Người ta vẫn truyền tai nhau rằng: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Thế nhưng thực tế, phụ nữ ngày nay không những phải “xây tổ ấm” mà còn phải “xây được nhà”
Cơ hội để thể hiện tài năng
Xã hội ngày càng phát triển đã góp phần đáng kể trong việc “cởi trói không gian” cho phụ nữ. Họ không còn là những chiếc bóng thầm lặng đầy cam chịu, chỉ loanh quanh bó hẹp nơi góc nhà chái bếp và thuần túy làm những công việc không tên của nội trợ, của thiên chức làm vợ làm mẹ. Sự khuyến khích và hỗ trợ của các tổ chức, sự bảo vệ của cơ quan pháp luật về những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới góp phần tiếp thêm động lực, sức mạnh cho người phụ nữ bước ra môi trường bên ngoài. Đối diện với biết bao nghi ngại của người xung quanh, họ dần vượt qua được những dè dặt, bỡ ngỡ ban đầu để tự tin khẳng định năng lực mình trong các lĩnh vực xã hội. Phụ nữ ngày nay thể hiện rõ vai trò, ghi lại được cho mình dấu ấn đậm nét trên thương trường khốc liệt cạnh tranh và kể cả trên chính trường cam go.
Thành công là nhờ “sắc đẹp”?
Hào quang nào chẳng lắm nước mắt đắng cay, thành công nào chẳng lắm gian nan chông gai. Người ta bị hào quang cuốn hút, ngưỡng mộ tài năng, ca tụng thành công của phụ nữ. Thế nhưng, bên cạnh ánh hào quang là thị phi, song hành cùng thành công là sự hoài nghi. Người ta không ngần ngại múa bút múa cọ, thêu dệt tam sao thất bản, lan tỏa những câu chuyện kiểu bí mật hậu trường về những chiêu trò bẩn nhằm giành lấy và mang về lợi ích cho mình.
Điều tiếng vô tình hay hữu ý đều đã gây ra nhiều bi kịch đến cùng quẫn quyên sinh cho số phận phụ nữ thời trước. Thời nay cũng khẳng kém cạnh thuở xưa nếu không nói ngày càng xuất hiện thêm những oan trái, éo le mới trong cộng đồng phụ nữ tham gia thương trường. Những chuyện giật gân kiểu đổi chác tiền – tình không minh bạch phía sau các thương vụ ăn nên làm ra của giới nữ doanh nhân chẳng phải chuyện hiếm, và trở thành mảng tối bao trùm lên cuộc sống người trong cuộc: Dư luận không ngớt lời bàn ra tán vào sau lưng nhân vật chính trong khi chồng con và thân nhân họ lại ngờ vực cũng như gây áp lực nặng nề. Thực tế có không ít những tổ ấm trở thành tổ lạnh từ đấy. Đành rằng cũng có những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng không vì số ít mà vô hình chung phủ nhận hoàn toàn năng lực, công sức thật sự để quy kết thành công của phái đẹp đều nhờ “thủ thuật” sắc vóc. Miệng thế gian giống như con dao hai lưỡi, vô hại nhưng cũng sắc nhọn gây chết người!
***
Người ta bị hào quang cuốn hút, ngưỡng mộ tài năng, ca tụng thành công của phụ nữ. Thế nhưng, bên cạnh ánh hào quang là thị phi, song hành cùng thành công là sự hoài nghi
***
Gánh nặng nhân đôi
Có thể nói, nam giới ngày nay đã phần nào thừa nhận, thậm chí còn thể hiện sự khâm phục trước tài năng chuyên môn của phụ nữ một cách công khai hoặc âm thầm. Tuy vậy nhưng họ lại e ngại hoặc hiếm khi có mong muốn hình mẫu ấy trở thành người bạn đời của mình. Các quý ông hiện đại vẫn hướng nhiều về người phụ nữ của gia đình hơn là người phụ nữ của công việc. Bởi đâu đó trong tiềm thức nam giới Á Đông còn in hằn tư tưởng hệ xưa cũ về vị thế bé mọn của phụ nữ. Điều đáng nói ở đây là kết hợp với tư tưởng hiện đại, một bộ phận mày râu còn bổ sung thêm những tiêu chí mới cho người vợ của mình: Cô ấy không những giỏi việc ngoài xã hội mà còn phải đảm việc gia đình. Từ một “quang” gia đình trước kia, đôi vai người phụ nữ giờ đây ra sức gồng gánh cho cả “quang” sự nghiệp.
Dù có tài giỏi trong công việc, thành công trên thương trường đến mức độ nào, quan niệm truyền thống Á Đông vẫn ngấm ngầm mặc định phụ nữ phải đảm đương và chu toàn gia đình ấm êm. Vậy nên, việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình trở thành vấn đề dễ mà khó đối với phái đẹp ngày nay. Khi mọi nỗ lực cân bằng đôi việc công – tư của phụ nữ nhận được sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành từ chính người đàn ông, thành công sự nghiệp và hạnh phúc gia đình ở mức độ nào đó hoàn toàn trở thành hiện thực trong trường hợp này. Nhưng thực tế, phái mạnh luôn muốn phụ nữ đứng phía sau thành công riêng mình, chứ được bao người chịu trở thành hậu phương cho sự nghiệp của vợ? Không có sự tương tác đồng lòng vợ chồng, vấn đề cân bằng xem chừng vô cùng nan giải. Bởi vì, dù có cố gắng, mạnh mẽ cách mấy nhưng sức một mình gánh gồng cũng đến lúc suy kiệt, đẩy không ít người phụ nữ đến sự lựa chọn đầy khó khăn: công hay tư?
Bởi thế mới nói, giá như tất cả phụ nữ đều được chính người chồng, người thân của mình đồng cam cộng khổ, san sẻ đôi quang nặng gánh ấy? Giá như họ hãy thôi ánh nhìn khắt khe, bớt đòi hỏi sự cầu toàn nơi phụ nữ đi? Phụ nữ không phải siêu nhân, dẫu sao ở một góc độ nào đó họ vẫn là phái yếu cần được đấng râu mày chở che trong cõi ta bà này!
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: