Hồi yêu đương chẳng hiểu mê muội thế nào mà “đâm đầu vào” cưới, đến khi lấy nhau rồi mới “ngã ngửa ra” lúc phát hiện chồng mình… không biết nói ngọt. Tự trấn an rằng, dù sao cũng chưa phải là tật gì gớm ghê nếu so với những sự ghê gớm như rượu chè, nghiện hút, gái gú, lười chảy thây, vân vân! Mà sao trong lòng “chính cung nương nương” cứ ấm ức tấm tức thế này?
Ấm ức “lão chồng nhạt thếch”
Đang sung sướng bay nhảy bỗng đi làm dâu, đụng trăm thứ bức xúc, có những lần bực quá mới đem tâm sự với “lão ấy” hòng nghe được vài lời xoa dịu. Ai ngờ, chẳng nói được câu nào ngọt nhạt, lão chỉ ngáp ngắn ngáp dài bảo: Chuyện thường ngày ở huyện chứ có gì đâu, nghĩ nhiều làm gì cho mệt! Rồi quay lơ ra ngủ, coi như cái việc cô làm dâu là của cô, của riêng cô. Ừ, tự mình “đâm đầu vào” chứ ai bắt, thế là “nương nương” ngậm ngùi… “tắt đài”, nhắm mắt cố mà ngủ.
Đi làm cơ quan có va chạm, có bực bội quá, đem kể với lão ấy thì cũng công cốc nếu mong được lời nào ngọt nhạt. Ngày xưa, lúc chưa cưới, lão ra vẻ quan tâm nghe, cho “xả” hết, kể hết, rồi chẳng nói năng gì mà cứ đưa đi ăn uống, mua sách, xem phim… là xong. Bây giờ, không nghe, cũng chẳng có màn ăn uống, huống chi là đi xem phim, mua sách. Những mong bớt hành động thì mồm miệng bớt chân tay… chỉ hão huyền! Rốt cuộc vẫn là điệp khúc “chuyện thường ngày ở huyện chứ có gì đâu”, rồi coi như mọi người xung quanh là vô hình, lão cắm mắt vào trận tennis trên tivi. Vừa đúng lúc con bé lớn gọi ơi ới nhờ mẹ kiểm tra bài học thuộc lòng môn Lịch sử, thế là “nương nương” chẳng có thời gian đâu mà cằn nhằn.
Đấy, tâm sự chuyện con cái cũng chẳng có gì khá khẩm hơn. Nghe nhắc đến việc hụt hơi tìm trường chính quy, lớp phụ đạo, tất bật lo chế độ dinh dưỡng cho chúng nó, lão nói nhẹ như lông hồng: Tiền đây vẫn nộp đều hàng tháng cứ lấy ra mà chi, có gì đâu mà phải “bóng bàn” nhiều! Con là con chung, là con của cả lão ấy, nhưng xem ra “sự nghiệp trồng người” cũng chỉ nhằm tránh được điều tiếng “con hư tại mẹ” thôi. Ừ, con mình đẻ ra thì mình lo hết, có lão ấy san sẻ cho phần nào là mừng lắm rồi. Nói đoạn, lão ấy nghe điện thoại rồi đi ngay vì “cuộc nhậu quan trọng”, còn “nương nương” chẳng kịp có thêm thái độ gì với cái bản mặt dửng dưng đáng ghét kia.
Nói vậy là cũng biết tự thỏa hiệp mà sống với người chồng như thế, nhưng có phải chỉ những lúc “xì chét” chuyện này chuyện kia mới mong được nghe câu nói ngọt đâu. Tự thỏa hiệp được thì nghĩ hay là mình quan trọng hóa cái chuyện nói ngọt quá, vợ chồng chia sẻ việc này việc kia ổn thỏa là hạnh phúc rồi. Song, đã là đàn bà, không tránh khỏi cái nhu cầu “yêu bằng tai” mới mệt chứ.
Ừ thì chấp nhận là hôn nhân khác thời yêu đương, khác xa. Nhưng nào có ai ngờ rằng, cũng là bó hoa, là món quà vào ngày ấy, ngày nọ, mà hồi trước cảm giác nhận được nó thật đê mê, hạnh phúc hơn nhiều. Cưới nhau rồi, lão ấy đem những cái đấy về nhà như là miễn cưỡng, là cho xong thì phải! Thế rồi lại còn thưa thớt dần, có khi phải gợi ý, nhắc nhở chán chê mới nhớ. Thật ra “nương nương” cũng chẳng cần được cưng nựng bằng mấy động tác đấy nữa, nhưng thành ra càng mong người ta… “mồm miệng đỡ chân tay”.
Lục tìm lại những tin nhắn, đoạn chat thuở xưa, mới nhận ra là từ hồi đang “cua” cũng không có lời nào ngọt ngào, chẳng có ý tứ nào lãng mạn. Hóa ra “nương nương” yêu và cưới lão ấy chỉ vì sự quan tâm hàng ngày, những việc làm rất thực tế tự nó đem đến cảm giác gần gũi, yêu thương. Chứ có phải vì những lời lẽ ướt át, lãng mạn đâu!
Thỏa hiệp hay “âm mưu”?
Chẳng trách được lão ấy, non sông khó dời, bản tính khó đổi. “Nương nương” lại tự “bóng bàn” một mình, tự thỏa hiệp với trái tim và với… cái tai. Thôi thì, chẳng có gì mà phải bi quan, cứ nghĩ đấy cũng là cái may cho mình. Lão ấy mà nói năng ngọt như mía lùi thì đi đâu cũng có em nọ em kia bu vào, mệt mình trước chứ mệt ai!
Nghĩ thế, trái tim lại nồng nàn yêu chồng, cái tai lại bình tĩnh, nó không nhao nhao lên đòi nghe chồng nói ngọt nữa. Nhưng mệt thay, cõi lòng không chịu ngủ yên. Trong sâu thẳm, “nương nương” vẫn mong ước một lời nói ngọt lọt đến tận xương cốt, cái mớ xương cốt bắt đầu biết nói chuyện khi người đàn bà đã qua đôi lần sinh đẻ đang chạy marathon trên con đường thời gian. Thỉnh thoảng trong lúc nằm mát xa ở spa, yên tĩnh và thư giãn quá bỗng tơ tưởng đến lúc đêm về vợ chồng ôm nhau thủ thỉ.
“Lão ấy mà nói năng ngọt như mía lùi thì đi đâu cũng có em nọ em kia bu vào, mệt mình trước chứ mệt ai!… Nghĩ thế, trái tim lại nồng nàn yêu chồng, cái tai lại bình tĩnh, nó không nhao nhao lên đòi nghe chồng nói ngọt nữa.”
Chẳng bao giờ! Bấy nhiêu năm yêu đương rồi là chung sống, làm gì có lúc nào lão ấy thủ thỉ những lời ngọt ngào. Rủ xem phim có cảnh thủ thỉ mà lão ấy còn chẳng buồn xem nữa là!
Nói đến phim ảnh thì lại sục sôi nỗi khao khát. Xem phim Before Midnight, chứng kiến cuộc trò chuyện của cặp tình nhân trong phim kéo dài suốt hơn một tiếng đồng hồ, vợ nào mà chẳng mong ước có một anh chồng nói năng được thế. Phim mô tả đời sống đôi lứa của một cặp ngoài bốn mươi tuổi, một hiện thực đặc sắc sau mười tám kể từ lần đầu tiên gặp nhau. Người vợ thèm nghe chồng nói ngọt bèn “âm mưu” lôi kéo chồng xem cùng phim này, hòng mong tạo được… “cảm hứng nói ngọt” cho lão.
Hôm trước đọc tin phim vừa được giải tại một cuộc bình chọn điện ảnh quan trọng của giới phê bình Mỹ, “nương nương” mừng húm. Mào đầu bằng cách giả vờ hỏi về cái loại đồ uống danh giá trong phim kia để lôi kéo sự chú ý của lão ấy. Tiếp theo là rủ “xem phim xem nó thế nào”. Rồi vừa vai kề vai xem phim vừa âu yếm và… dỏng tai chờ đợi.
Mong sao kế hoạch lãng mạn khủng khiếp này thành công vượt khỏi sức tưởng tượng của tất cả đàn ông không nói ngọt trên thế giới này. Nếu không, người đàn bà ngàn năm chờ chồng nói ngọt sẽ lại thao thức cả đêm mà “bóng bàn” với… cái tai mình.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Xem thêm: