Một trong những slogan hay nhất trên thế giới có lẽ là “Just do it – Cứ làm đi” của hãng giày nổi tiếng Nike. Khi nhen nhóm giấc mơ trở thành một nhà quản lý quỹ đầu tư, tôi đã áp dụng triết lý “cứ làm đi” để bắt đầu khởi nghiệp một quỹ đầu tư từ con số không với suy nghĩ “I can do it – tôi có thể làm điều đó!”.
Hành trình khám phá để thỏa mãn sự tò mò
Tôi chính thức nghĩ đến việc tham gia đầu tư khi tình cờ tham dự một khóa học online về thị trường tài chính của trường Đại học Yale do giáo sư Robert Shiller, giải Nobel kinh tế năm 2013 giảng dạy. Trong bài giảng, giáo sư Shiller có nhắc đến cuốn sách Stocks for the Long Run (Cổ phiếu trong dài hạn) do giáo sư Jeremy Siegel, bạn ông viết. Ý tưởng chính của cuốn sách là những số liệu thống kê thị trường tài chính Mỹ cho thấy trong dài hạn, đầu tư vào cổ phiếu mang lại lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào vàng, trái phiếu chính phủ, gởi tiền tiết kiệm. Trong giai đoạn 1871 – 2001, số liệu thống kê cho thấy đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ mang lại tỷ suất lợi nhuận 6,8%, vàng -0,1%, trái phiếu 2,8% trong khi tỷ lệ lạm phát là 2%. Mãi sau này tôi mới lý giải được vì sao đầu tư vào chứng khoán mang lại một tỷ suất lợi nhuận cao, bởi vì các công ty luôn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh, quá trình tăng trưởng đó mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Mọi người cho rằng, ngoài sự nhạy bén và những kỹ năng cần có, đầu tư luôn cần sự mạo hiểm và tinh thần “can do” là không thể thiếu với bất kỳ nhà đầu tư nào, tôi nghĩ có lẽ đúng. Khi nhận ra rằng mình có khả năng đầu tư tốt hơn so với nhiều nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán đồng thời đã đầu tư tốt cho tiền của mình, tôi bắt đầu có suy nghĩ trở thành một nhà quản lý quỹ. Tôi sẽ quản lý và đưa ra các quyết định đầu tư bằng tiền của người khác, khiến nó sinh lời. Tuy nhiên, khi bắt đầu tham gia đầu tư, tôi nhận ra rằng thị trường chứng khoán là một hệ thống phức tạp hơn những gì tôi hình dung ban đầu. Bản thân tôi lại luôn rất tò mò với những hệ thống phức tạp và muốn biết nhiều hơn nữa. Có rất nhiều cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường, các cổ phiếu đó lại được nắm giữ bởi rất nhiều cá nhân, mỗi một cá nhân lại có hành vi và cách ứng xử khác nhau với cổ phiếu. Tập hợp tất các các quyết định mua – bán trên thị trường sẽ tạo ra diễn biến của giá cổ phiếu… Và thế rồi tôi bắt đầu hành trình khám phá để thỏa mãn sự tò mò của mình về sự vận động của thị trường.
Trong quá trình khám phá đó tôi nhận ra nhiều điều thú vị đôi khi rất trái với suy nghĩ bình thường của tôi mãi về sau tôi mới cảm thấy nó hợp lý. Chẳng hạn, khi giá cổ phiếu sụt giảm, rất nhiều người lo sợ đến mức hoảng loạn, mọi người đổ xô bán tháo cổ phiếu với giá rất rẻ. Đến khi thị trường tăng trở lại, giá cổ phiếu trở nên rất cao, mọi người lại đổ xô mua vào. Lúc đó tôi không hiểu vì sao nhà đầu tư trên thị trường lại hành xử một cách phi lý trí như thế, tranh nhau mua lúc đắt và tranh nhau bán lúc rẻ. Tìm hiểu sâu vào hành vi mang tính hệ thống của các nhà đầu tư trên thị trường, tôi mới nhận ra được hành vi đó là hợp lý bởi đa số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhìn vào sự biến động của giá cổ phiếu để ra quyết định đầu tư, khi giá cổ phiếu giảm, tài khoản của họ bị lỗ, nhiều người sử dụng margin (vay tiền để mua cổ phiếu) bị các công ty chứng khoán giải chấp nên buộc phải bán tháo cổ phiếu dù đôi khi họ biết rằng giá cổ phiếu trở nên rất rẻ.
————————–
“Sợ hãi khi thị trường tham lam, tham lam khi thị trường sợ hãi” – Warren Buffett
————————–
Đam mê, dấn thân và đi ngược lại với đám đông
Tôi vốn thích đứng ngoài quan sát những hiện tượng đang diễn ra trên thị trường hơn là tham gia. Nếu thị trường là một đám đông nhốn nháo, tôi thích đóng vai trò là một nhà quan sát để nghiên cứu hành vi của đám đông hơn là tham gia vào đám đông đó. Dần dần, tôi hiểu được quy luật của đám đông và sự vận hành của thị trường. Tôi hiểu được vì sao Warren Buffett, tỷ phú đầu tư người Mỹ, nói rằng: “Sợ hãi khi thị trường tham lam, tham lam khi thị trường sợ hãi”, câu nói của ông hàm ý đừng mua cổ phiếu giá cao khi mọi người đang đổ xô mua cổ phiếu đẩy giá cao vượt giá trị thực của công ty mà hãy mua cổ phiếu khi ít người quan tâm đến cổ phiếu làm cho cổ phiếu xuống thấp hơn giá trị thực.
—————————–
“Tôi cho rằng, đưa ra quyết định vào thời điểm then chốt và không bị xáo trộn bởi những nguồn ảnh hưởng khác cần sức mạnh tinh thần “can do” rất lớn.
—————————–
Tôi vốn thích đi ngược lại với đám đông, hiểu theo kiểu nếu xã hội nghĩ điều A là đúng thì tôi lại nghĩ điều ngược lại với A có thể lại đúng. Đôi khi sở thích đó gây ra sự phiền toái nhất là trong những bữa tiệc có đông người tham dự, tuy nhiên trong đầu tư sở thích đó lại là một lợi thế rất lớn. Để thành công trong đầu tư, bạn buộc phải đi trước thị trường, nghĩa là bạn phải mua cổ phiếu tốt, giá rẻ trước khi nhiều người nhận ra đó là một cổ phiếu tốt. Để làm được điều đó, bạn phải tách mình ra khỏi đám đông để có thể suy nghĩ một cách độc lập. Không dễ để làm việc đó bởi chúng ta đều là những sinh vật xã hội nên chúng ta thường chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những người xung quanh, nhất là trong đầu tư chứng khoán. Một trong số những người ảnh hưởng có tính quyết định đến suy nghĩ của một cá nhân chính là gia đình. Khi mới tham gia đầu tư vào năm 2011, bố mẹ tôi đã nhiều lần ngăn cản bởi họ xem thị trường chứng khoán là một trò cờ bạc và có rất nhiều người mất tiền vào thời điểm đó. Tôi còn nhớ rất rõ vào năm 2011, giá vàng tăng rất mạnh, bố mẹ thuyết phục tôi mua vào với giá khoảng 40 triệu đồng/lượng nhưng tôi kiên quyết nói không vì nghĩ rằng giá vàng đã bong bóng và chuyển tiền vào cổ phiếu vì mọi người đang bán tháo làm giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn. Tôi cho rằng, đưa ra quyết định vào thời điểm then chốt và không bị xáo trộn bởi những nguồn ảnh hưởng khác cần sức mạnh tinh thần “can do” rất lớn.
ĐỂ ĐỌC PHIÊN BẢN BÁO IN, VUI LÒNG NHẤN VÀO ĐÂY! |
Các nhà kinh tế học tin vào lý thuyết thị trường hiệu quả thường bảo rằng giá cổ phiếu biến động ngẫu nhiên, do đó, không ai có thể dự đoán được xu hướng ngắn hạn lẫn dài hạn của thị trường chứng khoán. Khi tham gia vào thị trường, tôi thường tìm đọc về các tỷ phú đã thành công nhờ đầu tư như: Warren Buffett, George Soros, Ray Dailio… Tôi nghĩ, họ đã tìm ra cách để có được tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với thị trường chung thì chắc chắn mình cũng tìm ra được.
Niềm đam mê, sự tò mò đi tìm nguyên nhân lý giải sự vận động của thị trường đã giúp tôi có được một tỷ suất vượt trội so với thị trường chung. Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận đạt gần 100%. Và trên hết đó là tinh thần “cứ làm đi” tiếp tục được duy trì khi càng có nhiều người biết đến để ủy thác tiền đầu tư.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm:
10 danh ngôn kinh doanh hay nhất của 10 CEO nổi tiếng thế giới