại cho cấp dưới của bạn. Hãy nhớ, kĩ năng hay tố chất cầm quân thiên bẩm không làm nên một nhà lãnh đạo tài ba mà chính là khả năng dẫn dắt cũng như cách bạn tạo dựng một môi trường làm việc lành mạnh, tin tưởng, khuyến khích nhân viên phát triển.

Tạo niềm tin bằng sự nhất quán

Chưa tạo dựng được niềm tin với người khác thì đừng mơ đến sự ảnh hưởng. Niềm tin thì chỉ có một khi nhà quản trị đó có được sự nhất quán. Nghĩa là, cho nhân viên thấy hành động của họ, cách hành xử của họ đồng nhất với định hướng, chiến lược, quan điểm và lời nói. Họ minh bạch trong quản lý, thưởng phạt nghiêm minh, không giả dối, không nói hai lời. Cũng trong một nghiên cứu về lãnh đạo của Mỹ với sự tham gia của hơn 1.300 CEO cao cấp đã cho thấy, phẩm chất số một cần có ở nhà quản trị là tính nhất quán và có tới 71% số người tham gia khẳng định tính nhất quán là phẩm chất quan trọng nhất để nâng tầm ảnh hưởng.

Gắn kết mọi người

Mahatma Gandhi từng nói: “Có thời người ta lãnh đạo bằng cơ bắp. Nhưng ngày nay, lãnh đạo là sống hòa đồng với mọi người”. Càng tỏ ra lạnh lùng, xa cách chỉ càng khiến công cuộc tạo ảnh hưởng thêm gian nan mà thôi. Một nhà quản trị khôn ngoan sẽ luôn biết cách hòa mình vào tập thể và xây dựng một cộng đồng thoải mái, gần gũi như một gia đình khiến mọi thành viên yên tâm cống hiến.shutterstock_113788327_resize

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh yếu tố luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu của nhà cầm quân. Lắng nghe vẫn cứ là cách để người đối diện cảm thấy được thấu hiểu cũng như giúp nhà quản trị tìm thấy điểm chung với nhân viên của họ. Về phía nhân viên, sự lắng nghe khiến họ cảm thấy được quan tâm và là một nhân tố quan trọng. Các buổi tụ tập sau mỗi sự kiện, dự án hay những kì nghỉ là cách để kéo các thành viên đến gần nhau hơn. Đây cũng là dịp để nhà cầm quân hiểu thêm tính cách của cấp dưới mình.

3Trao quyền lực cho người khác

Nhiều người cho rằng, tạo cơ hội rồi trao quyền lực cho nhân viên chẳng khác gì khiến chiếc ghế của họ thêm nguy hiểm. Nhưng thực chất, một khi bạn là nhà cầm quân đầy nhiệt huyết, đam mê và có tầm nhìn thì đây là một chiến lược dùng người bài bản để lấy niềm tin và sự trung thành của cấp dưới. Càng tránh lạm dụng quyền lực, nhà quản trị càng khẳng định được tầm ảnh hưởng của mình. Bạn có thể mở các lớp huấn luyện, đào tạo về cách thức thực hiện công việc của bạn cho toàn thể nhân viên. Điều này vô cùng có lợi, họ không chỉ hiểu được phần nào công việc của bạn mà còn có thể đảm nhận một phần công việc đó. Bạn sẽ có thời gian để thực hiện những dự án mới. Trong khi đó nhân viên sẽ nghĩ rằng, bạn đang cổ vũ họ mở rộng kiến thức và kĩ năng, họ được làm công việc họ lựa chọn. Nó sẽ như một động lực để làm việc hăng say hơn dẫn đến hiệu suất làm việc tăng lên, thời gian chết ở công sở giảm đi.

 Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment