Hoài nghi là một đôi giày chật - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hoài nghi là một đôi giày chật

Cách đây hơn mười thế kỷ, nhà thơ Vương Tích, người nhà Đường, có viết mấy câu thơ như sau: Nhãn khán nhân tận túy – Hà nhẫn độc vi tỉnh. Những lời ấy, khi tạm chuyển dịch sang “tiếng ta” thì có nghĩa: Thế nhân đều say cả, ta tỉnh chi một mình. Tự nhiên, bài viết này sẽ không bàn đến sự say hay tỉnh, mà chỉ mượn thơ làm lối dẫn để bàn về niềm tin, sự hoài nghi hay còn gọi là nỗi phiền muộn của sự tỉnh táo. Nếu bạn thông minh quá, tỉnh táo quá, nhìn thấu bản chất của nhân sinh, bạn hẳn sẽ thấy nhiều lắm… cái sự phiền! 

TỈNH TÁO, SAO LẮM MUỘN PHIỀN

Về sự tỉnh táo, nỗi phiền muộn lớn nhất chính là tâm trạng lo âu, ngờ vực. Trong não bộ, lúc nào cũng thấy quay cuồng tự vấn “Liệu lúc ấy, mình có đủ tính táo hay không?!”, “Này, bản thân mình có tỉnh táo không vậy?!”… Tại sao con người cứ phải lo lắng về sự tỉnh táo của bản thân. Như thể, chúng ta luôn sợ rằng cái đầu tỉnh táo của mình, lý trí của mình không còn ở đúng chỗ và đúng thời điểm cần thiết nữa. Biết đâu, nó chẳng giống như một kẻ tinh quái sẽ lợi dụng lúc ta lơ đãng để chơi khăm ta một vố. Phiền nhất là những nỗi giằng xé, lo âu như thế lại thường xảy đến ngay sau thời điểm ta vừa đưa ra quyết định quan trọng, hay ngay vào lúc ta cần tỉnh táo tuyệt đối để đặt bút ký vào bản hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ bạc, cho bạn vay một khoản tiền mặt lớn hay trao toàn bộ cảm tình và sự tín nhiệm vào một mối quan hệ… Từ một góc sâu thẳm nào đó của tâm não, sự tỉnh táo thình lình chạy tới, chen vào trong từng mối suy nghĩ. Nó thì thầm bên trong ta những châm ngôn, thành ngữ lạnh lùng và trần tục như thói đời: “Bạn bè là để vay tiền. Tình yêu là để lợi dụng”, “Đừng vay mượn, cũng đừng cho vay mượn”… Trước những mê trận mà cuộc sống vẫn đặt ra trước mỗi người, ta thường khuyên nhau hãy cứ bình tĩnh, phân tích cuộc sống của mình bằng sự tỉnh táo của lý trí. Thế nhưng, khó lắm. Sự tỉnh táo, khi lệch về phía tiêu cực, sẽ gây ra nỗi lo lắng, hoài nghi. Ấy vậy mà, như một nhà thông thái đã bảo, việc sống trên đời chẳng có gì ngoài những cuộc vay – mượn và cho – nhận. Trên cõi đời duy nhất này, xét cho cùng, đâu có gì khác ngoài tình bạn, tình thân và tình yêu. Nếu ta phải ngờ vực những thứ căn bản và duy nhất ấy, khác gì suốt đời phải nhét chân vào một đôi giày chật.

NDN_Hoai nghi la doi giay chat_1

HOÀI NGHI, KHÓ NHẠT PHAI

Thế nhưng, các mối nghi ngờ thường không dễ dàng bị đuối lý. Nó tựa như cỏ dại, một khi đã “nảy mầm” trong tâm trí thì rất khó để nhổ sạch đi. Thú vị ở chỗ, khi nỗi hoài nghi hoặc ngờ vực nảy lên trong tâm trí, thì người ta thường nhận định ngay đó là tia sáng của lý trí, xuất hiện để thức tỉnh con người khỏi sai lầm hay sự mê muội. Các truyền thống khôn ngoan (cách người xưa từng dùng để gọi bộ môn triết học) cũng từng dạy người ta cách thức áp đặt một kỷ luật chặt chẽ cho suy nghĩ và hành động, cho toàn bộ lối sống nói chung. Và một trong những phương tiện để làm được điều ấy là tinh thần hoài nghi, cốt để cho đầu óc luôn được tỉnh táo.

