“Mẹ chồng thương thì thương, nhưng khi có chuyện thì họ vẫn bênh vực họ thôi”, bạn chị quả quyết nhưng chị không nghe vì mẹ chồng rất thương chị, không hà khắc, không xét nét. Khi vợ chồng tranh cãi, mẹ chồng luôn bênh vực chị, vậy mà…
Mẹ chồng là chỗ dựa
Ngày lên xe hoa, gia đình chị luôn đau đáu: “từ nhỏ nó không phải động tay, động chân bất cứ việc gì, chỉ lo ăn học, giờ đi làm dâu người ta…” bỏ lửng câu nói là tiếng thở dài của mẹ. Ba mươi tuổi, số lần chị nấu được nồi cơm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ra trường xuống thành phố làm việc, chị quen với cơm bụi, quán xá. Cuộc sống là thế cho đến khi chị lấy chồng.
Với tính cách thích tự do, chị luôn nghĩ rằng cưới xong sẽ ở riêng, không chung đụng, không phục vụ ai, hoặc bất đắc dĩ phải ở chung, phải làm dâu, thì chị phải được thương yêu, cưng chiều, và đặc biệt là … không phải làm việc nhà nhiều. Nhưng tất cả những suy nghĩ ngạo mạn ấy hoàn toàn bị đảo lộn khi chị bước qua ngưỡng cửa nhà chồng. Chị thật sự “cảm” được tình thương của gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Trong khi bạn bè than phiền mẹ chồng thế này, mẹ chồng thế nọ… còn chị, nhiều lần tự hỏi, tại sao mẹ chồng lại quá tốt với mình, bà không khó tính, không xét nét như các bà mẹ chồng chị từng tưởng tượng. Chị đâu biết ton hót nịnh nọt, cũng không phải tuýp phụ nữ đảm đang dịu dàng, chị không cần phải cố gắng sống sao để mẹ chồng thương, mà bình thường là chính con người chị. Tình cảm rất đỗi tự nhiên của mẹ chồng khiến chị thật sự cảm động và ấm áp. Hai từ “mẹ chồng” đối với chị lúc ấy thật thân thương và trìu mến.
Được sự yêu thương của mẹ chồng là vậy, nhưng sau đám cưới, chị lại ngỡ ngàng trước lối sống của chồng. Chị sợ không khí chỉ có 2 vợ chồng. Nhiều đêm liền nằm nhìn trần nhà, liếc nhìn chồng mắt không rời khỏi màn hình chơi game. Còn đâu một người từng yêu thương, lo lắng, quan tâm và rất mực chiều chuộng chị. Chị thấy cô đơn và tự hỏi trong nước mắt, vợ chồng là như vậy sao? Rất lâu sau này chị mới nhận ra, nếu lúc ấy, mẹ chồng không hiểu để động viên an ủi chị, có lẽ cuộc hôn nhân đã không kéo dài đến hơn năm rưỡi.
Ngày sinh con trong niềm vui của gia đình nội ngoại, nhìn đứa con bé xíu, lành lặn, lần đầu tiên chị thấy mình thật tuyệt vời, sự kỳ diệu của tạo hóa đã ban cho chị một sinh linh đáng yêu, bụ bẫm để ngắm nghía, yêu thương. Sáu tháng ở nhà chăm con cũng với sự hỗ trợ của mẹ chồng, chị thầm cảm ơn ông trời đã ưu ái chị, mẹ chồng với chị là người mẹ thứ hai. Nhưng cũng chính người mẹ thứ hai này đã khiến chị sụp đổ hoàn toàn!
Vì đâu nên nỗi
Khi con tròn 6 tháng, chị gửi con ở nhà trẻ để trở lại với công việc và khó khăn liền ập tới. Công việc thất sủng. Đây là vấn đề khá phổ biến của phụ nữ sau sinh. Nó khiến chị lo lắng, vì chị là lao động chính trong nhà. Tuy chồng có việc nhưng thu nhập lại không đủ cho chính anh chi tiêu huống hồ lại có con. Quay quắt nhưng không dám tâm sự cùng chồng phần sợ anh tự ái và vì chị không muốn vì tiền bạc mà mâu thuẫn. Rồi một người bạn ngỏ ý giúp chị một vị trí khá tốt để có thể tự kinh doanh, chị định mở quán cafe. Điều chị đã ấp ủ từ rất lâu. Vì chưa từng kinh doanh riêng nên chị nghĩ cần tham khảo ý kiến ba chồng, vì dù sao ông cũng nhiều kinh nghiệm và từng trải. Đúng như ý nguyện, ngoài việc tư vấn kiến thức, thông tin, ba chồng còn hứa giúp nếu chị thiếu vốn. Ngoài sức tưởng tượng, chị như mở cờ trong bụng và vội bàn bạc ngay với chồng.
Thế nhưng, sáng hôm sau khi chuẩn bị đi làm, vừa mở cửa phòng, chị nghe tiếng mẹ chồng oang oang với chồng chị ở phòng dưới: “Nó muốn làm gì kệ nó, ngày xưa tao mở quán rồi tao biết hết, lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ” Tai chị như ù đi, chân tay bủn rủn… chị đứng lặng im. Khi đã trấn tĩnh chị lầm lũi đi làm như mọi khi. Lòng chị ngổn ngang. Người mẹ chồng vẫn tươi cười đon đả là người vừa thốt ra những lời ấy, chị có nghe nhầm không?
Ly hôn là giải thoát hay đường cùng?
Chị trở nên lặng lẽ. Ý nghĩ kinh doanh tan biến nhưng chị không buồn vì điều đó mà lại khủng hoảng vì lời nói của mẹ chồng. Nằm mơ chị cũng không ngờ nếu không chính tai nghe thấy. Mẹ chồng chị đó sao? Người mà chị rất yêu rất kính đó sao? Vẫn là những câu hỏi không lời đáp. Rồi chị nghĩ đến mẹ, chợt giật mình vì từ khi có thai chị đã không về thăm. Đúng như câu nói của ai đó chị từng nghe, người ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về. Trong bữa cơm, chị xin phép nhà chồng về thăm ngoại. Mẹ chồng chỉ buông một câu: “Muốn đi cứ đi, nhưng nếu về con bé bệnh tao không nuôi”. Hạt cơm trong miệng chị phút chốc đắng nghét…
Những nỗi niềm và sư khó chịu về mẹ chồng cứ hiển hiện giày vò khiến mọi cảm xúc của chị cứ như trơ lỳ đi. Khi nó đã bùng lên, chị thật sự muốn ly hôn, không thể chịu được bà mẹ chồng cay nghiệt, lại càng không thể chấp nhận một người chồng nhu nhược, không bao giờ biết bảo vệ chị. Luôn đứng về phía mẹ dồn chị vào chân tường. Mọi chuyện càng quá sức chịu đựng khi mẹ chồng nói rằng… chị có “ý” với bố chồng. Rằng chị có ý đồ giòm ngó, nhà cửa, tài sản của bà, lấy con trai bà vì… cái hộ khẩu thành phố. Ngẫm lại, cũng là lỗi của chị, anh là con trai một, gia thế lại khá giả hơn gia đình chị. Chị cười chua chát … Lần đâu tiên chị nghĩ, “nghèo hơn người ta”… cũng là một cái tội. Có lẽ thế!
Và điều gì đến cũng phải đến, mẹ chồng nhân một dịp vợ chồng chị mâu thuẫn đã yêu cầu chị… ra khỏi nhà vì cho rằng vợ chồng chị không hợp, không thể sống chung cả đời… Chị ra đi không chút tiếc nuối.
Ly hôn khi con mới 7 tháng tuổi, đối diện với trăm ngàn khó khăn, nhưng tâm trạng chị lại rất nhẹ nhàng, thoải mái. Nhìn chị, ai cũng nghĩ chị hạnh phúc, gia đình viên mãn… nhưng riêng chị đã nghiệm ra rằng, ly hôn, không phải lúc nào cũng nhuộm màu đau khổ. Đôi khi đó là sự giải thoát. Nghĩ đến đó, chị thầm cảm ơn mẹ chồng đã giúp chị bước sang một trang mới vui tươi và nhiều hi vọng hơn.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: