Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Nếu bạn đang cân nhắc việc khởi nghiệp kinh doanh với người yêu hay vợ/chồng của mình. Bạn sẽ cần đến sự bản lĩnh, niềm tin và một trí tuệ cảm xúc phi thường trong việc cân bằng giữa hai vai trò. Vậy chúng ta cần biết gì trước khi quyết định khởi nghiệp cùng người yêu, vợ/chồng?

Đối với các cặp đôi cùng khởi nghiệp, những thu hút về mặt tình cảm và trí tuệ chính là lợi thế giúp gia tăng sự nhạy bén trong kinh doanh của họ. Nhưng mối quan hệ đối tác ấy vừa là không gian an toàn, vừa là một “chiến trận” đầy rủi ro trong mối quan hệ tình cảm. Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, hãy cùng Tạp chí Nữ Doanh Nhân khám phá những lợi ích và rủi ro trong việc khởi nghiệp cùng người yêu hay vợ/chồng nhé!

Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Ảnh: Mentatdgt

Lợi ích nào cho những cặp đôi khởi nghiệp?

1. Bạn hiểu người đồng sáng lập của mình rất rõ. Bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian để liên kết, thảo luận hoặc nói ra những vấn đề nhạy cảm khi bạn đã biết đối phương nghĩ như thế nào. Đồng bộ hóa mọi bước của con đường là điều tuyệt vời trong hành trình khởi nghiệp của hai bạn.

2. Bạn có thể thực hiện các cuộc họp quan trọng trong… phòng bếp hay vào các dịp nghỉ lễ nếu cần thiết, mà không sợ phải làm phiền đến nhân viên vào ngày nghỉ. Điều đó giúp công việc được giải quyết dứt điểm và hiệu quả mà không cần trải qua quá nhiều quy trình cầu kỳ. Hai bạn cũng có thể kết hợp công việc song song với không khí thoải mái, gắn kết vốn có của các cặp đôi. Từ đó, các bạn sẽ thiết kế lên được một phong cách sống phù hợp mà cả hai cùng mong muốn.

Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Ảnh: cottonbro

3. Cuộc hành trình không cô đơn. Các doanh nhân thành đạt là người luôn đứng trên đỉnh cô độc trong hành trình kinh doanh của mình. Nhưng khi có một người đồng hành để cùng thương lượng và thảo luận trong những giai đoạn khó khăn, sẽ đưa bạn đến những quyết định sáng suốt nhằm lèo lái con thuyền kinh doanh vượt qua những cơn giông bão. Người yêu hay vợ/chồng của bạn có thể sẽ là người hiểu bạn nhất và sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp chung của cả hai.

4. Niềm tin là một tài sản vô giá. Hai nhà đồng sáng lập đều tin tưởng lẫn nhau. Và niềm tin chính là một tài sản rất độc đáo – thứ mà các đối tác kinh doanh truyền thống ghen tị với hai bạn. Đồng thời, hai bạn sẽ có một câu chuyện doanh nghiệp độc đáo cho các chiến dịch truyền thông. Câu chuyện tình yêu và khởi nghiệp của hai bạn chính là những đề tài tốt để giới báo chí khai thác.

Thách thức nào cho những cặp đôi kinh doanh?

1. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn với những nhà sáng lập cặp đôi. Nếu doanh nghiệp của bạn đang muốn kêu gọi vốn, hãy cân nhắc việc các nhà đầu tư sẽ tránh tham gia vào những dự án mang tính “cặp đôi” hay xuất phát từ mối quan hệ cá nhân, gia đình. Vì điều đó có thể gây ra những cản trở, rủi ro liên quan đến hai người đồng sáng lập trong tương lai.

2. Hai bạn cũng sẽ gặp khó khăn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những cuộc họp diễn ra tại bữa cơm gia đình mang lại một hiệu suất công việc tốt. Nhưng điều đó cũng có nghĩa: công việc sẽ luôn đeo bám hai bạn, kể cả những ngày nghỉ ngơi. Vì nếu có một người làm việc đến khuya, người kia cũng không thể dừng lại. Cả hai sẽ phải nỗ lực và kỷ luật rất nhiều để tuân theo một thời gian biểu phù hợp và cân bằng.

Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Ảnh: Mikhail Nilov

3. Áp lực tài chính của cả hai cũng ngày càng lớn. Khởi nghiệp là một con đường gập ghềnh. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ ít nhất một lần gặp những khó khăn về mặt tài chính. Và điều đó sẽ càng trở thành gánh nặng nếu cả hai đều dựa vào một nguồn thu nhập chung từ công ty khởi nghiệp. Hãy chuẩn bị chu toàn cho những rủi ro tài chính nếu bạn có ý định khởi nghiệp cùng đối phương của mình.

4. Bạn sẽ phải “nhân hai” nỗi áp lực. Khi bạn đang cảm thấy kiệt sức vì căng thẳng công việc, rất có thể đối tác của bạn cũng đang như vậy. Không giống như các cặp đôi có công việc độc lập với nhau, những áp lực, khó khăn sẽ ập đến cùng một lúc với các cặp đôi đang khởi nghiệp chung. Vì vậy, hai bạn phải học cách hỗ trợ lẫn nhau khi những cơn giông bão kéo đến.

Những lời khuyên từ Tạp chí Nữ Doanh Nhân dành cho các cặp đôi khởi nghiệp:

1. Đặt ra những quy tắc riêng

Rạch ròi giữa công việc và tình cảm chính là điều hai bạn nên đặt lên hàng đầu nếu không muốn bị tình cảm cá nhân chi phối vào công việc. Vì vậy, hãy đặt ra những quy tắc giữa nơi làm việc và nhà riêng. Cả hai bạn hãy cùng cam kết tuân thủ theo các quy tắc đã đề ra, để công việc vẫn được đảm bảo mà không có vấn đề riêng tư nào làm gián đoạn.

2. Lập kế hoạch tài chính rõ ràng

Hãy minh bạch trong tài chính nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh cùng người yêu hay vợ/chồng. Hai bạn nên ngồi lại cùng nhau để thiết lập một kế hoạch tài chính phù hợp để cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Và đừng quên dành ra những khoản tiết kiệm và quỹ khẩn cấp phòng cho những trường hợp khó khăn ập đến.

Khởi nghiệp cặp đôi: đồng điệu hay rủi ro tiềm ẩn?

Ảnh: Tim Samuel

Bên cạnh đó, bạn cũng phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những mạo hiểm và thử thách khi khởi nghiệp kinh doanh cùng người yêu hay vợ/chồng. Không chỉ về vấn đề tài chính, khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường bằng phẳng với muôn vàn nỗi lo phía trước.

3. Phát huy thế mạnh và phân bổ công việc theo năng lực

Trước khi quyết định kinh doanh cùng người yêu hay vợ/chồng, hai bạn hãy đặt ra cho bản thân những câu hỏi: Điểm mạnh của mình là gì? Ai sẽ là người phụ trách chính? Mình sẽ làm tốt vai trò nào trong công ty?… Nhiều cặp đôi phải mất một khoảng thời gian dài để xác định đúng vai trò của mình, thay vì chỉ với một danh xưng chung là “nhà đồng sáng lập”. Xác định rõ vai trò của mình trong công ty khởi nghiệp sẽ giúp bạn định hình và phân bổ công việc một cách hiệu quả hơn.

Khởi nghiệp là một cam kết nghiêm túc không chỉ với chính mình, mà còn với nhân viên và khách hàng của bạn. Bắt đầu khởi nghiệp cùng người yêu hay vợ/chồng, cũng là cách bạn đang thực hiện một cam kết nghiêm túc đối với mối quan hệ của cả hai. Bên cạnh những rủi ro, việc khởi nghiệp cặp đôi còn được xem là một loại sức mạnh tổng hợp, giúp thiết lập nên một “lợi thế chiến lược” đặc biệt cho doanh nghiệp của hai bạn.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment