Liệu có cần nguyên tắc? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Liệu có cần nguyên tắc?

Nguyên tắc nếu không khéo sử dụng thì nó có thể biến thành thành trì lưới sắt giam hãm và giết chết tình nhân ái. Vậy nên sống là để được tự do và hạnh phúc chứ không phải để nắm giữ hay tôn sùng nguyên tắc. Nhưng, vậy liệu có cần nguyên tắc? Mời bạn đọc xem bài viết về “Nguyên tắc” của tác giả thiền sư Thích Minh Niệm, trích từ sách “Hiểu về trái tim” dành riêng cho tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Sự bảo hộ cần thiết

Trong quá trình tiến hóa, con người đã tìm ra những điều kiện cần thiết giúp cho bản năng được thuần phục. Ta gọi đó là những nguyên tắc sống.

Bản năng của con người luôn hướng tới sự hưởng thụ, yêu thích cảm xúc tốt và tránh né cảm xúc xấu. Nhưng để đạt tới giá trị bình an và hạnh phúc chân thật bền vững thì đôi khi ta phải thực tập buông bỏ những cảm xúc tốt không cần thiết và chấp nhận những cảm xúc xấu cần thiết. Những điều không cần thiết thường được gọi là những điều không nên làm, và những điều cần thiết thường được gọi là những điều nên làm; đó chính là những trải nghiệm quý báu của nhiều thế hệ đi trước. Nếu ta quyết định đi theo những nguyên tắc sống ấy thì tuy ta không được sống theo sự tùy hứng của mình nhưng bù lại ta sẽ đỡ phải mất thêm thời gian và năng lực để thử nghiệm, và nhất là ta không phải trả những cái giá rất đắt. Chính vì thế mà những ai sống theo nguyên tắc chắn chắn sẽ luôn được bảo hộ một cách an toàn để đi tới.SEN 1_resize

Nguyên tắc còn có tác dụng tạo nên sự hòa điệu giữa nhiều cá thể. Vì mỗi người sở hữu một nhận thức và tập quán sống khác nhau, và nhất là tâm tính con người cũng thường xuyên biến đổi, nên cần có những nguyên tắc để quy định mức “cân bằng cảm xúc”. Chỉ cần ta sinh hoạt hay sống chung với một người nữa là phải có những nguyên tắc cần thiết để bên này không vô tình vượt qua ranh giới đã quy định của bên kia. Bên kia dù thân thích hay yêu thương ta tới mức nào thì rốt cuộc họ cũng chẳng phải là ta, họ có những nhu cầu nhất định mà ta bắt buộc phải tôn trọng. Như vậy, số người sinh hoạt chung với nhau càng đông, sự khác biệt giữa nhận thức và tập quán sống càng lớn, thì số lượng các nguyên tắc càng tăng lên và trở thành tiếng nói chuẩn mực của đoàn thể. Có những nguyên tắc được ghi chép và có ngày ban hành hẳn hòi, nhưng cũng có những nguyên tắc “bất thành văn”, vì điều này tùy thuộc vào nhu cầu sinh hoạt của các cá thể và mức độ ý thức tôn trọng nhau. Cho nên nguyên tắc phải thường xuyên thay đổi cho phù hợp với nhận thức không ngừng tiến bộ của con người. Và có thể nói nguyên tắc chính là thước đo kỷ luật sống của con người.

Cuộc sống luôn cần có các nguyên tắc để giúp mỗi cá thể thuần phục bản năng và giúp cho các cá thể sống hòa điệu với nhau. Nhưng nguyên tắc cũng do chính con người đặt ra, nên có những nguyên tắc gần với sự vận hành của vũ trụ và những nguyên tắc sai lầm hoặc chỉ mang giá trị tương đối trong một không gian hay thời gian nhất định.

Thế nhưng có người rất ghét nguyên tắc. Đó là những người sống bằng cảm tính, thích thì làm không thích thì không làm, bất chấp hậu quả. Họ cho rằng nguyên tắc chính là sự ràng buộc, làm mất sự tự nhiên. Người dễ dàng thành đạt bằng sự may mắn hay nhờ tài năng bẩm sinh mà không qua môi trường rèn luyện cũng có xu hướng coi thường nguyên tắc, thậm chí rất dị ứng với nguyên tắc. Ta thấy những người thành đạt, nổi tiếng hoặc có chút ít tài năng thì hay có lối sinh hoạt và giao tế khác thường, thậm chí họ cố tình không đi theo những nguyên tắc chung để tỏ ra mình lập dị. Với họ, làm khác người là một loại đẳng cấp. Cho nên họ luôn trễ hẹn, ăn mặc diêm dúa, phát ngôn trịch thượng hay làm những chuyện mà người khác phải phát hoảng, còn họ thì thấy bình thường hay còn thú vị vì họ nghĩ rằng mình là ngôi sao. Người ta gọi đó là “bệnh ngôi sao”, tức là những người tự cho mình cái quyền vượt qua “quy luật cân bằng cảm xúc” của đại chúng. Tuy họ có khả năng cống hiến cho đại chúng ở một lĩnh vực nào đó, nhưng năng lượng bất mãn của đại chúng sẽ mau chóng tẩy chay họ. Sau này, khi tài năng không còn tỏa sáng nữa thì không gian sinh sống của họ trở nên rất hạn hẹp, và họ cũng không biết làm sao để chung sống hài hòa với mọi người. Đó là cái giá rất đắt của sự phóng túng, vô độ.

Vượt thoát nguyên tắc

Đúng là cuộc sống luôn cần có các nguyên tắc để giúp mỗi cá thể thuần phục bản năng và giúp cho các cá thể sống hòa điệu với nhau. Nhưng nguyên tắc cũng do chính con người đặt ra, nên có những nguyên tắc gần với sự vận hành của vũ trụ và những nguyên tắc sai lầm hoặc chỉ mang giá trị tương đối trong một không gian hay thời gian nhất định. Thí dụ như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là nguyên tắc bắt buộc cho những ai còn dễ bị tập nhiễm bởi môi trường bên ngoài mà chưa làm chủ được bản thân. Nhưng với người đã vững chãi, có thể “hòa nhập” mà không hề “hòa tan”, thì nguyên tắc ấy không còn đúng nữa. Nói đúng hơn, người đã thật sự trưởng thành thì phải vượt khỏi nguyên tắc căn bản ấy, sẵn sàng tiếp xúc với mọi đối tượng hay hoàn cảnh để thực hiện những mục đích to lớn nhằm giúp người giúp đời.

Có một câu chuyện kể rằng: Một chú tiểu nọ xuất gia đã lâu nhưng chưa bỏ được thói ăn cắp vặt. Nhiều lần các huynh đệ trình báo lên sư phụ nhưng vẫn không thấy sư phụ phản ứng gì. Một hôm chú tiểu bị bắt quả tang đang trộm món đồ quý, các huynh đệ liền giải chú đến trước sư phụ và đồng thanh kiến nghị sư phụ phải đuổi chú đi lập tức, nếu không họ sẽ bỏ đi hết. Vị sư phụ trầm ngâm hồi lâu rồi gật đầu bảo: “Các con muốn đi thì cứ đi. Các con đã ý thức và chịu trách nhiệm được mọi hành động của mình thì ở đâu cũng sống được. Riêng chú tiểu này còn dại khờ quá, cần phải ở lại với ta để được tu tập thêm”. Mọi người đều bàng hoàng trước lời tuyên bố của sư phụ. Nhiều người ấm ức cho rằng đó là hành động bao che quá đáng, một người mà đánh đổi với cả tập thể. Nhưng tĩnh tâm lại và nghiền ngẫm kỹ thì ai cũng nhận ra tấm lòng bao la của sư phụ mình. Tu viện vốn là nơi để người ta cải tà quy chánh, chuyển hóa tệ lậu trở thành tốt đẹp, chứ không phải là trung tâm tuyển chọn những con người vốn đã được thanh cao. Bản chất giới luật là để nhắc nhở và ngăn chặn con người không tiếp tục phát triển tính xấu mà thanh tịnh hóa tâm hồn, chứ không phải là khuôn vàng thước ngọc để tôn thờ hay là bức tường ngăn cách nhau. Nếu ai phạm lỗi cũng đều bị trừng phạt đích đáng thì không có gì là giáo dục hay tu tập chuyển hóa nữa. Thành người tốt là cả quá trình phấn đấu, hẳn nhiên có lúc được lúc không, không thể căn cứ vào lúc chưa phạm lỗi mà cho là tốt hay căn cứ vào lúc phạm tội mà cho là xấu. Chuyển hóa thật sự cái xấu mới là cốt lõi của sự tu tập.

Dĩ nhiên, khi một người vi phạm luật lệ thì tập thể có quyền quyết định không cho họ ở lại. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại vì ta không đủ sức để giúp đỡ họ, hay tại vì ta sợ mình làm sai luật lệ? Đúng là luật lệ khi đã ban hành thì phải được tôn trọng đúng mức, nhưng nếu ta dùng luật lệ để làm thước đo trình độ hiểu biết và thương yêu của con người thì chẳng phải oan ức lắm sao? Luật lệ chỉ phản ánh hiện tượng, còn sự hiểu biết và thương yêu thì có thể chạm tới bản thể của con người. Ta biết rất rõ ranh giới giữa tốt – xấu hay thiện – ác có khi chỉ cách nhau trong đường tơ sợi tóc. Người kia hôm qua là bồ tát nhưng hôm nay có thể trở thành dạ xoa. Và ngày mai họ có thể trở thành bồ tát trở lại hay mãi mãi làm dạ xoa là còn tùy thuộc vào sự nâng đỡ của những người có hiểu biết và tình thương. Đây là một bài toán rất khó, một bên lý một bên tình. Thực tế không phải lúc nào ta cũng may mắn giải quyết vấn đề vừa thấu tình vừa đạt lý, nhưng ít ra ta phải có chủ trương và hết lòng xét cả hai mặt. Nếu ta thấy mình bắt buộc phải chọn lý để bảo vệ đoàn thể thì ta đành phải mất tình với người kia. Tuy không có sai, nhưng ta đã thất bại. Một người không thể ôm ấp được lỗi lầm của một người đã là thất bại rồi, huống hồ chi cả đoàn thể mấy chục người. Tại sao đoàn thể không can đảm vượt qua nguyên tắc hay luật lệ một lần để cùng nhau nâng đỡ người ấy, cho họ một con đường thoát, và cùng nhau chịu hết trách nhiệm cho sự linh động ấy?

Nếu ta nói rằng ở đây chỉ có nguyên tắc và luật lệ, có công thì thưởng có tội thì trừng, thì tuy ta bảo vệ được vài quyền lợi trong nhất thời, nhưng vô tình ta đã đẩy mức chấp nhận và bao dung của mình xuống bậc rất thấp, và nếu để lâu thì nó có thể trở thành mặc định, chai cứng. Đành rằng trong chiến trường hay thương trường thì bắt buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc hay luật lệ, nhưng cuộc sống đâu chỉ có chiến trường với thương trường. Sử dụng nguyên tắc hay luật lệ một cách cứng nhắc, vô cảm, thì đó chỉ là thái độ bảo vệ sự yếu đuối, cố chấp và hờ hững vô tâm của ta mà thôi. Ta đã từng chứng kiến có những bậc sinh thành không dám tha thứ cho con mình chỉ vì sợ mang tiếng giáo dục không nghiêm, nhiều bậc thầy tâm linh đã lạnh lùng quay mặt trước sự sám hối chân thành của học trò chỉ vì sợ bị chê là thiếu kỷ cương nề nếp. Họ đã bám chặt vào nguyên tắc để che đậy trái tim thiếu độ lượng của mình mà lại tưởng là mình đang bảo vệ chân lý. Cho nên nguyên tắc nếu không khéo sử dụng thì nó có thể biến thành thành trì lưới sắt giam hãm và giết chết tình nhân ái.

Vậy nên sống là để được tự do và hạnh phúc chứ không phải để nắm giữ hay tôn sùng nguyên tắc. Nhưng nếu ta thấy mình yếu kém thì phải chấp nhận nương tựa và tôn trọng nguyên tắc để sớm trưởng thành. Còn khi ta đã làm chủ được những cảm xúc hay phiền não căn bản thì ta có thể sống ung dung tự tại và sẵn sàng chịu hết trách nhiệm về mọi hành động của mình. Tuy nhiên, ta cũng cần kiểm chứng trình độ của mình dưới sự soi sáng của đại chúng hay ít nhất là của những người thân sống bên cạnh. Coi chừng ta đang lầm tưởng giữa nhu cầu sống phóng túng với tinh thần sống vượt thoát nguyên tắc. Nếu ta thật sự đã vững chãi thì nguyên tắc hay không nguyên tắc đều không gây phiền phức hay trở ngại cho ta, ta có thể thích nghi với mọi đối tượng và hoàn cảnh. Bởi ta không còn nhu cầu phải bám víu quá nhiều ở điều kiện bên ngoài, ta đã tìm thấy sức mạnh trong chính ta. Cho nên tuy giữ nguyên tắc mà như không giữ nguyên tắc, vì ta muốn làm gương hay nhắc nhở kẻ khác chứ riêng ta đã vượt thoát nguyên tắc ấy; và tuy không giữ nguyên tắc mà như giữ nguyên tắc, vì ta muốn bỏ cái tương đối để đạt tới tuyệt đối.

Đừng xây dựng nguyên tắc
Như thành lũy kiên trì
Giam hãm lòng từ ái
Đúng sai có được gì?

Tác giả: MINH NIỆM (trích sách “Hiểu về trái tim”)
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

>>> Lung lay giá trị thành tín
>>> Thói quen theo dòng chảy

 

 

Comment