Phủ nano, cần hay không? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Phủ nano, cần hay không?

Giờ đây, khái niệm nano gần như đã trở thành “câu cửa miệng” của rất nhiều nhãn hàng và dịch vụ khi quảng bá sản phẩm từ mỹ phẩm, dược phẩm, sơn đến các sản phẩm gia dụng. Riêng với xe hơi, đến các garage chắc chắn bạn sẽ được nghe những lời mời “có cánh”: phủ nano để chống trầy xước, chống bụi, chống nắng và giữ bền màu sơn… thực hư thế nào?

Phủ nano và sơn nano

Thực chất, nano là một đơn vị đo (1nm = 1 phần tỷ mét) để chỉ 1 phân từ cực nhỏ có thể len lỏi vào những ngóc ngách khó nhất, chính vì thế công nghệ nano được ứng dụng trong y dược để bào chế các loại thuốc đặc trị ung thư. Tuy nhiên, dần dần công nghệ nano được áp dụng rộng rãi, trong đó các nhà sản xuất xe hơi cũng nhanh chóng nắm bắt để ứng dụng cho các quy trình sản xuất xe, chẳng hạn như sơn xe công nghệ nano. Điểm độc đáo của loại sơn này là ngoài thành phần tạo màng nhựa (polymer), dung môi và phụ gia, trong thành phần tạo màu sơn (pigments) nhà sản xuất sẽ sử dụng các oxit kim loại chống lão hóa, chống tia cực tím… có kích thước nano như các oxit sắt, oxit titan, oxit kẽm, oxit crôm, carbon đen… vào để tạo bề mặt mịn, bóng và giảm bám bụi, phản xạ hấp thu tia cực tím cho xe. Nhờ đó, nước sơn xe luôn bóng loáng, dễ tẩy rửa và phủi bụi.

Ngoài sơn nano, hiện nay rất nhiều garage có dịch vụ phủ nano dành cho xe hơi tức là phủ lên trên lớp sơn xe một lớp nano trong (thường được gọi là tráng pha lê xe) làm cho lớp sơn của xe cũ bóng và trong hơn, mặt khác các hạt nano sẽ lấp đầy những khoảng trống cực nhỏ trên xe khiến lớp bụi bẩn không thể bám chắc và chỉ cần tạt nước lên là sạch hơn những xe không phủ. Mặt khác, khi đi dưới mưa, các hạt nước sẽ co lại trên kính chắn phủ nano nhờ hiệu ứng lá sen nên không bị tình trạng mờ lóa, giảm tầm nhìn như kính thông thường. Tuy nhiên, muốn giữ tuổi thọ cho lớp nano, cần giảm tốc độ hoạt động của cần gạt nước. Thêm một điểm khiến phủ nano chiếm được cảm tình của giới doanh nhân đó là khả năng chống tia UV giúp giữ bền màu xe. Vì phải di chuyển liên tục và chịu nhiều tác động từ môi trường nóng ẩm, nắng nhiều như Việt nam nên xe rất dễ bị “cũ” vì xuống màu, bám bụi… Nếu được phủ nano, chỉ cần vài động tác rửa xe đơn giản là xe lại bóng như mới và màu sơn cũng lâu phai hơn.

Có cần phải phủ nano

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm phủ nano vẫn có những nhược điểm riêng mà bạn nên cân nhắc trước khi quyết định phủ nano xe. Đầu tiên là giá thành cao cho mỗi lần phủ (trên 5 triệu đồng 1 lần cho xe 4 chỗ) và cứ vài tháng bạn lại phải đến trung tâm sửa chữa để bảo dưỡng. Thông thường từ 6 – 8 tháng lớp nano phủ trên xe sẽ bay hết, nếu hóa chất phủ bị pha trộn tạp chất thì tuổi thọ của lớp áo này càng giảm. Thêm một điểm đáng lưu ý là khi đã phủ nano rồi thì bỏ đi cũng ko đơn giản, chỉ có cách dùng máy chà làm mòn lớp nano.

Những ý kiến trái chiều trên các diễn đàn dành cho giới mê xe còn cho biết, phủ nano không có nghĩa là chiếc xe của bạn được bảo vệ tuyệt đối khỏi trầy xước. Nó chỉ hạn chế khi gặp phải những va quẹt nhẹ và những ảnh hưởng từ thời tiết. Nếu xảy ra va chạm dẫn đến trầy xước, bạn sẽ phải phục hồi chỗ trầy với chi phí khá đắt. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là biết cách bảo quản cũng như điều khiển xe an toàn.

Xe ô tô với các doanh nhân không chỉ là người bạn đường đáng tin cậy, đối tác tuyệt vời trong những chuyến thương thảo, ký kết hợp đồng đôi lúc xe còn được xem như “bộ mặt” của họ. Và giữ cho lớp sơn luôn sáng bóng như mới sẽ khiến chủ nhân thêm hãnh diện, tuy nhiên, ngoài việc phủ nano xe, bạn vẫn có thể chăm sóc xe với những biện pháp đơn giản và kinh tế hơn nhiều.

Tự làm bóng xe không cần nano

Nếu không chọn giải pháp phủ nano cho kính chắn gió và sơn xe, bạn có thể tự mình chăm sóc “con cưng” như một cách thư giãn cuối tuần với sáp wax. Đánh wax cũng giúp lớp sơn trông bóng và mới, có thể chống nước và dễ dàng phẩy sạch bụi, lại có thể tiết kiệm. Mỗi tháng chỉ cần wax 1 lần là đủ.  

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment