Luôn xem mình là người phụ nữ có máu nghệ sĩ, yêu cái đẹp và muốn làm được điều mình đam mê, và “nữ thủ lĩnh” gạo cội Nguyễn Thị Tuyết Mai đã chọn nghiệp kinh doanh hầu thoát khỏi sự gò bó dù đó là sự gò bó êm ái với vị trí vạn người mong để tự làm việc cho chính mình…
Khó thì gỡ từ từ…
Rời quê hương từ năm 1961 để sang Mỹ du học khi mới 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp, bà quyết định làm việc cho một công ty Mỹ đặt tại Pháp. Với bà, đó là một trải nghiệm đầy may mắn khi được làm việc tại quốc gia luôn được xem là trung tâm của châu Âu lúc bấy giờ. May mắn hơn, trong quãng thời gian quan trọng nhất của đời người, giai đoạn giúp hình thành thế giới quan và phương châm sống – lứa tuổi chuyển từ thiếu niên lên trưởng thành – bà đã được tiếp xúc với những nền văn hóa đặc biệt đồng thời, được học tập và làm việc trong môi trường kinh tế đang rất phát triển. Cơ hội được đi đây đó đã giúp bà quan sát và học hỏi được nhiều điều thú vị. Bà thích không khí hiện đại nhưng phảng phất nét cổ kính của Pháp và châu Âu. Ở đó, những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa và giá trị lịch sử luôn được trân trọng và điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến tính cách của bà: “Môi trường sống và làm việc tại châu Âu khiến tư duy mình cởi mở hơn, táo bạo hơn, luôn luôn vận động và tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ tuy nhiên vẫn dành chỗ cho những giá trị lịch sử, văn hóa, nền tảng hay những ký ức xưa cũ…”, bà chia sẻ.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Đến khoảng năm 1980, bà quyết định thôi việc để tự làm cho chính mình. Bằng sự nhạy bén và tầm nhìn xa, bà nhận định rằng trung tâm kinh tế sẽ sớm dịch chuyển và châu Á mới là khu vực phát triển sôi động trong tương lai khi các nền kinh tế khác bắt đầu bão hòa. Với việc mở công ty riêng tại Singapore, sau đó là Trung Quốc, bà vẫn tiếp tục lĩnh vực mình theo đuổi là sản xuất thiết bị và linh kiện phục vụ ngành hàng không đồng thời vẫn giữ được mối quan hệ hợp tác với công ty cũ, điều đó mang đến thành công và đưa bà đến quyết định quan trọng: trở về quê hương Việt Nam!
Chính thức trở về Việt Nam từ đầu thập niên 90, thế kỷ trước với bà khó khăn không phải là thích nghi với môi trường kinh tế đang trong giai đoạn mở cửa, tìm kiếm đối tác để đầu tư hay xây dựng nhà máy… Việc đầu tiên khó nhất nhưng cũng hạnh phúc nhất với bà khi đặt chân về nước chính là ôn lại tiếng mẹ đẻ. Thứ tiếng thân thương nhưng xa vắng từ lâu sau gần 30 năm xa xứ. “Có những từ ngữ mình dùng đã trở nên “lỗi thời” với chính người dân xứ mình, tôi phải tập tiếp xúc và diễn đạt sao cho người khác có thể hiểu mình. Còn về kinh doanh, thực sự mỗi môi trường đều có những đặc điểm khác nhau và nơi nào cũng tiềm ẩn khó khăn hay nguy cơ rủi ro nhưng tôi không lo lắng. Khó thì gỡ từ từ, phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn tháo gỡ rồi mọi thứ sẽ ổn và ngày mai, chắc chắn sẽ tốt hơn hôm qua”, bà chia sẻ.
Vẫn trung thành với lĩnh vực sản xuất phục vụ ngành hàng không, bởi bà luôn tin rằng vận tải hàng không là xu thế tất yếu và nó chỉ có thể phát triển mạnh hơn, đòi hỏi ngày càng tối tân hơn mà thôi. Khi được hỏi, liệu với những yêu cầu cao của ngành này, bà có lo nguồn lao động trong nước lúc ấy không thể đáp ứng tốt không?… Bà tỏ ra rất am tường và tin tưởng: “Khi thị trường lao động ở các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến phát triển lên đến đỉnh cao, chắc chắn việc sản xuất những thiết bị đơn giản hơn sẽ được chuyển cho thị trường lao động khác mà châu Á lúc này đang rất tiềm năng. Đặc biệt, người Việt rất ham học hỏi và nền giáo dục nước ta cũng thuộc hàng “top”. Do đó, về nước làm việc khiến tôi rất hào hứng, nhất là thái độ làm việc nghiêm túc, sự gắn bó trung thành và khao khát học hỏi để tiến thân của họ. Tôi có những nhân viên đã gắn bó từ những ngày đầu và cho đến nay, tôi vẫn luôn giúp họ có thể phát triển bản thân và có được sự đãi ngộ tốt để yên tâm cống hiến…”.
Bình an là mong mỏi đầu tiên và cuối cùng
Cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ, bà đã bắt đầu như vậy khi nói về những khu nghỉ dưỡng Bình An do chính mình gầy dựng: “Ngày quyết định về nước, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình sẽ tiếp tục làm việc và “nghỉ hưu” ở quê hương, chỉ thế thôi. Nhưng rồi có những sự tình cờ và cũng là duyên may đưa tôi đến với dự án Bình An Vũng Tàu, Bình An Saigon và sau này là Bình An Đà Lạt”.
Cuộc sống không thể chỉ có phép cộng mà còn có cả phép trừ. Hãy làm điều mình đam mê nhưng vừa sức, có kế hoạch rõ ràng và nắm chắc khả năng biến chuyển nó.
Nếu từng có cơ hội ghé thăm những khu nhà nghỉ dưỡng đặc biệt này, hẳn ai cũng phải đồng ý rằng chúng đặc biệt ngay từ cái tên đến từng nét kiến trúc hay từng món đồ trang trí tinh tế… Bà cho biết: “Tôi chọn cái tên Bình An bởi đó là mong muốn đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay Hà Nội và giờ đây đó vẫn là mong ước lớn nhất. Tôi mong cuộc sống này bình an với tất cả mọi người”. Sở dĩ, từng căn nhà ở Bình An trở nên đặc biệt bởi chúng tái hiện gần như nguyên vẹn hình ảnh những ngôi nhà cổ trong những ký ức của cô bé Tuyết Mai ngày nào. “Việt Nam trong ký ức tôi ngày ra đi là những kỷ niệm thời thơ bé rất êm đẹp, là những chuyến du lịch vui vẻ cùng gia đình, là nếp sống quen thuộc và bình dị của người dân. Ngày trở về, ký ức ấy vẫn vẹn nguyên như thế. Và, tôi đã rất ngạc nhiên trước sự đổi thay của quê hương mình, bên cạnh sự hiện đại và mới mẻ là việc đánh mất dần những nét mộc mạc quý giá theo tôi rất đáng gìn giữ. Giữ để làm gì? Giữ để biết giá trị của nó, để những lớp người đi trước có nơi để hồi tưởng ký ức, để lớp người đi sau có thể biết thêm về nơi mình sinh ra…”.
Những kỷ niệm xưa về ngôi nhà gỗ ba gian, những đồ vật quen thuộc một thời đã thôi thúc bà phải làm điều gì đó. Phải tìm cách giữ lại những gì quý báu – những giá trị còn mãi với thời gian – để rồi tập hợp lại trong một không gian mới, trang trọng, tiện nghi mà mộc mạc và gần gũi. Bà cùng với nhóm của mình không ngần ngại thăm hỏi khắp nơi, lặn lội về những miền quê tìm mua từng khung nhà gỗ, bắt tay phục dựng gần như nguyên vẹn những ngôi nhà cổ ở những nơi thời bấy giờ người ta vẫn bảo “khỉ ho cò gáy”. Nhưng thời gian đã chứng minh, người ta bắt đầu truyền tai nhau về những công trình nghỉ dưỡng đó, khao khát tìm đến để chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Với những thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ, cứ tưởng bà sẽ “nghỉ hưu” và chọn kế an nhàn nhưng lại một lần nữa bà gây bất ngờ với dự án mới – Làng Bình An Đà Lạt.
Nằm bên bờ hồ Tuyền Lâm phẳng lặng, nép mình dưới rừng thông thơ mộng… bà đã dựng nên một “ngôi làng” mà ở đó những nóc nhà rông – một trong những nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên – ngày ngày ẩn hiện trong sương. “Tuy không sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt nhưng đây lại là mảnh đất tôi chọn để kiến thiết công trình mơ ước của mình bởi nó nhắc tôi nhớ về những chuyến nghỉ hè cùng gia đình ngày còn bé. Khung cảnh nên thơ của Đà Lạt cũng khiến tôi liên tưởng đến đất Pháp lãng mạn và cổ kính, nơi tôi từng làm việc và sinh sống. Tôi đã mang tất cả những điều đó, gói gém vào từng ngôi nhà của Bình An Đà Lạt”, bà thổ lộ.
Khoảng 8 năm về trước, việc đi lại còn nhiều khó khăn, điện nước phục vụ sinh hoạt vẫn chưa hoàn thiện, khỏi phải nói bà đã chọn việc khó thế nào. Bà phải tự mình tuyển chọn từng loài hoa về ươm trồng, chọn mẫu thiết kế ưng ý hay những món nội thất cho mỗi phong cách thiết kế khác nhau… Mất biết bao thời gian và công sức, bà mới có thể dựng nên một ngôi làng nên thơ, cổ điển nhưng vô cùng tiện nghi như thế giữa xứ ngàn thông. Thế nên, cũng dễ hiểu khi bà khẳng định chắc nịch: “Đây sẽ là công trình vượt thời gian và càng ngày càng phát huy giá trị nhất là về mặt thiết kế, kiến trúc”.
Cuộc sống không chỉ có phép cộng
Làm nghề phục vụ, nếu nói rằng làm sao để “vui lòng khách đến, hài lòng khách đi” cho 100% khách hàng là điều không có thực. Tuy nhiên, bà luôn tin ở đội ngũ của mình, bà hiểu họ đã phải vượt qua những khó khăn thế nào khi chọn về với mình, phải tự nỗ lực ra sao để có thể nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và hiểu đúng định hướng của doanh nghiệp. Với bà, ngoài sự chuyên nghiệp và đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo, mỗi nhân viên phải giữ được cá tính riêng mang dấu ấn cá nhân của mình, đó mới là điều làm nên sự khác biệt.
For english version, please click here! |
Với đội ngũ quản lý, bà luôn nhấn mạnh là một người lãnh đạo, trước tiên cần có sự chuyên nghiệp và một khi đã chọn họ thay mình quản lý con người, hoạch định kinh doanh, phải đặt niềm tin ở họ. “Kinh doanh không phải ai cũng có thể làm được, cũng một ngàn đồng nhưng có người chỉ muốn gửi vào ngân hàng lấy lãi cho ít rủi ro, nhưng có người dùng một ngàn đó thuê miếng đất, xây nhà máy… vừa làm giàu cho bản thân, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Tôi nghĩ, nó phụ thuộc vào cách nhìn cuộc sống của mỗi người. Có người từng hỏi tôi, ở độ tuổi này sao không nghỉ ngơi mà còn tiếp tục dự án Bình An Đà Lạt. Tôi làm vì muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp hơn cho nhiều người khác, có cái để lại cho thế hệ sau. Và hơn hết, đó có lẽ là định mệnh của tôi. Tôi thích thú cuộc sống hiện tại, 71 tuổi và mỗi ngày đều không ngừng suy nghĩ làm những điều tốt hơn, đẹp hơn”, bà cho biết.
Vẫn với sự minh mẫn và nhạy bén thường trực, bà chia sẻ thêm: “Việt Nam phát triển rất nhanh, các doanh nhân trẻ ngày càng nhiều, nếu đã chọn kinh doanh hãy luôn sẵn sàng cho thất bại và rủi ro bởi đó là những bài học có trả giá nhưng rất bổ ích. Cuộc sống không thể chỉ có phép cộng mà còn có cả phép trừ. Hãy làm điều mình đam mê nhưng vừa sức, có kế hoạch rõ ràng và nắm chắc khả năng biến chuyển nó. Lợi nhuận là điều sống còn, tuy nhiên làm ra lợi nhuận bằng cách nào và ngoài lợi nhuận, liệu có thể tạo nên những giá trị gì khác nữa, đó mới là điều quan trọng”.
Text: Thanh Xuân – Creative Director: Hiepleduc – Photo: Vinh VLK – Make up: Beo
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm:
>>> GĐ Nhà hàng Khoái, Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Vươn ra biển lớn
>>> Hoa hậu Thành đạt, Tiến sĩ. Di Ái Hồng Sâm: Cuộc sống là cho đi