Bà nội trợ uy quyền - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Bà nội trợ uy quyền

Quả là niềm hạnh phúc lớn lao khi trở thành “mama đại tổng quản” đầy quyền uy trong một gia đình yên ấm, nơi mà mọi thành viên đều tự hào, trân trọng nếp nhà. Vì dù có ít hay nhiều việc để làm ngoài xã hội, mỗi ngày người phụ nữ đều phải đảm trách vai trò một bà nội trợ cần mẫn xây dựng tổ ấm của chính mình.

Gào thét hay càu nhàu, dọa nạt để cảnh cáo hay dằn dỗi để trừng phạt… chỉ ôm mệt vào thân, tiêu tốn năng lượng cảm xúc một cách vô ích. Đã thế còn mang tiếng là nói lắm, là khó tính, dần dần nói gì chẳng ai thèm ghi nhớ, phải nghe toàn những lời xin lỗi kiểu đối phó hay hứa lèo cho xong. Hẳn là chẳng có bà chủ gia đình nào muốn bị rơi vào hoàn cảnh này.

Sai lầm của nhiều người là quá trông chờ vào sự tự giác của chồng con, thậm chí nuông chiều đến nỗi dễ dàng bỏ qua những việc làm và thói quen không tốt của họ. Hậu quả là rát cổ bỏng họng nhắc nhở mãi mà đâu vẫn vào đấy, chồng vẫn vứt đồ đạc lung tung trong nhà tắm, con vẫn quăng đồ chơi bừa bãi khắp các phòng, ngày nào nhà cửa cũng bừa bộn. Hao tổn sức lực chưa đủ, có chị em nhiều năm phải chịu tổn thương cảm xúc vì sự vô tâm của chồng con.NDN_Ba noi tro uy quyen_01

Đối với các bà nội trợ, thiết lập “house rules” – tạm dịch là “luật nhà” – trở thành cách tốt nhất để quản lý gia đình, tránh mất quá nhiều năng lượng cho những căng thẳng không đáng có giữa các thành viên nhà mình. Điều đó còn tạo được hiệu quả lâu dài trong việc xây dựng nhân cách của trẻ em. Chẳng hạn, việc tuân thủ nghiêm túc “luật nhà” sẽ tạo cho trẻ tính kỷ luật cao.

Đề ra luật lệ trong nhà cũng thể hiện “uy quyền” của bà nội trợ, không nên đánh mất đặc quyền này. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là quan điểm luôn đúng từ xưa đến nay. Chỉ cần nhớ thêm một điều, bà chủ tổ ấm cũng nên đưa các luật lệ ra bàn bạc kỹ lưỡng trước khi áp dụng để có được sự “cộng tác” hết mình của ông xã.

NDN_Ba noi tro uy quyen_02Sau đây là một số gợi ý để xây dựng kỷ luật “thép” cho gia đình, gồm những “điều luật” được nhiều bà mẹ áp dụng nhất từ trước tới nay.

1 Tất cả mọi người đều có trách nhiệm với ngôi nhà như nhau, bố mẹ cũng như con cái. Ví dụ, đã có luật phải tự xếp giày dép vào tủ khi về đến nhà thì bố cũng như mẹ đều phải thực hiện đầy đủ. Không thể duy trì kỷ luật theo kiểu “Hãy làm theo lời tôi nói chứ đừng nhìn việc tôi làm!”, nên cũng không thể bắt trẻ tự xếp giày dép vào tủ khi bố hay mẹ bỏ bừa ở cửa.

2 Không tự ý dùng đồ đạc của người khác, khi cần thì phải được người đó cho phép. Bố mẹ làm gương, cần đọc quyển sách do người kia mua cũng phải hỏi mượn và sau đó trả về đúng chỗ. Nhờ đó, trẻ con sẽ không tự tiện lấy đồ chơi của bạn. Nếu trẻ học từ bố mẹ cách tôn trọng sự riêng tư và tài sản của người khác thì sau này sẽ không gây rắc rối cho người khác.

3  Không được gào thét, không được bảo người khác “Im mồm!”. Ngoài ra có thể thêm nhiều từ, cụm từ bị cấm nói trong nhà. Điều này giúp tạo ra thói quen ăn nói có văn hóa, hạn chế tính nóng nảy. Vợ chồng với nhau hay bố mẹ với con cái, sẽ không có những lời nói làm tổn thương lẫn nhau.

4  Chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Ví dụ, đến lượt con được phân công lau bàn ghế thì bố không thể làm thay trừ khi có lý do chính đáng, nếu đến lượt mẹ đón con mà nhờ bố đón thay thì mẹ phải xin lỗi và giải thích rõ lý do cho con…

5  Xin lỗi khi làm đau ai hoặc làm tổn hại đồ dùng của người khác. Không cố tình gây ra sự việc thì vẫn phải xin lỗi. Vì đôi khi có những việc không gây hậu quả ghê gớm nhưng thiếu đi lời xin lỗi thì sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài. Lời biện minh cho những cái nhỡ nhàng không thể thay thế lời xin lỗi. Bố mẹ đi lại trong nhà chẳng may va vào nhau cũng nên nói xin lỗi để làm gương cho con cái.

6  Được quyền yêu cầu luật mới. Khi đề ra luật lệ mới, cần có sự bàn bạc trong gia đình. Bà nội trợ nên khuyến khích chồng, con tham gia “làm luật”. Đây là một “chiêu” rất hiệu quả, vừa tránh gây cảm giác chỉ có một mình vợ/mẹ đòi mọi người làm theo ý mình, vừa tạo dựng được sự kết nối thường xuyên, sự cởi mở, tin cậy lẫn nhau trong gia đình.

Sẽ có rất nhiều luật phải đề ra, các luật cũng luôn được thay đổi theo thời gian, khi mà độ tuổi hay công việc của cả bố mẹ và con cái thay đổi. Người vợ, người mẹ ngày càng thể hiện được uy quyền bằng tình yêu thương, bằng quan sát tinh tế, theo dõi sát sao đời sống, sinh hoạt  bên trong tổ ấm yêu thương. Cứ thế, bà nội trợ khéo léo quản lý chồng con trong chiếc “rọ” êm ái của mình…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Đôi quang nặng gánh

Thảnh thơi giữa guồng quay hối hả

 

Comment