Doanh nhân và Từ thiện • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Doanh nhân và Từ thiện

Người ta thường đi làm từ thiện khi bản thân và gia đình đã vô cùng dư dả về vật chất. Với giới doanh nhân, điều này càng thể hiện rõ nét hơn. Từ thiện xuất phát từ tâm hay từ lợi ích nào, mỗi người một cách nhìn khác nhau, rất muôn màu muôn vẻ

CHUYỆN VỀ HÀNG XÓM

Kế bên nhà tôi là cô bạn bằng tuổi, một nữ doanh nhân khá thành đạt. Cô làm chủ vài xưởng dệt ở Khu công nghiệp Tân Tạo và Thủ Đức. Sản phẩm của công ty cô đã được các nhà phân phối bao đầu ra trọn gói, lên đến hàng trăm tấn một tháng. Đôi khi, tôi nghe cô nói chuyện về việc sang tay một lô hàng vải vóc nhập khẩu từ Hàn Quốc về, chỉ vài cuộc điện thoại, không cần có mặt, cũng có năm bảy chục triệu tiền lời. Công nhân làm ở xưởng sản xuất lên đến vài trăm, làm ngày làm đêm mới đủ giao hàng. Giữa thời buổi tiền khôn của khó này mà tất cả công việc đều xuôi chèo mát mái như vậy kể cũng vào loại hiếm. Mà tự nhiên, không cần suy đoán cũng biết số tiền mà nữ doanh nhân này thu về từ nghiệp kinh doanh của mình cũng không hề nhỏ.

hands holding letters spelling words

Doanh nghiệp đi làm từ thiện còn kéo theo vài đơn vị truyền thông, báo chí đi theo chụp hình, đưa tin

Người em họ của cô tiền bạc dư dả hơn, nên nghe đâu thường thường lại mang vài chục triệu đến quyên cho một ngôi chùa nơi đã nuôi dưỡng rất nhiều người già đơn thân hoặc lang thang cơ nhỡ. Cô hàng xóm của tôi cũng là một người hay hướng về chốn phật môn, thiện tự. Ngày rằm hay mùng một, cô đều thu xếp mua gạo, mắm, mì gói, nước tương đem đến gởi ngôi chùa quen, góp sức với các vị tăng ni nơi đây chăm lo cho mấy người già và đám trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Chuyện của họ không rình rang, ầm ĩ để mà ai ai cũng biết đến. Nó chỉ xuất hiện trong câu chuyện to nhỏ giữa đám chị em phụ nữ là hàng xóm láng giềng, trong cái tâm trạng vui vẻ, dạt dào của một người vừa biết mình làm được một điều tốt đẹp. Hai người phụ nữ tôi biết đó đi làm từ thiện bằng cái tâm thật sự và quan trọng hơn bằng chính đồng tiền mình làm ra. Hoàn toàn thanh thản!

MUÔN NẺO ĐƯỜNG TỪ THIỆN

Người ta vẫn nói câu cửa miệng “tiền mồ hôi nước mắt”, hoặc khoa trương hơn “đồng tiền xương máu”. Đồng tiền cũng có… xương và máu. Đó đâu phải là một câu nói chơi, cũng chẳng phải chỉ đơn giản là tựa của một bộ phim truyền hình một thời ăn khách. Nó mang ý nghĩa thâm sâu lắm. Thứ nhất, đấy có thể là đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt của người lao động chân chính. Thứ hai, bản thân đồng tiền cũng mang nhiều điều ghê gớm, ẩn chứa thị phi. Trong cái triết lý sâu xa và bàn mãi không hết về đồng tiền, đồng tiền mang đi làm từ thiện thì sao? Nó trong sạch, tinh tươm, thấm đẫm mồ hôi của lao động chính trực hay đang giấu đằng sau những điều ghê gớm, khó nói rõ thành lời?!

NDN_Doanh nhan & tu thien_1

Đi làm từ thiện nghĩa là mang tiền hoặc vật chất đi tặng, biếu, giúp sức cho người khác

Lâu nay, người ta chỉ đi làm từ thiện khi đã cơm no áo ấm! Doanh nhân đi làm từ thiện lại càng chẳng phải hỏi, cuộc sống không bề bộn lo toan về vật chất, người ta cũng dễ dàng sống hào phóng hơn. Những người đang bận bịu mưu sinh, chật vật vì miếng cơm manh áo mỗi ngày hẳn nhiên hiếm khi xưng danh đi làm từ thiện, bỏ ra một khoản tiền lớn để cầu lấy một chữ “thiện”. Thường thường, họ còn nhíu mày khó chịu nếu bất thình lình nhận được “lệnh trên” yêu cầu trích một ngày lương… để ủng hộ từ thiện. Không phải vì họ keo kiệt, không phải vì họ vô tình. Khi con người ta đau chân, người ta chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình, chứ mấy ai nghĩ đến chân đau của người khác! Cho nên, từ thiện xuất phát từ tâm nhưng cũng cần có lực. Có tâm giúp người nhưng không đủ năng lực thực hiện, sự từ thiện chỉ còn mang ý nghĩa nửa vời, cải lương. Người doanh nhân đi làm từ thiện có quyền tự hào, họ có “tâm” mà cũng có “lực”. Đó là chỗ hơn người của họ mà cũng là điều may mắn cho rất nhiều thân phận không may mắn khác.

Ở khía cạnh cụ thể và đại chúng, đi làm từ thiện nghĩa là mang tiền hoặc vật chất đi tặng, biếu, giúp sức cho người khác. Ta đã quen thấy các doanh nghiệp làm từ thiện và xếp từ thiện vào trong những hoạt động vì cộng đồng. Quen tới nỗi chẳng ai buồn ngạc nhiên nếu thấy những con số “thuộc hàng khủng”, đơn vị tính bằng trăm triệu hay tỷ bạc được công ty A, doanh nghiệp B dành cho việc làm từ thiện. Doanh nghiệp này xây nhà tình nghĩa cho người nghèo trên địa bàn hoạt động của công ty. Doanh nghiệp kia gom nhu yếu phẩm, sách vở, áo ấm cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Doanh nghiệp khác lại đi thăm nom, ủng hộ cho các làng tình thương hay trại dưỡng lão… Nguyên nhân để một con người, một đơn vị kinh doanh chi những khoản tiền lớn cho những lĩnh vực không sinh lợi nhuận có muôn hình muôn vẻ, nhưng không bao giờ là những lý do vu vơ. Bởi vì, ai có thể hiểu sức mạnh của đồng tiền hơn một doanh nhân?! Ai có thể biết cách để tiền bạc sinh sôi hơn một doanh nhân?! Ai có thể biết trọn vẹn giá trị của đồng tiền hơn một doanh nhân?!

 ————————

“Cho dù mục đích của việc làm từ thiện là thế nào (thực tâm hay chỉ để đánh bóng, PR cho tên tuổi) thì điểm đến cuối cùng vẫn là người cần được hưởng sự từ thiện đã được nhận đầy đủ”

————————

 

CÙNG TRONG MỘT TIẾNG TƠ ĐỒNG

Từ thiện trong xã hội hiện đại hôm nay phải mang theo bên mình thái độ hoài nghi của người đứng ngoài cuộc. Bởi vì, có người đi làm từ thiện với đầy đủ nghĩa tích của từ này. Thế nhưng cũng có những người lại nhân danh từ thiện, mượn từ thiện để phục vụ cho những mục đích hoàn toàn khác, mưu cầu những lợi ích khác. Chúng ta chỉ ưa chấp nhận mặt tích cực, tốt nhất của vấn đề, đồng thời bài trừ với phần ngược lại. Đời vốn không chỉ riêng chứa đựng những gì trong trắng và thuần khiết. Trong cuộc sống thực tế, thật và giả luôn cùng tồn tại. Bằng chính đôi mắt mình, chúng ta chứng kiến cả những tấm lòng vàng chân thực, song cũng thấy không ít sự giả trá được đánh bóng bằng danh xưng “nhà từ thiện”. Giới doanh nhân đi làm từ thiện cũng không ngoại lệ.

“Có còn hơn không” là một câu ngạn ngữ của phương Tây nhưng vẫn vô cùng phù hợp với phương Đông chúng ta. Lại nói, cho dù mục đích của việc làm từ thiện là thế nào (thực tâm hay chỉ để đánh bóng, PR cho tên tuổi) thì điểm đến cuối cùng vẫn là người cần được hưởng sự từ thiện đã được nhận đầy đủ. Doanh nghiệp đi làm từ thiện còn kéo theo vài đơn vị truyền thông, báo chí đi theo chụp hình, đưa tin. Sự phô trương thái quá ấy dễ khiến ta chướng mắt, tặng cho vài câu bình luận mỉa mai và quên mất phần hữu ích và ý nghĩa nhất mà “sự kiện” đó mang đến: đó là sự hỗ trợ đúng chỗ cho người cần giúp đỡ. Những em bé nhận được áo ấm ở vùng núi mù sương giá hay một gia đình nghèo tại Cần Giờ được xây mái nhà tình nghĩa sẽ không cần biết việc được nhận những món quà hảo tâm ấy có lên báo đài hay không. Giá trị thực tế nhất, hiện hữu nhất là một tấm áo ấm cho ngày lạnh và một mái nhà che mưa nắng. Vậy là đủ, cố gắng ép tất cả vào một cái khuôn của đạo đức trong sạch nhưng cứng nhắc chẳng đem lại lợi ích nào, mà có khi còn phản tác dụng. Cho đi một điều gì đó để được nhận lại một điều gì đó vốn là chuyện rất công bằng. Vậy, cần trân trọng với bất cứ một việc làm từ thiện nào. Chẳng phải có còn hơn không hay sao!

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

 

Có thể bạn quan tâm:

Hoài nghi là một đôi giày chật

Ai sợ làm Sếp?

Comment