Cho con đi du học có lẽ là mong muốn của mọi gia đình để giúp con mở cánh cửa khám phá tri thức, khám phá thế giới. Nhưng cho con đi du học cũng đồng nghĩa với việc con sẽ phải tự mình trưởng thành, tự mình đối diện với khó khăn, vượt qua những thách thức, cám dỗ và hòa nhập với môi trường mới. Bởi thế, nó cần quá trình chuẩn bị từ tài chính, ngoại ngữ, kiến thức đến kĩ năng sống…
Tuổi nào cho con đi du học là tốt nhất?
Ngày càng nhiều phụ huynh muốn cho con đi du học càng sớm càng tốt để con sớm lĩnh hội được nền giáo dục văn minh. Thậm chí không ít gia đình sẵn sàng cho con đi du học từ cấp 1. Tuy nhiên, ở độ tuổi cấp 1, cấp 2, trẻ vẫn còn non nớt và vì thế rất cần sự theo sát, bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ. Ở lứa tuổi này, bạn cũng nên hết sức cân nhắc khi để trẻ ra khỏi vòng tay mình. Thường thì các bậc phụ huynh đưa ra quyết định khi trẻ học cấp ba và tốt nhất là bậc đại học.
Đảm bảo yếu tố tài chính
Tài chính có lẽ là điều đầu tiên các ông bố bà mẹ lưu tâm cho hành trình du học của trẻ. Để đảm bảo việc học của trẻ không bị gián đoạn dù có chuyện gì xảy ra, tốt hơn hết hãy chuẩn bị sẵn một khoản “dự bị” cho những năm trẻ đi du học. Con số đó là bao nhiêu tùy thuộc vào quyết định bạn chọn môi trường nào, thành phố nào, nước nào để trẻ theo học. Tài chính không phải là yếu tố quyết định trẻ có thành công hay không trên con đường chinh phục tri thức nhưng chắc chắn nó là điều kiện cần.
Hãy cùng con định hướng
Chuẩn bị cho con du học là cả một quá trình. Và không ít các bậc phụ huynh tỉ mỉ đến mức, họ cùng con chuẩn bị cho việc trọng đại đó từ những năm ấu thơ. Bởi một lẽ, mong muốn cho con đi du học chỉ thật sự thành hữu ích khi đó chính là đam mê, khát khao và mục đích vươn tới của trẻ.
Du học luôn đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng, càng sớm càng tốt. Hãy cùng con thảo luận, dẫn dắt và cùng con chuẩn bị tinh thần. Cùng con tìm hiểu chương trình bổ trợ, lựa chọn khóa học, gặp gỡ các trường. Nếu có thể, hãy gặp gỡ các du học sinh để có những chia sẻ và kinh nghiệm từ họ. Đây là cách để trẻ có những hình dung ban đầu về môi trường mình sắp đến, học tập và sinh sống. Phụ huynh hãy luôn là người chủ động nắm bắt thông tin chứ đừng chỉ nghe người này người kia. Thế giới ngày càng phẳng, website của trường cung cấp đủ thứ bạn cần. Còn những ngôi trường mà đến trang web cũng không có thì đừng dại gì gửi con cho họ.
Có một cách để trẻ dần quen với môi trường mà trẻ sắp du học, đấy là cho trẻ làm quen thông qua hình thức trại hè. Đây là một cách để trẻ tiếp cận dần từ những năm trước khi du học để trẻ không bị shock khi chính thức “nhập môn”.
Ngoại ngữ, càng giỏi càng tốt
Ngoại ngữ là một trong những thứ hành trang quan trọng số một. Trẻ sẽ phải học, nghe giảng, làm bài, tiếp xúc hoàn toàn bằng ngôn ngữ mới. Đây là chưa kể đến khối lượng tài liệu mà trẻ sẽ phải đọc, nghiên cứu hàng tuần. Ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn nhất trong năm đầu du học của trẻ. Một khi đã xác định ngôi trường, đất nước trẻ sẽ đi học, hãy để trẻ trau dồi ngôn ngữ học thuật của nước đó càng sớm càng tốt. Nếu phụ huynh có ý định cho con đi du học Mỹ sau tốt nghiệp phổ thông thì tốt nhất nên để trẻ thi và lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT từ năm lớp 10, 11.
Rèn luyện bản lĩnh
Du học vốn không phải là con đường trải thảm đỏ, nó đầy chông gai và nhiều thử thách khi trẻ phải tiếp cận với môi trường mới. Thế nên, quan trọng hơn hết là rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập, bản lĩnh đối phó, đương đầu, giải quyết những khó khăn khi đến môi trường mới.
Khi sống trong môi trường mới, trẻ sẽ phải một mình đương đầu với mọi chuyện. Lúc này, nếu trẻ đã có sẵn tính tự lập, trẻ sẽ giảm hẳn những bỡ ngỡ. Tự biết chăm sóc bản thân, biết đưa ra quyết định, biết xây dựng mối quan hệ, tự biết sắp xếp thời khóa biểu và đặc biệt, kĩ năng quản lý tiền bạc… Tất cả những điều này, bạn cần trang bị cho trẻ càng sớm càng tốt. Hãy để trẻ tự làm mọi việc, chấp nhận ăn những món ăn khi mặn, khi nhạt. Cũng hãy để trẻ tự quản lý tiền bạc một thời gian, giúp trẻ đưa ra kế hoạch tài chính khi ở nước ngoài bằng cách viết tất ra những khoản cần chi và những khoản muốn chi. Hướng dẫn trẻ cách chi tiêu tiền theo từng tuần…
Cho trẻ thường xuyên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và các kì thi cũng là một cách giúp trẻ hoàn thiện kĩ năng mềm và rèn luyện bản lĩnh. Những năng khiếu như đàn, hát, múa ca, chơi bóng… sẽ là những lợi thế khi trẻ tiếp cận với môi trường mới. Trong khi cho trẻ tham gia các kì thi sẽ giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, bình tĩnh, không chủ quan và cả chấp nhận sự thất bại.
_____________
Săn học bổng
Hồ sơ rất quan trọng, cách trẻ xử lý hồ sơ thế nào sẽ là những đánh giá ban đầu. Cách viết những bài luận, khai thông tin vào đơn xin học, kê khai tài chính… là những chi tiết tạo thiện cảm đầu tiên. Nên nhớ, hãy chân thực nhất có thể bởi hàng năm hội đồng xét tuyển đọc rất nhiều hồ sơ, vì thế nếu bạn “đạo” đâu đó thì rất dễ bị phát hiện. Có rất nhiều học sinh không thật sự xuất sắc nhưng biết cách trình bày hồ sơ nên vẫn có được những suất học bổng ở những trường chất lượng cao.
_____________
Lưu ý về hành lý
- Những thứ không có bản quyền như CD, DVD, phần mềm, hãy bảo con bạn để ở nhà nếu không, rất có thể chúng sẽ gặp rắc rối với hải quan khi họ phát hiện trong hành lý. Hãy sử dụng ổ cứng, USB hoặc đẩy lên điện toán đám mây những thứ cần thiết để “nhẹ” hành lý.
- Laptop, máy ảnh, nếu vẫn dùng tốt thì nên tiết kiệm. Còn nếu không, hãy mua khi đến trường.
_____________
Mẹo khi phỏng vấn
- Giúp con bạn giữ tâm trạng thật thoải mái, xem đó như buổi đối thoại thay vì một buổi kiểm tra.
- Tác phong rất quan trọng: hãy đến đúng giờ, chọn trang phục khiến mình tự tin nhưng không gây phản cảm với mọi trường, nên tránh áo phông, quần jeans.
- Tạo ấn tượng bằng những cái bắt tay, giới thiệu bản thân, giao tiếp bằng ngôn ngữ, ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể.
- Nên trả lời ngắn ngọn nhưng đủ ý các câu hỏi của người phỏng vấn. Nếu muốn biết thêm thông tin, họ sẽ tự hỏi.
- Hãy chuẩn bị những câu hỏi để “hỏi ngược” trong buổi phóng vấn, đây là cách con bạn thể hiện sự quan tâm đến chương trình và nơi chúng sẽ theo học.
- Hãy chân thực và đừng ngần ngại những câu trả lời “Tôi không biết” hay đặt ra những câu hỏi.
- Đừng quên nói lời cảm ơn khi kết thúc buổi phỏng vấn.
Bài viết & hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Có thể bạn quan tâm: