Bỏ học để đi làm hay “vào đời sớm” gần như là khái niệm mặc nhiên dành cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, không khỏi ngạc nhiên khi trong những gia đình kinh tế khá giả, giàu có, một ngày đẹp trời, con bỗng dưng tuyên bố chắc nịch: sẽ tạm ngưng việc học để… kiếm tiền!
Nhiều bậc phụ huynh đã “đứng hình” trước những quyết định như vậy của con, và đã gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục con tiếp tục sự nghiệp học hành. Chị Thanh An kể: Tôi không thể tưởng tượng nổi, một ngày đẹp trời, nó tuyên bố “Con tạm nghỉ học, vì công việc nhiều quá!”. Tôi “ngạc nhiên tập hai” khi biết lý do của chuyện này là nó đã hùn hạp mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm hand-made… trên mạng hơn một năm nay. Gia đình cũng biết là con có tham gia mấy việc nho nhỏ gì đó với các bạn, và ba nó đã ủng hộ bằng việc tán thành chuyện tập tành kinh doanh của con và còn cho nó ít tiền để “góp vốn ban đầu” nữa. Nhưng bây giờ ổng cũng sốc luôn với chuyện con trai mình nhất quyết đòi nghỉ học để “làm ăn”, khi mà còn một năm nữa phải thi tốt nghiệp… trung học phổ thông.
XUNG ĐỘT PHÁT SINH
Từ hôm Nhất Hải, con trai chị An tuyên bố quyết định đó, cả nhà rơi vào tình trạng căng thẳng. Đầu tiên là xung đột giữa Hải với ba mẹ. Không căng thẳng sao được khi mà ba mẹ hoàn toàn không đồng ý với Hải, nên đã dùng mọi lý lẽ và biện pháp để tác động cho con thay đổi quyết định. Quan điểm của phụ huynh là: Gia đình có khó khăn gì đâu, cái phòng khám nha khoa hoành tráng của mẹ và vị trí của ba ở công ty không nuôi nổi cho con một cuộc sống sung sướng hay sao; Con người ta làm cha mẹ mát mặt khi học hành giỏi giang, bằng cấp này nọ, con mình lại chạy tung tăng ngoài đường để giao hàng kiếm từng đồng bạc lẻ… Trong khi Hải lại lý sự: Về lý thuyết, trước giờ ba mẹ vẫn dạy con là “Học mọi lúc mọi nơi” mà, vậy con đi làm cũng là một cách học thôi, còn về thực tế thì, ai cũng biết Bill Gates đã từng bỏ học từ năm nhất đại học đó! Ba mẹ cũng thấy là đâu phải ai học nhiều cũng thành đạt hết đâu…!Xung đột phát sinh kế tiếp là giữa ba và mẹ của Hải: Bà là mẹ mà chỉ mải lo làm không biết dạy dỗ uốn nắn con từ đầu, không quan tâm định hướng chuyện học hành cho con. Mẹ lớn tiếng bắt bẻ lại ba: Ông cũng hơn gì tôi, mà lỗi lớn hơn là từ ông chứ, vì ông từ đầu ủng hộ nó, rồi lại còn cho nó tiền liền liền đó thôi!
Châm thêm dầu vô chảo lửa là chị Hai của Hải, con gái cưng của ba mẹ, từng học trường chuyên lớp chọn, vẫn đang chăm chỉ học thạc sĩ bên Đức khi cô nàng gọi về để… bênh vực em trai: Ba mẹ cứ để cho em phát huy tối đa đi, chứ đừng gò bó ép uổng chuyện học hành của nó nữa, một mình con gánh chuyện đi học cho ba mẹ hãnh diện vậy là đủ rồi!
Ai cũng có lý lẽ của mình, cũng đều nghe có lý, nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn trong gia đình. Ngăn cản hay ủng hộ?
————–
“Uốn nắn nhận thức, thái độ, hành vi của con bằng chính tấm gương của mình: Đúng là không phải ai học cũng sẽ giỏi, nhưng chắc chắn những người không học sẽ không giỏi”
————–
CHIẾN LƯỢC NÀO ĐỂ GIẢI QUYẾT?
Đứng trước chuyện này, các bậc cha mẹ có nhiều “chiến lược” để tham khảo:
- “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Trứng đừng đòi khôn hơn vịt”: Cha mẹ dùng quyền làm cha mẹ, áp lực con về tài chính, kêu gọi những người khác tẩy chay để buộc con tiếp tục đi học.
- “Gió chiều nào, ngả chiều đó”: Mẹ đóng vai trò “trung gian”, nếu ba làm căng thẳng dữ dội, đòi đuổi con ra khỏi nhà chẳng hạn, mẹ sẽ dỗ ngọt con nghe theo ba; Còn nếu con giỏi làm nư, đòi bỏ nhà đi chẳng hạn, mẹ sẽ năn nỉ ba chiều theo con!
- “Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”: Sau khi phản đối, dùng mọi lý lẽ thuyết phục con theo ý mình mà vẫn không hiệu quả, cha mẹ “thôi thì theo ý con”, để ba mẹ hướng dẫn con làm cho thiệt tốt.
- “Mưa dầm thấm đất”: Tìm cách hứa hẹn, thậm chí giả vờ đồng ý với một số điều kiện, để tìm cách… câu giờ. Trong quá trình đó, tác động và nhờ nhiều người tác động để con thay đổi ý định.
- “Phong cách ủy thác”: OK kế họach của con, đề nghị con một mục tiêu cụ thể và yêu cầu trong một thời hạn nhất định nào đó phải thực hiện được mục tiêu đó.
- …
Vậy đâu là chiến lược tối ưu để cha mẹ lựa chọn? Tối ưu hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó đặc biệt là kiểu làm cha mẹ đặc thù của mỗi người và tính cách, khí chất, xu hướng, năng lực của con cái. Và hơn hết, một số kinh nghiệm từ nhiều bậc phụ huynh mà cha mẹ có thể tham khảo:
1. Ngay từ đầu định hướng, trao đổi và thống nhất với con một mục tiêu cụ thể để phấn đấu; và thường xuyên nhắc đến mục tiêu này như một yếu tố kích thích động cơ phấn đấu cho con. Cha mẹ cũng đừng quên nhắc mình câu hỏi: Phải chăng mục tiêu cuối cùng của mình là sự trưởng thành của con cái?!
2. Thường xuyên trao đổi, trò chuyện, giao tiếp, và nhất là lắng nghe con, kịp thời nhận ra những chuyển biến trong nhận thức, xu hướng của con, để biết rõ những khả năng và tính cách của con, từ đó làm công tác tư tuởng, tư vấn cho con một cách phù hợp nhất.
3. Dung hòa quan điểm giữa hai thế hệ, trước hết là thể hiện thái độ chấp nhận quan điểm của con để từ đó đưa ra quan điểm của mình, hướng tới sự thống nhất và chấp nhận nhau. Và có lẽ quan điểm cần phải được thống nhất ở đây là: Thái độ đúng đắn đối với tri thức, kinh nghiệm, bằng cấp, tiền bạc trên con đường hướng đến thành công.
4. Đặt mình vào vị trí của con để hiểu rõ hơn lý do tại sao (mục đích của con, tác động của bạn bè, môi trường học tập có trở ngại …?!), để có thể cho con những lời kh uyên phù hợp.
5. Uốn nắn nhận thức, thái độ, hành vi của con bằng chính tấm gương của mình: Đúng là không phải ai học cũng sẽ giỏi, nhưng chắc chắn những người không học sẽ không giỏi! Và: Chỉ có lao động thực sự mới đem lại thành công, dù là trường học hay trường đời!
6. Hướng dẫn con đưa ra các giải pháp, hướng dẫn con lựa chọn và quyết định, chứ không ra quyết định thay con nhưng cũng không bỏ mặc con trước ngổn ngang các lựa chọn.
7. Phát huy tối đa kinh nghiệm của mình, đồng thời tôn trọng kinh nghiệm và tính sáng tạo của con.
8. Hãy biến những điều kiện thuận lợi đang có thành cơ hội tốt nhất cho con đồng thời chỉ ra những thách thức có thể đang chờ đợi con phía trước từ chính những cơ hội đang có đó.
9. Đừng biến việc định hướng tương lai cho con thành một cuộc chiến trong gia đình. “Dĩ hòa vi quý”, không phải chỉ với đối tác làm ăn, mà cả với con cái. “Đình chiến”, hay “Đàm phán, thương lượng” là những kỹ năng mà các bậc cha mẹ thành đạt có thừa, hãy vận dụng nó một cách phù hợp với con cái trong việc lựa chọn con đường phát triển cho con!
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: