Mọi người thường nói: “Hôn nhân là nấm mồ chôn vùi tình yêu”. Nhưng tại sao thế? Bạn cần nằm lòng 14 vấn đề hôn nhân phổ biến này trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân nhé!
Hôn nhân không phải đích đến mà là một cuộc hành trình. Và trên con đường hai cá thể riêng lẻ “bỗng nhiên” về sống cùng một nhà đó, có những lúc lãng mạn ấm nồng, nhưng cũng có những khi trục trặc phiền não. Các nhà nghiên cứu đã đơn giản hóa 14 vấn đề hôn nhân các cặp đôi thường gặp nhất trong hôn nhân cho dù cuối cùng họ đi đến ly hôn hay đã cùng nhau vượt qua. Những tưởng đây là những vấn đề ai cũng biết, nhưng nếu không xem đó là nghiêm túc, dường như vợ chồng nào cũng gặp phải. Hãy xem đó là những vấn đề hôn nhân nào nhé!
1. Phân chia việc nhà
Người Việt thường có quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Thực tế chỉ ra, dù vợ chồng đều có công việc toàn thời gian thì người vợ vẫn phải phụ trách thêm cả việc nhà như dọn dẹp, nấu ăn, chăm sóc con cái, cha mẹ. Trong khi đó, những ông chồng đi làm về thì hội họp bạn bè hay nằm dài xem tivi chứ ít khi để ý đỡ đần vợ. Tình trạng phân chia nhiệm vụ không đồng đều trong gia đình dễ khiến phụ nữ cảm thấy quá tải và ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân.
2. Quan điểm tài chính
Từng có câu nói rằng: “Nếu có tiền, bạn có thể mua được một ngôi nhà nhưng không thể mua được một tổ ấm”. Tranh cãi về tiền bạc và cách tiêu tiền là một trong những vấn đề phổ biến nhất của hôn nhân. Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng việc thiếu thốn tiền bạc có thể phá hủy hạnh phúc. Thử tưởng tượng, cuộc hôn nhân giữa một người có lối sống tiết kiệm và một người theo chủ nghĩa tiêu xài, hay giữa người chồng muốn đầu tư sinh lời, chấp nhận rủi ro còn người vợ lại thích tích lũy, sống chậm mà chắc sẽ có nhiều bất đồng đến thế nào.
3. Cách nuôi dạy con
Vấn đề con cái có thể gây ra căng thẳng cho nhiều cặp vợ chồng. Khác biệt trong kế hoạch có con hay quan điểm nuôi dạy, thưởng phạt con cái có thể khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Và dù cha mẹ có yêu thương đàn con thơ của mình đến thế nào thì cũng khó tránh khỏi những áp lực khi chúng quấy khóc, kén ăn hay thậm chí là nổi loạn tuổi dậy thì.
4. Cá tính khác biệt
Bạn nên yêu một người giống mình để thấu hiểu hay trái ngược để bổ khuyết? Đây là câu hỏi có rất nhiều tranh luận và câu trả lời của các cặp đôi cũng muôn màu muôn vẻ. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khác biệt tính cách có thể khiến hôn nhân đi vào ngõ cụt. Phong giao tiếp xã hội hay giải quyết vấn đề giữa hai vợ chồng sẽ trái ngược nhau khi một người hướng nội (introvert) và người kia hướng ngoại (extrovert). Người hướng ngoại sẽ chán nản vì rủ mãi mà nửa kia không chịu ra ngoài cùng mình. Còn người hướng nội sẽ cảm thấy bị bỏ rơi vì lúc nào bạn đời cũng thích đi chơi cùng chiến hữu hơn là ở nhà xem phim.
5. Khác biệt trong giao tiếp
Trong hôn nhân, khó tránh khỏi những vấn đề hôn nhân liên quan đến bất đồng quan điểm. Lúc này, nếu hai người có phong cách giao tiếp, tranh luận khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự hạnh phúc và lành mạnh của mối quan hệ. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự khác biệt của môi trường và quá trình trưởng thành của mỗi người. Một người được sinh trưởng trong gia đình thường xuyên la hét, cãi vã, trong khi người kia lại được dạy rằng nên quản trị cảm xúc và im lặng khi tức giận sẽ dễ nảy sinh những hiểu lầm khi sống cùng nhau.
6. Ngôn ngữ tình yêu khác nhau
Điều tồi tệ nhất không phải là đơn độc mà là ở bên người khác nhưng vẫn cảm thấy mình đơn độc. Tiến sĩ Gary Chapman đã viết một cuốn sách mang tên “Năm ngôn ngữ tình yêu”. Trong đó, ông định nghĩa năm cách khác nhau mà mọi người trao và nhận tình yêu bao gồm: hành động chăm sóc, những cái chạm, dành thời gian cho nhau, tặng quà và những lời nói mang tính chất khẳng định tình cảm.
Vậy nếu vợ thích được chồng tặng quà để cảm thấy mình luôn được yêu thương, trân trọng, nhưng chồng lại thích quan tâm bằng các hành động như nấu ăn, sửa xe hay đưa đón thì sao? Hai vợ chồng có ngôn ngữ tình yêu khác nhau rất dễ dẫn đến việc họ cảm thấy không được đối phương yêu thương đúng cách. Điều này sẽ góp phần làm nảy sinh các vấn đề và gia tăng khoảng cách cho mối quan hệ.
7. Không hòa hợp chuyện phòng the
Chúng ta mong muốn nửa kia của mình hòa hợp không chỉ trong các vấn đề hôn nhân nói chung mà còn trong cả chuyện “yêu”. Mỗi người có nhu cầu âu yếm khác nhau, cả về cách thức lẫn tần suất. Một số người có nhu cầu cao trong chuyện giường chiếu nhưng nửa kia lại không cùng mong muốn hoặc không thể đáp ứng những quan điểm khác biệt trong chuyện tế nhị này. Không hòa hợp về chuyện “yêu” là một trong những lý do gây mâu thuẫn cho các cặp vợ chồng và còn có thể dẫn đến ly hôn.
8. Ghen tuông và phản bội
Không có gì cao quý và đáng kính trọng hơn lòng chung thủy. Nhiều người thường cảm thấy bất an trong chính mối quan hệ của mình. Dù nửa kia có lừa dối hay không thì trong mối quan hệ vẫn tồn tại sự ghen tuông. Nhiều người nói, ghen tuông giống như gia vị của tình yêu, quá nhiều hay quá ít đều không tốt.
Hơn nữa ngày nay, sự phản bội không chỉ giới hạn ở thể xác mà còn tồn tại “ngoại tình tư tưởng” hay “ngoại tình công nghệ”. Smartphone và các ứng dụng hẹn hò đang khiến cho chuyện ngoại tình dễ dàng thực hiện và che giấu hơn bao giờ hết.
9. Sự nhàm chán
Lúc mới yêu, mới cưới, mọi viễn cảnh hôn nhân đều tươi đẹp, thú vị. Nó khiến cho hai người lâng lâng trong hạnh phúc, dù làm gì hay thậm chí là không làm gì cũng thấy đối phương thật đáng yêu. Nhưng theo thời gian, cảm giác mới mẻ và say đắm ban đầu dần phai nhạt. Và khi điều đó xảy ra, các cặp đôi không biết cách giữ lửa, hâm nóng, làm mới mối quan hệ thường xuyên sẽ dễ nảy sinh cảm giác nhàm chán khi ở bên nhau.
10. Bất bình đẳng về quyền lực
Quyền lực trong hôn nhân có nhiều dạng, từ quyền lực về tài chính đến quyền lực trong chuyện nuôi dạy con cái. Nếu vợ hoặc chồng kiếm được nhiều tiền hơn người kia hay một người đi làm và một người nội trợ thì cán cân quyền lực trong gia đình sẽ mất cân bằng. Theo thời gian, điều này có thể gây ra áp lực cho bên yếu thế hơn và ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của các cặp đôi.
11. Sự lạm dụng
Khi nói đến lạm dụng, mọi người thường nghĩ đến lạm dụng thân thể đầu tiên. Tuy nhiên trên thực tế, lạm dụng có nhiều dạng. Bạo lực vô hình hay lạm dụng về tinh thần, cảm xúc cũng gây ra tác động tiêu cực đến cuộc sống con người và hủy hoại các mối quan hệ. Khi người vợ hoặc chồng không tôn trọng đối phương cả trong hành vi, lời nói có thể khiến hôn nhân tan vỡ.
12. Giá trị và niềm tin khác biệt
Có một câu hỏi minh họa rõ nét cho vấn đề hôn nhân này: “Nếu một chú chim và một nàng cá yêu nhau, sau khi cưới chúng sẽ sống ra sao?” Khi hai người có thế giới quan khác biệt thì việc hiểu nhau trở nên khó khăn. Từ đó, nó dễ dẫn đến các vấn đề khác trong hôn nhân. Ví dụ khi một người theo đạo Phật kết hôn với người theo Công giáo thì niềm tin, hệ giá trị lẫn sinh hoạt tôn giáo trong cuộc sống thường nhật không thể tránh khỏi nhiều khác biệt. Hay như ở Mỹ, người chồng theo đảng Cộng Hòa và người vợ ủng hộ đảng Dân chủ cũng dễ nảy sinh tranh luận căng thẳng.
13. Cố gắng thay đổi đối phương
Người ta vẫn thường nói vui là, một người đàn ông kết hôn với một người phụ nữ thường hy vọng cô ấy không bao giờ thay đổi, nhưng một người phụ nữ kết hôn với một người đàn ông lại nghĩ rằng cô ấy có thể thay đổi được anh ta. Rõ ràng là không ai hoàn hảo, sẽ luôn có điều gì đó ở đối phương khiến bạn khó chịu. Nhưng thường chúng ta không chấp nhận điều này mà mãi cố gắng thay đổi nửa kia theo cách của mình. Và điều này tạo ra áp lực vô hình cho mối quan hệ của hai người.
Nhưng thay đổi một con người là việc rất khó. Vì con người ta thường chỉ thay đổi sau những biến cố. Dù là cha mẹ hay vợ chồng, bạn cũng khó thay đổi người kia theo đúng ý mình. Vì vậy, hãy học cách chấp nhận nhau và yêu lấy cả những điều không hoàn hảo ở đối phương. Nếu không, cả hai sẽ chỉ làm khổ nhau với những lời ca thán, cằn nhằn không hồi kết.
14. Kỳ vọng không thực tế
Ai cũng có “bức tranh lý tưởng” về hôn nhân cho riêng mình. Thế là chúng ta sẽ có những kỳ vọng về cách nửa kia hành động để cùng ta hoàn thiện bức tranh nhiệm màu đó. Bạn nghĩ sau khi kết hôn, đối phương sẽ luôn nhớ ngày kỷ niệm của hai người? Bạn kỳ vọng nửa kia sẽ nấu những bữa ăn ngon như mẹ bạn vẫn làm suốt 30 năm? Nhưng guồng quay công việc, cuộc sống và khác biệt trong tính cách, quan điểm sẽ khiến cho những điều này trở thành xa xỉ. Đặt kỳ vọng quá cao vào bạn đời sẽ dễ khiến bạn bực bội, thất vọng hay thậm chí dẫn đến cãi vã, ly hôn. Vì thế, hãy cần thực tế đúng lúc, lãng mạn đúng chỗ nhé!
Đã có nhiều câu chuyện ly hôn nổi tiếng, như vợ chồng tỷ phú Bill Gates và Melinda Gates ly hôn sau 27 năm do khác biệt không thể hàn gắn, hay tại Việt Nam là cuộc ly hôn nghìn tỷ của nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên bởi tồn tại nhiều xung đột. Nhưng vẫn có những cuộc hôn nhân bền chặt hàng thập kỷ như của nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep và nhà điêu khắc Don Gummer hay hôn nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người vợ hơn ông 24 tuổi. Không phải ai cũng có một cuộc hôn nhân hoàn hảo theo định nghĩa thường thức, kể cả những người đang vô cùng hạnh phúc. Sự hạnh phúc trong hôn nhân đó là một lựa chọn, họ đã lựa chọn nỗ lực vì cuộc sống hạnh phúc của nhau. Các vấn đề hôn nhân tồn tại như điều hiển nhiên của cuộc sống này, nhưng nếu cả hai đủ yêu thương, đủ cam kết, đủ chân thành và đủ cố gắng, mọi vấn đề rồi sẽ được giải quyết và con thuyền hạnh phúc của họ sẽ “vững tay chèo”.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Hình ảnh: Unsplash, Pixabay
Có thể bạn quan tâm: