Văn hóa trách nhiệm - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Văn hóa trách nhiệm

Văn hóa trách nhiệm và chịu trách nhiệm giúp môi trường làm việc hiện đại và hiệu quả hơn nhưng không dễ xây dựng trong một sớm một chiều. Những thao tác chuyên nghiệp và kiên trì của nhà lãnh đạo sẽ góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng trách nhiệm.

Cho nhân viên sự “tự do”

Khi xảy ra sai sót, hầu hết mọi doanh nghiệp đều quy định nhân viên trực tiếp xử lý công việc đó phải chịu trách nhiệm bồi thường và đề xuất phương án tốt nhất để giải quyết sự cố. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo thông minh sẽ để nhân viên tự đo lường mức độ thiệt hại và đề ra con số trong khả năng họ có thể dựa trên những tiêu chuẩn chung của công ty. Điều này tránh gây áp lực nặng nề và cũng không có nghĩa là bạn đang “dung túng” nhân viên. Chỉ đơn giản là cho họ vị trí tự quyết định, làm tốt sẽ được tín nhiệm, ngược lại cần tự mình xử lý hậu quả.

Khuyến khích ý thức sở hữu

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc luân phiên thay đổi vị trí trong nhóm của mình tùy từng dự án? Có nghĩa là, không nhất thiết một nhân viên duy nhất luôn luôn giữ vị trí “leader” trong mọi dự án, tùy vào khả năng của từng cá nhân phù hợp cho dự án nào, bạn có thể giao phó trách nhiệm cho họ. Điều này giúp nhân viên có cơ hội trải nghiệm tất cả các khía cạnh của dự án từ quản lý tiến độ, đến việc tiếp xúc khách hàng, xử lý phát sinh… Khi đó, họ sẽ cảm nhận được vai trò làm chủ trong nhóm, hiểu được trọng trách và trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó học cách chia sẻ. Đồng thời, mọi người sẽ luôn luôn làm việc chăm chỉ cho một cái gì đó họ thấy họ có quyền sở hữu. Còn bạn, hãy tin tưởng và cho nhân viên biết bạn luôn sẵn sàng tư vấn, nếu cần thiết.

Linh hoạt với những quy định

Là người đứng đầu, bạn biết rõ hơn ai hết đã là quy định thì cần được áp dụng và thực hiện triệt để. Nhất là những quy định xử phạt khi sai sót xảy ra. Tuy nhiên, không nên cứ “ôm khư khư” cái quy định đó áp dụng cho mọi trường hợp. Ít nhất bạn phải lắng nghe những giải thích và cân nhắc mọi khía cạnh dẫn đến sai sót cũng như mức cống hiến nhân viên dành cho công việc. Từ đó, bạn đưa ra quyết định của riêng mình dựa trên quy định chung. Mặt khác, hãy cho họ cơ hội đạt được thành tích khác trong công việc mới thay vì tìm cách “đì” họ.

Truyền niềm tự hào

Không chỉ dừng lại ở việc theo dõi kết quả làm việc của nhóm, bạn cần cho mỗi nhân viên biết vai trò của họ đối với thành công cuối cùng. Hãy giúp họ hiểu rằng nếu không có sự hoàn hảo từ khâu của họ, sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi. Khen ngợi không bao giờ thừa thay vì chỉ biết chỉ trích. Thưởng cho nhân viên, đội nhóm, phòng ban… khi họ đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu ban đầu, đồng thời phối hợp làm việc chặt chẽ với những người chưa đạt. Khi nhân viên biết rằng họ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp – và bạn rất quan tâm đến những đóng góp đó – bạn sẽ giúp truyền niềm tự hào cho toàn thành viên trong nhóm, giúp họ tự tin và ý thức hơn trong công việc.

Chỉ ra hướng đi cho nhân viên mới

Một số nhân viên theo bản năng sẽ tự chịu trách nhiệm cho công việc mình phụ trách, nhưng một số khác cần có thời gian để họ thấm nhuần, nhất là nhân viên mới. Việc bạn cần làm là khuyến khích họ bằng cách công nhận và khen thưởng thành tích đặc biệt của họ. Còn trong trường hợp công việc không đạt yêu cầu, bạn đứng ra giúp họ sửa chữa sai lầm nhưng phải chỉ rõ cho họ thấy những điều có thể làm và việc nên làm trong tương lai. Giúp họ dần nhận ra nếu muốn tồn tại, họ cần phải biết giá trị công việc và bản thân phải chịu trách nhiệm đảm bảo giá trị đó.

Chịu trách nhiệm không phải là điều bạn có thể buộc nhân viên phải làm theo ngày một ngày hai, nó thuộc về văn hóa công ty và cần được xây dựng. Tuy nhiên, bằng những hành động đơn giản nhưng ý nghĩa, bạn sẽ giúp hình thành văn hóa này. Không chỉ đạt, thậm chí bạn còn phải kinh ngạc khi họ vượt qua yêu cầu của mình.

Môi trường làm việc có “an toàn”?

Môi trường làm việc an toàn là khi nhân viên nhận được sự ủng hộ của cấp trên, họ dám và ý thức trách nhiệm cần chia sẻ những tin tức liên quan đến công việc mà không sợ bị “chơi xỏ hay trả thù”. Nếu không khéo léo, có thể bạn sẽ đặt nhân viên vào tình huống nguy hiểm hoặc khó xử trước đồng nghiệp.

Ngoài ra, nhân viên cần biết rằng, ngoài trách nhiệm cá nhân với công việc, họ cần có trách nhiệm với tập thể, nghĩa là không chỉ chăm chăm lo việc của mình và phớt lờ khó khăn của người khác. Lúc này, xây dựng nhóm ăn ý, cởi mở và hình thành văn hóa trách nhiệm khoa học là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo thông minh.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment