Những bài học kinh doanh đắt giá cho các doanh nhân thế hệ mới - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Những bài học kinh doanh đắt giá cho các doanh nhân thế hệ mới

Con đường kinh doanh chưa bao giờ bằng phẳng và dễ dàng. Đó là một quá trình lâu dài và gian khổ khi chứa đựng nhiều bài học mạnh mẽ nhất cho mỗi người bước đi trên đó với tư cách là một doanh nhân.

Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động lên mọi mặt đời sống lẫn kinh tế, thị trường. Con đường kinh doanh với những khoảnh khắc thành công và thất bại càng thêm trắc trở với sự xuất hiện của một khủng hoảng kéo dài. Nhưng những người còn lại của cuộc chơi là những người luôn đón nhận những thử thách và gian khổ rồi sử dụng chúng như “nhiên liệu” để tiến xa hơn trên con đường tìm kiếm những thành công đắt giá. Dù bạn đến từ những tầng lớp xã hội khác nhau và trải dài trong mọi ngành nghề hay thế hệ, điểm chung của tất cả là rút ra được những bài học trong suốt chặng đường. Và các doanh nhân thế hệ mới cần phải làm gì để giành phần thắng trong một thế giới liên tục đổi thay và phát triển như thế này?

“Hãy nỗ lực để trải nghiệm những “khoảnh khắc khó chịu” và thể hiện bản lĩnh của một người dẫn đầu trong những thời điểm không chắc chắn.”

1.

Chấp nhận thất bại như một phần của hành trình

Khi mọi người thất bại, họ thường bỏ cuộc hoặc thử sức với một số cái mới. Và rồi họ lại thất bại lần nữa do chưa rút ra được những sai lầm trong kinh doanh trước đây. Có câu nói: “Failure is a wonderful teacher”, nghĩa là “Thất bại là người thầy tuyệt vời”, miễn là bạn luôn sẵn sàng học hỏi và đứng lên sau những va vấp trong sự nghiệp và cuộc đời. Đã có vô số thất bại trên thế giới của các doanh nhân mà sau này lại mang đến thành công cho họ. Walt Disney khi còn trẻ đã bị sa thải khỏi một tờ báo vì bị cho rằng không đủ sáng tạo, chỉ để sau đó chuyển sang tạo ra thế giới tưởng tượng tuyệt vời nhất cho những đứa trẻ và cả giới trẻ. Ngay cả Oprah Winfrey, nữ hoàng truyền hình cũng từng bị cắt khỏi hợp đồng biểu diễn truyền hình đầu tiên của cô.

Những bài học kinh doanh đắt giá cho các doanh nhân thế hệ mới

Sau mỗi lần thất bại, hãy lùi lại một chút để dành thời gian “mổ xẻ” thất bại, phân tích xem mình đã làm sai điều gì, ở đâu, khi nào, như thế nào trong quá trình kinh doanh. Từ đó, bạn có thể đưa ra giải pháp khắc phục, sửa chữa, cải thiện và đảm bảo rằng sai lầm tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Chấp nhận thất bại là điều đương nhiên, nhưng chấp nhận và học hỏi từ những thất bại càng quan trọng hơn.

Thực tế là chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều sau thất bại hơn là những khoảnh khắc thành công, bất kể đó là thất bại lớn hay nhỏ. Thành công còn là khi dám chấp nhận thất bại như một phần của hành trình.

2.

Chọn người phù hợp để phát huy thứ họ giỏi nhất

Xây dựng được đội ngũ cộng sự phù hợp, có năng lực, có cùng tầm nhìn và chí hướng là yếu tố không thể thiếu để đạt thành công trong kinh doanh. Bạn không thành công khi chỉ có một mình. Hãy tìm kiếm những người phù hợp nhất để phát huy thứ giỏi nhất ở họ và đầu tư cho họ. Con người là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong kinh doanh mà bạn không được bỏ qua. Bạn cần xây dựng một đội ngũ vững mạnh có thể phụ trách mọi lĩnh vực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và không bỏ sót bất kỳ một khoảng trống quan trọng nào.

Những bài học kinh doanh đắt giá cho các doanh nhân thế hệ mới

“Sẽ không ai yêu công việc kinh doanh và “chịu khổ” cùng nó như bạn.”

Hãy tìm kiếm những ứng viên là chuyên gia trong lĩnh vực của họ để học hỏi và hợp tác cùng phát triển doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu thành lập doanh nghiệp, bạn không cần nhất thiết phải thuê một đội ngũ nhân viên toàn thời gian mà có thể cân nhắc các hình thức khác như: cộng tác viên tự do, cố vấn chuyên môn hoặc nhân viên bán thời gian.

3.

Tìm kiếm cơ hội và xây dựng tầm nhìn tương lai

Bí quyết quan trọng để đạt được thành công kinh doanh trong giai đoạn tái phục hồi này là người quản trị cần nắm bắt đúng nhịp điệu thị trường hoặc thậm chí phải đi trước thị trường nhiều bước. Hãy cố gắng tìm hiểu sự chuyển dịch cơ cấu thị trường, đâu là những thay đổi đang diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh của bạn và phân tích sâu tác động của những thay đổi đó để có phương án đối phó phù hợp.

Quá khứ sẽ cung cấp những bài học quan trọng, nhưng hãy luôn tập trung vào tương lai. Làm được điều này sẽ cho phép bạn xây dựng được một công ty không bị tụt hậu. Là một doanh nhân thế hệ mới, bạn cần liên tục đánh giá và tìm kiếm “cuộc phiêu lưu vĩ đại kế tiếp” của mình sẽ mang hình hài như thế nào, cũng như cách tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức từ một thế giới đang không ngừng thay đổi từng ngày, đặc biệt là giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Hãy xây dựng một tầm nhìn vững mạnh. Hãy sẵn sàng “đi tắt đón đầu” và chuẩn bị cho những thay đổi trong hiện tại lẫn tương lai. Bạn nên luôn tìm kiếm những cách thức mới để tạo ra nhiều tác động hơn và phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu của mình hơn nữa. Bên cạnh đó, người quản trị cần suy nghĩ về cách thức sử dụng, kết hợp các phát kiến công nghệ mới để cải thiện quy trình kinh doanh, đặc biệt là những gì có thể xảy ra tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI và các xu hướng kinh doanh toàn cầu.

Tầm nhìn của bạn phải vượt qua những điều khiến bạn e sợ, để giúp đưa bạn đến mùi vị ngọt ngào của thành công khi luôn tập trung vào tầm nhìn của mình. Cũng như tỷ phú giàu nhất Hongkong, Lý Gia Thành từng nói: “Tầm nhìn có lẽ là sức mạnh lớn nhất của chúng ta. Nó giúp chúng ta nhận thức được sức mạnh và tính liên tục của tư duy qua nhiều thế kỷ, giúp chúng ta hướng đến tương lai và định hình những điều chưa biết.”

4.

Biết chấp nhận rủi ro sẽ dẫn đến vĩ đại

Để trở thành một doanh nhân, bạn phải được thúc đẩy bởi những kích thích xuất hiện bất ngờ. Trước đây, không ai có thể đoán trước được sự chuyển dịch từ công việc tại văn phòng sang làm việc tại nhà chỉ sau một đêm do cách lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Hầu hết các doanh nghiệp đã phải “gồng mình” xoay xở, thích nghi và không ngừng học hỏi, điều chỉnh trong suốt quá trình thực hiện. Không chỉ tập trung vào những thứ bạn thực sự đam mê, bạn phải nỗ lực để trải nghiệm những “khoảnh khắc khó chịu” và thể hiện bản lĩnh của một người dẫn đầu trong những thời điểm này. Rủi ro là một phần của hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khi doanh nghiệp tung ra thị trường một sản phẩm mới hay tham gia vào một lĩnh vực kinh tế mới.

Những bài học kinh doanh đắt giá cho các doanh nhân thế hệ mới

Là một doanh nhân, bạn phải sẵn sàng “đi tắt đón đầu” và chuẩn bị cho những thay đổi trong hiện tại lẫn tương lai.”

Chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công là hãy dám nhìn nhận các rủi ro có thể xảy ra trên mọi phương diện, suy nghĩ về các ưu khuyết điểm của rủi ro và sẵn sàng chấn nhận các rủi ro nằm trong sự tính toán. Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp lẫn cá nhân nào không có khả năng chấp nhận rủi ro sẽ dễ bị đào thải. Hãy chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan và có tính toán chứ không đưa ra bất kỳ quyết định kinh doanh nào chỉ dựa vào sở thích hay cảm xúc mà quên đi sự thẩm định cần thiết từ lý trí. Mark Zuckerberg, Nhà sáng lập & CEO của Facebook đã không thành công trong một sớm một chiều, nhưng bài học mà anh rút ra sau khi tạo dựng một trong những mạng xã hội có sức ảnh hưởng nhất thế giới là: “Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Chiến lược duy nhất đảm bảo rằng sẽ thất bại là không chấp nhận những rủi ro.”

5.

Bỏ qua những chỉ trích và tập trung vào giá trị

Sẽ luôn có những người tìm cách ngáng chân bạn trên con đường kinh doanh. Nhưng hãy quên những kẻ đó đi. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân, yêu thích công việc kinh doanh của bạn, bởi vì sẽ không ai yêu nó và “chịu khổ” cùng nó như bạn. Và đây là điều mà nữ doanh nhân – biểu tượng truyền thông Arianna Huffington hiểu rõ. Phải trải qua nhiều ghét bỏ khi lần đầu tiên ra mắt tờ The Huffington Post vào năm 2005, thậm chí nó còn được mô tả là một “thất bại không thể giải quyết”. Nhưng bất chấp tất cả những lời phản đối, bà vẫn kiên trì và làm theo những gì mình theo đuổi. Và kết quả là bà đã tạo ra một trong những ấn phẩm trực tuyến hàng đầu thế giới về tin tức và thông tin.

Để đạt được thành công trên con đường kinh doanh nơi một thị trường không chỉ tồn tại những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, mà còn những người phản đối, bạn cần có một “làn da dày”. Và sự kiên trì là chìa khóa nếu bạn hái quả ngọt. Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó để lắng nghe những suy nghĩ của người khác. Thất bại thì sao, bạn cũng đã dám sống thật với lý tưởng của chính mình và tập trung vào việc tạo ra thứ tốt nhất mang lại giá trị đích thực. Hãy đi theo trái tim và trực giác của bạn, giống như luật hấp dẫn, nếu bạn tin rằng điều bạn làm là đúng, bạn sẽ thành công.

Kinh doanh không bao giờ là con đường thẳng tắp. Trên con đường lập nghiệp có nhiều lúc bạn phải đưa ra các quyết định quan trọng. Và dù bạn đang ở đâu trên hành trình đó thì những bài học đắt giá trên đây vẫn hữu ích. Dám chấp nhận rủi ro, học hỏi từ thất bại, không ngừng tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng thích ứng, có tầm nhìn xa và tận lực xây dựng đội ngũ vững mạnh sẽ là những động lực quan trọng giúp bạn thành công.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân | Text: Quỳnh Nguyễn, H.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment