“Sao” công sở - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Sao” công sở

Người ta vẫn nói, sự chăm chỉ, nỗ lực có thể chui rèn, nhưng trí thông minh vốn bẩm sinh. Không phải ai sinh ra cũng được ưu ái ban cho sự “thông minh hơn người”. Đồng thời, chẳng phải sự thông minh lúc nào cũng được nhìn nhận, thừa nhận và chấp nhận.

Có khá nhiều “định dạng” khác nhau về việc thể hiện sự thông minh của nhân viên trong công sở. Người âm thầm chứng minh năng lực của mình đến khi dự án hay công việc hoàn tất. Người khẳng định bản thân trước khi nhận sự kiện mới, coi đó là thương hiệu và uy tín cá nhân. Và cũng có người thể hiện trí thông minh và tài thao lược trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Dù cách thể hiện thế nào, cũng cho thấy đó là một ngôi sao tỏa sáng hơn các đồng nghiệp xung quanh và thậm chí… hơn cả sếp!

 

NHÂN VIÊN: THỂ HIỆN HAY KHÔNG?

Một nhân viên muốn nhận được một mức lương tương xứng với năng lực thường phải thể hiện bản thân. Việc “show” hình ảnh của mình ra, cũng có hai mặt cần cân nhắc. Nếu không thể hiện, sếp và đồng nghiệp không hiểu rõ được khả năng của chính bạn, từ đó sắp xếp công việc và thù lao chưa xứng đáng. Nhưng nếu thể hiện, việc bị ganh ghét từ đồng nghiệp, thậm chí chơi xấu nhau chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ là giữa thanh thiên bạch nhật hay lén lút kiểu ném đá giấu tay mà thôi. Và điều tối quan trọng, hơn cả sự khó chơi từ đồng nghiệp, chính là những “xúc cảm” của người quản lý khi họ bỗng nhận ra nhân viên hoá ra còn giỏi hơn mình gấp nhiều lần.

Thể hiện sự thông minh như thế nào trong môi trường công sở, đặc biệt trước sếp quản lý cho thật… thông minh? Nhiều người cho đến tận khi đầu hai thứ tóc vẫn còn loay hoay chưa có câu trả lời. Hoặc cũng có khi, họ học theo “đại trí giả ngu”, “chân nhân bất lộ tướng”. Nghĩa là, người ta đã biết, đã hiểu, nhưng không muốn làm trái đi tính cách của mình, chấp nhận những thị phi thua thiệt. Đôi khi, nhân viên quá giỏi sẽ ra đi khỏi công ty cũ, nơi không dung nạp được những người tài. Bởi, những người thông minh thường không chấp nhận được những vùng trời chật hẹp và cũng không nên sống ở những vùng trời chật hẹp.

NDN_Sao cong so_2_resize

Nhìn nhận từ kinh nghiệm sống, người tài thường có cá tính mạnh và có khi là đa nhân cách. Những nếp nhăn “đúng vị trí” trên não bộ điều khiển suy nghĩ và hành vi của con người ở những người sở hữu trí thông minh khác với những người tư duy chậm chạp khác. Thế nhưng, thông minh cũng phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống. Nghĩ thử mà xem! Đã là một người tư duy thông minh, ắt hẳn cách sống, cách nghĩ và cách làm của anh sẽ nhanh hơn người khác. Muốn phát triển, người thông minh không thể dừng lại, chờ đợi những cá thể chậm chân với lối nghĩ ù lì, uể oải. Nếu “lực lượng thông minh” chiến thắng, người ta sẽ thấy một môi trường lý tưởng, năng động, đầy cảm hứng. Nếu “lực lượng thông minh” thất bại, người ta có thể sẽ thấy một ngôi sao công sở phải ra đi, hay ít nhất cũng bị xung quanh ghen tỵ đỏ con mắt. Công tâm mà nói, đa số chúng ta đều muốn là ngôi sao sáng rực trong vinh quang, chứ ai muốn sống mãi trong âm thầm để được định nghĩa bằng cụm từ “bình thường”, “không giỏi bằng… ai ai đó”. Sếp cũng vậy, có nhân viên tài giỏi đúng là sướng thật, nhưng có nhân viên giỏi hơn cả mình thì lại khá đau đầu. Nhỡ đâu, một ngày đẹp trời, nhân vật tài hoa nọ lại chẳng leo lên trên cả sếp?! Do vậy, công tâm nhất, người tài trong công sở chỉ có thể phát huy được năng lực nếu sếp không thấy “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” mà thôi.

 

———————–

Người tài trong công sở chỉ có thể phát huy được năng lực nếu sếp không thấy “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” mà thôi

———————–

 

SẾP: ĐỘ LƯỢNG ĐẾN ĐÂU LÀ ĐỦ?

Cương vị của người sếp, đặc biệt là sếp nữ, khi thấy lính bên dưới khua môi múa mép thì đương nhiên là bực bội quá rồi. Nhưng nếu nhân viên ấy, đúng là giỏi vượt bậc, chuyên môn quá tài, thì cách ứng xử sao cho “đáng mặt quản lý” cũng có nhiều khúc mắc trong sự đan chéo chằng chịt giữa công việc và tình cảm cá nhân. Công việc, ai cũng biết, cần lính tài, lính giỏi. Nhưng tình cảm, con người ta không mấy ai muốn kìm nén sự yêu ghét rất đời thường. Thế nên mới cần sự độ lượng của sếp, sự trải đời của cấp quản lý, và nhân viên tài giỏi thì đừng quá vì cái Tôi mà trở nên lố bịch trong con mắt của mọi người. Không phải phi lý khi các tập đoàn nước ngoài từ lâu đã duy trì cách làm việc theo nhóm. Người ta cần sự đồng thuận của cả tập thể để công việc được chạy tốt, chứ không muốn vì một cá nhân xuất sắc nào đó mà nội bộ lục đục, công việc bê trễ. Người quản lý sẽ yên tâm khi cho rằng, dưới trướng của mình, thà là có hàng chục, hàng trăm con đom đóm, còn hơn là chỉ một vài ngôi sao sáng chói tới mức làm lu mờ hết thảy xung quanh.

Song song đó, cũng có những cách quản lý đáng suy ngẫm. Bạn tôi là sếp của một doanh nghiệp. Bạn kể khi đi tiếp khách thường có cậu trợ lý trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng Anh lưu loát theo “hộ tống”. Trong khi sếp còn chưa nói hết câu với đối tác, trợ lý đã mau miệng giành phần nói hết. Vài ba lần, sếp cũng nóng mặt nhưng không hề mắng mỏ. Chỉ khi có hai người, sếp và nhân viên mới chia sẻ những điều cần trao đổi. Thời gian ngắn sau, bạn tôi hài lòng với cách ứng xử tinh tế hơn của người trợ lý. Vẫn giúp đỡ, hầu cận bên sếp hàng ngày, nhưng chỉ nói đúng ngữ cảnh. Người trợ lý trở về đúng vai trò của mình, và sếp thì vui vẻ như cũ.

Trong bộ phim Tể tướng Lưu gù, nhân vật Hòa Thân đã nói một câu bất hủ: Trung thần cũng chết, nịnh thần cũng chết, chỉ có loạn thần mới sống! Đó là câu nói của “nhân viên thông minh” trong môi trường “công sở triều đình”. Thời nay có khác chút nào không? Khác đấy mà cũng giống đấy. Bởi sếp của thời hiện đại “dụng nhân như dụng mộc”. Và nhân viên tài giỏi, thông minh ở thời hiện đại này, quan trọng nhất cần biết giấu đi những móng vuốt nhọn làm đau người khác. Hãy là đối thoại, đừng nên đối đầu!

 

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Comment