LUNG LAY GIÁ TRỊ THÀNH TÍN - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

LUNG LAY GIÁ TRỊ THÀNH TÍN

Có một nghịch lý đang diễn ra mạnh mẽ ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là kinh tế thị trường càng hiện đại, công nghệ kỹ thuật càng tiến bộ, đời sống vật chất lẫn tinh thần càng được cải thiện không ngừng, thì dường như giá trị truyền thống càng “phát triển ngược”, bị rẻ rúng xem thường hay thậm chí một số dần mất đi, nhất là sự thành tín.

Niềm tin là đòn bẩy

Không nói đâu xa, chỉ cần mở cửa ra đường hay dạo một vòng báo mạng là đầy rẫy, nào dối trên lừa dưới, nào trộm cắp cướp của, nào mưu sát lọc lừa… mà không chỉ có phần “dân đầu đường xó chợ”, nó đã la liếm đến cả những người được xem là tri thức thành đạt hiện nay. Con người không còn xem trọng đạo đức, các hiện tượng xã hội kỳ quặc có cơ hội cựa mình trỗi dậy, những hành vi tiêu cực mất kiểm soát tăng dần. Tất cả bởi vì chúng ta đã phá hủy sự tin tưởng giữa con người với nhau.

Từ Á Đông đến Tây phương ngàn đời nay, một trong những đức tính tốt đẹp vẫn được xem trọng là thành tín chân thật. Nhân sinh trải qua bao nhiêu gian truân hay suôn sẻ, nhưng một khi đã chọn hành xử thành tín xuất phát từ cái tâm, người ta có thể mất đi vật chất cái lợi trước mắt nhưng lại có được cái tình, niềm tin vào sự thành thực, một cách lâu bền. Và đó là điều không để được cân đo hay mua bán bằng tiền.

Nhà cách mạng lỗi lạc V.I. Lenin từng nói: “Quyết định thành công trong việc lãnh đạo quần chúng không phải bởi sức mạnh của quyền hành mà ở sức mạnh của uy tín…”. Một danh tướng Pháp cũng có câu nói bất hủ: “Tất cả đều mất, trừ danh dự” (Tout est perdu sauf l ‘honneur). Cuộc sống dù thác ghềnh trăm khúc, cuộc sống ta còn đáng sống khi danh dự ta còn. Trọng danh dự là trọng thành tín, là người sẽ được bạn bè tín nhiệm, có tâm hồn đại độ để đặt niềm tin vào người khác. Phong cách sống đó chính là chìa khóa giúp phục hồi niềm tin, canh tân và mang đến an bình cho con người, cho xã hội.

Niềm tin, xét ở khía cạnh tâm lý đạo đức còn là chiếc đòn bẩy, là điểm tựa vững chắc bật tung con người lên khỏi những hố sâu nghi ngờ hay mặc cảm tội lỗi, thất bại. Nó có một sức mạnh phi thường, chi phối hoàn toàn suy nghĩ và tư duy của con người. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Albert Ellis, chạm đến niềm tin là chạm vào một bức tường đá, chạm vào sức đối kháng không thể khuất phục. Ngược lại, một người khi đã mất niềm tin ở bản thân và người khác, như mắc kẹt trong đầm lầy, càng rối trí quẫy đạp càng bị lún sâu vào mặc cảm tự ti và tiêu cực. Chính điều đó theo thời gian sẽ dẫn đến hành động chán ghét, bất cần, hận đời hay thậm chí tự “kết án” mình bằng mọi cách.

Nhân tốt – nhà thịnh – nước cường

Vì sao sự thành tín lại có giá trị lớn trong một xã hội như thế? Thành tín, hiểu đơn giản là thành thật và trung tín. Trong cuộc sống đời thường cũng như thương trường kinh doanh, Tín chính là lòng tin giữa người này với người kia, công ty này với công ty kia, quốc gia này với qua gia kia. Và niềm tin, uy tín không phải ngẫu nhiên mà có, nó xuất phát từ những lời nói, lời hứa, nói được làm được dù khó hơn hái sao trên trời, đã cam kết là sống chết phải thực hiện bằng được. Từ việc lớn đến nhỏ nhất đều tuân thủ và có trách nhiệm đến cùng, vì “một lần thất tín là vạn lần bất tin”. Tất cả tạo nên những nhân cách đáng sống, tạo nên nhân hiệu và thương hiệu giá trị cho con người, cho tập thể hay doanh nghiệp. Tiền bạc vật chất mất đi có thể lấy lại, nhưng chữ tín mất đi rất khó vãn hồi. Có lòng tin là có tất cả. Và đó cũng chính là chìa khóa mở cửa thành công cho bất kỳ ai.

Như tỉ phú châu Á Lý Gia Thành từng nói: “Thất tín chính là phá sản lớn nhất của đời người”. Xin được dẫn lời chia sẻ thêm, ông nói “điều khó nhất chính là vay tiền”. Người cho bạn vay tiền khi bạn gặp khó khăn, không phải vì người ta lắm tiền, mà vì người ta muốn giúp-bạn-một-tay. Thứ người ta cho bạn vay, không phải là tiền, mà là Lòng tin, sự khích lệ, sự tin tưởng, là đánh cược vào con-người-bạn-ngày-mai. Người ta gặp được nhau trong kiếp này gọi là duyên phận, nhưng sống được bền lâu với nhau phải dựa trên chân thành và tín nghĩa. Trở thành loại người như thế nào, là do sự sâu sắc trong suy nghĩ của mỗi người.

Ca dao Việt Nam cũng có câu này đấy thôi: “Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Chữ Tín, có trong mọi mặt đời sống xã hội, từ gia đình ra xã hội, từ văn hóa, giáo dục, khoa học đến nghệ thuật, kinh doanh… Vì mục đích lợi nhuận, hư danh, nhiều người sẵn sàng làm ra những sản phẩm dịch vụ kém chất lượng, lừa đảo mọi người khiến xã hội ngày càng thoái hóa, biến chất.

Trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc chỉ khi các thành viên có được niềm tin trọn vẹn, không nghi kỵ bất an về nhau, đó chính là nền tảng cho những mối quan hệ lâu bền nhất. Thử hỏi nếu vợ nghi ngờ chồng, cha nghi ngờ con, anh nghi ngờ em rồi chỉ mất thời gian theo dõi, tra hỏi căn vặn nhau mà quên mất công việc, quên mất những quan tâm chăm sóc, những lời yêu thương… thì còn sống với nhau để làm gì.

Trong kinh doanh, hành động tham lợi nhỏ dẫn đến hậu quả mất lớn, sự bội tín và thiếu trung thực làm mất lòng tin với khách hàng và với chính bản thân mình, gây ra những nguy hiểm khó lường, rút ngắn tuổi thọ, thậm chí “khai tử” một số doanh nghiệp bất chính. Nhưng xã hội vẫn có những điểm sáng, có thể thấy chỉ doanh nghiệp tại các nước có truyền thống văn hóa kinh doanh lâu đời, có ý thức trách nhiệm, chân thành với người tiêu dùng và cả với chính bản thân như hãng dược phẩm khổng lồ Merck (thiệt hại 5 tỷ USD), Lốp xe Firestone (thiệt hại 4 tỷ USD) và gần đây là Toyota (thiệt hại 3,1 tỷ USD)… với hành động thu hồi hàng ngàn sản phẩm lỗi, điều này không hề dễ dàng chút nào.

Không chỉ là lời hứa với bạn bè, đồng nghiệp, người thân, đối tác, bản thân mỗi người cũng cần tuân thủ các luật lệ hay đơn giản chỉ là những lời hứa với chính mình mà không biện hộ bằng bất cứ lý do nào. Một con người, một gia đình, một doanh nghiệp, một đất nước nếu không lấy sự thành tín chân thật làm kim chỉ nam định hướng, một xã hội không xem trọng giá trị của niềm tin thì khó nói đến khả năng năng phát triển bền vững.

Tín trong quan niệm từ cổ chí kim

  • Tín đứng sau cùng trong luân lý Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) nhưng đóng vai trò quan trọng vì hỗ trợ cho bốn đức trên. Một khi mất niềm tin, chắc chắn không thành tựu được gì.
  • Khổng Tử nói: “Tự cổ giai hữu tử dân vô tín bất lập” (Lương thực, binh lính có thể bỏ được chứ dân mà mất niềm tin thì nước không thể đứng vững).
  • Ở Nhật Bản, Tín là một trong những đạo đức cơ bản được giáo dục từ nhỏ. Họ thậm chí coi trọng chữ Tín đến mức đôi khi trở thành cuồng tín như tinh thần hi sinh quên mình của võ sĩ đạo.
  • Việt Nam, danh nhân Nguyễn Trãi viết: “Tín giả quốc chi bảo” (tác phẩm Quân trung từ mệnh tập) nghĩa là Tín được xem như bảo vật quý hiếm của quốc gia.
  • “Giữ chữ tín hơn giữ vàng” là triết lý kinh doanh của ông Vũ Minh Châu, thương hiệu vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.
  • Doanh nhân nổi tiếng người Đức Robert Bosch – hiện là tập đoàn toàn cầu với hơn 300.000 nhân viên, doanh số bán hàng hơn 50 tỉ euro và có cơ sở sản xuất khắp thế giới: “Tôi thà mất tiền còn hơn mất chữ tín”.

Tác giả: NGUYÊN VÂN

Comment