Những bài học lâu đời đó đã dẫn đến sự hình thành cái quan niệm gắn sự tỉnh táo với tinh thần hoài nghi, coi người sáng suốt là người biết hoài nghi và thông qua hoài nghi để thấu triệt bản ngã của chính mình. “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng” (tạm dịch: Hiểu biết chính bản thân mình là người minh mẫn, thắng được chính mình là người anh hùng) chính là cách các nhà hiền triết cổ xưa định nghĩa về sự tỉnh táo vậy. Song, ngay cả sự sáng suốt cũng không tránh được việc bị ngộ nhận. Thay vì nói người sáng suốt biết hoài nghi, người ta lại chạy vào “chiều ngược của con đường”, coi sự nghi ngờ là biểu hiện sáng suốt. Tại sao lại phải dạy cách nghi ngờ, khi mà lòng ngờ vực đã như một bản năng, một tập tính di truyền của văn hóa từ đời này sang đời khác? Đó là bởi nỗi hoài nghi tràn lan, lắm lúc vô duyên vô cớ, đã che khuất mất sự tỉnh táo, lý trí đích thực. Mà con người luôn muốn tin rằng sự tỉnh táo là một trạng thái cân bằng giữa nghi ngờ và tin tưởng. Sự cân bằng một cách hiểu biết, an toàn và dễ chịu.

——————

Lòng tin không phải là một chiếc đũa, mà là một đôi đũa. Nói theo kiểu triết gia thì một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa niềm tin không còn là niềm tin. Bởi vậy mà cái đầu thật sự tỉnh táo được đặt trên cái cổ và đôi vai của lòng tin cậy. Sao lại không chứ!

——————

TIN TƯỞNG, KHÔNG DỄ HỌC

Sự tin tưởng thường mang nặng cảm tính, hầu như là một xúc cảm, một tình cảm. Tin cậy và được tin cậy có khả năng sưởi ấm lòng người. Rõ ràng, sự tin tưởng ta cảm thấy với một ai đó ngay từ lần đầu tiếp xúc cũng thần kỳ, khó lý giải chẳng kém gì một tình yêu sét đánh. Sự tin tưởng đem đến mối quan hệ nhân – quả tốt đẹp: Tin vào lòng tốt nên con người nhân hậu. Tin vào công bằng nên con người biết điều và sòng phẳng. Tin vào văn hóa, lễ nghi đạo đức nên con người hòa nhã, trách nhiệm và tận tâm… Thế nhưng, các nhà hiền triết từ thời cổ xưa đến nay vẫn chưa chỉ ra được một con đường chắc chắn để loài người học được cách có lòng tin. Các tôn giáo dạy về niềm tin vào bên trên và bên ngoài con người, có dạy được niềm tin vào con người trần thế?! Sự hoài nghi, trên thực tế, luôn được “vun trồng”, khiến cho lòng tin bỗng trở thành một vấn đề cá nhân, một vấn đề trong phạm vi cảm xúc, một vấn đề ta tìm ra trong phạm vi quản trị nhân cách của chính bản thân ta. Như ta vẫn thấy, trạng thái gọi là “tỉnh táo” vẫn thường được ưu tiên gắn với tinh thần hoài nghi, mà chẳng mấy khi kết bạn cùng lòng tin tưởng. Thế nên, sự tỉnh táo chẳng hề thiết lập tình trạng cân bằng giữa tin tưởng và ngờ ngực. Nói đúng hơn, nó là tín hiệu báo động về mất niềm tin.

Các phiền phức gắn với việc làm một người tỉnh táo không bao giờ chấm dứt, khi mà các “level” của độ phức tạp môi trường nhân quyển ngày một lên cao. Song, có thể nhìn từ một phương diện khác: ta sẽ phải tăng lên, tương ứng theo cách nào đó, một tổng số trừu tượng của niềm tin cậy, tin tưởng lẫn nhau. Bởi nếu không có lòng tin, thì thậm chí ta còn không thể giao tiếp hay đi trên cùng một làn đường với ai được nữa, nói chi đến làm việc cùng nhau hay phục vụ hay hỗ trợ lẫn nhau. Lòng tin không phải là một chiếc đũa, mà là một đôi đũa. Nói theo kiểu triết gia thì một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa niềm tin không còn là niềm tin. Bởi vậy mà cái đầu thật sự tỉnh táo được đặt trên cái cổ và đôi vai của lòng tin cậy. Sao lại không chứ!

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

 

Comment