Trong tác phẩm nổi tiếng “The Catcher In The Rye” (Bắt trẻ đồng xanh) của mình, J. D. Salinger đã viết “Dấu hiệu của một kẻ non nớt chưa chín chắn đó là hắn ta sẽ muốn chết thật oai hùng vì một lí tưởng vĩ đại nào đó. Còn một người trưởng thành sẽ muốn sống thật khiêm nhường vì những điều thật giản đơn”. Có lẽ vậy. Khi thật sự lớn lên, chúng ta sẽ không còn nghĩ cho bản thân nhiều quá, ôm ấp ve vuốt cái tôi nhiều quá, mà sẽ học cách sống vì những người mình thực sự yêu thương.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Có nhiều cách để người ta đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời, từ trẻ con trở thành người lớn. Với người này là lúc họ bước sang tuổi 18, với người kia là khi biết yêu lần đầu, có công việc đầu tiên, kiếm được đồng tiền đầu tiên, với người khác nữa lại là lúc họ nhận ra cha mẹ mình đã không còn trẻ nữa. Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận, cũng như điểm số không thể đo đếm sự thông minh, tuổi tác không thể định nghĩa sự trưởng thành. Bởi trưởng thành khác với lớn lên nhiều lắm. Lớn lên, già đi là một điều tất yếu, ai sinh ra trên đời đều cũng phải trải qua vòng luân hồi sinh-lão-bệnh-tử. Ấy là sự phát triển bất biến và không thể cưỡng lại của thời gian. Nhưng trưởng thành thì khác, nó là một lựa chọn, mà không phải ai cũng đủ dũng cảm và quyết tâm để gật đầu. Và khi chúng ta lựa chọn trưởng thành chứ không chỉ đơn thuần là lớn lên, thì chúng ta sẽ nhận ra, cuộc đời này đáng sống hơn rất nhiều.
…
Trưởng thành có nghĩa là thành thật. Thành thật với chính bản thân mình, với những gì mình cần, mình muốn, mình yêu, mình ghét. Khi đó, chúng ta sẽ không còn chán ghét bản thân mình và luôn mơ ước được trở thành bản sao của ai đó nữa. Chúng ta sẽ sống, hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang có, không còn mơ mộng về những điều xa xôi ngoài tầm với.
Trưởng thành có nghĩa là dũng cảm. Dũng cảm để nói không với những hấp lực khó cưỡng của những yêu đương, hẹn hò, hoài nghi, hờn giận. Dũng cảm để chế ngự quái vật mắt xanh trong mình, chế ngự những ganh ghét, đố kị của bản thân với người khác. Thay vào đó, chúng ta sẽ biết cách biến nó thành động lực để phấn đấu, rèn luyện bản thân trở thành một con người tốt đẹp hơn, toàn diện hơn.
Trưởng thành có nghĩa là bao dung và tha thứ. Bao dung để không còn tham sân si hay tính toán thiệt hơn, so bì lỗi lầm của người này người nọ. Một người thực sự trưởng thành sẽ nhận ra rằng cứ ôm sự tức giận chẳng khác nào cứ đeo mãi trên vai một chiếc balo đựng toàn đá tảng. Hằng ngày cứ đeo hoài chiếc balo nặng trịch như thế sẽ mệt mỏi biết bao. Chúng ta sẽ chẳng còn chỗ để đựng những thứ khác như niềm vui, sự thanh thản hay an yên của tâm hồn nữa.
Vẻ đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ phai nhạt, lụi tàn theo thời gian, nhưng vẻ đẹp của tâm hồn, của công dung ngôn hạnh, của Chân – Thiện – Mỹ chắc chắn sẽ trường tồn. Đó cũng chính là giá trị và vẻ đẹp của sự trưởng thành đúng nghĩa.
Trưởng thành có nghĩa là dũng cảm. Dũng cảm để nói không với những hấp lực khó cưỡng của những yêu đương, hẹn hò, hoài nghi, hờn giận. Dũng cảm để chế ngự quái vật mắt xanh trong mình, chế ngự những ganh ghét, đố kị của bản thân với người khác.
Chúng ta khi bé hay nói đến chuyện ngày mai, hay ước mơ những điều thật lớn lao, to lớn nhưng lại chưa từng mảy may lo lắng xem tương lai sẽ ra sao. Chỉ khi bản thân đã thấy lo lắng về những gì sắp đến, hay tìm mọi cách để nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện mình để đạt được những mục tiêu, ước mơ thời thơ bé ấy, thì khi đó chúng ta sẽ nhận ra, mình đã lớn, đã trưởng thành thật rồi. Đó là khi chúng ta dừng nói về những điều vĩ cuồng phi thực tế, và bắt đầu hiểu được cặn kẽ những điều nhỏ bé, giản đơn.
Vậy đó, cứ lớn lên đi, cứ vấp ngã đi, cứ đam mê đi, rồi một ngày chúng ta sẽ đủ trưởng thành để bắt đầu muốn đọc lại những câu chuyện cổ tích thần tiên. Để cảm ơn đời đã dạy ta lớn khôn, và để nhận ra cuộc sống này chẳng thiếu gì những điều kỳ diệu.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Xem thêm: