Chinh phục nhân viên hơn tuổi • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Chinh phục nhân viên hơn tuổi

Để hòa hợp, khiến nhân viên lớn tuổi hơn tâm phục khẩu phục mình, sếp trẻ cần có tính kiên nhẫn, biết lắng nghe và hiểu những khác biệt giữa hai thế hệ.

Người thuộc thế hệ trước luôn tự hào về kinh nghiệm của mình và thường muốn sếp trẻ “nếm mùi” thất bại. Một số đồng nghiệp thâm niên cảm thấy bị đe dọa hoặc nghĩ lẽ ra vị trí bạn đang tại vị là của họ. Do đó, bạn phải nhanh chóng tiếp thu và phát huy vai trò lãnh đạo của mình. Đôi khi, bạn cần gác quyền lực sang một bên, biến mình thành một thành viên trong đội và góp sức hoàn thành công việc chung. Hãy xây dựng các mối quan hệ, tạo niềm tin và chứng minh cho họ thấy bạn có năng lực lãnh đạo thật sự.

Muốn chinh phục những nhân viên đáng tuổi cha chú, bạn hãy ghi nhớ 4 điều quan trọng sau đây và phải đảm bảo chúng được thực hiện trong 90 ngày đầu tiên ở cương vị lãnh đạo:

 

LẮNG NGHE VÀ HỌC HỎI

Bởi vì bạn còn trong giai đoạn tập tành lãnh đạo, nên biết lắng nghe và học hỏi từ những nhân viên lớn tuổi hơn mình. Quyền lực phải được xây dựng dần dần, do đó bạn nên lưu ý quan sát cách làm việc của đồng nghiệp lớn tuổi, xác định điểm mạnh và những điểm cần khắc phục cũng như tính cách họ. Hãy để tâm đến những gì bạn học từ mỗi nhân viên trong công ty, ghi nhận những bài học rút ra từ đồng nghiệp lớn tuổi bằng cách áp dụng những gì họ đã hướng dẫn cho bạn. Thêm vào đó, hãy chắc chắn rằng bạn có thể tạo ra sự khác biệt theo chiều hướng tích cực, đối với những phát hiện và đề xuất đổi mới của mình. 

NDN_Chinh phuc nhan vien lon tuoi_resize

Hiểu được nhân viên dưới cấp sẽ giúp phá vỡ những rào cản, đồng thời tạo điều kiện để mọi người hiểu nhau hơn.

TÌM HIỂU VÀ QUAN TÂM

Điều này có thể khó thực hiện ở một số văn hóa công ty, nhưng là lãnh đạo trẻ, bạn phải đầu tư thời gian để tìm hiểu và quan tâm đồng nghiệp. Một nhà lãnh đạo trẻ chia sẻ: “Tiếp quản một phòng ban mới lúc 26 tuổi, tôi phải quản lý luôn cả những nhân viên dưới quyền lớn hơn tôi rất nhiều tuổi, thậm chí con cái họ đã đến tuổi thiếu niên. Tôi cảm nhận được điều họ quan tâm không chỉ là công việc mà còn cả gia đình. Nếu vậy thì tôi phải tìm hiểu xem gia đình có ý nghĩa và quan trọng đến mức nào, để từ đó dẫn dắt và giúp họ đạt được điều mong muốn. Kế hoạch của tôi bấy giờ là dành ba tháng tìm hiểu họ ở mức độ cá nhân. Tôi cùng họ ăn tối, xem con cái họ thi thố trong các hoạt động ngoại khóa ở trường… và thậm chí tham gia những buổi tư vấn cho con họ. Sau thời gian đó, tôi nhận ra, lãnh đạo dù có tận tâm với công việc, có năng lực đến mấy cũng nên nhớ rằng: phải trân trọng nhân viên lớn tuổi dưới cấp và những điều họ thật sự quan tâm”.

Hiểu được nhân viên dưới cấp sẽ giúp phá vỡ những rào cản, đồng thời tạo điều kiện để mọi người hiểu nhau hơn. Điều đó sẽ có tác dụng hai chiều, cần nhớ rằng chính điều này làm họ tò mò muốn biết bạn là ai và điều gì quan trọng với bạn. Hãy là chính mình và áp dụng chính sách mở. Đừng dùng đến quyền lực trừ phi nó thật sự cần thiết. Tốt nhất là đơn giản hóa mọi việc, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, vui vẻ và thân thiện.

 

————————

Bạn cần tỏ ra tôn trọng nhân viên lớn tuổi hơn mình khi bạn là quản lý, vì hơn ai hết, họ mong muốn nhìn thấy và cảm nhận được thiện chí của bạn. Bên cạnh đó, bạn cần tiếp thu những giá trị tốt đẹp ở thế hệ nhân viên đi trước, học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu từ họ, đồng thời nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nắm bắt cơ hội để xây dựng đội ngũ trên nền tảng tin tưởng, hòa đồng và minh bạch.

————————

 

DUNG HÒA MỚI VÀ CŨ

Để đồng nghiệp lớn tuổi hơn chấp nhận bạn, bạn cần cân nhắc khả năng dung hòa giữa hệ thống giá trị cũ và mới. Bạn phải nhớ rằng bạn có trách nhiệm giúp tập thể nhân viên thành công hơn. Muốn vậy, bạn cần giúp đỡ họ không ngừng học hỏi cái mới để cùng phát triển. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, bạn nên biết lắng nghe và đừng bao giờ lạm dụng quyền hành để sai khiến cấp dưới. Trong quá trình giao tiếp, bạn cần có thái độ lịch sự đúng mực và tế nhị khi truyền đạt những nội dung mới sao cho đơn giản, hiệu quả nhất bằng cách đưa ví dụ và giải thích cẩn thận.

Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ là vấn đề với những người đã làm việc lâu năm tại công ty. Bạn chắc chắn sẽ gặp không ít thất bại nếu vội vàng truyền đạt những cái mới đến các nhân sự cũ và lớn tuổi hơn mình. Bởi vì, những giá trị đã hình thành và tồn tại rất lâu trong công ty không dễ thay đổi ngày một ngày hai. Bạn cần hiểu được thực tế rằng, thay đổi văn hóa và con người tại một môi trường làm việc không hề đơn giản mà đòi hỏi phải có trình tự.

NDN_Chinh phuc nhan vien lon tuoi_2_resize

Luôn lắng nghe và không lạm dụng quyền hành đối với cấp dưới mình

HẠN CHẾ TÍNH ĐỘC TÀI

Cần có thời gian và không thể miễn cưỡng trong việc muốn người khác tôn trọng bạn. Đừng yêu cầu và cũng đừng ra lệnh cho điều đó. Bạn hãy sống cùng tập thể để học hỏi tinh thần trách nhiệm, hợp tác và tạo dựng niềm tin với mọi người. Những quyền hạn và đặc ân bạn có được ở vị trí lãnh đạo cũng không nên lạm dụng hoặc sử dụng chúng một cách thiếu tế nhị trước mặt nhân viên.

Bạn cần tỏ ra tôn trọng nhân viên lớn tuổi hơn mình khi bạn là quản lý, vì hơn ai hết, họ mong muốn nhìn thấy và cảm nhận được thiện chí của bạn. Bên cạnh đó, bạn cần tiếp thu những giá trị tốt đẹp ở thế hệ nhân viên đi trước, học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu từ họ, đồng thời nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nắm bắt cơ hội để xây dựng đội ngũ trên nền tảng tin tưởng, hòa đồng và minh bạch. Nếu bạn quan tâm đến nhân viên dưới cấp nhiều hơn, thì chắc chắn họ sẽ hết mình hỗ trợ bạn không chỉ về mặt công việc chuyên môn mà cả khía cạnh quan hệ đời thường. Như vậy, xét về mục tiêu và lợi ích chung, cả bạn và nhân viên đều được thỏa mãn.

Điều cuối cùng, bạn nên nhớ rằng trong công việc không nên đưa ra những quyết định cảm tính. Tuy nhiên, không ai có thể cấm bạn thiết lập mối quan hệ thân thiết, hòa đồng với mọi người trong mối tương quan giữa người và người.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Ai sợ làm Sếp?

“Sao” công sở

 

Comment