Ngoài công việc xã hội, phụ nữ còn phải kiêm nhiệm vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Do đó, dù có mạnh mẽ và đảm đang đến mấy thì họ cũng cần được san sẻ, đồng lòng từ người chồng
Ngày nay, không ít đức lang quân vẫn thực hiện quán triệt tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” và thật sự vô tâm trước suy nghĩ cũng như những – việc – không – tên của vợ trong gia đình. Điều đó khiến nhiều người vợ, cũng tất bật với những chuyện bên ngoài xã hội chẳng kém gì chồng, càng thêm oằn gánh giữa gia đình và công việc.
VỢ CẦN SAN SẺ
Công việc khiến cánh mày râu không tránh khỏi áp lực, huống chi phụ nữ. Bởi thế, dù có tài giỏi, đảm đang, tháo vát đến mấy, người vợ cũng không tránh khỏi cảm giác “đuối” khi phải một thân lo toan công việc, một mình vun vén tổ ấm gia đình. Và thực tế, mấy ai trở về nhà có được sự thoải mái về mặt tinh thần bên cạnh một người chồng vô tâm, chẳng ngó ngàng đến cảm xúc của vợ?! “Giải quyết xong sự cố liên quan đến một dự án, về đến nhà thấy chồng thản nhiên xem chương trình truyền hình yêu thích mặc con trai cắm mặt vào màn hình chơi game khi chưa học và làm bài xong, người tôi cứ như đang… bốc lửa. Biết tính chồng vốn gia trưởng, luôn thờ ơ với những chuyện anh cho là của đàn bà, tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều. Tôi chỉ cần anh để ý chuyện học hành của con giúp tôi trong những hoàn cảnh thế này. Nhưng mỗi lần nghe tôi phàn nàn, anh trả lời rất vô tâm rằng mấy việc vặt ấy cũng làm không xong, khiến tôi uất ức lắm. Nói mãi không được gì, lời qua tiếng lại chỉ khiến vợ chồng thêm căng thẳng, thôi thì đành gắng gượng vậy”, chị Đoàn Thị Tuyết Lan (Giám đốc Tài chính, Công ty Bất động sản S., Q.1, TP.HCM) kể chuyện mình với một nỗi ngao ngán.
Chị Phan Thị Thanh Kiều (Quản lý Truyền thông, Công ty Thời trang T., TP.HCM) tâm sự rằng chị cũng đang rất khổ sở với việc gồng gánh giữa công và tư. “Hai vợ chồng đều bận rộn công việc. Vậy mà về đến nhà, anh chẳng động tay phụ vợ gì cả. Đành rằng, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp đã có người giúp việc theo giờ lo tất. Nhưng những việc sau đó như đón rước, chăm sóc và dạy học cho con đều một tay tôi làm cả. Chỉ khi tôi yêu cầu gay gắt, anh mới phụ giúp, nhưng chẳng đâu vào đâu, khiến mình càng thêm bực bội. Mới đây thôi, khi bận tay nấu nướng vì người giúp việc có chuyện đột xuất xin nghỉ, tôi mới nhờ chồng giặt đồ. Kết quả, tất tần tật quần áo dơ đều nằm gọn trong máy giặt mà chưa được phân loại. Những chiếc áo trắng dính lốm đốm màu của những quần áo màu khác. Kể từ đó, tôi không dám nhờ chồng giặt đồ lần thứ hai”.
Nói mãi không được đành chấp nhận “sống chung với lũ” là thái độ chung của những người vợ có chồng vô tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, một khi vợ chồng thiếu vắng sự quan tâm, chia sẻ vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho mâu thuẫn sinh sôi và phát triển. Áp lực gia đình và công việc có thể sớm hay muộn sẽ khiến người phụ nữ ngã gục nếu không tìm thấy được sự san sẻ nào từ chồng.
ĐỒNG LÒNG ANH NHÉ?
Đâu đó ngày nay, không ít người chồng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm vợ phải đảm việc nhà, còn chuyện xã hội là trách nhiệm của cánh đàn ông. Nhưng họ lại quên (hoặc cố tình quên) rằng người phụ nữ cũng làm việc cật lực bên ngoài xã hội như đàn ông. Thêm vào đó, những việc nhà tuy không tên nhưng lại chiếm phần lớn thời gian và sức lực, khiến đôi vai phái được xem là yếu càng thêm nặng oằn. Đã không nhận được hành động san sẻ, đồng lòng chung tay của chồng, người vợ như cảm thấy bị tổn thương hơn khi nghe những câu nói vô tâm thốt ra từ miệng đức lang quân.
“Phải chi ông chồng nào cũng biết cách chia sẻ dù chỉ đơn giản là mở lời xem vợ có cần mình giúp việc gì không, hay động viên tinh thần, thì tôi nghĩ mệt nhọc đến đâu cũng tiêu tan hết”, chị Tuyết Lan, không nén nỗi một điều ước. “Tôi chỉ cần chồng phụ mình được vài việc nhà cơ bản một cách chân thành đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Vợ chồng đồng lòng còn lo gì nữa, nhưng đằng này…”, là lời thổ lộ của chị Thanh Kiều.
Nhiều người phụ nữ quan niệm, chồng con là hậu phương vững chắc để giúp họ vượt qua mọi trở ngại trong công việc lẫn cuộc sống gia đình. Thế nhưng, sự vô tâm ở các quý ông có sưởi ấm được nỗi trống vắng, u uất trong tâm hồn của những người phụ nữ khi cùng chung sống dưới một mái nhà?
BÍ QUYẾT “LÔI KÉO” CHỒNGKhông ít phụ nữ có suy nghĩ rằng việc nhà, chăm nom con cái là của phụ nữ. Và thật sự sai lầm, khi chính chị em phụ nữ vì có quan điểm này nên cứ ôm đồm hết mọi thứ, chồng đi làm về chỉ việc “ngồi chơi xơi nước”. Thứ nhất, người vợ đã vô tình tạo cho chồng thói quen ỷ lại, lười biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, người vợ tự biến mình thành người giúp việc trong nhà, chứ không phải vợ. Cuối cùng về lâu dài, nó ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Bởi lẽ, hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm đều được chia sẻ với nhau. Hầu hết những người chồng yêu thương vợ đều sẵn lòng làm một số việc nhà nếu được yêu cầu một cách tôn trọng, không bị phê bình, bắt lỗi và không bị giám sát. Vì thế, người vợ có thể “lôi kéo” chồng vào công việc nhà bằng cách:
|